A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đặc sắc nội dung và nghệ thuật trong sáng tác cho thiếu nhi của nhà thơ Phạm Hổ

TS. Nguyễn Thị Thắng - Khoa Mầm non

1. Đặt vấn đề

Phạm Hổ là một nhà văn vừa viết cho người lớn, vừa viết cho trẻ em với nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, phê bình văn học... nhưng ông thành công hơn cả ở những sáng tác cho thiếu nhi. Sáng tác của ông để lại nhiều dấu ấn với trẻ em như: Chú bò tìm bạn (tập thơ), Cây bánh tét của người (truyện ngắn), Chuyện hoa, chuyện quả (truyện cổ tích mới), Nàng tiên nhỏ thành c (kịch)... Trong sự nghiệp của mình, Phạm Hổ đã dành được nhiều giải thưởng về văn học viết cho thiếu nhi: Giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi (1957 - 1958) với tập thơ Chú bò tìm bạn, (1967 - 1968) với tập Chú vịt bông; Giải chính thức về thơ viết cho thiếu nhi của Hội đồng Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam (1985) với tập Những người bạn im lặng; Giải thưởng cuộc thi sáng tác kịch bản cho thiếu nhi do Hội nghệ sĩ sân khấu tổ chức (1986) với vở kịch Nàng tiên nhỏ thành ốc... Một số tập thơ của ông đã được dịch ra tiếng Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức... Trong bài viết này, tác giả tập trung làm nổi bật đặc sắc nội dung và nghệ thuật trong sáng tác của Phạm Hổ dành cho thiếu nhi.

2. Nội dung

2.1. Thơ Phạm Hổ viết cho thiếu nhi

2.1.1. Đặc sắc về nội dung

Nội dung bao trùm nhất trong thơ Phạm Hổ là chủ đề tình bạn. Chủ đề tình bạn trong thơ ông được thể hiện ngay trong cách đặt tên các tập thơ. Viết cho trẻ em ông đã tái hiện thế giới trẻ thơ qua hình ảnh những người bạn đặc biệt đáng yêu, gần gũi mà các em vẫn tiếp xúc hàng ngày. Đó là Những người bạn nhỏ (tên một tập thơ) kể về những con vật nuôi ngộ nghĩnh như chó, mèo, gà, thỏ, dê, ngỗng...; Là bạn trong vườn (tên một tập thơ) kể về thế giới cỏ cây, hoa lá có mặt trong cuộc sống của các em như chuối, bưởi, hồng, cam, nhãn, vải, thị, na, lựu, mít, dừa...; Những người bạn im lặng (tên một tập thơ) nói về thế giới đồ vật âm thầm làm việc có ích cho đời như chổi, đinh, hộp thư, que đan, bảng chỉ đường...; Những người bạn hay kêu (tên một tập thơ) miêu tả thế giới đồ vật với những âm thanh đặc trưng trong cuộc sống xung quanh các em như tàu hỏa, xe chữa cháy, rađiô, máy khâu... Nội dung tình bạn trong thơ Phạm Hổ còn được khái quát từ các nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật trong thơ ông. Điều đặc biệt ở thế giới nhân vật trong thơ Phạm Hổ là các nhân vật đều có mối quan hệ thân thiết, gắn bó với nhau trong tình bạn và đều là bạn của các em nhỏ.

Viết về thế giới xung quanh trẻ thơ, ngoài việc kể tên hoặc miêu tả đặc điểm nổi bật của đối tượng, cung cấp cho trẻ em những bài học tự nhiên, sinh động, nhà thơ còn giúp các em làm quen với những người bạn mới, cũng tốt bụng và đáng yêu như các em. Mỗi bài thơ là một câu chuyện nhỏ xinh, một tiếng cười hóm hỉnh mà giàu triết lí, giúp trẻ tiếp cận với nhiều chuyện rất thật mà lạ vô cùng. Phạm Hổ đem lại những bất ngờ, thú vị trong đời sống trẻ thơ, đầy nhầm lẫn, tò mò, thắc mắc... Đó là thắc mắc hồn nhiên của chú bò với cái bóng của mình:

Mặt trời rúc bụi tre

Buổi chiều về nghe mát

Bò ra sông uống nước

Thấy bóng mình ngỡ ai

Bò chào:“- Kìa anh bạn!

Lại gặp anh ở đây!”

Nước đang nằm nhìn mây

Nghe bò cười nhoẻn miệng

Bóng bò chợt tan biến

Bò tưởng bạn đi đâu

Cứ ngoái trước nhìn sau

“Ậm ò” tìm gọi mãi...

Hay sự hồn nhiên, đáng yêu khi Thỏ dùng máy nói: - Thỏ đây! Ai nói đấy?/ Mèo à? Mèo thế nào?/ Mình không trông thấy cậu/ Nhỡ đứa khác thì sao?; em bé khi Soi gương: - Có ai đang khóc nhè/ Mà soi gương không bố?/ - Một đứa khóc đủ rồi/ Soi chi thành hai đứa?; đàn gà con khi đối đáp với mẹ:

                                                   Mẹ gà hỏi con:

                                                   - Ngủ chưa đấy hả?

                                                   Cả đàn nhao nhao:

                                                   - Ngủ rồi đấy ạ!

                                                                           (Ngủ rồi)

Trong thơ viết cho trẻ em, Phạm Hổ đặc biệt chú ý miêu tả các tình huống có khả năng bộc lộ sự ngây thơ, ngộ nghĩnh, đáng yêu của nhân vật. Vì vậy, tiếp xúc với các nhân vật trong thơ ông, trẻ em như được nhìn thấy chính mình ở đó. Mỗi bài thơ của Phạm Hổ đều giúp các em nhận thức về thế giới xung quanh để có thêm những hiểu biết và hơn thế là ý nghĩa giáo dục giản dị, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Đó là những bài học về lòng nhân ái, tình yêu thương giữa con người với cỏ cây và loài vật.

Có thể nói, tình bạn đã tạo nên nét đặc sắc trong nội dung thơ Phạm Hổ và vẻ đẹp riêng cho phong cách thơ của nhà thơ. Từ điểm xuất phát là tình bạn, ông đã đề cập một cách gợi cảm, sinh động tới tình yêu thiên nhiên, tình mẹ con, bà cháu, tình cảm yêu trường, yêu lớp học... những tình cảm gần gũi mà thiêng liêng luôn cần được vun đắp trong cuộc sống trẻ thơ.

Bên cạnh chủ đề về tình bạn xuyên suốt trong nhiều tập thơ, Phạm Hổ cũng có nhiều bài thơ viết về trẻ em trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, Bác Hồ của trẻ thơ. Nội dung này được thể hiện đặc sắc trong các bài thơ tiêu biểu như: Em bé và đàn bò, Mỗi một giờ con học hôm nay, Chú vịt bông, Cắm trại trên quê hương Thánh Gióng, Em đi đào hào, Em yêu tổ quốc Việt Nam, Đón thư trung thu của Bác Hồ, Đôi dép thần kì... Giống như người lớn, trẻ em trong kháng chiến cũng phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ, phải sơ tán khỏi thành phố, phải ăn ngô, khoai, sắn, thậm chí là gặp bom đạn ác liệt, vừa tham gia lao động vừa chiến đấu (Em bé và đàn bò, Mỗi một giờ con học hôm nay ). Nhưng các em vẫn lạc quan, vui vẻ đội mũ rơm tới trường, giúp đỡ bạn bè trong học tập, trong cuộc sống, vẫn luôn nhớ rằng Mỗi một giờ con học hôm nay là biết bao mồ hôi, xương máu của cha ông đã chiến đấu vì hòa bình, vì độc lập dân tộc. Các em biết tự nguyện góp sức mình trong lao động và chiến đấu: trồng ngô, khoai, sắn; bắt cua, cuốc đất; cùng người lớn tham gia đào hào chống giặc ngoại xâm:

                                       Trời đang còn trăng

                                       Gà chưa kịp gáy

                                       Theo bác, theo chị

                                       Em đi đào hào

                                       Lưỡi cuốc xôn xao

                                       Cây còn ngái ngủ

                                       Đất vui dậy rồi

                                       Thấy người đông đủ

                                                               (Em đi đào hào)

Trong kháng chiến chống giặc, trong đau thương mất mát, trong vất vả hi sinh, trẻ em trong thơ Phạm Hổ chưa bao giờ hết lạc quan tin tưởng vào ngày chiến thắng. Niềm vui của các em thật đơn giản khi nghĩ đến ngày chiến thắng giặc thù: Thắng xong giặc nhỉ!/ Giữ hào lại chơi/ Chia phe trốn bắt/ Chạy sâu lòng đồi... (Em đi đào hào); hay niềm vui khi em bé kịp mang chú vịt bông xuống hầm, bảo vệ vịt bông khỏi bom đạn của kẻ thù (Chú vịt bông); niềm vui khi cháu nhận được thư của Bác Hồ đúng dịp Tết trung thu ở giữa rừng sâu:

                                       Từng lời âu yếm

                                       Tưởng Bác đâu đây...

                                       Ôm anh cán bộ

                                       Má áp bàn tay...

                                       Đọc rồi đọc nữa

                                       Đọc đến thuộc lòng

                                       Những dòng thư Bác

                                       Sáng trời trăng trong...

                                                   (Đón thư trung thu của Bác Hồ)

Tất cả những điều này cho thấy một tình yêu hồn nhiên mà tha thiết của các em với chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với quê hương, đất nước, với tổ quốc Việt Nam tươi đẹp, kiên cường.

2.1.2. Đặc sắc về nghệ thuật

Các bài thơ của Phạm Hổ quen thuộc với trẻ thơ, khiến trẻ em dễ nhớ, dễ thuộc do nhà thơ thường sử dụng chất liệu dân gian trong sáng tác. Chất liệu dân gian trước hết thể hiện ở việc nhà thơ thường viết theo phong vị đồng dao. Các bài thơ của ông thường ngắn gọn, thể thơ 3, 4 hoặc 5 chữ với nhịp điệu thơ vui nhộn, các em có thể vừa đọc vừa kết hợp với vui chơi, nhảy múa như: Bắp cải xanh/ Xanh mát mắt/ Lá cải sắp/ Sắp vòng tròn/ Búp vải non/ Nằm ngủ giữa (Bắp cải xanh); hay như bài Na với nhịp điệu nhanh, vui nhộn, đọc lên giống như các em đang chơi một trò chơi, khám phá bao điều thú vị từ quả na:

Na non xanh

Múi loắt choắt

Na mở mắt

Múi nở to

Na vào vò

Đua nhau chín.

Môi chúm chím

Hút múi na

Hạt nhả ra

Đen lay láy.

Ra tháng tư

Chín tháng bảy

Chào mào nhảy

Suốt mùa na

Nay chợ gần

Mai chợ xa

Trẻ đón quà

Na nằm rổ.

Tay cháu nhỏ

Rửa sạch na

Sờ mặt bà

Còn thơm phức...

Bài thơ Ngỗng và vịt cũng có nhịp điệu, giọng điệu như một bài đồng dao nhỏ thể hiện tiếng cười hồn nhiên của các em khi bạn ngỗng lười học, giáo dục các em chăm chỉ học hành, đừng giống bạn ngỗng:

Ngỗng không chịu học

Khoe biết chữ rồi

Vịt đưa sách ngược

Ngỗng cứ tưởng xuôi

Cứ giả đọc nhẩm

Làm vịt phì cười

Vịt khuyên một hồi:

- Ngỗng ơi! Học! Học!

Nhiều khổ thơ, bài thơ của Phạm Hổ có bóng dáng của những câu đố vui dân gian về các sự vật xung quanh trẻ em, như:

                                                   Đầu xanh mũ vua

                                                   Mình vàng áo giáp

                                                   Một trăm con mắt

                                                   Nhìn quanh bốn bề

                                                                           (Dứa)

                                                   Hoa như lửa bay

                                                   Quả sơn vàng bóng

                                                   Hạt nằm như ong

                                                   Từng bọng từng bọng

                                                                           (Lựu)

Hay như bài thơ Đu đủ:

Thân đầy dấu lá

Cọng tỏa như dù

Ôm quanh cổ mẹ

Quả tròn chen nhau

Dù trời mưa lâu

Dù sương lạnh trắng

Quả vẫn chín vàng

Đẹp tươi như nắng

Thân già mốc trắng

Nuôi con lớn đều

Quả chín xa mẹ

Sữa còn mang theo

Chất liệu dân gian trong thơ Phạm Hổ còn thể hiện ở việc nhà thơ đưa vào trong thơ của mình những nhân vật hoặc chi tiết trong cổ tích, truyền thuyết, lịch sử như nhân vật cô tiên, Thánh Gióng, Quang Trung, Bác Hồ... hay các chi tiết “Đêm xây thành ốc”, giặc Ân, tre đằng ngà, ngựa sắt... Tiêu biểu có các bài thơ Cắm trại trên quê hương Thánh Gióng, Em đi đào hào, Em yêu tổ quốc Việt Nam, Đón thư trung thu của Bác Hồ, Đôi dép thần kì... Từ đó mở rộng hiểu biết cho trẻ thơ về văn hóa, lịch sử đất nước, giáo dục các em tình yêu đối với truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.

Gần gũi với việc sử dụng chất liệu dân gian, trong nhiều bài thơ của mình Phạm Hổ xây dựng hình thức đối thoại độc đáo giữa các nhân vật như: Ngủ rồi, Soi gương, Đất và hoa, Bê đòi bú, Chú vịt bông, Lúa và gió, Thỏ dùng máy nói,... Đây là hình thức quen thuộc trong các bài đồng dao, ca dao dân ca giao duyên xưa. Nhưng nhà thơ đã làm mới hình thức đối thoại bằng ngôn ngữ thơ hiện đại, đồng thời đưa vào trong thơ nội dung đối thoại rất đời thường, giản dị, gần gũi với những điều trẻ thơ mong muốn tìm hiểu ở thế giới xung quanh. Nhà thơ tái hiện lại những mẩu đối thoại, hỏi – đáp trong thơ của mình là những thắc mắc thường ngày của các bé:

Đào đỏ, mai vàng

Bìm xanh, cúc tím

Mẹ ơi! Ai nhuộm

Đủ các màu hoa?

- Đem hết sức mình

Nhuộm các loài hoa

Ấy là bác Đất

Lặng im, thật thà...!

(Đất và hoa)

Hay là thắc mắc ngây thơ của em bé khi “Rình xem mặt trời”:

Sáng mát mẹ phơi áo

Chiều xế mẹ lấy vào

Bé sờ áo,hỏi mẹ:

“Nước trên áo ở đâu?”

Mẹ cười chỉ mặt trời:

“Ông mặt trời uống đấy!”

Bé tin mẹ, hỏi thêm:

“Uống lúc nào không thấy?”

Mẹ cười: “Thấy sao được!

Ông ấy rất khôn nhanh

Vắng người bay xuống uống

Thoáng người, vụt bay lên!”

Hôm sau múc bát nước

Bé để chỗ vắng người

Vào nhà, nấp khe cửa:

Bé rình xem mặt trời!

Hay chỉ đơn giản là cái nũng nịu đòi bú của một chú bê con cũng trở thành một bài thơ vui cho các em thấy được đặc điểm của một loài vật:

                                       - Nhanh cho con bú tí

                                       Đói, đói rồi mẹ ơi!

                                       - Gì mà nhặng lên thế?

                                       Mới nhả vú đấy thôi!

                                       - Nhả vú là đói rồi

                                       Mẹ ơi, con bú tí!

                                                   (Bê đòi bú)

Thông qua hình thức đối thoại, hỏi - đáp, nhà thơ cho các em được khám phá những bất ngờ, thú vị về đặc điểm của các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, người đọc càng thấy rõ sự hồn nhiên, ngây thơ là đặc tính vốn có và rất đáng yêu của trẻ thơ.

Một đặc sắc nghệ thuật không thể không kể đến trong thơ Phạm Hổ viết cho trẻ em là nghệ thuật mô phỏng âm thanh. Đó là việc nhà thơ sử dụng ngôn ngữ để mô phỏng lại tiếng kêu, âm thanh đặc trưng của các con vật, đồ vật xung quanh trẻ thơ. Chẳng hạn như trong bài thơ Xe chữa cháy:

Mình đỏ như lửa

Bụng chứa nước đầy

Tôi chạy như bay

Hét vang đường phố

Nhà nào bốc lửa

Tôi dập tắt ngay

Ai gọi “chữa cháy”

“Có... ngay! Có... ngay!”

Hay bài thơ Kêu mỗi câu thơ mô phỏng lại tiếng kêu của một loài vật:

Gâu!Gâu!Gâu!Chó hỏi

Ịt! Ụt! Ịt! Lợn đòi

Meo! Meo! Meo! Mèo trách

Bê! Bê! Bê! Dê cười...

Hay tiếng “Ậm ò... ” của chú bò ngơ ngác trong chiều tìm gọi bạn khi: Bóng bò chợt tan biến/ Bò tưởng bạn đi đâu/ Cứ ngoái trước nhìn sau/“Ậm ò... ” tìm gọi mãi (Chú bò tìm bạn). Sử dụng nghệ thuật mô phỏng âm thanh đặc sắc trong thơ của mình, Phạm Hổ đã giúp cho trẻ em vừa hiểu biết, dễ hình dung về đặc điểm âm thanh, tiếng kêu của các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống xung quanh vừa giúp các em phát triển vốn từ, thêm hiểu biết về cách sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, hiệu quả trong đời sống.

Tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Phạm Hổ, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy một đặc điểm chung thường thấy trong thơ viết cho trẻ em là sử dụng nghệ thuật nhân hóa, so sánh rất thường xuyên. Thổi linh hồn vào sự vật vô tri bằng phép tu từ nhân hóa, nhà thơ đã biến những đồ vật, con vật, cây cỏ... trở thành những tính cách sinh động như con người, biết nói năng, hoạt động, đòi hỏi,... hay thể hiện tình cảm yêu thương, nũng nịu như con người. Các sự vật, hiện tượng được miêu tả trong bài thơ vì thế trở nên thật gần gũi, đáng yêu, giống như những người bạn thân thiện với trẻ thơ. Nghệ thuật so sánh được sử dụng trong thơ Phạm Hổ tạo nên những hình ảnh liên tưởng độc đáo: Mình đỏ như lửa/ Bụng chứa nước đầy/ Tôi chạy như bay/ Hét vang đường phố (Xe chữa cháy); Hoa như lửa bay/ Quả sơn vàng bóng/ Hạt nằm như ong/ Từng bọng từng bọng (Lựu); Dù trời mưa lâu/ Dù sương lạnh trắng/ Quả vẫn chín vàng/ Đẹp tươi như nắng (Đu đủ)... Bằng việc sáng tạo những hình ảnh đẹp trong thơ qua nghệ thuật so sánh, nhà thơ thành công trong việc miêu tả vẻ đẹp, đặc điểm độc đáo của sự vật đồng thời bồi dưỡng cho trẻ thơ trí tưởng tượng bay bổng, khả năng liên tưởng phong phú và một tình yêu ấm áp với vẻ đẹp ở thế giới xung quanh mình.

2.2. Văn xuôi của Phạm Hổ viết cho thiếu nhi

Văn xuôi của Phạm Hổ viết cho thiếu nhi cũng mang những đặc sắc riêng. Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như 5 truyện trong tập Chú bò tìm bạn (gồm 103 bài thơ và 5 truyện): Ngựa thần từ đâu đến, Lửa vàng, lửa trắng, Cất nhà giữa hồ, Chú sẻ con và bông hoa bằng lăng, Bê và sáo. Bên cạnh đó còn có truyện ngắn Cây bánh tét của người , Lửa vàng, lửa trắng, lửa nâu và tập truyện cổ tích mới Chuyện hoa, chuyện quả rất nổi tiếng. Lựa chọn hướng sáng tác tương tự một số nhà văn cùng thời viết cho thiếu nhi như nhà văn Tú Mỡ (Tấm Cám), nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (Con cóc là cậu ông trời, Chiếc bánh chưng...), nhà văn Tô Hoài (Chuyện nỏ thần, Đảo hoang, Nhà Chử...), Phạm Hổ đã khá thành công khi sáng tạo những đặc sắc riêng với loại truyện cổ viết lại trong các tác phẩm như Ngựa thần từ đâu đến, Lửa vàng, lửa trắng, Lửa vàng, lửa trắng, lửa nâu và tập truyện cổ tích mới Chuyện hoa, chuyện quả. Phạm Hổ không dựa hoàn toàn vào cốt truyện cổ dân gian mà nhà văn lựa chọn một hình tượng trong truyện cổ để sáng tác mới như truyện Ngựa thần từ đâu đến. Từ hình tượng ngựa sắt trong truyền thuyết Thánh Gióng, tác giả đã sáng tạo hình tượng ngựa hồng về kinh đô tìm người đánh giặc Ân. Ngựa hồng là kết tinh sức mạnh của đất, của trời, sức mạnh vật chất (sắt, lửa) và tình yêu nước nồng nàn của nhân dân ta tạo nên sức mạnh phi thường chiến thắng giặc xâm lược. Hay truyện Lửa vàng, lửa trắngLửa vàng, lửa trắng, lửa nâu lại dựa vào cái kết của truyện dân gian Trí khôn của ta đây để sáng tác mới. Nếu Trí khôn của ta đây kết thúc khi hổ thoát chết chạy vào rừng thì Lửa vàng, Lửa trắng của Phạm Hổ bắt đầu khi hổ về rừng tìm cách trả thù, dày công dạy dỗ hổ con báo thù. Nếu Trí khôn của ta đây là câu chuyện giữa hổ và bác nông dân thì Lửa vàng, Lửa trắng của Phạm Hổ là cuộc đấu tranh giữa hổ con và con trai bác nông dân. Rồi đến cuộc đấu trí giữa con trai người nông dân với con báo trong Lửa vàng, lửa trắng, lửa nâu. Qua đó, nhà văn cho người đọc và trẻ thơ thấy được cuộc đấu tranh giữa người nông dân với hổ, con người nông dân với hổ con, với báo chính là tượng trưng cho cuộc đấu tranh giữa con người với thiên nhiên, thể hiện công cuộc chinh phục tự nhiên của con người mà ở đó con người luôn có khát vọng làm chủ tự nhiên. Tập truyện cổ tích mới Chuyện hoa, chuyện quả với gần năm mươi câu chuyện, Phạm Hổ đã thành công khi kể về sự tích các loài hoa, quả, lí giải nguồn gốc các loài hoa, quả và tên gọi của chúng theo cách nhìn riêng của mình, đem đến cho trẻ thơ nhiều hiểu biết thú vị về thế giới thiên nhiên xung quanh.

Bên cạnh mảng truyện cổ viết lại, Phạm Hổ cũng thành công với một số truyện ngắn khác viết cho thiếu nhi, được bạn đọc nhỏ tuổi nhiều thế hệ yêu thích như Bê và sáo, Bầu trời đêm trăng non, Cây bánh tét của người cô hay Chú sẻ con và bông hoa bằng lăng... Các truyện ngắn của Phạm Hổ thường ngắn gọn, xinh xắn, kết cấu chặt chẽ, hướng tới những vẻ đẹp của cuộc sống, ca ngợi những tình cảm đạo đức quý báu của con người Việt Nam, những đức tính Việt Nam.

3. Kết luận

Với những đặc sắc trong sáng tác và đóng góp to lớn cho văn học thiếu nhi Phạm Hổ đã trở thành một nhà văn, nhà thơ thân thuộc với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Những bài thơ, câu chuyện của ông được biết bao thế hệ thiếu nhi yêu thích và đón đọc bằng cả tình yêu nồng nhiệt của trẻ thơ. Từ những tác phẩm nhỏ xinh, đáng yêu ấy các em được lớn lên trong tình yêu thương con người và cuộc sống, phát triển và hoàn thiện nhân cách tốt đẹp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lã Thị Bắc Lý (2020). Giáo trình Văn học trẻ em. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2. Lã Thị Bắc Lý (2012). Văn học thiếu nhi với giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

3. Hoàng Phê (2002). Từ điển Tiếng Việt. Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học.

4. Trần Đình Sử (cb) (2007).  Giáo trình Lí luận văn học, tập 1 + 2. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng Chủ biên) (2010). Từ điển thuật ngữ văn học. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

6. Nhiều tác giả (2010 – 2022). Các tập thơ, truyện dùng trong chương trình mầm non (từ 1 đến 6 tuổi). Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết