Một ngày cuối mùa hạ của năm 2018, tôi và các giảng viên trong tổ Mĩ thuật được sinh viên lớp TCSP Họa K2 – khóa 1998 – 2000 mời dự họp gặp mặt lớp. Tôi nhận lời với mong muốn được gặp lại đồng nghiệp và ... nhất là được gặp lại học trò, thế hệ sinh viên những ngày đầu mới thành lập trường CĐSP Bắc Ninh. Gặp nhau niềm vui không thể đong đếm, nhưng giật mình thấy thời gian như bóng chớp. Mới đấy mà đã qua 18 năm. Hiện tại, có em theo nghề dạy mỹ thuật, có em đi con đường khác, có người may mắn, có người khó khăn...Nhưng lắng đọng trong tôi sau buổi họp mặt là Nguyễn Xuân Tám, người học trò cũ khiến tôi cảm phục, tự hào về sự cố gắng, nghị lực vươn lên và những thành công hiện tại của em.
Nguyễn Xuân Tám, sinh năm 1979 tại vùng quê Đồng Thôn, xã Đông Tiến, huyện Yên Phongtrong một gia đình bố mẹ thuần nông.
Tháng 8 năm 1998 Nguyễn Xuân Tám thi đỗ vào lớp Họa K2 – Hệ Trung cấp của trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh (khóa học 1998 - 2000). Thời gian đó trường mới vừa mới được thành lập (tháng 6 năm 1998) nên gặp rất nhiều khó khăn về cả cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Nhưng với lòng yêu nghề và sự nhiệt huyết, các giảng viên đã luôn cố gắng thắp lên ngọn lửa đam mê nghệ thuật cho sinh viên qua từng giờ học. Xuân Tám lúc đó là một lớp phó học tập ít nói, điềm đạm, gương mẫu. Đặc biệt, các giờ học mỹ thuật Tám thường xuyên học hỏi, tìm tòi, sáng tạo trong các bài tập nên luôn đạt thành tích cao, nhà trường khen thưởng, thày cô, bạn bè quí mến.
Sau khi tốt nghiệp TCSP, tháng 9 năm 2000 đến tháng 11 năm 2013 Xuân Tám làm công tác giảng dạy mĩ thuật tại huyện nhà - Trường THCS Yên Phong. Trong thời gian này mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống của một giáo viên trẻ mới ra trường; nhưng với khát vọng vươn lên, nhất là niềm say mê nghệ thuật hội họa, tháng 5 năm 2002 Xuân Tám vừa làm vừa theo học chuyên ngành hội họa- Trường Đại học Mỹ thuật Việt Namvà đến tháng 8 năm 2007, Tám đã có trong tay tấm bằng đại học.
Không chỉ dừng lại đó, tháng 11 năm 2010 Xuân Tám đã thi đỗ lớp thạc sĩ chuyên ngành Mỹ thuật tạo hình – Hội họa của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (khóa 2010 – 2012). Thời gian theo học thạc sĩ đã mở ra cho Tám những hướng đi, chân trời mới. Nên sau tốt nghiệp thạc sĩ, tháng 12 năm 2013,Xuân Tám chuyển công tác ra trường Đại học Nghệ thuật Trung ương làm giảng viên giảng dạy ngành Thiết kế đồ họa.
Với sự nhiệt tình, tâm huyết và những đóng góp trong giảng dạy như:Thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá; Tham gia giờ dạy giỏi; Tham mưu, đề xuất về các công tác dạy học; Làm tốt công tác cố vấn học tập; Xây dựng mô hình tự học cho sinh viên;...Tháng 3 năm 2016 Xuân Tám được bổ nhiệm giữ chức Trưởng bộ môn Cơ sở ngành - Khoa Thiết kế đồ họa với nhiệm vụ: Quản lý, chịu trách nhiệm phụ trách chuyên môn Bộ môn Cơ sở ngành, giảng dạy một số môn Hình họa, Vẽ kĩ thuật - Đạc biểu kiến trúc, Sáng tác thiết kế, Kí họa, Hướng dẫn tốt nghiệp, cố vấn học tập.
Bên cạnh công tác giảng dạy, Nguyễn Xuân Tám còn tích cực tham gia trong công tác nghiên cứu khoa học với nhiều nội dung: Tham gia rà soát chương trình; Viết đề cương môn; Viết tài liệu tham khảo; Viết giáo trình; Sách phục vụ sự nghiệp giáo dục; Bài báo khoa học; Sáng kiến kinh nghiệm; Chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, cấp Bộ;.... Với nhiều giảng viên, chỉ làm tốt những công việc chuyên môn ở một trường đại học đã là khó khăn. Nhưng Xuân Tám vừa làm tốt công việc chuyên môn vừa mê mải cả việc tạo tác cây cảnh cũng như tham gia câu lạc bộ sinh vật cảnh và nhiều cuộc triển lãm về cây cảnh.
Những bận rộn trong học tập, công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cả niềm đam mê dành cho cây cảnh không dập tắt cháy bỏng đam mê sáng tạo nghệ thuật hội họa. Xuân Tám đã dành phần lớn thời gian cho việc sáng tác tranh. Các tác phẩm của Tám đa dạng nhưng bình dị về nội dung đề tài đó là: Chiều biên cương, Phố bờ sông, Hoa sen, Tĩnh vật, Nắng trưa, Bé Linh, Lễ hội;... Nhưng nhiều nhất trong tác phẩm của mình vẫn là hình ảnh những người lao động. Có lẽ, do sinh ra ở làng quê và tuổi thơ gắn bó với những nhọc nhằn của người quê, nên Tám luôn đồng cảm với cuộc sống một nắng hai sương của người lao động. Chính vì vậy họ thường xuyên xuất hiện trong tranh của Xuân Tám đó là anh thợ điện, là những người phụ nữ tần tảo, là những người nông dân...
Nghệ thuật thể hiện trong tranh của Xuân Tám luôn hướng tới sự tìm tòi và mang sắc thái riêng. Đó là sự tiếp thu những tinh hoa về nghệ thuật trong các khóa học mà Xuân Tám theo đuổi kết hợp với sự sáng tạo của cá nhân, tạo sự sâu lắng, tâm trạng và giàu chất trữ tình. Từ năm 2012 đến nay hàng chục tác phẩm của Tám đã có mặt trong các cuộc triển lãm như: Triển lãm của trường Đại học Nghệ thuật TW; Triển lãm khu vực Đồng bằng sông Hồng; Triển lãm Câu lạc bộ họa sĩ trẻ.
Năm 2010 và 2015 tác phẩm của Tám đã có mặt trong triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc. Đó là phần thưởng cho sự nỗ lực không ngừng trong học tập kết hợp sự cố gắng trong giảng dạy và sáng tác.
Xuân Tám đã trưởng thành và ngày càng vững vàng trong điều khiển các chất liệu hội họa và thể hiện ngôn ngữ tạo hình. Với sự cố gắng không ngừng Xuân Tám đã vinh dự được nhận Tặng thưởng Mĩ thuật tác phẩm Suối hoa-Triển lãm khu vực Đồng bằng sông Hồng, năm 2013; Tặng thưởng giấy khen của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2013; Được khen thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở của Trường ĐHSP Nghệ thuật TWba năm liền là năm 2015, năm 2016 và năm 2017.
Hiện tại, dù bận rộn với công việc nhưng Xuân Tám vẫn không ngừng học hỏi mỗi ngày để hoàn thiện bản thân,góp phần đào tạo nghệ thuật cho thế hệ trẻ cùng mong muốn sẽ tạo ra nhiềutác phẩm thành công hơn nữa trong nghệ thuật hội họa.Xuân Tám chia sẻ với tôi : « ...Đam mê của em là giảng dạy, vẽ tranh và tạo tác cây cảnh, thế thôi ...». Đơn giản, nhưng tôi biết để cháy những đam mê đó là sự cố gắng phi thường và chứa đựng cả những hi sinh vô bờ bến mà chỉ những người theo nghệ thuật mới hiểu.
Đến đây, bất chợt trong tôi vọng về câu hát của một sinh viên lớp Âm nhạc K2 ngày ấy: Em sẽ lớn lên như tôi đã từng khôn lớn và sẽ bay cao, bay xa hơn tôi...Đúng vậy, từ mái trường gian khó của những ngày đầu thành lập cách đây 20 năm em đã bay cao, bay xa. Chúc em mãi là cánh chim không mỏi, thành công hơn với khát vọng, đam mê mà em đang theo đuổi./.
Th. Sĩ: Vũ Thị Loan
Khoa Nhạc – Họa – TD, GDQPAN