Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TÍCH HỢP GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, KĨ NĂNG SỐNG TRONG DẠY HỌC PHẦN PHÁP LUẬT CHO HSSV TRƯỜNG CĐSP BẮC NINH- Thsy Nguyễn Thị Huệ - Khoa LLCT-TLGD

 

 

Tóm tắt. Trong nhà trường hiện nay, việc giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên được thực hiện chủ yếu thông qua môn pháp luật. Dưới sự giảng dạy của giáo viên, học sinh, sinh viên sẽ nắm được những kiến thức cơ bản về pháp luật, hiểu và thực hiện pháp luật. Không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức, giáo viên cần tích hợp giáo dục đạo đức, kĩ năng sống với giáo dục pháp luật giúp các em hình thành được chuẩn năng lực hành vi và kĩ năng xử lý tình huống trong thực tiễn.

Bài viết này trình bày về: Dạy học tích hợp, hình thức dạy học tích hợp, những phạm trù đạo đức và kĩ năng sống được tích hợp trong dạy học pháp luật, một số phương pháp dạy học tích hợp được áp dụng khi dạy học phần pháp luật

 

I. Đặt vấn đề

Đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo tinh thần NQ 29 – NĐ/TƯ thì dạy học tích hợp là một xu thế được Việt Nam áp dụng. Dạy học tích hợp xuất phát từ yêu cầu của mục tiêu dạy học phát triển năng lực học sinh, đòi hỏi phải tăng cường yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Thực tế xã hội hiện nay cho thấy, một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên những biểu hiện chưa tốt, trái với chuẩn mực đạo đức truyền thống; tình trạng học sinh sinh viên mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau, bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật; chạy theo lối sống thực dụng; thiếu tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, có những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, thiếu kĩ năng sống, kĩ năng nghề nghiệp. Nguyên nhân của thực trạng này do đâu? Có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất là do các em thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kĩ năng sống. Chính vì vậy, vai trò của giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho học sinh (HS), sinh viên (SV)trong nhà trường cần được quan tâm. Ở trường CĐSP Bắc Ninh các em HS, SV được học phần pháp luật, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hạn chế thực trạng trên, trong quá trình giảng dạy phần pháp luật giáo viên nên tích hợp giáo dục đạo đức, kĩ năng sống trong quá trình dạy học để giúp học sinh, sinh viên hình thành được năng lực, hành vi đúng đắn trong cuộc sống.

II. Giải quyết vấn đề

  1. Quan điểm về dạy học tích hợp

Trong quá trình nghiên cứu kinh nghiệm giáo dục thế giới, đã xuất hiện một số cách hiểu về dạy học tích hợp.

Từ góc độ lý luận dạy học, theo Nguyễn Văn Khải: “Dạy học tích hợp tạo ra các tình huống liên kết tri thức các môn học, đó là cơ hội phát triển các năng lực của học sinh. Khi xây dựng các tình huống vận dụng kiến thức, học sinh sẽ phát huy được năng lực tự lực, phát triển tư duy sáng tạo” [2].

UNESCO định nghĩa về dạy học tích hợp như sau: “Một cách trình bày các khái niệm và nguyên lí khoa học cho phép diễn đạt sự thống nhất cơ bản của tư tưởng khoa học tránh nhấn quá mạnh hoặc quá sớm giữa các lĩnh vực khoa học khác nhau” (Hội nghị phối hợp chương trình của của UNESCO, Paris 1972).

Qua việc tích hợp của giáo viên (GV) trong một tiết lên lớp, HS được rèn luyện thói quen tư duy, nhận thức vấn đề một cách có hệ thống và logic. Qua đó, HS cũng thấy được mối quan hệ biện chứng giữa các đơn vị kiến thức được học trong chương trình. Mặt khác, trước những nhu cầu của xã hội hiện đại đòi hỏi cần phải hướng tới dạy học tích hợp.

2. Hình thức dạy học tích hợp giáo dục đạo đức, kĩ năng sống trong dạy học phần pháp luật

Đối với việc tích hợp giáo dục đạo đức, kĩ năng sống trong dạy học phần pháp luật cho học sinh, sinh viên trường CĐSP Bắc Ninh, giảng viên có thể sử dụng 2 hình thức tích hợp sau:

Một là,  hình thức lồng ghép: ở hình thức này một số kiến thức của môn học cũng chính là kiến thức giáo dục được đưa vào chương trình và sách giáo khoa theo các mức độ khác nhau.

+ Có thể chiếm một mục, một đoạn hay một vài câu trong bài học.

Khi dạy các bài học tích hợp ở mức độ này giáo viên cần lưu ý:

+ Nghiên cứu kỹ nội dung bài học

+ Xác định nội dung giáo dục cần tích hợp là gì?

+ Nội dung giáo dục tích hợp vào nội dung nào, hoạt động dạy học nào trong quá trình tổ chức dạy học?

+ Cần chuẩn bị thêm những đồ dùng dạy học gì?

Khi tổ chức dạy học, giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học bình thường, phù hợp với hình thức tổ chức và phương pháp dạy học của bộ môn. Trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học giáo viên giúp học sinh hiểu, cảm nhận đầy đủ và sâu sắc phần nội dung bài học liên quan đến nội dung giáo dục muốn tích hợp chính là góp phần giáo dục HS một cách tự nhiên về nhân cách, lối sống. Giáo viên lưu ý khi lồng nghép, tích hợp phải thật nhẹ nhàng, phù hợp, và phải đạt mục tiêu của bài học theo đúng yêu cầu của bộ môn.

Hai là, hình thức liên hệ: ở hình thức này các kiến thức về nội dung tích hợp không được nêu rõ trong sách giáo khoa, nhưng dựa vào kiến thức bài học, giáo viên có thể bổ sung các kiến thức bằng cách liên hệ các kiến thức muốn tích hợp vào bài giảng sao cho phù hợp.

Khi chuẩn bị bài dạy, giáo viên cần có ý thức tích hợp, chuẩn bị những vấn đề gợi mở, liên hệ nhằm giáo dục học sinh hiểu, khắc sâu hơn về kiến thức đã có.

Khi dạy học, giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học bình thường, phù hợp với hình thức tổ chức và phương pháp dạy học của bộ môn.

Trong quá trình dạy – học, giáo viên hướng dẫn học sinh liên hệ, mở rộng kiến thức về các lĩnh vực trong cuộc sống một cách hài hòa, đúng mực, tránh lan man, sa đà, gượng ép, không phù hợp với đặc trưng của môn học.

3. Những phạm trù đạo đức và kĩ năng sống được tích hợp trong quá trình giảng dạy phần pháp luật

* Những nội dung đạo đức cần được tích hợp trong dạy học phần pháp luật cho HS,SV

- Thiện, ác

- Lương tâm

- Nghĩa vụ

- Trách nhiệm

- Yêu lao động

* Những kĩ năng sống được tích hợp trong dạy học phần pháp luật cho HS,SV

- Kĩ năng tự nhận thức

- Kĩ năng kiểm soát cảm xúc

- Kĩ năng giải quyết mâu thuẫn

- Kĩ năng tư duy phê phán

- Kĩ năng giải quyết vấn đề

- Kĩ năng giao tiếp

- Kĩ năng hợp tác

4. Vận dụng một số phương pháp để dạy học tích hợp giáo dục đạo đức, kĩ năng sống trong dạy học phần pháp luật

4.1 Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình thông qua câu chuyện pháp luật

Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình thông qua câu chuyện pháp luật là phương pháp người dạy cung cấp cho học sinh những câu chuyện pháp luật có thật diễn ra trong cuộc sống thực tiễn, thông qua câu chuyện để học sinh có thái độ, ý kiến riêng của mình về câu chuyện đó. Tạo điều kiện cho các em được củng cố hành vi của bản thân phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

 Quy trình thực hiện phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình thông qua câu chuyện pháp luật

Bước 1: Chuẩn bị:

- Giáo viên chuẩn bị các câu chuyện pháp luật có nội dung phù hợp với bài học.

- Phô tô, chiếu video, in nguyên văn câu chuyện pháp luật hoặc tóm tắt lại câu chuyện cho ngắn gọn, dể hiểu, dễ đưa vào bài học.

- Giáo viên đặt câu hỏi theo cách “Cùng suy nghĩ” sau câu chuyện giúp học sinh làm căn cứ trả lời.

Bước 2: Quy trình thực hiện:

- Học sinh đọc ( hoặc xem, hoặc nghe) về trường hợp điển hình.

- Suy nghĩ về nó (có thể viết một vài suy nghĩ trước khi thảo luận điều đó với người khác).

- Thảo luận về trường hợp điển hình theo các câu hỏi hướng dẫn của giáo viên.

- Học sinh quyết định trong nhóm về phương án giải quyết.

- Các nhóm lập luận và bảo vệ quyết định của nhóm.

- Giáo viên lắng nghe, phân tích và tổng hợp các ý kiến của học sinh đã thảo luận hoặc tự tìm hiểu về nội dung câu chuyện pháp luật. Giáo viên so sánh các quyết định của nhóm với các quyết định trong thực tế, từ đó giúp học sinh nắm vững kiến thức.

* Một vài ví dụ (VD) minh họa

VD1: khi dạy phần Luật hình sự:

 - GV đưa ra câu chuyện về “ cậu SV học hai trường ĐH đi tù 7 năm”

Một thanh niên chăm chỉ, giàu nghị lực, đang theo học 2 trường ĐH, chỉ vì cả nể bạn bè và thiếu hiểu biết về pháp luật nên đã cho 2 bạn nghiện mượn phòng hút heroin nên cậu bị kết án 7 năm tù. Người cha bàng hoàng, thẩm phán thì xót xa, thẩm phán thì day dứt và tiếc nuối.

GV đặt vấn đề: Theo anh (chị) vì sao thanh niên này phạm tội? Qua câu chuyện này anh chị rút ra bài học gì trong cuộc sống.

GV gợi ý trả lời: Thanh niên này phạm tội vì không có hiểu biết sâu sắc và đầy đủ về pháp luật, không kiên quyết ngăn cản, không mạnh dạn từ chối cho bạn mượn phòng tiêm ma túy trái phép nên đã vô tình phạm tội.

Qua trường hợp này, GV giáo dục kĩ năng giao tiếp, kĩ năng giải quyết tình huống cho SV

- GV có thể đưa ra trường hợp của “ Lê Văn Luyện giết người, cướp tiệm vàng ở Bắc Giang”

GV đặt vấn đề: anh(chị) có nhận xét gì về hành vi của Lê Văn Luyện? Theo anh (chị) thì tại sao Lê Văn Luyện lại đi cướp tiệm vàng?

Sau khi HS, SV trả lời. GV có thể lồng ghép giáo dục cho sinh viên về lương tâm, thiện ác và vấn đề yêu lao động, làm việc chân chính để tạo ra những đồng tiền hợp pháp.

VD2: Khi dạy phần Luật dân sự

GV có thể đưa ra câu chuyện “Vì tiền, 6 anh em chị em luôi đứa em tật nguyền ra tòa”

GV đặt vấn đề: Anh (chị) có suy nghĩ gì về hành động của 6 anh chị em trong câu chuyện trên. Qua câu chuyện này anh (chị) rút ra bài học gì trong cuộc sống.

Qua câu chuyện này GV có thể liên hệ giáo dục cho HS, SV về phạm trù nghĩa vụ, về tình cảm anh em trong gia đình, về kĩ năng tự nhận thức và kĩ năng giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống.

4.2  Phương pháp đóng vai

Đóng vai là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành, “làm thử” một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định. Học sinh sẽ đóng vai các nhân vật, thể hiện cách xử lý giải quyết tình huống trên cơ sở óc tưởng tượng và ý nghĩ sáng tạo của các em. Đây là phương pháp nhằm giúp học sinh suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách tập trung vào một sự việc cụ thể mà các em vừa thực hiện hoặc quan sát được.

Quy trình thực hiện các phương pháp đóng vai:

- Bước 1: GV nêu chủ đề, chia nhóm và giao tình huống, đưa ra yêu cầu đóng vai cho từng nhóm. Quy định rõ thời gian chuẩn bị, thời gian đóng vai của mỗi nhóm.

- Bước 2: Các nhóm thảo luận nghiên cứu tình huống, xây dựng kịch bản, chuẩn bị vai diễn và phân công đóng vai.

- Bước 3: Các nhóm lên đóng vai thể hiện cách ứng xử trong tình huống.

- Bước 4: Lớp thảo luận nhận xét, thường thì thảo luận bắt đầu về cách ứng xử của các nhân vật cụ thể hoặc tình huống trong vở diễn, nhưng sẽ mở rộng phạm vi sang thảo luận những vấn đê khái quát hơn hay những vấn đề mà vở diễn chứng minh.

- Bước 5: GV nhận xét, góp ý, kết luận và định hướng cho học sinh về cách ứng xử tích cực trong tình huống đã cho

* Một vài ví dụ minh họa

VD1: Khi dạy chương 2: Thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật, vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý

GV đưa tình huống sau: Trên đường đi học về, Hoa gặp một người lạ mặt. Họ nói với Hoa là cầm giúp họ túi đồ ( hàng cấm) và họ hứa sau khi họ quay lại lấy, họ sẽ cho hoa 200 triệu đồng. Nếu em là Hoa em sẽ xử lý tình huống này như thế nào?

GV yêu cầu các nhóm đóng vai.

Sau khi đóng vai, GV nhận xét và giáo dục học sinh về tinh nhần cảnh giác, kĩ năng ra quyết định, kĩ năng xử lý tình huống, kĩ năng giao tiếp.

VD 2: Khi dạy chương 3 : ý thức pháp luật và pháp chế XHCN

GV nêu vấn đề: Các nhóm HS, SV có thể tự chọn nội dung, chủ đề cho đội mình và đóng vai nhằm mục đích tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện pháp luật cho HS, SV trường CĐSP Bắc Ninh.

Sau khi các nhóm đóng vai xong, GV nhận xét và có thể lồng ghép giáo dục đạo đức và những kĩ năng sống cho HS, SV như kĩ năng hợp tác, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng tư duy phê phán

VD 3: Khi dạy về phần Luật phòng chống tham nhũng trong phần thảo luận. GV có thể giao nhiệm vụ như sau:

Yêu cầu các nhóm tự chọn các hành vi tham nhũng, đóng vai về hành vi tham nhũng mà mình chọn. Từ đó chỉ ra trách nhiệm của bản thân trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Qua việc đóng vai trong các tình huống của các nhóm, GV có thể lồng ghép hoặc liên hệ đến phạm trù đạo đức như lương tâm, ý thức trách nhiệm và giáo dục kĩ năng sống cho các em HS,SV.

III. Kết luận

“ Luật pháp là đạo đức tối thiểu, đạo đức là pháp luật tối đa” – Khuyết danh là câu nói nổi tiếng, nói về mối quan hệ của pháp luật và đạo đức. Giữa pháp luật và đạo đức có mối quan hệ mật thiết với nhau, vì vậy trong quá trình giảng dạy phần pháp luật giáo viên cần tích hợp những nội dung để giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho HS, SV. Bằng việc linh hoạt và kết hợp khéo léo các phương pháp dạy học, giáo viên có thể liên hệ hoặc lồng ghép những nội dung đạo đức cho các em, từ đó sẽ hình thành cho các em năng lực, hành vi theo đúng chuẩn mực của xã hội, giúp xã hội đào tạo được những công dân tốt.

Tài liệu tham khảo

  1.  Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Dự thảo Đề án xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 cấp Tiểu học (Theo Thông tư 32/2011/TT – BGDDT), Hà Nội.
  2. Bộ Giáo dục và đào tạo (2015), Tài liệu tập huấn “Dạy học tích hợp ở trường trung học cơ sở, trung học phổ thông”, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Nguồn:cdspbacninh.edu.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội