Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa Quan họ - sản phẩm độc đáo của vùng Kinh Bắc

Kinh Bắc - nơi khơi nguồn văn hóa Quan họ

Kinh Bắc là một trong những vùng văn hóa lâu đời và phát triển nhất của người Việt ở vùng đất phía Bắc Thăng Long, sông Hồng (chủ yếu là đất Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay). Đây là một trong những trung tâm của nền văn minh Việt cổ. Thành cổ Luy Lâu ở xã Thanh Khương (Dâu) với các di tích dinh thự, phố chợ, đền đài, chùa tháp nguy nga còn lại của trung tâm chính trị, kinh tế thương mại, trung tâm Phật giáo và Nho giáo của nước ta trong thiên niên kỷ đầu công nguyên.

Địa danh Kinh Bắc đã được nói đến từ lâu [1] với cái tên: Bắc Giang Lộ hay Kinh Bắc Lộ, Bắc Giang thừa tuyên hay Kinh Bắc thừa tuyên, Kinh Bắc trấn và Bắc Ninh (với ước muốn yên bình cho một vùng đất quan trọng phía Bắc Tổ quốc nằm xa kinh thành Huế) do vua Minh Mạng đổi tên năm 1822. Vùng đất có độ tuổi hàng nghìn năm này là nơi giao lưu của các luồng văn hóa lớn được du nhập từ Trung Hoa, Ấn Độ...; là đất hoàng tộc phát tích của nhà Lý với tám đời vua, trong đó có vị vua kiệt xuất Lý Thái Tổ với công lao khai sinh ra Quốc hiệu Đại Việt và Thủ đô Thăng Long; là quê hương của vị Trạng nguyên đầu tiên Lê Văn Thịnh khai khoa đời Lý - người trí thức mở đường khoa cử...

Vì lẽ đó, văn hóa Kinh Bắc mang nhiều nét “cung đình”, là một vùng văn hóa ít bị đứt gãy về mặt thời gian nên các yếu tố văn hóa dân gian còn lưu lại đến ngày nay ít nhiều đều được thừa hưởng nét văn hóa truyền thống “Bắc Ninh là cái nôi phát sinh của người Việt và văn hóa Việt” (2).

Kinh Bắc còn là nơi khơi nguồn văn hóa Quan họ. Nói đến Quan họ là nói đến nền văn hoá tổng thể hợp thành từ nhiều yếu tố văn hóa hóa nghệ thuật dân gian trong một quá trình lịch sử lâu dài, có nhiều tầng, nhiều lớp trong một chỉnh thể văn hóa; gắn bó với văn hóa, văn minh làng xã, thu hút và biểu hiện những ước mơ; tập hợp và hành động chung cho những nguyện vọng, những khao khát của con người xứ Bắc từ nhiều đời đối với quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của con người trên bình diện văn hóa - xã hội.

Nền văn hóa quan họ là do các lối chơi quan họ của cộng đồng xây dựng nên, luôn luôn được cộng đồng sàng lọc trong dòng chảy lịch sử. Việc khôi phục và bảo tồn những tinh hoa nhất, bản sắc độc đáo, đậm đà nhất trong nền văn hóa quan họ là phải khôi phục và bảo tồn kho tàng bài bản của quan họ, cách hát và kỹ thuật hát quan họ (quan họ cổ) và cuối cùng là lối chơi quan họ.

Làng Viêm Xá (làng Diềm), huyện Yên Phong có đền thờ vua Bà. Truyền rằng, Vua Bà chính là người đã sáng tác ra các làn điệu dân ca quan họ đầy tình tứ và quyến rũ. Nét đặc trưng, độc đáo nhất của làng Diềm chính là “nghề chơi” quan họ với nghệ thuật và phong cách hát quan họ vừa cổ xưa, vừa độc đáo, vừa phong phú, điêu luyện. Trong số 49 làng Quan họ, làng Diềm còn duy trì được đội quan họ đông tới hàng trăm người, đủ các thế hệ liền anh liền chị. Từng bọn Quan họ, mỗi nhóm liền anh, liền chị khi gặp gỡ có thể cất giọng hát tuỳ theo nhu cầu, tâm trạng cảm xúc. Việc truyền dạy hát quan họ được quan tâm ngay trong gia đình, không phụ thuộc, hay chờ đợi việc tổ chức lớp học.

Chính “cái nôi” văn hóa này là nơi sản sinh ra văn hóa Quan họ với những làn điệu dân ca quan họ trữ tình, đằm thắm; hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa mang tính chất dân gian, nhưng lại nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi người chơi am tường tiêu chuẩn, tuân theo lề luật. Điều này đã cắt nghĩa cho nhu cầu "chơi quan họ" vốn chỉ tồn tại nguyên nghĩa tại 49 làng Quan họ gốc - những làng thuộc các vùng quê được gọi là địa linh nhân kiệt.

Văn hóa Quan họ là một di sản văn hóa quý giá không của riêng vùng Kinh Bắc biểu hiện những quan niệm đẹp đẽ, trong sáng, chất phác của người dân lao động sống trên mảnh đất Kinh Bắc xưa và nay. Tất cả hợp lại mảnh đất tốt để dân ca quan họ, hay nói rộng hơn là những sinh hoạt văn hóa Quan họ ra đời và phát triển.

Văn hoá Quan họ là tổng thể hợp thành từ nhiều yếu tố văn hóa hóa nghệ thuật dân gian

Dân ca quan họ: Từ xa xưa dân ca quan họ đã là món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người dân Kinh Bắc. Đây là những làn điệu dân ca đặc sắc của vùng  đồng bằng Bắc Bộ- thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Đến nay, có ít nhất 300 bài (giai điệu) quan họ đã được ký âm (ghi âm bằng ký hiệu âm nhạc trên giấy), gồm những đoạn thơ, bài thơ chủ yếu là thể lục bá do các nghệ nhân quan họ truyền thống bàn giao cho các nhà sưu tầm lưu giữ cho đến hôm nay. Các bài quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá. Ngày nay, dân ca quan họ đã phát triển và hoàn chỉnh cả về phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức trình diễn. Các làn điệu quan họ ngày càng phong phú và có phong cách riêng.

Người vùng Kinh Bắc, từ già đến trẻ ai cũng hát được một vài làn điệu quan họ. Người chơi quan họ sành điệu không chỉ hát hay, hát được nhiều làn điệu mà phải hát được nhiều bài lời cổ. Người Kinh Bắc hát dân ca quan họ, chơi quan họ không những trong dịp lễ hội mà cả trong khi lao động, trong các đám giỗ chạp... Mỗi khi lễ hội mùa xuân, các làn điệu quan họ với những câu hát trữ tình làm say đắm lòng người quan họ và khách thập phương ngân lên trong không gian văn hoá quan họ. Quá trình hình thành lời ca, làn điệu quan họ gắn liền với quá trình phát triển của đời sống xã hội nhằm nâng cao và tôn vinh các mối quan hệ cộng đồng và giao lưu văn hóa. Cũng vì lẽ đó, sinh hoạt quan họ thường gắn liền với những sinh hoạt hội hè, ca hát, giao lưu; gắn với đời sống tình cảm, tinh thần của người lao động biết hưởng tới cái đẹp. Dân ca quan họ mang nhiều nét độc đáo, được chia thành những loại sau:

Quan họ truyền thống

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ, vùng Kinh Bắc có tất cả 49 làng duy trì được lối chơi văn hóa Quan họ (44 làng ở Bắc Ninh, 5 làng ở Bắc Giang) với hàng ngàn bài hát lời cổ mộc mạc, dân dã mang nét đẹp riêng vừa thiêng liêng, vừa cổ xưa mà rất Việt Nam. Kho băng ghi âm quan họ cổ do các nghệ nhân ở các làng quan họ hát hiện vẫn được lưu giữ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh.

Quan họ truyền thống hát không nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ. "Chơi quan họ" truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức (thưởng thức “cái tình” của bạn hát). Các làn điệu quan họ cổ tiêu biểu: La rằng, Đường bạn Kim Loan, Cây gạo, Giã bạn, Hừ la, La hời, Tình tang, Cái ả, Lên núi, Xuống sông, Cái hờn, Gió mát trăng thanh, Tứ quý... vẫn được các liền anh, liền chị "chơi quan họ" ưa thích và hát đến ngày nay.

Quan họ mới

Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ" là hình thức biểu diễn (hát) quan họ chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng, như: Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch...Từ sau năm 1954, quan họ được khai thác làn điệu, đặt lời mới thành ra ca cảnh diễn trên sâu khấu. Thực tế, quan họ mới được trình diễn vào bất kỳ ngày nào trong năm. Các băng đĩa CD, DVD về quan họ ngày nay đều là hình thức quan họ biểu diễn trên sân khấu.

Quan họ mới luôn có khán thính giả, người hát trao đổi tình cảm với khán thính giả không còn là tình cảm giữa bạn hát với nhau. Quan họ mới không còn nằm ở không gian làng xã mà đã vươn ra nhiều nơi, đến với thính giả trong nước và các quốc gia trên trên thế giới.

Quan họ mới có hình thức biểu diễn phong phú hơn quan họ truyền thống, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa... Quan họ mới cải biên các bài bản truyền thống theo hai cách: không có ý thức và có ý thức [3]. Dù ít hay nhiều nhưng hình thức hát quan họ có nhạc đệm được coi là cách cải biên không có ý thức. Đa số các bài quan họ mới thuộc dạng cải biên. Cải biên có ý thức là những bài bản đã cải biên cả nhạc và lời của bài bản quan họ truyền thống. Hát quan họ với lời mới được nhiều người yêu thích tới mức loại cải biên không nhiều ấy đã bị tưởng nhầm là quan họ truyền thống (ví dụ bài "Người ở đừng về" do Xuân Tứ cải biên từ làn điệu "Chuông vàng gác cửa tam quan"; bài "Sông Cầu nước chảy lơ thơ" do Mai Khanh soạn lời mới từ làn điệu truyền thống "Nhất quế nhị lan"…)…

Quan họ mới được ưa thích hơn quan họ truyền thống không phải do không gian và những sinh hoạt theo lề lối cổ của quan họ không còn, mà một phần là do hoạt động "hát quan họ" ngày nay thường được gắn với chính quyền, nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá quan họ trên diện rộng.

Hình thức hát đối đáp:

Nét đặc trưng của quan họ chính là ở hình thức hát đối đáp giữa một bên liền anh và một bên liền chị trong không gian văn hoá Quan họ. Theo tài liệu cổ, hát trên đồi, sau chùa, ở nhà, mỗi nơi có lối hát khác nhau, có không khí khác nhau và gieo vào lòng người xem những cách cảm nhận khác nhau. Hát trên đồi là lối hát thoải mái, không cần lề lối, đôi khi rất tình cờ. Nam che ô, nữ cầm nón quai thao che nửa mặt, vừa giữ ý tứ, vừa để âm thanh khi hát trở nên ấm hơn, vang hơn. Vừa hát, người quan họ vừa mời nhau và mời khách những miếng trầu têm hình cánh phượng. Ở đó, lời ca, câu hát được sáng tạo một cách tài tình, đầy cảm xúc, làm say đắm lòng người, thấm đượm giá trị nhân văn. Những làn điệu “Trên rừng ba mươi sáu thứ chim”, “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Ngũ cung”, “Hoa thơm bướm lượn”, “Con nhện giăng mùng”… ngân lên trong khung cảnh đậm chất Quan họ ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật.

Những thành tố của không gian hoạt văn hóa quan họ như hình thức sinh hoạt, diễn xướng, cách thức tổ chức và giao lưu, lối sử dụng từ ngữ đối nhau về nghĩa và thanh điệu trong sinh hoạt văn hóa đối đáp dân gian.

Tục rủ bạn, kết bạn

Muốn đi hát Quan họ phải có bọn: bọn nam hoặc nữ. Có nhiều nơi do liền anh, liền chị nhớn Quan họ đứng ra rủ bạn. Cũng có nơi do lòng yêu thích ca hát Quan họ (còn gọi là chơi Quan họ), những chàng trai, cô gái tuổi độ tuổi 15-17 tự rủ nhau thành bọn rồi tìm đến người lớn học ca hát, rồi nhờ các bậc đi trước đưa đường, chỉ lối, bắc cầu cho tìm nơi kết bạn...

Mỗi bọn Quan họ thường có 4-6 người và được đặt tên từ chị Hai, chị Ba, chị Tư, chị Năm hoặc anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm (có đôi làng có đến anh Sáu, chị Sáu). Nếu số người đông đến 7-8 người thì có thể đặt thêm: anh Ba (bé), chị Tư (bé).. mà không đặt anh Bẩy, chị Tám... Trong bọn Quan họ, không có chị Cả, anh Cả. Khi ra hội hoặc giao tiếp giữa các Quan họ, thường gọi nhau bằng tên anh Hai, chị Ba...hoặc liền anh Quan họ, liền chị Quan họ mà không gọi tên thật. Vì thế, vùng Quan họ xưa, trong khẩu ngữ, người ta không nói đàn ông, đàn bà mà nói liền ông, liền bà.

Trong một bọn Quan họ, tuy chia ra anh Hai, Ba, Tư, Năm...nhưng họ sống bình đẳng, đùm bọc, thương yêu, gắn bó cùng nhau. Cả ngày lao động vất vả, nhưng đêm đến, họ thường rủ nhau ngủ bọn ở nhà một anh nhớn, chị nhớn nào đấy để học câu luyện giọng. Trước tiên là học đủ lối, đủ câu; luyện giọng sao cho mẫm, cho nền, cho vang, cho ngọt, cho nẩy, cho rền. Sau đó là tập nói năng, lề lối ứng xử, giao tiếp, rồi mới tiến đến chỗ đi hát hội, kết bạn, hát canh, hát thi. Cao hơn nữa là biết đặt câu (sáng tác lời thơ làm lời ca), bẻ giọng (phổ nhạc cho thơ) và ứng đối kịp thời.

Những bọn Quan họ này thường là bạn trọn đời cả trong ca hát và ở đời thường. Họ phải ghép và luyện sao cho từng đôi một thật hợp giọng nhau, để đi ca hát. Thường mỗi đôi hát một số bài, lần lượt thay nhau cho trọn canh hát.

Tục kết bạn trong Quan họ có những chi tiết khác nhau giữa các làng, nhưng cũng có những nét chung. Có nơi như Thị Cầu, Làng Yên, Ngang Nội...trong cùng một thời gian, nhóm Quan họ này kết bạn 2-3 nhóm Quan họ khác và sự kết bạn ấy có khi chỉ kéo dài vài, ba năm rồi lại kết với nhóm khác. Có nơi như Bồ Sơn - Y Na, hai nhóm nam nữ Quan họ đã kết bạn với nhau rồi thì không kết bạn với nhóm thứ ba. Có nơi như Diềm và Bịu, hai nhóm đã kết bạn thì không kết bạn với nhóm thứ ba. Không những thế, cả bên nam, bên nữ, mỗi bên còn gây dựng một nhóm bé Quan họ để dẫn dắt họ lại kết bạn với nhau tạo nên một tình bạn truyền đời. Những nhóm Quan họ này thường có tục lệ không bao giờ lấy nhau, giữ đường đi lối lại trọn đời. Có nơi như Thị Cầu, Ngang Nội, Sen Hồ...chỉ có Quan họ nam, nên chỉ mới và kết bạn với Quan họ nữ ở nơi khác.

Có nơi có cả Quan họ nam và Quan họ nữ, khi đi tìm bạn để kết ở làng khác, thường rủ nhau một nhóm nam và một nhóm nữ làng này đến kết bạn với một nhóm nữ và một nhóm nam làng kia, tạo nên tình bạn tay tư hoặc còn gọi là bộ bốn.

Nghi thức các phường kết bạn thì phải khác giới, khác làng, đều là anh, là chị, là em của nhau, rất ít khi Quan họ đã kết bạn lấy nhau thành vợ thành chồng. Dù giữ tình bạn kết trong một số năm, hoặc trọn đời, hoặc truyền đời thì các Quan họ vẫn cư xử thân thiết, quý trọng, giữ đường đi lối lại thăm hỏi khi vui buồn đến trọn đời. Trong giao tiếp thường giữ gìn phong độ lịch sự từ ngôn ngữ, cử chỉ, khi đứng, khi ngồi; từ chén nước, miếng trầu, mâm cơm thết bạn...đều biểu lộ sự tôn trọng, quý mến lẫn nhau; không suồng sã, thô lỗ trong giao tiếp Quan họ.

 

TS Lê Thị Bích Hồng- tuyengiao.vn


Nguồn:cdspbacninh.edu.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội