Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐỔI MỚI RA ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG THEO HƯỚNG “MỞ” VÀ “TÍCH HỢP” NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC - ThS. Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng môn Ngữ Văn THCS

 

Trong khoảng mươi năm trở lại đây, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều đổi mới trong kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhưng việc ra đề thi vẫn còn tồn tại những hạn chế và bất cập. Nhiều đề thi cuối học kì, thi chuyển cấp... vẫn chưa đánh giá một cách chính xác năng lực (NL) (đặc biệt là NL tư duy, sáng tạo) của học sinh (HS).

Xuất phát từ thực trạng trên,  bài viết phân tích nhu cầu đổi mới cách ra đề thi môn Ngữ văn ở trường phổ thông, từ đó gợi ý  một số cách thức đổi mới việc ra đề thi theo hướng phát triển NL người học.

 

1. Cần đổi mới cách ra đề thi môn Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực người học

Trong một bài phỏng vấn nói về cách thức dạy và học môn Ngữ văn hiện nay ở trường phổ thông, GS. Phan Trọng Luận có nêu ý kiến, đại ý rằng: "Một trong những hạn chế của đề thi văn hiện nay là chủ yếu nhắm đến khâu tái hiện kiến thức theo kiểu "nhớ lại" chứ không chú ý đến vận dụng kiến thức của HS". Các đề thi chủ yếu chỉ tập trung vào một số chủ điểm quen thuộc như: phân tích, chứng minh, bình giảng, bình luận và trở đi trở lại là những bài thơ, đoạn trích quen thuộc" (1).

Thực tế cho thấy, phương pháp ra đề thi kiểu truyền thống từ trước đến nay khó tạo điều kiện cho HS phát huy tính độc lập suy nghĩ, chủ động sáng tạo khi làm bài, không phân loại được NL HS mà chỉ dừng lại ở những nội dung kiểm tra HS về kiến thức. Mặt khác, cách thức ra đề như vậy còn tạo ra hệ lụy là HS làm văn theo mẫu. Có thể thấy, hiện nay trên thị trường, sách văn mẫu dưới dạng tham khảo được bày bán tự do và ngập tràn mà không bị kiểm soát, việc khai thác một bài văn mẫu cũng tương đối dễ dàng. Do đó, HS có thể sao chép các bài văn mẫu mà không mất nhiều thời gian dầu tư suy nghĩ. Từ những việc làm đó, HS đã hình thành một phương pháp học tập không đúng: học và ôn tập không xuất phát từ tác phẩm văn học, từ Sách Giáo khoa mà từ bài mẫu. 

Nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, một phần do cấu trúc chương trình Sách Giáo khoa (học như thế nào thì thường ra đề kiểu ấy); tuy nhiên phần nhiều lại thuộc về người ra đề và cách tổ chức ra đề (để đảm bảo không vi phạm Chuẩn kiến thức kĩ năng, người ta thường ra đề một cách cứng nhắc theo cấu trúc đề thi quy định sẵn...). 

Cách ra đề văn theo kiểu truyền thống về cơ bản là đơn điệu, thiếu những yêu cầu sáng tạo. Chính điều đó dẫn tới việc dư luận trong xã hội không đồng tình với kiểu ra đề truyền thống như lâu nay đã ra. Nhiều ý kiến đã lên tiếng và được đăng tải trên báo chí. GS.Hoàng Như Mai đã từng nhận xét: "Cách ra đề các kỳ thi văn của chúng ta hiện nay còn khá thô cứng, những nhân vật và vấn đề cũng như yêu cầu đặt ra trong đề thi thường trùng lặp nhau khá nhiều. Một mảnh đất dù tốt đến đâu cày xới mãi rồi cũng khô cằn. Cứ một vấn đề, một tác giả mà trở đi trở lại mãi nhưng không đổi mới cách tiếp cận thì làm sao mà mang đến cho người đọc sự rung cảm mới mẻ, tinh tế được. Ra đề thi phải khơi dậy những suy nghĩ riêng, đồng thời phải rèn luyện cho học sinh óc phê phán, nhìn vấn đề trên nhiều mặt. Cần tránh kiểu ra đề "suôn sẻ", dạng "thỏa hiệp" một chiều" (2).

Thế giới hiện nay đang chuyển biến từng ngày nên con người cần có nhiều kĩ năng mới phù hợp với cuộc sống, do đó, dạy học (DH) nói chung, DH và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn nói riêng cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều đổi mới về cách thức ra đề thi văn, bắt đầu từ SGK cấp THCS. Chẳng hạn, từ Sách Giáo khoa Ngữ Văn 6 và Ngữ Văn 7 đã ra đề theo hướng "mở" (ví dụ: Em hãy làm sáng tỏ vấn đề sau”,... “Làm sáng tỏ” không có nghĩa chỉ là chứng minh, còn phải vận dụng nhiều thao tác khác).

Tuy nhiên trong thực tế, rất nhiều đề văn trong Sách Giáo khoa Ngữ văn hiện hành vẫn ghi: hãy phân tích, hãy bình luận, hãy giải thích, hãy so sánh...  Nghĩa là vẫn chưa thoát khỏi dạng đề truyền thống. Học sinh vẫn phải viết văn theo yêu cầu có sẵn. Tất yếu sự sáng tạo của học sinh sẽ bị hạn chế, nhiều năng lực cần được phát huy ở học sinh (năng lực thưởng thức văn học, năng lực sáng tạo; năng lực đọc hiểu, năng lực giải quyết vấn đề...) bị lu mờ, biến mất. Nhiều học sinh trở thành những cỗ máy thụ động đọc, chép, học thuộc rồi lại chép...

Mặt khác, môn Ngữ văn được lựa chọn để tiến hành đổi mới đầu tiên và toàn diện từ nội dung chương trình, sách giáo khoa đến phương pháp dạy – học theo hướng vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất... học sinh. Thực tế đó đòi hỏi việc kiểm tra, đánh giá cũng phải đổi mới theo hướng: đánh giá năng lực vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề, coi trọng kiểm tra đánh giá kết quả học tập với kiểm tra, đánh giá trong quá trình học tập để có tác động kịp thời nhắm nâng cao chất lượng của hoạt động dạy học và giáo dục.Có thể thấy, để chuẩn bị cho quá trình đổi mới chương trình sau năm 2015, việc dạy học và kiểm tra, đánh giá theo theo định hướng phát triển năng lực của người học là cần thiết.

2. Một số gợi ý về cách thức ra đề môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo hướng “mở” và “tích hợp” nhằm phát triển NL người học

2.1. Những năng lực cần hướng đến khi ra đề thi môn Ngữ văn ở phổ thông

DH và kiểm tra, đánh giá theo theo định hướng phát triển năng lực của người học là thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Phương pháp tiếp cận năng lực đặt người học ở vị trí trung tâm của quá trình đào tạo, nhưng người học phải chịu trách nhiệm về quá trình học tập của mình, và chính điều này làm thay đổi quan niệm về đánh giá. Theo quan điểm phát triển năng lực, việc đánh giá kết quả học tập không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức đã học làm trung tâm mà chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau. Chương trình này không chỉ hướng vào kết quả học tập (kết quả đầu ra) và tính đa dạng mà còn nhấn mạnh vào phương pháp đánh giá và kết quả học tập trong sự nỗ lực điều chỉnh hoặc đạt được của năng lực. Phương pháp dạy học theo quan điểm phát triển năng lực không chỉ chú ý tích cực hoá học sinh về hoạt động trí tuệ mà còn chú ý rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống.

DH bộ môn Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực đòi hỏi phải có một sự thay đổi đồng bộ, toàn diện các bước, các khâu của quy trình đào tạo: từ xác định mục tiêu đào tạo, hệ thống năng lực chung và đặc thù do đặc trưng bộ môn đến lựa chọn nội dung chương trình, đổi mới phương pháp dạy học và cách thức kiểm tra, đánh giá.

Chương trình dạy học hiện đại được xây dựng theo hai trục chính: tích hợp và phân hóa nhằm hướng tới hình thành và phát triển một hệ thống NL chung cho HS: NL tư duy, năng lực giao tiếp, năng lực sáng tạo, tự chủ, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm, NL xã hội, NLnhân… Bên cạnh những NL chung ấy, môn Ngữ văn còn hướng tới phát triển cho học sinh những NL cụ thể, chuyên biệt: như: NL đọc - hiểu văn bản văn học,  NL tiếp cận, phân tích, cảm nhận, đánh giá trong quá trình tiếp nhận và NL tạo lập văn bản theo những phương thức biểu đạt, những thao tác nghị luận phù hợp; trên cơ sở đó phát triển toàn diện, đồng thời cả bốn kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết cho HS.

2.2. Một vài gợi ý và dẫn chứng minh họa việc ra đề thi môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo hướng “mở” và “tích hợp”.

Để có một đề thi đạt chất lượng, bao quát được chương trình, phù hợp trình độ, đánh giá được năng lựchọc sinh…không phải là việc dễ dàng. Sau đây, chúng tôiđề xuất một số biện pháp, cách thức ra đề tự luận đối với các phân môn thuộc môn Ngữ văn theo hướng đánh giá NL HS.

2.2.1. Việc ra đề và xây dựng hướng dẫn chấm đối với kiểu đề nghị luận (nghị luận văn học và nghị luận xã hội). Kiểu đề này hướng đến việc kiểm tra NL viết của học sinh.

Về đề thi, loại bỏ các kiểu đề nhằm kiểm tra kiến thức người học theo kiểu “học thuộc”, “nhắc lại”,ra đề theo hướng mở và tích hợp (trong môn và liên môn). Đề mở chấp nhận nhiều cách trả lời, thậm chí có những câu trả lời đối ngược nhau miễn là người học bộc lộ được nhận thức và lập luận lôgic trong quá trình đi đến câu trả lời. Trong quá trình làm bài, học sinhcần vận dụng các kiến thức, kĩ năng của các phân môn Tiếng Việt, Làm văn, Văn học cũng như kiến thức liên môn (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân...) để giải quyết vấn đề mà đề bài nêu ra. Đề thi cũng cần tạo điều kiện cho người học phát biểu những suy nghĩ riêng, sáng tạo và vận dụng những kiến thức đã học vào việc giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống của mình. 

Đề thi lớp 7, 8

VD 1: Theo em  những lời kêu gọi đầy nhiệt huyết trong Hịch tướng sĩ (Ngữ văn 8, tập 2. Nxb Giáo dục, 2010) của Trần Quốc Tuấn có còn mang tính thời sự và phù hợp thời đại ngày nay hay không? Vì sao? Hãy viết bài văn khoảng 600 từ cho biết quan điểm của em.

VD 2: Anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 30 dòng) cho biết suy nghĩ của mình về hình ảnh chiếc lá cuối cùng trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Mĩ O. Hen-ry (Sách Ngữ văn 8, tập 1, Nxb Giáo dục, HN, 2007, tr. 86 - 88).

Đề thi lớp 9 (Thi cuối kì, tốt nghiệp hoặc thi vào THPT)

VD 3: Từ việc cảm nhận tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp trong các thi phẩm “Con cò” (Chế Lan Viên) và “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” (Nguyễn Khoa Điềm), anh/chị có suy nghĩ gì về tình mẹ trong cuộc đời mỗi con người.

VD 4: Từ việc cảm nhận những câu ca dao:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước thì thương nhau cùng

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 800 từ) nói lên suy nghĩ của mình về tình yêu thương và sự sẻ chia.

VD 5: Tóm tắt đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), thành một văn bản nhỏ dài không quá 200 từ.  Cảm nhận về vẻ đẹp của tình phụ-tử trong truyện ngắn. Từ câu chuyện, anh (chị) rút ra cho mình bài học gì?

Đề thi lớp 12 (Thi cuối kì, thi tốt nghiệp)

VD 6: Giáo sư Ngô Bảo Châu quan niệm:“Cách tốt nhất để nuôi dưỡng niềm tin chính là đặt nó vào những dự định cụ thể và có ý nghĩa”.

Anh chị có suy nghĩ gì về ý kiến trên.

            VD 7: Đọc mẩu chuyện sau:

 “ một con kiến đang tha chiếc lá trên lưng. Chiếc lá lớn hơn con kiến gấp nhiều lần. Đang bò, kiến gặp phải một vết nứt khá lớn trên nền xi măng. Nó dừng lại giây lát, đặt chiếc lá ngang qua vết nứt, rồi vượt qua bằng cách bò lên trên chiếc lá. Đến bờ bên kia con kiến lại tiếp tục tha chiếc lá và tiếp tục cuộc hành trình”.

                                                       (Theo Hạt giống tâm hồn 5 - Ý nghĩa cuộc sống)                           

Bằng một bài văn ngắn, hãy trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa mẩu chuyện trên.

VD 8: Cảm nhận của anh (chị) về cái tài và cái tâm của Nguyễn Tuân thể hiện qua hai kiệt tác của hai chặng đường sáng tạo: truyện ngắn Chữ người tử tù và tùy bút Người lái đò Sông Đà

VD 9Về hình tượng sông Hương trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường (sách Ngữ văn 12), có ý kiến cho rằng: Vẻ đẹp nổi bật của sông Hương là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: Vẻ đẹp bề sâu của sông Hương là những trầm tích văn hóa, lịch sử.

Bằng cảm nhận về hình tượng sông Hương, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.

Những ví dụ các dạng đề mở và tích hợp (kiến thức liên môn, kiến thức xã hội) trên đây đòi hỏi học sinh phải phát huynăng lực phân tích và giải quyết vấn đề, năng lực cảm nhận và đọc hiểu văn chương, năng lực sáng tạo và khả năng bao quát các vấn đề của đời sống... trong qua trình làm bài.

Có thể thấy, việc ra đề mở và tích hợp sẽ giúp giáo viên phân loại học sinh dễ dàng, các em cũng không cảm thấy gò bó khi phải học thuộc theo ý thầy cô mà tự mình tìm tòi, sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề. Đề mở và tích hợp không kiểm tra kiến thức học thuộc đơn thuần nên sẽ tránh được tình trạng mở tài liệu, buộc học sinh phải đọc, phải suy nghĩ.Các dạng đề tích hợp kiến thức cũng giúp sinh viên phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu, năng lực tích lũy kiến thức.

Với các đề mở và tích hợp như trên, hướng dẫn chấm không nên áp đặt nội dung trả lời một cách quá chi tiết, cụ thể mà nên nêu các phương án mà người học có thể trình bày, phân tích được sự hợp lí của các phương án đó; đồng thời, nêu được những yêu cầu về kĩ năng làm bài của học sinh, khuyến khích các em sử dụng nhiều kĩ năng, thao tác khác nhau trong giải quyết vấn đề.

Khuyến khích học sinh nêu những suy nghĩ, quan điểm riêng của mình, chấp nhận nhiều cách hiểu và giải quyết vấn đề khác nhau miễn là tư tưởng của người viết không đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức và pháp luật mà xã hội đã quy định; khuyến khích học sinh vận dụng được những điều đã học vào giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra một cách có sức thuyết phục, hợp lí, tự nhiên, phù hợp với trình độ của các em.

Trên đây tôi đã bàn tới việc ra đề nghị luận (tích hợp kiến thức văn học, kiến thức các môn khoa học khác và kiến thức xã hội), dưới đây chúng tôi xin được bàn tới việc ra đề kiểm tra, đánh giá kiến thức Tiếng Việt và Đọc - hiểu văn bản.

2.2.2. Với việc kiểm tra kiến thức Tiếng Việt, việc ra đề cần chú trọng phát huy NL của học sinh trong quá trình vận dụng vốn tri thức ngôn ngữ được học vào thực tiễn học tập và giao tiếp hàng ngày. Chính vì vậy, điều khó nhất khi ra đề Tiếng Việt là việc lựa chọn các ngữ liệu. Những ngữ liệu ấy vừa phải mang tính thời sự, mang tính giáo dục, mà vẫn đảm bảo tính thẩm mĩ và nghệ thuật. Đề Tiếng Việt cũng cần đảm bảo tính tích hợp, tức là trong đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức ngôn ngữ mà còn kiểm tra cả kiến thức Văn, Làm văn và sự hiểu biết về đời sống, xã hội.

VD 1: Viết đoạn văn có sử dụng các phép liên kết để phân tích những cảm xúc của nhà thơ trong đoạn thơ sau:

“Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim”

    (Viễn Phương – Viếng lăng Bác, SGK Ngữ văn 9, tập 1, Nxb Giáo dục, 2008)

VD2: Hãy viết một truyện ngắn mini với hai nhân vật là giọt nước trong vắt đọng trên lá non và vũng nước đục ngầu dưới gốc cây.

Các đề thi này thể hiện rõ tính tích hợp giữa Tiếng Việt- Văn và Làm văn. Đề này không chỉ kiểm tra kiến thức văn bản và làm văn nghị luận, văn kể truyện sáng tạo của học sinh mà còn kiểm tra - đánh giá được năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực viết và cảm thụ văn học, năng lực phân tích vấn đề, năng lực vận dụng sáng tạo tri thức của học sinh.

VD 3: Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ có nhiều người nhầm lẫn giữa từ đồng âm và từ nhiều nghĩa vì chúng đều có hình thức âm thanh giống nhau. Bằng những ví dụ cụ thể, anh/chị hãy giúp phân biệt hai loại từ này.

Đề này có vừa kiểm tra kiến thức, vừa đánh giá được năng lực vận dụng kiến thức ấy vào trong đời sống và học tập củahọc sinh.

VD 3: Đọc đoạn thơ dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

Ôi kì lạ và thiêng liêng - Bếp lửa!”

               (Bếp lửa – Bằng Việt, SGK Ngữ văn 9, tập 1, Nxb Giáo dục, 2008, tr.144)

a. Xác định từ đơn, từ ghép, từ láy trong đoạn thơ trên

b. Phát hiện và phân tích giá trị của các biện pháp tu từ được sử dụng trongđoạn thơ.

c. Lấy chủ đề “Bếp lửa”, hãy viết đoạn văn từ 8 - 10 câu trong đó có sử dụng câu ghép đẳng lập và các quan hệ từ.

Đề này tích hợp kiến thức từ vựng, ngữ pháp, phong cách. Đồng thời cũng đòi hỏi học sinh phải hiểu, cảm nhận được đoạn thơ (kiến thức văn học) và biết cách liên hệ hình ảnh bếp lửa trong thơ với bếp lửa ngoài đời, phát hiện được ý nghĩa thiêng liêng của hình ảnh này trong cuộc đời mỗi người (kiến thức thực tế)...

Để có những đề thi vừa đánh giá được năng lực đọc -hiểu, vừa kiểm tra được việc vận dụng kiến thức tiếng Việt của học sinh, chúng tôi gợi ý một số giải pháp sau: 

Thứ nhất, kiểm tra kiến thức về tiếng Việt với yêu cầu phát hiện những sai sót về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic... VD: Cho một đoạn văn có nhiều sai sót và yêu cầu học sinh phát hiện những lỗi đó; Yêu cầu tóm tắt ý chính của một đoạn văn bản cho trước, có thể là Văn học, Sử, Địa, Khoa học tự nhiên...; Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn thơ/văn cho sẵn...

Thứ hai, các văn bản được lựa chọn làm ngữ liệu ra đề cho phần đọc – hiểu là những văn bản nằm ngoài chương trình học, vì nếu lựa một văn bản nằm trong chương trình (các em đã được tìm hiểu trên lớp trước đó) sẽ dẫn đến việc đánh giá năng lực cảm nhận tác phẩm văn chương, năng lực vận dụng sáng tạo kiến thức lí thuyết tiếng Việt, kiến thức phân tích, tổng hợp vấn đề của Làm văn không thể thực hiện hoặc thiếu tính khách quan và toàn diện.

Thứ ba, các câu hỏi phần đọc - hiểu nên tập trung vào một số khía cạnh như:

+ Nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản; hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản;

+  Hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại văn bản;

+ Một số biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong văn bản và tác dụng của chúng.

Các kiểu câu hỏi trong phần đọc hiểu:

- Đoạn văn sử dụng phương thức BIỂU ĐẠT chủ yếu nào: Miêu tả, biểu cảm, nghị luận, tự sự, thuyết minh….

- Đoạn văn sử dụng phương thức LẬP LUẬN chủ yếu nào : diễn dịch, quy nạp, songhành, tổng hợp….

- Đoạn văn sử dụng PHÉP LIÊN KẾT nào: phép thế, phép lặp, dùng từ nối

- Đoạn văn sử dụng BIỆN PHÁP TU TỪ nào: so sánh,ẩn, hoán, nhân, tượng trưng, đối lập, tương đồng….

- Đoạn văn viết với PHONG CÁCH NGÔN NGỮ: Báo chí, nghệ thuật, chính luận, khoa học, hành chính…

- Đoạn văn thuộc THỂ LOẠI VĂN HỌC nào: truyện, kí, thơ (tự do, cách luật…)

- Từ … trong đoạn văn thuộc TỪ LOẠI: tính, danh ,động ….

- Từ … trong đoạn văn có CẤU TẠO TỪ như thế nào : đơn, láy, ghép….

- Câu… trong đoạn thuộc LOẠI CÂU gì  đơn, ghép

- Đoạn văn sử dụng THAO TÁC LẬP LUẬN nào: phân tích, so sánh, bác bỏ, bình luận

- Đoạn văn sử dụng PHƯƠNG THỨC TRẦN THUẬT nào: ngôi thứ nhất (tôi), ngôi thứ 3….

Câu hỏi cũng có thể tập trung vào  một số khía cạnh như:

Nội dung chính và các thông tin quan trọng  của văn bản? Ý nghĩa của văn bản?  Đặt tên cho văn bản?

Như vậy, thay vì kiểm tra việc học thuộc lòng và nhớ các kiến thức lý thuyết như: Tu từ là gì? Thế nào là câu đúng? Thế nào là tóm tắt văn bản?...  Đề thi sẽ tập trung vào năng lực đọc - hiểu của học sinh thông qua việc vận dụng những hiểu biết về Tiếng Việt, Làm văn để giải quyết câu hỏi.

3. Kết luận

Đề thi “mở” và “tích hợp” theo hướng phát triển năng lực góp phần phá vỡ lối mòn trong tiếp cận và đọc hiểu văn bản, phá vỡ những khuôn mẫu truyền thống trong phương pháp dạy - học văn (khuôn quá trình tiếp nhận, khám phá văn bản trong trình tự các bước mà không quan tâm nhiều đến đặc điểm riêng về thể loại và phương thức biểu đạt). Đề thi “mở” và “tích hợp”với đáp án được xây dựng dựa trên hệ thống năng lực chung và năng lực đặc thù của môn học chính là đích đến của quá trình dạy học, là thước đo đánh giá phù hợp và tin cậy về chất lượng học tập môn Ngữ văn theo Chương trình, sách giáo khoa mới sau 2015 ở nhà trường phổ thông.

Cuối cùng chúng tôi xin được nhấn mạnh, dù ở bất cứ kiểu bài nào thì việc ra đề cũng cần phù hợp với trình độ nhận thức của tất cả các học sinh (tránh ra đề quá khó và quá dễ) nhưng vẫn đảm bảo tính phân loại (có những câu hỏi ở mức độ trung bình và có câu hỏi ở mức khó cho học sinh khá, giỏi). Coi trọng khâu ra đề nhưng cũng cần phải coi trọng cả việc làm hướng dẫn chấm và đáp án. Một đề thi hay, mang tính mở, tích hợp nhiều kiến thức, kĩ năng cùng với một hướng dẫn chấm khoa học, sáng rõ, đúng trọng tâm nhưng vẫn mang tính mở, đảm bảo đánh giá được đầy đủ các năng lực của người học mới thể hiện được trọn vẹn tiêu chí đổi mới.

           

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Đỗ Ngọc Thống (2012), Tài liệu chuyên Văn, tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr 12-13.
2. Hoàng Thị Mai (CB) (2009), Phương pháp dạy học văn bản nghị luận ở trường phổ thông, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr 196.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội