Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biện pháp rèn kĩ năng dạy học cho sinh viên ngành Tiểu học - Th.s  Ngô Thị Lanh - Khoa GD Tiểu học – Mầm non          

 

Tóm tắt

            Rèn kĩ năng dạy học (RKNDH) là cách tổ chức huấn luyện người giáo viên sử dụng để thực hiện các phương pháp tác động nhằm làm cho sinh viên (SV) tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo tập luyện để hình thành cho bản thân các kĩ năng dạy học cần thiết theo yêu cầu của quá trình đào tạo. Để RKNDH cho SV sư phạm, đặc biệt là SV sư phạm ngành Tiểu học, có nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Theo chúng tôi có thể phối hợp nhiều biện pháp như:RKNDH thông qua hoạt động dạy học các phân môn trong trường sư phạm, xây dựng môi trường thực hành, RKNDH đa dạng, linh hoạt, chú trọng dạy mẫu, làm mẫu trong quy trình đào tạo, rèn luyện kĩ năng dạy học, tăng cường sử dụng băng hình để RKNDH, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường sư phạm và trường tiểu học thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ sinh viên RKNDH, đổi mới cách đánh giá hoạt động RKNDH của SV.

             Một trong những yếu tố quan trọng của sinh viên (SV) sư phạm ngành tiểu học đó chính là kĩ năng dạy học (KNDH),kĩ năng (KN) thực hành. Đây là những KN cơ bản, cần thiết của người giáo viên tương lai.Do đó, trong quá trình đổi mới giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa thì các trường sư phạm nhất thiết phải đào tạo SV đạt chuẩn về kĩ năng, năng lực thực hành chuyên môn. Hiện nay, các trường Sư phạm đã có nhiều cố gắng và thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế khi các em ra trường. Trong bài viết này, chúng tôi chia sẻ một số biện pháp để nâng cao KNDH cho SV ngành tiểu học.

            1. Khái niệm

            KN là khả năng của con người thực hiện công việc có kết quả trong một thời gian thích hợp, trong những điều kiện nhất định, dựa vào sự lựa chọn các phương pháp và cách thức hoạt động đúng đắn.

            KNDHlà năng lực vận dụng các tri thức chuyên môn, nghiệp vụ của người giáo viên để cung cấp cho học sinh những tri thức khoa học, phát triển trí tuệ và hình thành thế giới quan, hành vi đạo đức cho học sinh.

            KNDH đối với giáo viên là rất cần thiết và nó là cơ sở để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học và giáo dục, thực hiện tốt các công việc dạy học.KNDH được hình thành trong quá trình hoạt động sư phạm, thông qua sự tích lũy kinh nghiệm sống và  cũng có đầy đủ các đặc điểm chung như: tính chính xác, tính linh hoạt, tính hiệu quả..

            Biện pháp rèn kĩ năng dạy học (RKNDH) là cách tổ chức huấn luyện người giáo viên sử dụng để thực hiện các phương pháp tác động nhằm làm cho sinh viên tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo tập luyện để hình thành cho bản thân các KN dạy học cần thiết theo yêu cầu của quá trình đào tạo.

            2. Biện pháp RKNDH cho sinh viên ngành sư phạm Tiểu học

            2.1. RKNDH thông qua hoạt động dạy học các phân môn trong trường sư phạm.

             Để nâng cao hiệu quả rèn KNDH cho SV, giảng viên không chỉ rèn luyện cho SV qua các phân môn phương pháp, mà ngay các các môn chung, môn cơ bản cũng cần rèn các KN trong dạy học đặc biệt là KN ứng xử, giao tiếp, xử lí tình huống,…Ví dụ: Thông qua các học phần như Tâm lí học, Giáo dục học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên lí,… giảng viên nên tiến hành lồng ghép việc rèn luyện KNDH cho SV thông qua các hình thức tổ chức hoạt động như thảo luận nhóm, xử lí tình huống, đóng vai, tổ chức trò chơi, hoặc cách thức sử dụng các phương tiện đồ dùng dạy học,…. Mỗi lần giảng viên tổ chức các hoạt động chính là mỗi lần sinh được quan sát, biết đến cách thức tổ chức hoạt động học sao cho phù hợp và hiệu quả. Thông qua đó, SV được trang bị những KNDH cơ bản. Để làm được điều này yêu cầu giảng viên phải nắm vững kiến thức chuyên môn, biết vận dụng thực tế, có KN tích hợp, KN làm mẫu, KN vận dụng, KN phối hợp các phương pháp dạy học.

            2.2. Xây dựng môi trường thực hành, RKNDH đa dạng, linh hoạt

            - Tổ chức RKNDH trong giờ thực hành các bộ môn, nhất là các môn nghiệp vụ, phương pháp. Giáo viên triệt để thực hiện giờ thực hành một cách có hiệu quả, không được dùng giờ thực hành để dạy lí thuyết. Học xong bài nào có kế hoạch thực hành ngay bài đó, dạy lí thuyết đến đâu thực hành đến đó. Giáo viên tận dụng tối đa thời gian trên lớp để tổ chức cho SV hoạt động tích cực như chia lớp thành các tổ, nhóm để SV có thể thực hành được nhiều nhất có thể, và tự đánh giá rút kinh nghiệm cho bản thân, cho các bạn trong nhóm. Đồng thời, giáo viên dự giờ dạy của các thành viên trong mỗi tổ, nhóm để đánh giá nhận xét, giúp các em hoàn thiện về kĩ năng dạy học của mình.

            - RKNDH qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp

            Đây là biện pháp thông qua một số hoạt động của nhà trường như tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ sư phạm, hoạt động thực hành, hoạt động ngoại khóa, tập giảng, dự giờ giảng mẫu,… để giúp sinh viên có thêm KNDH, đúc kết kinh nghiệm, vốn hiểu biết của mình. Hàng năm, trường sư phạm nên tổ chức hội thi NVSP cấp khoa và cấp trường với nhiều hoạt động như thi làm đồ dùng, thi giảng, thi xử lí tình huống sư phạm, thi soạn giáo án, viết bảng.. Hội thi sẽ tạo hứng thú cho các em hoạt động, rèn KNDH từ cách cầm phấn, cầm sách, cách đặt câu hỏi, cách tổ chức lớp học, tổ chức trò chơi, các sử dụng đồ dùng học tập…. Đặc biệt, trong hội thi các em có các phần thi giảng các phân môn như Tiếng Việt, Toán, TNXH, Đạo đức,…Đây là cơ hội để các em được quan sát, được trải nghiệm thực tế, được giảng viên phụ trách hướng dẫn tận tình.

            Đồng thời, để nâng cao KNDH, SV cần tổ chức thành các nhóm tự thực hành tập giảng vào những buổi được nghỉ học chính khóa, hoặc những tiết học trống. Tuy nhiên, để thực hiện được trường, khoa cần bố trí một số phòng chuyên dụng với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết như bảng, phấn, các đồ dùng trực quan,… để SV có thể tập giảng. Các nhóm có thể đăng kí buổi thực hành giảng với khoa, khoa có thể bố trí phân công giảng viên phụ trách các phân môn dự để nhận xét, rút kinh nghiệm cho các em.

            Thêm vào đó, giảng viên khuyến khích SV tự liên hệ các trường tiểu học để xin xuống dự giờ, học tập kinh nghiệm, giúp các em có được thực tiễn dạy học sinh động, được trải nghiệm thực tế.

            2.3. Chú trọng dạy mẫu, làm mẫu trong quy trình đào tạo, rèn luyện kĩ năng dạy học

            Đây là một trong những biện pháp RKNDH  hiệu quả và nhanh nhất. Trong quá trình dạy học các môn phương pháp, giảng viên cần đặc biệt quan tâm đến việc dạy mẫu, làm mẫu. Khi dạy đến dạng kiến thức, bài nào giảng viên có thể tiến hành dạy mẫu về kiến thức đó. Ví dụ: khi hướng dẫn sinh viên về phương pháp dạy Tập đọc trong phân môn phương pháp dạy học Tiếng Việt, giảng viên có thể tiến hành làm mẫu 1 giờ dạy Tập đọc cho SV quan sát. Tuy nhiên, dạy mẫu vẫn là còn nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy phần lớn các giảng viên vẫn còn nặng về lí thuyết, chưa chuyển hóa được lí thuyết thành mẫu cụ thể để sinh viên được thấy trực diện. Vì vậy, đội ngũ giảng viên không chỉ giỏi về lí thuyết mà còn cần giỏi về thực hành để làm mẫu ngay trên lớp. Mặt khác, khoa, bộ môn có thể mời các giáo viên giỏi từ các trường tiểu học cùng thiết kế, xây dựng và thực hiện những giờ lên lớp mẫu (các phân môn trong chương trình tiểu ) hoc ngay tại trường sư phạm. Đây chính là trực quan sinh động để SV có thể RKNDH hiệu quả nhất.

            2.4. Tăng cường sử dụng băng hình để rèn kĩ năng dạy học cho sinh viên

            Hoạt động dạy và học tại các trường tiểu học diễn ra vô cùng đa dạng và phức tạp. Trong khi thời gian sinh viên kiến tập, thực tập lại rất ít so với quá trình đào tạo (thường kiến tập 3 tuần, thực tập 7 tuần), vì vậy các em chưa có đủ thời gian để hiểu hết về thực tiễn dạy học tại các trường tiểu học. Do đó việc các em được xem qua băng đĩa về các tiết dạy thuộc các môn trong chương trình tiểu học là một việc làm rất cần thiết. Khi cho SV xem băng về các tiết dạy mẫu, giáo viên cần yêu cầu SV trao đổi, thảo luận, phân tích, quan sát, học tập, rút kinh nghiệm, từ đó giúp các em tự trang bị cho mình KNDH và sự hiểu biết về thực tế dạy học. Ngoài ra, trong những giờ thực hành dạy của SV, giảng viên có thể yêu cầu SV tự quay lại những tiết tập giảng của nhóm , sau đó cho cả lớp xem, cùng trao đổi thảo luận rút kinh nghiệm chung cho cả lớp, và từng cá nhân trong lớp. Như vậy, các em có thời gian để tự đánh giá và đánh giá lại những ưu điểm, hạn chế của các bạn và của chính bản thân mình. Chính những điều này giúp các em tự điều chỉnh trong quá trình RKNDH của mình.

            2.5.Cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường sư phạm và trường tiểu học thực hành

            Trường sư phạm cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít với các trường tiểu học thực hành. Trường cần tăng cường thời gian cho SV xuống dưới trường tiểu học, kiến tập, thực hành, thường xuyên cho SV tiếp xúc với các công việc của giáo viên tiểu học và tiếp xúc với học sinh. Đặc biệt, cần lựa chọn được những trường có nền nếp tốt, có nhiều giáo viên giỏi, học sinh ngoan để SV thực tập sư phạm. Trong quá trình SV kiến tập, thực tập, trường sư phạm và trường phổ thông cần có sự gắn bó, chọn lựa những giáo viên phổ thông giỏi chuyên môn, có kinh nghiệm, yêu nghề, nhiệt tình để hướng dẫn. Trường thực hành cũng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với trường sư phạm để hướng dẫn, nhận xét, đánh giá , rút kinh nghiệm các hoạt động sư phạm của các em SV. Đồng thời, trường sư phạm cũng cần cử giảng viên tới dự giờ thực tập cùng giáo viên tiểu học để đánh giá kết quả khách quan, chính xác. Từ thực tế đó, giảng viên rút ra được những ưu điểm và hạn chế của SV trong hoạt động sư phạm để kịp thời điều chỉnh, xây dựng chương trình rèn kĩ năng nghề nghiệp cho SV.

            2.6. Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ SVRKNDH

            Việc học hỏi và rèn KN cho SV không chỉ tiến hành ở trường sư phạm hay thực hành tại các trường tiểu học, mà còn có thể học hỏi các KN này trên mạng internet, qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thực tế, mạng internet ngày nay được sử dụng rất phổ biến, thông dụng. Tuy nhiên, SV vẫn chưa biết cách khai thác, tận dụng phương tiện này để phục vụ cho việc học tập, RKNDH cho mình. Vì vậy, giảng viên cần hướng dẫn SV tự tìm hiểu, tự nghiên cứu về KNDH trên mạng như việc cung cấp cho các em một số trang wed, hoặc phần mềm viết về hoạt động rèn nghiệp vụ sư phạm để SV tham khảo: E- learning, trang điện tử thư viện trực tuyến violet.vn, tailieu.vn,…đây là những trang cung cấp tài liệu và diễn đàn để thầy cô cũng như các em SV có thể trao đổi kinh nghiệm, KNDH. Biện pháp này có thể nói rất thiết thực và hiệu quả đối với việc nâng cao kiến thức và KNDH cho SV. Đồng thời, giảng viên nên tăng cường hướng dẫn SV sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, nhất là đối với sinh viên cuối khóa chuẩn bị đi thực tập.

            2.7. Đổi mới cách đánh giá hoạt động RKNDHcủaSV

            Thực tế chúng ta nhận thấy có nhiều SV học rất tốt về lí thuyết, khoa học cơ bản, nhưng về KNDH thì còn hạn chế, ví dụ: các em chưa biết cách trình bày bảng, nói còn ngọng hoặc nói nhỏ, cách tổ chức các hoạt động chưa tạo hứng thú cho học sinh, chưa biết cách xử lí các tình huống sư phạm,…Như vậy chưa thể đáp ứng được yêu cầu của một giáo viên. Vì vậy, để đánh giá khách quan, chuẩn sư phạm thì chúng ta cần thay đổi hình thức đánh giá, nhất là các phân môn phương pháp từ tự luận sang thực hành. Kết thúc học phần phương pháp nên tổ chức cho SV thi giảng thay bằng hình thức soạn giáo án trên giấy trước đây. Ví dụ: đối với học phần phương pháp dạy học Tiếng Việt, giảng viên yêu cầu SV chuẩn bị, soạn giáo án tổ chức một hoạt động lên lớp với bài đã được giao (hoặc gắp thăm), và thể hiện KNDH thông qua một tiết dạy.

            Ngoài ra, kết thúc khóa học, thay hình thức thi tốt nghiệp tự luận trình bày trên giấy bằng hình thức thi giảng với phân môn mà SV đã gắp thăm hoặc lựa chọn. Trường sư phạm tiến hành thành lập hội đồng chấm thực hành cho các em SV cuối khóa.  Để khách quan, trường có thể mời một số giáo viên giỏi tại các trường tiểu học cùng tham gia hội đồng chấm. Với cách đổi mới đánh giá này thì ngay từ khi bắt đầu vào khóa học các em SV đã phải ý thức luôn rèn luyện KNDH, nâng cao KN nghề nghiệp

            Trong quá trình đào tạo giáo viên tiểu học hiện nay, RKNDH cho SV ngành tiểu học là nội dung cần thiết ở các trường sư phạm. Để làm được điều này, trường sư phạm cần tạo môi trường và có những biện pháp để SV tích cực RKNDH. Đồng thời, giảng viên cũng cần nhiệt tình, say mê, biết khơi gợi tạo hứng thú cho các em tham gia vào các hoạt động RKNDH. Bên cạnh đó, SV phải biết sử dụng những kiến thức nhất định, những kinh nghiệm và luôn có ý thức nghề nghiệp.

Tài liệu tham khảo

(1). Apdulinna O.A., (1963) Bàn về kĩ năng sư phạm. NXBGD, Hà Nội.

(2). Bộ Giáo dục và Đào tạo, “Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông” (Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2009/TTBGD ĐT, ngày 22/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

(3) Bộ GD và ĐT, Dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN, Hướng dẫn áp dụng chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học vào đánh giá giáo viên (2010), NXB ĐHSP.

 (4). Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012), Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, Quyết định số 711/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2012.

(5). Cudơminna N.V. (1961), Hình thành các năng lực sư phạm, NXB ĐH Tổng hợp Lê nin grat.

 

 


Nguồn:cdspbacninh.edu.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội