Một số giải pháp trong việc đào tạo đảm bảo liên thông giữa Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học
Thạc sĩ Trần Thị Hồng Minh - Trưởng Khoa Mầm non
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đặt ra yêu cầu “Việc đổi mới được thực hiện ở tất cả các bậc học, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Ngành học mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân có nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ; đặt nền tảng cho việc hình thành, phát triển nhân cách của trẻ, chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một. Chương trình giáo dục mầm non Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng mới theo định hướng tiếp cận năng lực người học, đặt ra những yêu cầu mới về năng lực của giáo viên mầm non, thực tiễn đó đặt ra cho Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh yêu cầu cần đổi mới trong quá trình đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành học.
Từ khi thực hiện Luật Giáo dục 2019, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Bắc Ninh được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non trình độ cao đẳng. Ở hệ cao đẳng, hầu hết sinh viên được đào tạo để trở thành các giáo viên mầm non trực tiếp đứng lớp, vì vậy, sinh viên khi ra trường đòi hỏi phải thuần thục các kĩ năng chăm sóc và tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ. Nói cách khác, để sinh viên có thể bắt tay vào làm việc ngay sau khi ra trường, có thể tiếp cận ngay, thích nghi ngay với các môi trường làm việc mới đòi hỏi sự thay đổi của hình thức đào tạo từ chú trọng cung cấp kiến thức hàn lâm sang “bắt tay chỉ việc”, tăng cường thực hành, trải nghiệm. Chính từ yêu cầu này nhà trường đã xác định việc nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo “người thật, việc thật” là trách nhiệm của tất cả giảng viên nhà trường khi tham gia vào hoạt động đào tạo.
NỘI DUNG
- Hoạt động đào tạo sinh viên ngành giáo dục mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh
Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh được thành lập năm 1989, thực hiện sứ mạng: “là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có trình độ cao đẳng và trình độ thấp hơn; thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng khác do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao; tổ chức các hoạt động liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo; triển khai nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức các hoạt động dịch vụ theo chức năng nhiệm vụ và theo quy định của pháp luật, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của địa phương và đất nước” với Tầm nhìn : “Trong giai đoạn 2025-2030 trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín hàng đầu trong khu vực về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục và nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển công nghiệp của Tỉnh và đất nước; là trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ nhu cầu học tập đáp ứng yêu cầu của xã hội”, Mục tiêu: “Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, sức khỏe tốt, có ý thức phục vụ Tổ quốc và nhân dân, có năng lực kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp, có khả năng tự học, kỹ năng giao tiếp đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp, yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Liên kết đào tạo theo nhu cầu xã hội, hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo” . Trong những năm qua đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giảng viên (GV), sinh viên (SV) của nhà trường đã luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chất lượng đào tạo của nhà trường ngày càng được các cơ sở GDMN trong và ngoài tỉnh ghi nhận và đánh giá cao. Kết quả đào tạo hàng năm cũng được nâng lên. Hàng năm SV ra trường làm việc tại các cơ sở GDMN đạt khoảng từ 95 - 98%.
2.Một số giải pháp trong việc đào tạo đảm bảo liên thông giữa mầm non và tiểu học
Thứ nhất, xây dựng chương trình đào tạo.
Chúng tôi luôn xác định, ngoài việc cung cấp những kiến thức, kĩ năng phù hợp với yêu cầu của thực tiễn thì chúng tôi phải đi trước, đón đầu cập nhật các xu hướng giáo dục mới của GDMN để đưa vào chương trình đào tạo
Chúng tôi luôn xác định chương trình đào tạo phải đảm bảo nội dung kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm của từng học phần trong chương trình thể hiện được tính liên thông giữa mầm non và tiểu học. Khi tiến hành xây dựng chương trình đào tạo ngành GDMN trình độ cao đẳng, chúng tôi ngoài nghiên cứu kỹ chương trình GDMN theo Thông tư số 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/4/2021 của Bộ GD&ĐT, dự thảo Chương trình GDMN mới, chúng tôi nghiên cứu Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Ban hành chương trình giáo dục phổ thông. Qua đó chúng tôi thấy được tính liên thông, tiếp nối giữa chương trình GDMN, nhất là chương trình GDMN mới và Chương trình lớp Một: Các chương trình đều được thiết kế để giúp trẻ/học sinh phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực và kiến thức, chú trọng hơn đến việc rèn luyện kỹ năng tư duy, sáng tạo, giải quyết vấn đề và khả năng tự học cho trẻ/học sinh. Trong dự thảo chương trình GDMN mới gồm 6 lĩnh vực: Thể chất; Tình cảm – Xã hội; Ngôn ngữ; Khám phá khoa học và công nghệ; Toán; Nghệ thuật thì chương trình lớp 1 có 7 môn học và 1 hoạt động giáo dục bắt buộc: Toán; Tiếng Việt; Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội; Nghệ thuật ; Giáo dục thể chất và Hoạt động trải nghiệm. Nắm bắt được các vấn đề đó chúng tôi tiến hành xây dựng chương trình đào tạo để trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng có thể tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non đáp ứng yêu cầu của giáo dục Tiểu học.
Xây dựng Chuẩn đầu ra: Sinh viên phải được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định tại Chương trình GDMN, Chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện hành; đáp ứng đủ các nội dung liên quan trong Chương trình bồi dưỡng thường xuyên, yêu cầu về năng lực mà người học cần đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ cao đẳng ngành đào tạo giáo viên do Bộ GD&ĐT triển khai và các kỹ năng khác tại các loại hình trường đặc thù. Đối với một giáo viên mầm non, năng lực cần có là : Năng lực nhận thức vấn đề; Năng lực tưởng tượng nghề nghiệp; Năng lực thấu hiểu và đồng cảm; Năng lực nhạy cảm với cái mới; Năng lực tư duy sáng tạo; Năng lực phê phán; Năng lực làm việc độc lập và hợp tác, chia sẻ. Thì trong bảng mô tả chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo GDMN trình độ cao đẳng, trong năng lực chung, chúng tôi xác định SV khi ra trường phải có các năng lực: Năng lực giải quyết vấn đề; Năng lực giao tiếp và hợp tác; Năng lực giải quyết vấn đề; Năng lực về xây dựng văn hóa nhà trường; Năng lực phản biện; Năng lực lãnh đạo. Trong năng lực nghề nghiệp, các sinh viên phải có: Năng lực khoa học giáo dục mầm non; Năng lực sử dụng học vấn giáo dục tổng quát và học vấn khoa học giáo dục mầm non để giải thích Chương trình Giáo dục Mầm non; Năng lực hiểu và vận dụng các kiến thức khoa học tổng quát và khoa học ngành vào thực tiễn; Năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non; Năng lực sử dụng tiếng nước ngoài trong hoạt động chăm sóc – giáo dục trẻ; Năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động chăm sóc – giáo dục trẻ em.
Xây dựng chương trình chi tiết: Cụ thể hóa chuẩn đầu ra và chương trình khung; Là bức tranh chi tiết, hài hòa về thực hiện Chương trình đào tạo. Trong chương trình chi tiết của các học phần chúng tôi đã đưa vào các yêu cầu hình thành kiến thức, kỹ năng cho sinh viên có thể lựa chọn các nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ đảm bảo tính liên thông giữa chương trình GDMN và lớp Một, chúng tôi có một số học phần đã thể hiện rất rõ những yêu cầu đó như: Chương trình GDMN, Phát triển và tổ chức thực hiện chương trình GDMN; Chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một; Phát triển tư duy toán học cho trẻ mầm non; Phương pháp hướng dẫn trẻ khám phá môi trường xung quanh…
Thứ hai, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo
Đây là khâu quan trọng nhất quyết định tính hiệu quả của chương trình đào tạo. Các giảng viên khi lên lớp phải tổ chức lớp học để sinh viên có được các cơ sở khoa học để xây dựng các chương trình GDMN đáp ứng yêu cầu yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông. Sinh viên phải nắm được các kỹ năng cơ bản; vận dụng thành công để biến nó thành năng lực sư phạm tiềm năng của bản thân. Sự thể hiện mức độ hiểu biết các kỹ năng được đánh giá qua quan sát phản hồi giữa giảng viên và sinh viên qua các bài học, qua các hình thức kiểm tra đánh giá; qua thực hành theo học phần; qua thực hành sư phạm; qua thực tế tại các trường mầm non và qua thực tập sư phạm.
Thứ ba, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa bồi dưỡng kỹ năng nghề cho sinh viên
Tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề: Học tập dựa trên dự án trong GDMN; Quyền trẻ em; Tiếp cận với các phương pháp giáo dục mới trong GDMN: Steam, gabe…; Tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ sư phạm với các nội dung gắn với thực tế của giáo dục mầm non, đi vào thực chất, rèn luyện kĩ năng, sự tự tin, năng lực làm việc nhóm cho sinh viên. Tổ chức cho sinh viên đi dự giờ, thực hành học tập tại các cơ sở GDMN như: Trường MN Hoa Hồng, Trường MN Đại Phúc, Trường MN Việt Đan, Trường MN Kinh Bắc, Trường MN Suối Hoa, Trường MN Phương Anh, Trường MN Winston, Trường MN Sao Mai, Cơ sở MN Đongsim…
Thứ tư, lấy ý kiến phản hồi của nhà sử dụng
Hàng năm chúng tôi tiến hành điều tra tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường và lấy ý kiến phản hồi của các cơ sở giáo dục về sinh viên của nhà trường. Đây là một khâu quan trọng trong quá trình đào tạo của Nhà trường, nhằm giúp sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và nơi sử dụng sản phẩm của đào tạo, giúp cho chúng tôi cải tiến chương trình đào tạo để tạo ra chu trình đào tạo hiệu quả hơn nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Thứ năm, tổ chức cho giảng viên tham gia nhiều cuộc tập huấn, hội thảo của Bộ GD và ĐT, các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc để giao lưu, trao đổi về sự đổi mới của Chương trình GDMN.
Cử các giảng viên cốt cán tham gia đề án 33 về “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025” của Thủ tướng Chính phủ, tham gia các buổi tập huấn do Sở GD và ĐT Bắc Ninh tổ chức… Qua các buổi tập huấn, chúng tôi lựa chọn các nội dung mới, phù hợp để đưa vào trong chương trình đào tạo của nhà trường
KẾT LUẬN
Để góp phần giúp sinh viên khi ra trường làm tốt hơn nhiệm vụ của người giáo viên mầm non, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chúng tôi thấy cần phải coi trọng nhiệm vụ bồi dưỡng cho sinh viên của mình một cách hệ thống, bài bản. Muốn vậy, ngay từ những khâu đầu tiên của quá trình đào tạo là xây dựng chương trình đào tạo đã phải xác định các yêu cầu đổi mới của chương trình GDMN, trong đó có yêu cầu về tính liên thông giữa Mầm non và Tiểu học, chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào lớp Một. Trên đây là một số kinh nghiệm và giải pháp chúng tôi đã làm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành học GDMN có thể đáp ứng những yêu cầu của Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi do Bộ GDvà ĐT ban hành ngày 27/12/2024, chương trình GDMN mới dự kiến triển khai trên toàn quốc vào năm 2029. Chúng tôi hy vọng các đổi mới trong công tác đào tạo của chúng tôi trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ GVMN, góp phần vào thành công của ngành giáo dục tỉnh Bắc Ninh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ GD-ĐT (2018). Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT ngày 08/10/2018 Ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non.
[2] Bộ GD-ĐT (2018). Thông tư số 29/2018/TT-BGDĐT ngày 24/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học cần đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên.
[3] Bộ GD-ĐT (2020). Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về ban hành Điều lệ trường mầm non.
[4] Bộ GD-ĐT (2021). Thông tư số 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/4/2021 của Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục mầm non.
[5] Bộ GD-ĐT (2024). Quyết định số 4222: /QĐ-BGDĐT ngày 27/12/2024 của Bộ GD&ĐT ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.
[6].Bộ GD-ĐT (2024), Dự thảo Chương trình giáo dục mầm non.
[7]. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ “Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025”
[8].Trường CĐSP Bắc Ninh (2024), Chuẩn đầu ra và bảng mô tả chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, ngành Giáo dục Mầm non (Ban hành tại quyết định số 205 QĐ-ĐT, ngày 10/6/2022 của Hiệu trưởng Trường CĐSP Bắc Ninh