Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò của cha mẹ trong việc giúp trẻ 5-6 tuổi thích ứng với trường Tiểu học -Thạc sỹ: Ngô Thị Lanh - Khoa Tiểu học – Mầm non

 

1. Đặt vấn đề

            Chuyển bậc học từ Mầm non sang tiểu học có thể nói là một bước ngoặt trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ, vì đây là giai đoạn trẻ chuyển từ hoạt động vui chơi là chủ đạo sang hoạt động học tập là chủ đạo. Chính sự thay đổi đột ngột đó nếu trẻ chưa được chuẩn bị về mọi mặt từ tâm lý, nhận thức,… dẫn đến nhiều tình trạng của trẻ như sợ học, ám ảnh trường học, sợ đến trường, khủng hoảng tâm lí,…Trong khi đó có cha mẹ lại xem nhẹ sự thay đổi này, có người lại làm phức tạp hóa những thay đổi đó, vì vậy dẫn đến những hành động việc làm ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức của trẻ và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, trước khi trẻ đến trường tiểu học cha mẹ cần có sự hiểu biết đúng đắn để biết được nên chuẩn bị cho trẻ những gì, giúp trẻ tự tin, thoải mái và nhẹ nhàng khi bước sang hoạt động mới tại trường tiểu học.

2. Nội dung

2.1. Trường Tiểu học  là gì?

2.1.1. Khái niệm

            Trường tiểu học : là một cơ sở giáo dục của cấp tiểu học, là cấp học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân. Trường tiểu học có các lớp từ lớp 1 đến lớp 5 và có tư cách pháp nhân và con dấu riêng.

2.1.2. Đặc điểm trường Tiểu học

            Lớp học là một tổ chức của trường học gồm các học sinh học cùng một chương trình giáo dục hoặc nhiều chương trình giáo dục, do một giáo viên giảng dạy hoặc do nhiều giáo viên giảng dạy nhưng có sự quản lý trực tiếp của một giáo viên chủ nhiệm.

            Lớp tiểu học bao gồm các lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Tuổi của học sinh tiểu học là từ 6 đến 14 tuổi. Tuổi vào học lớp một là 6 tuổi.

            Phòng học là một địa điểm cụ thể, cấu trúc thành phòng học của trường học, nơi học sinh thường xuyên đến ngồi theo từng lớp để nghe giáo viên giảng bài, không phân biệt số ca, số lớp hay số trướng sử dụng.

            Giáo viên tiểu học là những người có trình độ, kiến thức theo quy định, làm công tác giảng dạy, giáo dục trong trường tiểu học

            Giáo viên tiểu học là những giáo viên có bằng tốt nghiệp từ trung cấp sư phạm trở lên, dạy các môn học từ lớp 1 đến lớp 5 theo chương trình của hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

            Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục tiểu học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ban hành;

            Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong cộng đồng thực hiện các hoạt động giáo dục.

            Trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được thực hiện theo quy định của Bộ Giáodục và Đào tạo.

            Học sinh được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu về các môn học, về thể dục, thể thao, nghệ thuật do nhà trường tổ chức nếu có đủ điều kiện theo quy định.

2.2. Sự cần thiết phải chuẩn bị cho trẻ bước vào tiểu học
            Hiện nay có 3 quan điểm khác nhau

            Quan điểm 1: Không cần chuẩn bị gì, cứ để trẻ phát triển tự nhiên, tất cả trẻ em cứ đến 6 tuổi là đến trường tiểu học.

            Quan điểm 2: theo hướng phức tạp hóa bước chuyển, cha mẹ lo lắng nên bắt trẻ học trước. Họ bắt trẻ đọc được, viết được trước khi bước vào tiểu học.

            Quan điểm thứ ba: Trẻ lên lớp 1 là khi trẻ có thể lực , trí tuệ, tâm lý phát triển phù hợp đầy đủ thì trẻ sẵn sàng tham gia các hoạt động học tại trường tiểu học. Đây là quan điểm được đánh giá là đúng đắn và ảnh hưởng bởi khoa học giáo dục. Tuy nhiên để trẻ có được sự vững vàng đó thì cha mẹ cần có những tác động và chuẩn bị cho trẻ bởi nhiều lí do:
            Theo các nhà tâm lý học, sự phát triển tâm lý - nhân cách là một quá trình kế thừa liên tục những thành tựu của các giai đoạn trước đó. Sự phát triển tâm lý - nhân cách ở lứa tuổi này vừa là sự kế thừa những thành tựu phát triển tâm lý - nhân cách ở lứa tuổi tiếp theo. Trẻ phát triển tốt ở giai đoạn này, sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo.
Để minh chứng cho điều này, chúng ta hãy quan sát quá trình phát triển nhận thức của trẻ em. Sự phát triển tâm vận động, sự phát triển các giác quan, khả năng định hướng và ngôn ngữ của trẻ em tuổi nhà trẻ là điều kiện quan trọng để trẻ tiếp thu lĩnh hội những biểu tượng sơ đẳng về thế giới xung quanh thông qua nhận thức cảm tính và tư duy trực quan ở lứa tuổi mẫu giáo. Và, nhờ có vốn hiểu biết phong phú về thế giới xung quanh dưới dạng những biểu tượng, nhờ có tư duy trực quan, ngôn ngữ của trẻ ở tuổi mẫu giáo phát triển, mà vào lớp một trẻ tiếp thu dễ dàng những tri thức khoa học mang tính khái quát ở trường phổ thông, và tư duy khái quát, tư duy logic phát triển...
            Chuyển từ trường mẫu giáo sang trường phổ thông, là một bước ngoặt trong đời sống của trẻ em. Bước vào trường phổ thông là bước vào một môi trường sống mới, hoạt động mới, với những quan hệ xã hội mới. Ở đây hoạt động học tập trở thành hoạt động chủ đạo, đòi hỏi trẻ phải lao động trí óc một cách nghiêm túc, căng thẳng. Nội dung và tính chất của hoạt động học tập yêu cầu trẻ em phải có những hành vi mới: sự tập trung chú ý cao trong một thời gian tương đối dài, hoạt động thần kinh căng thẳng hơn với sự kiên trì và nỗ lực ý chí cao, sự linh hoạt mềm dẻo trong tư duy, tính khái quát, tính logic trong tư duy là yếu tố quan trọng...
            Khi học tập ở trường phổ thông, một loạt quan hệ xã hội cần được thay đổi: quan hệ giữa trẻ với người lớn được thay thế bằng quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa trẻ với trẻ trong trường mẫu giáo là quan hệ bạn bè cùng chơi nay chuyển sang quan hệ bạn bè cùng học. Hơn thế nữa, ở trong trường mẫu giáo, các em đang là lớp đàn anh, thì khi vào lớp một các em thành lớp em út của trường Tiểu học...
            Vậy, việc cho trẻ làm quen với hoạt động học tập, với quan hệ xã hội ở trường phổ thông, hay trong quá trình học tập ở trường Mẫu giáo là cần thiết.

            Chuẩn bị bước vào lớp một, tâm lý trẻ dễ bị xáo trộn, đây cũng là lúc trẻ bước vào một giai đoạn mới của sự ích kỷ. Trẻ không muốn chia sẻ, hiếu thắng luôn mong muốn mình phải làm tốt, làm đúng mọi việc, luôn đặt mình là trung tâm, trẻ cũng hay hờn dỗi nếu bị chê trách. Trẻ rất nhạy cảm, hay tủi thân nếu cha mẹ không chú ý... Ở lứa tuổi này có thể được coi là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần chuẩn bị trước về mặt tâm lý cho trẻ tránh cho trẻ khỏi "sốc" khi vào tiểu học.
            Nhiều trẻ em, nhất là những trẻ không có điều kiện đến trường mẫu giáo, do không được chuẩn bị một cách chu đáo các điều kiện cần thiết cho hoạt động học tập, nên khi bước vào lớp một gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khó thích ứng với cuộc sống và hoạt động ở trường phổ thông. Những trẻ em này thường nhút nhát, sợ thầy, sợ cô và sợ cả bạn bè, khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập, trong việc hoàn thành những nhiệm vụ chung của tập thể, và trong việc thiết lập các mối quan hệ xã hội với người lớn, bạn bè.
            Thậm chí đối với những trẻ bị chuẩn bị quá mức các kiến thức, cũng vấp phải một tai hại to lớn: Khởi đầu chán nản, do giáo viên dạy gì cũng biết, khiến các em không tập trung, phương pháp dạy của cô cũng lệch so với các hệ thống bé đã được học ngoài. Những em này thành quậy phá, không nghe lời cô, coi thường bạn bè... Thường các em khó hòa mình vào cuộc sống của tập thể. Điều này không chỉ mang lại những vất vả cho giáo viên lớp một, nỗi khổ tâm cho các bậc cha mẹ, mà còn mang lại nhiều hậu quả bất lợi cho các em trong suốt quá trình học tập ở trường phổ thông.

            Chính vì vậy, cha mẹ cần nhận thức đúng và chuẩn bị cho trẻ những yếu tố cần thiết, phù hợp để trẻ vững vàng, tự tin bước vào lớp 1.
2.3. Nội dung chuẩn bị

2.3.1. Chuẩn bị chế độ sinh hoạt

            Không đơn thuần là sự phát triển chiều cao, cân nặng mà là sự chuẩn bị về chất năng lực là việc bền bỉ, dẻo dai, chống lại sự mệt mỏi của thần kinh, cơ bắp, độ khéo léo của bàn tay, tính nhạy cảm của các giác quan… Để có được những điều đó cần có một chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập cho trẻ một cách khoa học và hợp lý cả về thời gian và phù hợp với đặc điểm phát triển riêng của từng trẻ.

2.3.2. Chuẩn bị về kỉ luật

            Chuyển sang bậc học tiểu học là trẻ chuyển sang một giai đoạn không được tự do trong hành vi của mình, mà cần phải theo một kỉ luật, trật tự của trường, của lớp trong một tập thể. Vì vậy, trẻ cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về ý thức kỉ luật để phù hợp trong môi trường học tập.

2.3.3. Chuẩn bị về khả năng nhận thức

            Trẻ cần nhận thức, ý thức được giai đoạn chuyển tiếp từ hoạt động chơi sang hoạt động học và từ đó biến thành động cơ học tập của chính mình.Trẻ cần có sự rèn luyện về thao tác trí tuệ, có sự hiểu biết về bản thân, gia đình, môi trường xung quanh, các biểu tượng về thời gian, không gian, có năng lực thể hiện hoạt động trí óc như biết so sánh, phân tích, tổng hợp. Hình thành những động cơ kích thích trẻ học tập, làm cho trẻ muốn học, thích đi học.

2.3.4. Chuẩn bị về kĩ năng xã hội

            Sự phát triển các kĩ năng xã hội là tiền đề quan trọng cho việc học và phát triển nhân cách cho trẻ. Chính vì vậy, trẻ cần được chuẩn bị tốt về các kĩ năng xã hội, đây là nền tảng quan trọng không chỉ giúp trẻ học tập tốt ở bậc tiểu học mà còn ở các bậc học sau, thậm chí là khi các em rời trường phổ thông ra môi trường xã hội.

2.4. Vai trò của cha mẹ trong việc chuẩn bị các nội dung cho trẻ bước vào tiểu học

            Cha mẹ cần hiểu rõ chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi của con mình. Đồng thời cũng hiểu về lịch, thời gian học, nghỉ ngơi ở trường tiểu học của trẻ. Từ đó, cha mẹ điều chỉnh lịch, thời gian cho trẻ dần phù hợp với điều kiện mới ở trường tiểu học. Bởi chế độ ăn và nghỉ ngơi của trẻ mầm non và khi trẻ lên lớp 1 là khác nhau. Để con có thể thích ứng được cha mẹ cần có thời gian chăm sóc ăn uống để con có đủ sức khỏe, sự dẻo dai về thể lực. Đồng thời, cha mẹ cũng cần sắp xếp thời gian cho con ăn, ngủ, nghỉ hợp lí khoa học và dần đưa con vào nề nếp đó.

            Bố mẹ cần gần gũi, trò chuyện với con về nề nếp học tập của tiểu học. Hãy nói với trẻ rằng những em bé lớp 1 cần phải giữ trật tự trong lớp, giơ tay xin phép thầy cô khi phát biểu hoặc ra ngoài, xếp hàng khi vào lớp, đứng lên chào cô khi vào lớp, tan lớp. Hình thành cho trẻ kỹ năng điều khiển hành vi của mình, biết điều khiển hành động cử chỉ, việc làm phù hợp với yêu cầu chung của nhà trường, tập thể lớp. Cha mẹ có thể đưa con đến trường tiểu học tham quan, quan sát những hoạt động diễn ra trong trường, trong lớp và giải thích cho con hiểu về những hành động, việc làm đó. Cha mẹ có thể mua trước một số sách vở, dụng cụ học tập lớp 1, giới thiệu cho trẻ làm quen với chúng, dạy trẻ cách thức giữ gìn những vật dụng đó. Phụ huynh nên cố gắng giới thiệu những điều tích cực, thú vị ở trường tiểu học, thay vì doạ con là trường học rất khó, không học là cô giáo phạt.

            Nếu trẻ chưa có thói quen ngồi vào bàn học trong những giờ nhất định, Xây dựng cho trẻ một góc học tập gọn gàng, đẹp mắt, phù hợp nhằm giúp trẻ thích thú đối với việc ngồi vào bàn học. Cha mẹ hãy giúp trẻ tập ngồi vào bàn theo các nguyên tắc sau:

            Trong tuần lễ đầu, mỗi buổi học chỉ dài tối đa 30 phút và có thể chia làm 2 (nghỉ giữa buổi khoảng 5 phút).

            Trong tuần lễ đầu nên xen kẽ các bài học và bài tập khả năng chú ý (dưới dạng trò chơi) mà trò chơi có thể chiếm một nửa thời gian học, để trẻ dần dần có tâm lý hứng thú với việc ngồi để học hơn.

             Khi trẻ đã có thói quen tự ý ngồi vào bàn học khi đến giờ, lúc đó mới nên gia tăng giờ học lên khoảng 1 giờ đến 1 giờ 30 (là tối đa).

             Hãy động viên, khích lệ những gì trẻ làm được, làm đúng trong giờ học, đừng chê bai, phê phán hay đánh mắng trẻ trong thời điểm này khi trẻ thất bại, khó tập trung, quên bài.

            Trẻ cần phải có sự rèn luyện về các thao tác trí tuệ, nhận thức, có sự hiểu biết vể bản thân, gia đình, môi trường xung quanh, các biểu tượng định hướng về thời gian, không gian đồng thời có kỹ năng thực hiện hoạt động trí óc như biết so sánh, phân tích, tổng hợp,….
         Trẻ cần có sự nhận thức về các sự vật, hiện tượng xung quanh như nắng, mưa, nóng, lạnh, thứ bậc trong gia đình, được thực hiện thông qua các hoạt động như: hoạt động học tập ( qua các tiết học: văn học, làm quen với môi trường xung quanh, làm quen chữ cái, làm quen với toán, hoạt động vui chơi…) Trẻ cần đạt được những yêu cầu của các môn học, hoạt động. Đó chính là hành trang và là vốn hiểu biết rất cần thiết để trẻ bước vào lớp 1 tự tin và vững vàng.

            Cha mẹ nên tổ chức cho con những trò chơi, những bài tập để kích thích sự rèn luyện về trí tuệ, biểu tượng, và đặc biệt giúp trẻ có thể tập trung tư duy trong khoảng thời gian dài.

Cũng nên trao đổi với trẻ những điều vui vẻ, thú vị sắp được học ở lớp 1 như những trò chơi dân gian, những buổi sinh hoạt sau, những giờ học vẽ, học hát… để gieo vào trẻ lòng yêu thích, khát khao được đến trường

            Cha mẹ cần trò chuyện với trẻ để hiểu được rằng mình đã lớn hơn và cần chuyển sang một môi trường học tập mới, không còn được tự do vui chơi giống như ở mầm non, mà cần có nề nếp, cần học tập để tích lũy kiến thức. Cha mẹ gieo cố gắng trò chuyện những điều thú vị ở trường học để gieo cho trẻ sự tự tin. Đặc biệt cha mẹ không nên dạy cho trẻ kiến thức trước chương trình vì sẽ làm trẻ không hứng thú với trường học sau này bởi những điều đó trẻ đã biết. Nhưng cũng không nên tạo áp lực cho trẻ rằng trẻ phải học thật tốt, thật giỏi, phải làm những điều cha mẹ mong muốn, mà hãy tạo cho con niềm tin rằng con sẽ làm tốt những điều ở trường tiểu học, và mọi thứ sẽ thật đơn giản nếu con đón nhận tất cả bằng sự thoải mái và cố gắng.                 

            Từ những kỹ năng như xúc cơm tự ăn, sắp xếp sách vở, đi giày dép, mặc đồng phục, vệ sinh cá nhân cần phải được huấn luyện trước khi vào lớp 1. Thực chất, các kỹ năng này đã được hình thành ở trường mẫu giáo. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vẫn cưng chiều con và giáo viên mẫu giáo, bảo mẫu vẫn đôi khi làm thay cho trẻ.
            Kỹ năng giao tiếp cần phải được học hỏi trong cả quá trình mẫu giáo. Đó cũng là kỹ năng mềm được rèn luyện trong cả môi trường gia đình, những mối quan hệ xung quanh. Tuy nhiên, khi vào lớp 1, trẻ cũng cần phải học hỏi nhiều hơn, vì vậy trẻ phải rèn luyện thêm kỹ năng lắng nghe khi người khác nói, trả lời khi được hỏi, đặt câu hỏi cho thầy cô, bạn bè khi thắc mắc, phát âm to rõ. 

            Biết cách ứng xử, lễ phép, kính trọng với mọi người xung quanh,nhằm chuẩn bị dần cho trẻ thích ứng với những quan hệ xã hội ở trường tiểu học

            Cha mẹ giúp trẻ chọn lựa sách, đọc sách cho trẻ nghe và trẻ có thể “đọc vẹt” sách. Ngoài ra cần chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi trẻ đặc biệt là đồ chơi chữ cái, số. Giáo dục cho trẻ ý thức về bản thân như đặt các câu hỏi để kích thích trẻ biểu lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình thông qua tranh ảnh, hình vẽ, thơ, chuyện. Khuyến khích trẻ tự tổ chức các trò chơi đặc biệt là trò chơi phân vai theo chủ đề. Giáo dục trẻ có thói quen tự phục vụ bản thân.
          Giúp trẻ tự lựa chọn và tham gia các hoạt động chơi nhằm phát triển tính tự tin, tự lực và sáng tạo của trẻ. Đồng thời thông qua đó trẻ được rèn luyện kĩ năng làm việc hợp tác. Đây là một kĩ năng đang được hết sức quan tâm tại trường tiểu học. Kĩ năng này giúp trẻ tự tin hơn, mạnh dạn và nền tảng của sự thành công sau này.
          Giáo dục trẻ ý thức chấp hành nội qui, qui định ở trường, lớp học, những nơi công cộng, chấp hành luật an toàn giao thông. Những kĩ năng biết chấp hành quy định này giúp trẻ rèn luyện được ý thức thái độ tôn trọng mọi người và mọi thứ của xã hội, nhà trường
          Giáo dục trẻ ý thức và thái độ cư xử phù hợp đối với người thân trong gia đình như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, chú, bác,…..
         Giáo dục trẻ tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, cô giáo và những người lớn khác trong trường đồng thời giúp trẻ có những biểu tượng chính xác về trường phổ thông, về các mối quan hệ giữa bạn bè, thầy cô giáo từ đó kích thích lòng mong mỏi, háo hức được đến trường học tập của trẻ. Bởi khi lên tiểu học trẻ không còn được bao bọc như khi còn học ở trường mầm non mà thay vào đó là mọi mối quan hệ tốt đẹp hay xấu là do trẻ ứng xử, cư xử, để được vui vẻ trẻ cần biết cách thiết lập mối quan với tất cả bạn bè và thầy cô. Để làm được điều này cha mẹ nên trò chuyện để trẻ biết và hiểu được khi đến trường thầy cô giáo là ai? Bạn xung quanh là ai? Và họ cần ở trẻ điều gì? Nếu được yêu mến trẻ sẽ nhận được những gì?... Đó là yếu tố để trẻ tự tin xây dựng mối quan hệ mới tại trường tiểu học.

            Bên cạnh đó, cha mẹ kể cho con nghe những câu chuyện và liên hệ những tình huống thực tế cho trẻ, đặc biệt có thể tổ chức cho con tham gia những hoạt động trải nghiệm để trẻ được hiểu và ứng xử trong thực tiễn.

3. Kết luận

            Trẻ em lứa tuổi mẫu giáo nếu được chuẩn bị chu đáo và toàn diện cả về sức khoẻ, trí tuệ và tình cảm đạo đức xã hội cùng cả tâm thế sẵn sàng vào lớp một sẽ giúp trẻ tự tin, dễ dàng thích ứng với môi trường mới và hoạt động học tập ở lớp một. Điều đó tạo cho trẻ nhiều thuận lợi trong việc tiếp thu lĩnh hội chương trình học tập ở lớp một và dễ dàng hơn trong giao tiếp và thiết lập mối quan hệ với bạn bè với thầy cô và mọi người xung quanh. Ngược lại, nếu không được chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết cho hoạt động học tập, nhất là các em không được đến trường mầm non, khi vào lớp một gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Trẻ sơ thầy, sợ cô, sợ cả bạn bè, trẻ nhút nhát khi giao tiếp với thầy cô, với bạn bè, trẻ khó hoà mình vào tập thể thậm chí khủng hoảng sợ đi học... điều đó gây bất lợi cho các chặng đường phát triển tiếp theo. Thực tiễn nghiên cứu cho thấy trên 95% số trẻ 5 tuổi được chuẩn bị chu đáo, hợp lí trước khi vào trường phổ thông đều có khả năng học tập tốt và thích ứng nhanh với những yêu cầu của lớp một. Xã hội càng phát triển, nội dung và yêu cầu học tập của học sinh ngày càng cao và căng thẳng hơn. Cho nên việc chuẩn bị toàn diện cho trẻ vào lớp một là một vấn đề rất cấp bách.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Khắc Chương chủ biên(2013), Nguyễn Thị, Văn hóa ứng xử trong gia đình. NXB trẻ.

2. NguyễnThịHòa (2009),Giáotrìnhgiáodụchọcmầmnon,NXBĐạihọcSưPhm Hà Nội

3. Lê Khanh (2013), Khởi đầu thành công khi con vào lớp 1, NXB Phụ nữ.

4. Nguyễn thị bích Thủy, Nguyễn Thị Anh Thư (2005), Giáo trình tâm lí học trẻ em lứa tuổi mầm non (dùng trong các trường trung học chuyên nghiệp), NXB Hà Nội.

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội