Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NÂNG CAO TÍNH THỰC TIỄN TRONG GIẢNG DẠY THỂ LOẠI TRUYỆN CỔ DÂN GIAN CHO SINH VIÊN CAO ĐẲNG SƯ PHẠM TIỂU HỌC TS. Nguyễn Thị Thắng –khoa GD TH-MN

 

 

I. Đặt vấn đề

 

Vấn đề nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy ở các trường Đại học, Cao đẳng cho đến nay không phải là mới. Nhưng việc ứng dụng nó như thế nào ở từng môn học, từng bài dạy cụ thể đối với mỗi giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy lại là điều không đơn giản. Đối với bộ môn Văn học – một bộ môn khoa học đặc thù, vốn được coi là một môn học ít có ứng dụng thực tế, chỉ thuần túy lí thuyết sáo rỗng, người đọc có thể hiểu nhiều chiều theo cách suy tưởng của riêng mình. Bởi thế, trong dân gian vẫn truyền tụng nhau câu: “văn chương tự cổ vô bằng cớ” để nói về bản chất của văn chương. Tuy nhiên, khi trực tiếp giảng dạy bộ môn Văn học cho sinh viên cao đẳng sư phạm ngành Giáo dục tiểu học, tìm hiểu thực tế phổ thông cũng như tâm sinh lí học sinh tiểu học, chúng tôi nhận thức được rằng: điều số đông công nhận chưa chắc đã hoàn toàn đúng. Có nghĩa, văn học không hề xa rời thực tế. Ngược lại, nếu biết khai thác và ứng dụng đúng mức tính thực tiễn, người giáo viên sẽ phát huy có hiệu quả chất lượng dạy và học trong mỗi giờ lên lớp của mình. Điều này đã được chúng tôi khám phá trong quá trình giảng dạy thể loại truyện cổ dân gian cho sinh viên Cao đẳng, ngành Giáo dục Tiểu học.

 

II. Nội dung

 

Trước khi đi vào vấn đề trọng tâm, có lẽ chúng ta cần hiểu thế nào là tính thực tiễn trong dạy học một bộ môn khoa học cụ thể? Đối với việc đào tạo sinh viên sư phạm tại các trường Đại học, Cao đẳng thì thực tiễn ứng dụng các kiến thức của môn học cần hiểu theo hai phạm trù. Thứ nhất, đó là thực tiễn cuộc sống hàng ngày giảng viên và sinh viên trải nghiệm. Thứ hai, đó còn là thực tiễn cuộc sống, tâm sinh lí học sinh các cấp sau này sẽ trở thành đối tượng giảng dạy trực tiếp của các em sinh viên. Theo chúng tôi, phạm trù thực tiễn thứ hai này quan trọng hơn. Bởi nó quyết định đến hiệu quả của công tác giảng dạy, quyết định đến tác dụng giáo dục trong việc hành nghề sư phạm của người thầy ở các các học phổ thông. Như vậy, đối với sinh viên ngành Giáo dục tiểu học, để có thể trở thành các thầy cô giáo có năng lực sư phạm trong tương lai, điều cần thiết không chỉ là bồi dưỡng, trau dồi các kiến thức chuyên môn mà quan trọng hơn là phải gắn các kiến thức chuyên môn ấy với thực tiễn tâm sinh lí học sinh lứa tuổi tiểu học, với thực tiễn cuộc sống hàng ngày mà các em đang nếm trải. Chỉ có như vậy thì công tác giảng dạy của người giáo viên mới thực sự có tác dụng giáo dục tích cực đối với người học, nhất là đối với học sinh tiểu học, khi các em mới chỉ quen tư duy trực quan, khám phá cuộc sống và con người bằng những gì các em nhìn thấy, nghe thấy hàng ngày.

 

Điều này được thể hiện rất rõ khi chúng tôi tìm hiểu tâm lí học sinh tiểu học trong khi các em học các truyện cổ dân gian Việt Nam. Chúng tôi đã gặp trường hợp một em học sinh tiểu học sau khi học xong truyện cổ tích Tấm Cám đã khăng khăng phản đối những điều cô giáo nói trên lớp là không đúng. Em cho rằng: trong câu chuyện này, người đáng ghét không phải là Cám, kẻ độc ác hơn tất cả chính là Tấm, vì Tấm đã giết cả em gái mình, làm mắm Cám gửi cho mụ dì ghẻ ăn thịt con, Tấm mới là người đáng lên án. Một em học sinh khác sau khi học xong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh đã phát biểu rằng: “Con ghét Sơn Tinh. Vì Sơn Tinh được Vua Hùng thiên vị, đưa ra các lễ vật chỉ có ở trên cạn (là những thứ Thủy Tinh khó có thể kiếm được) nên mới lấy được Mị Nương làm vợ. Như thế là không công bằng với Thủy Tinh”. Khi gặp những học sinh biết đưa ra những lí lẽ phản biện lời thầy cô (mới nghe thấy rằng điều các em đưa ra không phải là không có căn cứ?) như vậy, các thầy cô giáo như chúng ta sẽ phải làm gì? Chúng ta có băn khoăn về những điều mình đã nói, về nội dung bài học, về phương pháp giảng dạy của chúng ta trên lớp hay không?

 

Theo chúng tôi, đây là một hiện tượng hoàn toàn bình thường. Bởi chúng tôi đã thấy trong thực tế, không phải chỉ học sinh tiểu học mà có rất nhiều người lớn tuổi, là phụ huynh của các em cũng phát biểu như vậy. Có một nguyên nhân cơ bản là tất cả những đối tượng hiểu truyện cổ dân gian nói riêng, hay những tác phẩm văn học dân gian nói chung, theo cách hiểu của các em học sinh trên đây là do họ chưa hiểu bản chất tư duy truyện cổ, không hiểu cách tư duy, cách phản ánh hiện thực của tác phẩm văn học dân gian. Đáng buồn thay đây lại là hiện tượng phổ biến trong thực tế hiện nay. Là giáo viên, chúng ta sẽ giải quyết thực tế này ra sao trong mỗi giờ lên lớp, nhất là trong những giờ dạy các tác phẩm thuộc thể loại truyện cổ dân gian, liên quan trực tiếp đến những tác phẩm chúng ta đang bàn tại đây?

 

Để giải quyết những thắc mắc này, chúng tôi muốn bàn đến cách hiểu và chỉ ra nguyên nhân cách hiểu các câu chuyện cổ như các em học sinh trên đây đã hiểu.

 

Đầu tiên là truyện cổ tích Tấm Cám – một câu chuyện tiêu biểu cho thể loại cổ tích thần kì, mà cốt truyện Tấm Cám ta có thể bắt gặp ở rất nhiều nước khác nhau trên thế giới, không riêng ở Việt Nam. Đối với thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta, cô Tấm luôn là hình ảnh lí tưởng của một người con gái hiền lành, ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó. Thế nhưng, khi cuộc sống hiện đại hơn, cách tư duy của con người cũng thay đổi, người ta không tiếp nhận vấn đề theo cách một chiều như trước nữa Và trẻ em cũng không nhất nhất nghe theo những lời thuyết giảng của các thầy cô khi chúng có thể có cách tiếp cận vấn đề của riêng chúng. Bởi cuộc sống hiện đại, tư duy hiện đại đã bỏ xa tư duy cổ tích. Theo chúng tôi, còn có một nguyên nhân nữa là chính những người giáo viên khi lên lớp đã không nói “trúng” những điều cần nói khi dạy học thể loại truyện cổ cho các em. Các thầy cô “bắt” học sinh của mình phải hiểu và tin rằng Tấm hiền lành, ngoan ngoãn, đáng thương, còn mẹ con nhà Cám thì độc ác, đáng ghét. Nhưng thầy cô không giải thích cho học sinh vì sao ta hiểu như vậy, không tạo cơ sở để các em đặt niềm tin vào điều mình được giảng dạy. Các thầy cô của chúng ta không chỉ ra cho các em thấy đó chính là tư duy đặc thù của truyện cổ tích. Nó cũng thể hiện cách phản ánh hiện thực và cách bày tỏ mơ ước của người xưa trong các câu chuyện cổ. Nhân vật cổ tích không giống nhân vật văn học hiện đại: có tính cách, có ngôn ngữ, có tâm lí, có hành động riêng... Nhân vật cổ tích chỉ là nhân vật chức năng, là người thực hiện mơ ước của nhân dân lao động về lẽ công bằng trong cuộc sống. Cô Tấm, cô Cám, mụ dì ghẻ, ông Bụt, bà tiên... chỉ là người được dựng lên trong tác phẩm để thực hiện và làm nổi bật triết lí dân gian: “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”. Vì thế, đọc Tấm Cám (hay những câu chuyện cổ khác) đừng bao giờ nên dùng tư duy hiện đại để phán xét nhân vật độc ác hay lương thiện. Họ chỉ là công cụ để tác giả dân gian phản ánh hiện thực cuộc đời (có người tốt, có kẻ xấu) và bày tỏ mơ ước về lẽ công bằng trong xã hội mà thôi.

 

Hay như ở truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, người giáo viên cần giúp học sinh hiểu rằng: không có chuyện vua Hùng thiên vị Sơn Tinh. Bởi truyền thuyết được sáng tác nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên, các phong tục tập quán hay ca ngợi những người anh hùng có công lao đối với đất nước, với dân tộc. Vì vậy, trong truyền thuyết, cũng như nhiều loại truyện cổ khác, thường chia hệ thống nhân vật thành hai phe: một bên đại diện cho sức mạnh của con người trong công cuộc chinh phục, đấu tranh với tự nhiên, còn một bên đại diện cho các lực lượng tự nhiên, đe dọa đời sống con người. Như thế, nhân vật Thủy Tinh chính là đại diện cho các lực lượng tự nhiên, đe dọa cuộc sống con người, còn Sơn Tinh là đại diện cho sức mạnh của con người, chống trả lại các lực lượng tự nhiên để vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy, việc Hùng Vương đưa ra những lễ vật thách cưới, kén rể, tạo điều kiện để Sơn Tinh thắng Thủy Tinh là hoàn toàn hợp lôgic theo tư duy truyện cổ. Có như vậy, loài người chúng ta trải qua bao biến thiên của lịch sử, vẫn tồn tại cho đến ngày nay và vẫn luôn phải tìm cách chế ngự tự nhiên, chiến thắng thiên nhiên để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Chúng tôi tin rằng nếu tất cả các thầy cô giáo dạy tiểu học đều có ý thức dạy học hay hướng dẫn học sinh của mình hiểu như vậy thì sẽ không có những thắc mắc “thú vị” như của những em học sinh trên đây sau mỗi giờ lên lớp. Có lẽ sẽ có người thắc mắc rằng: nếu phải dạy học sinh tiểu học như vậy thì khó quá, phức tạp quá. Nhưng theo chúng tôi, đó chỉ là cách giúp học sinh hiểu hơn bản chất của một đơn vị kiến thức trong nội dung chương trình, trong một bài học. Mà đây lại là mục tiêu cơ bản của bất kì một giờ lên lớp ở bất kì một cấp học nào.

 

Điều này tất yếu đặt ra yêu cầu cho chúng ta, những nhà sư phạm đang trực tiếp góp phần đào tạo nên các giáo viên tiểu học tương lai. Khi nhận thức vấn đề này, trong mỗi giờ lên lớp với sinh viên, chúng tôi luôn đặt ra yêu cầu cụ thể đối với các em về lượng kiến thức, kĩ năng hành nghề, thái độ đối với môn học... Cụ thể, khi giảng dạy thể loại truyện cổ dân gian cho sinh viên ngành Giáo dục tiểu học, chúng tôi yêu cầu các em phải nắm được khái niệm truyện cổ dân gian, các thể loại truyện cổ dân gian và đặc trưng của từng tiểu loại về cả nội dung cũng như hình thức. Chúng tôi luôn đặt đơn vị kiến thức cung cấp cho sinh viên trong tính cần thiết đối với chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy tại các trường tiểu học sau này của các em. Chẳng hạn, nếu nắm chắc đặc trưng của từng tiểu loại truyện cổ dân gian, sinh viên sẽ nắm được bản chất của tư duy truyện cổ, cách phản ánh hiện thực của nhân dân lao động qua các câu chuyện cổ. Đó là điều tối cần thiết để các em đối mặt với những tình huống như trên mà các em rất có thể gặp phải trong khi giảng dạy ở tiểu học. Chúng tôi cũng hướng sinh viên của mình đến những tình huống thực tế như trên đã dẫn, yêu cầu các em đề xuất hướng giải quyết. Đặt nội dung kiến thức của môn học và thực tế giảng dạy của sinh viên trong tương lai sẽ khiến sinh viên thấy được ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của mình, đồng thời giúp các em biết xử lí các tình huống trong thực tế giáo dục. Và điều cốt lõi là các em sẽ tự thấy trách nhiệm trong việc tự bồi dưỡng kiến thức cho mình trong quá trình học tập tại trường để có thể trở thành những thầy cô giáo có kĩ năng nghề nghiệp trong tương lai.

 

Khi giảng dạy thể loại truyện cổ dân gian cho sinh viên chúng tôi cũng không quên hướng các em đến thế giới hiện thực trong các câu chuyện cổ, thực chất chính là một phần hiện thực cuộc đời của người dân lao động đã được phản ánh trong các câu chuyện đó. Đây là thực tiễn theo cách hiểu ở phạm trù thứ nhất mà chúng tôi đã nói ở trên. Đọc các câu chuyện cổ, sinh viên sẽ hiểu hơn nếp sống, lối suy nghĩ của nhân dân lao động, sẽ thấy cuộc sống đời thường hàng ngày các em vẫn gặp phải trên mỗi trang văn. Chẳng hạn như chuyện “mấy đời bánh đúc có xương/mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng” trong các câu chuyện cổ tích, tục thách cưới trong dân gian mà có lẽ bây giờ vẫn còn ở một số vùng quê Việt Nam, tín ngưỡng thờ thần linh hay nguồn gốc các lễ hội dân gian mà hàng năm vào đầu xuân chúng ta vẫn chứng kiến trên khắp các làng quê Việt, những thói hư tật xấu của con người được phơi bày trong các câu chuyện cười, những bài học luân lí hay cách ứng xử giữa con người với con người trong cuộc sống đời thường được phản ánh trong các câu chuyện ngụ ngôn... Khám phá hiện thực trong các câu chuyện cổ trong tính liên hệ với cuộc sống thường ngày ấy là cách người giáo viên giúp cho sinh viên của mình thấy được mối liên hệ giữa kiến thức chuyên môn với cuộc sống, với nghề nghiệp, cũng là cách kéo gần lại khoảng cách giữa văn chương với cuộc đời. Đây là điều không phải ai cũng dễ dàng làm được trong quá trình giảng dạy các tác phẩm văn chương.

 

Nhận thức được vấn đề này đòi hỏi những nhà sư phạm như chúng ta vừa phải bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, những hiểu biết thực tiễn cuộc sống vừa phải tiến hành đổi mới phương pháp dạy học sao cho phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo cũng như phù hợp với thực tế phổ thông hiện hành. Rõ ràng đây là bài toán khó mà chúng ta vẫn đang từng bước đi tìm lời giải, nhưng không thể hoàn thiện trong một sớm một chiều.

 

III. Kết luận

 

Như vậy, vấn đề nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy ở các trường Đại học, Cao đẳng luôn là việc làm cần thiết và nhất thiết phải được tiến hành thường xuyên. Nó giúp bản thân người dạy luôn phải tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức đời sống thực tế, đồng thời phải luôn có ý thức đổi mới trong phương pháp dạy học làm sao đem lại kết quả giáo dục tích cực nhất đối với người học. Đó là đôi điều trao đổi của chúng tôi sau khi giảng dạy thể loại truyện cổ dân gian cho sinh viên sư phạm Tiểu học.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội