Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MỘT SỐ BIỆN PHÁP SỬ DỤNG PHIM HOẠT HÌNH TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ LỚP 4 - Th.s. Phan Thị Hiền

 

 

I. Đặt vấn đề

 

            Đồ dùng trực quan trong dạy học Lịch sử ở trường Tiểu học rất đa dạng và phong phú, mỗi loại có những nội dung và ý nghĩa khác nhau. Việc sử dụng phim hoạt hình không giống như sử dụng tranh ảnh, bản đồ hay niên biểu lịch sử. Cách sử dụng phim hoạt hình làm sao cho đạt được hiệu quả cao nhất là vấn đề quan trọng góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử hiện nay. Sau đây là một số biện pháp sử dụng phim hoạt hình nhằm nâng cao hiệu dạy học Lịch sử lớp 4.

 

II. Nội dung

 

          1. Sử dụng phim hoạt hình để dẫn dắt HS tìm hiểu bài học mới

 

          Biện pháp này nhằm giúp HS nhận thức về quá khứ lịch sử qua những hình ảnh cụ thể, sinh động và rút ra được những nội dung khái quát. Để thực hiện biện pháp này, GV cần dựa vào mối quan hệ giữa các sự kiện để chọn phim hoạt hình vừa kiểm tra kiến thức cũ, vừa kết hợp tạo tình huống có vấn đề và đưa ra bài tập nhận thức cho HS. Qua đó, vừa tiết kiệm được thời gian của tiết học, vừa thu hút sự chú ý, kích thích hoạt động trí tuệ và sự hứng thú của HS đối với vấn đề cần nghiên cứu, đồng thời định hướng cho HS những nội dung chính của bài học mới.

 

Trình tự được tiến hành như sau: Trước tiên, GV giới thiệu cho HS về nội dung phim một cách khái quát và đưa ra câu hỏi hoặc bài tập nhằm định hướng nội dung học tập cho HS; Tiếp đó GV cho HS xem phim; Sau khi xem xong phim GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi hoặc hoàn thành bài tập cho trước.

 

Ví dụ, khi dạy bài 15 "Nước Đại Việt cuối thời Trần", GV cho HS theo dõi tập phim hoạt hình “Xã hội Đại Việt cuối thời Trần”. Trước khi xem phim, GV đặt ra yêu cầu HS theo dõi đoạn phim và trả lời câu hỏi: Tập phim trên nói về sự kiện nào? Sự kiện đó có ảnh hưởng gì đến xã hội Đại Việt? Tại sao nhà Trần sụp đổ? Triều đại khác lên thay là triều đại nào? Ai là người đứng đầu?Tiếp đến GV cho HS xem tập phim trong khoảng 4 phút. Sau khi HS xem xong và trả lời câu hỏi, GV nhận xét đồng thời đặt vấn đề và nêu bài tập nhận thức để HS vào bài mới: “Tập phim trên nói về sự suy yếu của nhà Trần, nội bộ nhà Trần lục đục, quan lại trong triều đình tranh giành quyền lực, xã hội rối ren, tệ nạn xã hội tràn lan, nhân dân mất lòng tin vào vua quan nhà Trần... nhân cơ hội đó, Hồ Quý Ly đã câu kết với một số quan lại tìm cách lật đổ nhà Trần. Vậy nhà Trần bị sụp đổ như thế nào? Triều đại mới do Hồ Quý Ly đứng đầu ra sao?..” Đó là nội dung chính của bài 15 "Nước Đại Việt cuối thời Trần", mà cô trò ta sẽ tìm hiểu trong tiết học hôm nay.

 

          2. Sử dụng phim hoạt hình để minh họa hoặc cụ thể hóa sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử

 

          Khi xem phim hoạt hình lịch sử sẽ giúp HS hình dung rõ ràng hơn về diễn biến các sự kiện lịch sử được học trong bài. Sử dụng phim hoạt hình có nội dung xúc tích, đơn giản có thể thay cho đoạn văn bản miêu tả, tường thuật bằng lời của GV để cụ thể hóa các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử đang học, nhằm tạo cho HS hình ảnh rõ ràng, cụ thể, tăng thêm tính sinh động, gây hứng thú học tập cho HS.

 

Trình tự được tiến hành như sau: Trước khi cho HS xem phim, GV cung cấp các sự kiện trong bài; Sau đó sử dụng phim hoạt hình minh họa nhằm cụ thể hóa kiến thức, tạo biểu tượng lịch sử cho HS đồng thời giúp các em ghi nhớ các sự kiện dễ dàng hơn.

 

Lưu ý, trước khi xem phim, nhất thiết GV phải đặt câu hỏi định hướng yêu cầu HS chú ý theo dõi để trả lời. Trong quá cho HS xem chiếu phim, GV có thể sử dụng các tính năng "mở, dừng, chạy” của đoạn phim kết hợp nhuần nhuyễn với lời tường thuật của GV hoặc nêu câu hỏi để cho HS suy nghĩ để tăng thêm sức thu hút của HS với sự kiện lịch sử.

 

          Ví dụ, khi dạy bài 4 “Khởi nghĩa Hai Bà Trưng” (SGK LS lớp 4), trước hết GV hướng dẫn HS tìm hiểu và cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản về cuộc khởi nghĩa, sau đó GV minh họa bằng việc cho HS xem tập phim hoạt hình “Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa”. Nhưng trước khi cho HS xem phim, GV cần đưa ra những câu hỏi định hướng yêu cầu HS chú ý theo dõi để trả lời như: Nét nổi bật về tiểu sử Hai Bà Trưng? Hai Bà Trưng xuất quân khởi nghĩa ở đâu? Trước khi xuất quân khởi nghĩa Hai Bà đã làm gì? Cuộc khởi nghĩa diến ra như thế nào?

 

Hoặc khi dạy bài 14: Cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên (SGK LS lớp 4), trước khi cho HS xem phim các tập phim liên quan đến bài học như “Quân Mông – Nguyên kéo vào nước ta và sự chuẩn bị của nhà Trần”, “Cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên”, GV đưa ra những câu hỏi định hướng yêu cầu HS chú ý theo dõi để trả lời như: Quân Mông – Nguyên kéo vào nước ta bằng cách nào?Do ai chỉ huy? Nhà Trần đã chuẩn bị để đối phó với quân Mông – Nguyên như thế nào?Ở đâu? Cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên của nhà Trần diễn ra như thế nào? Ai chỉ huy?...

 

          3. Sử dụng phim hoạt hình kết hợp với thuyết trình, gợi mở để tìm hiểu bản chất của sự kiện, hiện tượng lịch sử

 

          Sử dụng phim hoạt hình trong DHLS không phải nhằm mục đích giải trí, mà điều quan trọng là HS biết được những gì và hiểu được những gì từ các tập phim hoạt hình đã xem. Do vậy, sử dụng phim hoạt hình như một nguồn kiến thức quý báu, một phương tiện trực quan hiệu quả nhằm phát huy tính tích cực của HS, nhằm giúp HS hiểu được bản chất của sự kiện, hiện tượng lịch sử.

 

Trình tự được tiến hành như sau: Trước hết, GV cho HS xem phim kết hợp với thuyết trình hoặc đưa ra những gợi mở của GV để HS suy nghĩ tìm tòi; Sau đó tổ chức cho HS trao đổi, đàm thoại để HS tự khai thác thông tin và giải quyết các câu hỏi hay bài tập nhận thức khi xem phim và cuối cùng GV nhận xét, bổ sung.

 

          Ví dụ, khi dạy bài 9: Nhà Lí dời đô (SGK LS lớp 4), GV cho HS xem tập phim hoạt hình “Tầm nhìn của vua Lí Thái Tổ về việc dời đô”. Thông qua việc kết hợp giữa xem phim với giải thích của GV, toàn bộ khung cảnh vua Lí Thái Tổ đi thị sát xem tình hình nhân dân xã tắc như thế sẽ hiện ra cụ thể và sinh động. Bên cạnh đó, trong quá trình cho HS xem phim, GV đưa ra những câu hỏi phát vấn, tiến hành trao đổi, đàm thoại với cả lớp như: Vua Lí Thái Tổ đã làm gì khi thấy nhân dân khổ cực? Vua Lí Thái Tổ đã làm gì để giữ yên đất nước? Sau chuyến thị sát Lí Thái Tổ nhận thấy Hoa Lư như thế nào và ông đã làm gì?

 

          4. Sử dụng phim hoạt hình để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh

 

          Sử dụng phim hoạt hình là một phương tiện hiệu quả để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS. Biện pháp này sẽ giúp cho HS nắm vững kiến thức, rèn luyện kĩ năng quan sát, miêu tả, tường thuật, phân tích các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử, rèn cho các em có thói quen tư duy độc lập, tích cực, chủ động và sáng tạo. Điều đặc biệt là biện pháp này không những giúp cho GV kiểm tra được một, hai HS mà còn đồng thời thu hút sự chú ý của cả lớp vào quá trình kiểm tra, tiết kiệm được thời gian, qua đó củng cố kiến thức cho cả lớp. Biện pháp này thường được thực hiện trong việc kiểm tra bài cũ, củng cố bài học và trong dạy học các bài ôn tập, sơ kết, tổng kết của chương trình môn Lịch sử.

 

Trình tự được tiến hành như sau: GV cho HS xem phim, sau đó yêu cầu các em tóm tắt hoặc khái quát lại nội dung kiến thức đã học và cuối cùng GV nhận xét, bổ sung.

 

          Biện pháp này có một số cách thực hiện như:

 

          - Sử dụng đoạn phim hoạt hình để kiểm tra kiến thức cũ

 

          Ví dụ, để kiểm tra kiến thức đã học của HS ở bài 17: Nhà Hậu Lê và việc tổ chức quản lí đất nước (SGK LS lớp 4), GV có thể trình chiếu lại các tập phim hoạt hình như “Vua Lê Thái Tổ tổ chức cai trị đất nước”, “Vua Lê Thái Tổ xây dựng và tổ chức quân đội” mà GV đã sử dụng ở tiết học trước, sau đó yêu cầu HS khái quát lại những việc làm của vua Lê về kinh tế, xã hội, quân đội. Qua đó, không những kiểm tra được về nội dung kiến thức các em đã học mà GV còn rèn luyện cho các em kĩ năng khái quát, kĩ năng thuyết trình theo dòng lịch sử trước đám đông. Nhờ vậy, kỹ năng mềm của HS cũng được bồi đắp và rèn luyện.

 

          - Sử dụng phim hoạt hình để đưa ra đáp án cho câu hỏi kiểm tra

 

          Ví dụ, để kiểm tra việc nắm kiến thức của HS ở bài 5 "Chiến thắng Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo" (SGK LS lớp 4), GV nêu câu hỏi: Trận chiến Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo diễn ra vào thời gian nào? Ở đâu? Em hãy nêu kế sách đánh giặc của Ngô Quyền? Kết quả ý nghĩa của chiến thắng đó? Sau khi HS trả lời xong, GV trình chiếu đoạn phim tư liệu để đánh giá kết quả việc nắm kiến thức của HS.

 

          - Sử dụng phim hoạt hình để kiểm tra hoạt động nhận thức của HS ở các bài ôn tập

 

          Với phương pháp này, cách tốt nhất để phát huy tối đa sự tích cực, chủ động của HS, tăng thêm sự hứng thú của HS, tạo không khí sôi nổi vào cuối tiết học, GV nên thiết kế thành các dạng trò chơi lịch sử như: "Nhận diện lịch sử", "Chân dung lịch sử"...trên phần mềm Microsoft PowerPoint kết hợp với phim hoạt hình để xây dựng một giờ học mang tính "mở", tạo cho HS tâm thế thoải mái "học mà chơi, chơi mà học". Với mỗi trò chơi, GV nên xây dựng khoảng 6 đến 10 câu hỏi hoặc nhiều hơn tùy theo thời lượng của tiết học...

 

          Ví dụ, khi dạy bài 6 "Ôn tập", GV có thể ôn tập bằng cách sử dụng các tập phim hoạt hình lịch sử kết hợp với những câu hỏi tạo nên trò chơi "Chân dung lịch sử":

 

          Câu hỏi số 1: GV cho HS xem phim hoạt hình “Tổ chức nhà nước Văn Lang” và đặt câu hỏi: Đây là sơ đồ bộ máy nhà nước dưới thời nào?

 

          Đáp án: Sơ đồ bộ máy nhà nước thời vua Hùng

 

          Câu hỏi số 2: GV sử phim hoạt hình "Sự ra đời nhà nước Văn Lang" kết hợp với câu hỏi: Tập phim trên nói về vị vua nào?

 

          Đáp án: Vua Hùng

 

          Câu hỏi số 3: GV sử dụng phim hoạt hình "Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa" kết hợp với câu hỏi: Hai Bà Trưng xuất quân ra trận ở đâu? Năm nào?

 

          A. Hát Môn, năm 40

 

          B. Cổ Loa, năm 42

 

          C. Luy Lâu, năm 40

 

          Đáp án: A

 

          Câu hỏi số 4: GV sử dụng phim hoạt hình "Trận chiến Bạch Đằng năm 938" kết hợp với đặt câu hỏi: Ai là người lãnh đạo Trận chiến Bạch Đằng năm 938?

 

          Đáp án: Ngô Quyền

 

          Trên đây là một số đề xuất của tác giả về biện pháp sử dụng phim hoạt hình nhằm nâng cao hiệu quả trong dạy học Lịch sử lớp 4 ở Tiểu học. Tuy nhiên, dù sử dụng theo phương pháp nào thì GV cũng phải đảm bảo những nguyên tắc khi sử dụng phim hoạt hình trong dạy học lịch sử để tránh việc sử dụng phim hoạt hình chỉ mang tính chất giải trí.  

 

III. Kết luận

 

Cùng với tranh ảnh và bản đồ, lược đồ… phim hoạt hình lịch sử có vai trò rất quan trọng trong việc cụ thể hóa các nhân vật, sự kiện lịch sử, khắc phục tình trạng “hiện đại hoá” lịch sử, đồng thời phát triển được khả năng quan sát, trí tưởng tượng, tư duy của HS cũng như giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức cho HS. Hiện nay, bộ phim hoạt hình lịch sử “Hào khí ngàn năm” có khoảng 2000 tập nói về lịch sử Việt Nam đã được phát trên truyền hình VTV1, trên mạng internet tạo điều kiện thuận lợi cho GV khai thác và lựa chọn những tập phim phù hợp với nội dung bài học. Tuy nhiên, GV cũng cần lưu ý linh hoạt trong cách sử dụng và đặc biệt là phải định hướng nhiệm vụ học tập rõ ràng cho HS trước khi xem phim nếu không giờ học sẽ biến thành giờ xem phim giải trí.

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Nguyễn Anh Dũng (CB) (2011), Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí lớp 4”. Nxb Giáo dục, Hà Nội.

 

2. Nguyễn Mạnh Hưởng (2011), Hướng dẫn HS khai thác hiệu quả các đoạn phim tài liệu trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông”, Tạp chí Giáo dục, số 258, tr. 38-40.

 

3. Hoàng Thanh Tú, Nguyễn Tiến Trình (2007), “Sử dụng phim tư liệu trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông”, Tạp chí Dạy và học ngày nay, số tháng 5, tr. 30-31.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội