A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bắc Ninh qua di sản tư liệu thế giới

 

 

Bắc Ninh - Kinh Bắc là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Nơi đây luôn lắng đọng và tích lũy nhiều tầng văn hóa của nền văn minh nước Việt. Những dấu tích lịch sử ấy được khắc họa đâu đó trong các trang tài liệu cổ như Châu bản, Mộc bản Triều Nguyễn, trở thành những thách thức khó khăn nhưng đầy thú vị chờ được giải mã và đánh thức. Từng dáng dấp, diện mạo của vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc dần hiện ra một cách rõ nét qua triển lãm “Lịch sử tỉnh Bắc Ninh qua Di sản Tư liệu thế giới” do UBND tỉnh phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức tại thành phố Bắc Ninh, huyện Thuận Thành và thành phố Từ Sơn trong những ngày cuối năm 2022. Qua những trang tài liệu lưu trữ quý hiếm, hãy cùng nhìn lại những dấu mốc lịch sử quan trọng của vùng đất này, đúng theo cách người xưa đã dạy “Nói có sách, mách có chứng”!

Ngược dòng thời gian về miền Kinh Bắc

Nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai màu mỡ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, lại thuận tiện trong giao lưu kinh tế, văn hoá với các vùng miền cả nước, ngay từ những thế kỷ trước Công nguyên, vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc là một trong những cái nôi của văn minh lúa nước, nơi hình thành nền văn minh Đại Việt. Trong lịch sử, vùng đất này từng có nhiều sự thay đổi về địa danh, địa giới hành chính.
Theo ghi chép của các bộ sách thuộc khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn, thời Hùng Vương dựng nước, Bắc Ninh - Kinh Bắc thuộc bộ Vũ Ninh; nhà Tần, thuộc đất Tượng quận; nhà Hán, thuộc quận Giao Chỉ; nhà Ngô, thuộc Giao Châu. Sau ngàn năm Bắc thuộc, thời nhà Đinh đổi làm Bắc Giang đạo; nhà (Tiền) Lê đổi làm lộ; nhà Lý theo như nhà (Tiền) Lê; nhà Trần gọi là Bắc Giang lộ, lại gọi là Kinh Bắc lộ”. Đến năm 1466, vua Lê Thánh Tông chia trong nước làm 12 đạo thừa tuyên, lúc này Bắc Ninh thuộc Thừa tuyên Bắc Giang. Năm 1469, thừa tuyên Bắc Giang được đổi thành thừa tuyên Kinh Bắc quản lĩnh 4 phủ. Năm 1490 thừa tuyên Kinh Bắc lại đổi thành xứ Kinh Bắc.
Đến triều Nguyễn, Bắc Ninh được xem là một trong năm địa phương có diện tích rộng lớn ở phía Bắc, giữ vị thế chiến lược quan trọng đối với sự phồn thịnh của dân tộc. Năm Nhâm Ngọ (1822), vua Minh Mạng đã cho đổi trấn Kinh Bắc thành trấn Bắc Ninh, danh xưng Bắc Ninh bắt đầu xuất hiện từ đây. Năm Tân Mão (1831), trong cuộc cải cách hành chính toàn diện đất nước, vua Minh Mạng đã cho đổi các dinh, trấn thành tỉnh. Trấn Bắc Ninh được đổi thành tỉnh Bắc Ninh và năm 1832 chính thức gồm 4 phủ là Từ Sơn, Thiên Phúc, Thuận An và Lạng Giang.
Như vậy có thể thấy rằng, dù trải qua nhiều lần được chia tách, sáp nhập và thay đổi về tên gọi, ranh giới địa lý, tỉnh Bắc Ninh vẫn luôn khẳng định được mình là vùng đất ngàn năm văn hiến có nền kinh tế, văn hóa phát triển và cũng là địa bàn quân sự trọng yếu của đất nước.

Những dấu xưa tích cũ

Không chỉ nổi tiếng với các làn điệu dân ca Quan họ ngọt ngào, tha thiết, Bắc Ninh còn là vùng đất của những di tích lịch sử vừa mang nét văn hóa tâm linh vừa thấm đậm truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Đó là Đền thờ Kinh Dương Vương - Đức thủy tổ của dân tộc Việt; Đền Đô - Nơi thờ phụng 8 vị vua triều Lý, đó là thành cổ Bắc Ninh hay các ngôi cổ tự rêu phong phủ dầy theo năm tháng như chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dạm... Những di tích lịch sử ấy đã được ghi chép lại trong các thư tịch với nhiều thông tin quý giá.

 

Năm Nhâm Ngọ (1822), vua Minh Mạng cho đổi trấn Kinh Bắc thành trấn Bắc Ninh.


Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, mặt khắc 1 cho biết Kinh Dương Vương là Đức thủy tổ của dân tộc ta. Ngài vốn là con thứ của Đế Minh tên là Lộc Tục được vua cha yêu quý cho làm vua phương Nam, lên ngôi vào năm 2879 TCN xưng là Kinh Dương Vương đặt tên nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái của vua Hồ Động Đình sinh ra Sùng Lãm tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết hôn với nàng Âu Cơ sinh ra 100 người con trai, người con trai cả đóng đô ở Phong Châu đó là Hùng Vương đời thứ nhất. Ngày nay, Lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ là một quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia có giá trị văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Nói về các di tích ở Bắc Ninh, không thể không nhắc đến di tích Đền Đô hay còn gọi là đền Lý Bát Đế. Đây là nơi thờ phụng 8 vị vua nhà Lý, những bậc minh quân đã khai mở nền văn minh Đại Việt. Sau này khi nhà Nguyễn trị vì đất nước, các vua Nguyễn đã dành sự quan tâm đặc biệt cho di tích này.
Bắc Ninh - Kinh Bắc cũng từng là trung tâm chính trị tôn giáo của đất nước thời kỳ Bắc thuộc, còn là nơi nảy mầm của Phật giáo những năm đầu công nguyên. Hệ thống di tích, chùa tháp quần tụ đậm đặc ở đây với trung tâm là chùa Dâu. Ngôi cổ tự còn gìn giữ nhiều nguồn di vật, tài liệu cổ có giá trị cao tạo nên nét độc đáo trong văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, Bắc Ninh còn có những địa danh nổi tiếng gắn với lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông như bến Bình Than, sông Như Nguyệt.
Với tất cả những dấu tích còn lại đến ngày nay, từ những di tích gắn với nhiều huyền thoại lịch sử, nơi khai mở nền văn minh Đại Việt hay những ngôi cổ tự rêu phong phủ dầy theo năm tháng, tuy trầm mặc nhưng vượng khí linh thiêng đến đỗi luôn quy tụ lòng người đã tạo nên nét độc đáo, đặc sắc của vùng đất Bắc Ninh từ xưa đến nay mà ít nơi nào trên đất nước ta có thể sánh được.

Bắc Ninh - Vùng đất địa linh nhân kiệt

Nói về xứ Kinh Bắc, trong tác phẩm Lịch triều Hiến chương loại chí, tác giả Phan Huy Chú có ghi: “Kinh Bắc có mạch núi cao vót, nhiều sông quanh vòng, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, phủ Lạng Giang đẹp hơn. Văn học thì phủ Từ Sơn, phủ Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tốt tụ vào đấy, nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần”. Có lẽ vì thế mà nơi đây đã sản sinh và nuôi dưỡng những bậc đế vương, anh hùng, hào kiệt cho nước nhà.
Phải kể đến đầu tiên là Đức Thái tổ Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất (974), người châu Cổ Pháp, tỉnh Bắc Giang, sau là huyện Đông Ngàn, nay là thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Vốn có tư chất thông sáng, tuấn tú khác thường nên ngay từ nhỏ sư Vạn Hạnh đã nhận xét rằng “Người này không phải tầm thường, mai sau tất làm chúa cả nước”. Lớn lên, Lý Công Uẩn là người khảng khái, có chí lớn, làm quan cho nhà Tiền Lê. Đến tháng 10 năm 1009, vua Lê Long Đĩnh băng hà ở tuổi 24, quần thần đồng thuận suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế. Và dấu ấn to lớn đầu tiên mà Lý Thái Tổ để lại cho hậu thế đó là xuống chiếu cho dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La vào năm 1010. Tiếp theo, vua đã đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long theo hình tượng rồng bay lên, như muốn khẳng định ước vọng “hóa Rồng” và mở ra thời kỳ thịnh vượng của dân tộc Việt vốn bị đô hộ cả ngàn năm trước đó.
Kế tục sự nghiệp của vua Lý Thái Tổ, vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông… đã xây dựng nên một quốc gia Đại Việt hùng mạnh, thái bình và thịnh trị khiến nhà Tống ở phía Bắc cũng như các nước nhỏ lân bang ở phía Nam đều phải nể phục. Nhìn chung có thể thấy rằng, suốt hơn 200 năm nhà Lý trị vì đất nước, lòng người quy thuận, xã hội phồn vinh các vị vua hết lòng vì dân, vì nước lập nhiều chiến công oanh liệt cũng như chăm lo cho nền văn hóa giáo dục của Đại Việt.
Bên cạnh là đất phát tích của nhà Lý, Bắc Ninh còn là quê hương của rất nhiều các nhà khoa bảng như: Lê Văn Thịnh, Lý Đạo Thành, Hàn Thuyên và hàng nghìn vị danh thần, nhà khoa bảng đã góp phần to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Họ đã được sử sách và hậu thế lưu danh.
Với những tài liệu được lựa chọn, đưa ra giới thiệu đã góp phần chứng minh thêm cho câu nói “khí thiêng hội tụ tạo nên địa linh, trời đất giao hòa sản sinh ra nhân kiệt”. Tin tưởng rằng, với những truyền thống tốt đẹp vốn có của quê hương mình cùng sự đoàn kết chung sức đồng lòng, những người con Bắc Ninh hôm nay sẽ kiến tạo nên một Bắc Ninh năng động, giàu mạnh để Bắc Ninh tiếp tục bứt phá tỏa sáng trong hành trình hội nhập và phát triển, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

L.T (Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)


Tổng số điểm của bài viết là: 83 trong 83 đánh giá
Click để đánh giá bài viết