A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẻ đẹp ngôn ngữ dân gian trong ca dao tình yêu đôi lứa TS. Nguyễn Thị Thắng, khoa GD TH-MN

 

1. Mở đầu

Là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, ca dao cũng như các thể loại văn học nghệ thuật khác, mang đậm dấu ấn của một hình thái ý thức thẩm mĩ đặc thù. Nếu hội họa sử dụng các đường nét, màu sắc; âm nhạc sử dụng âm thanh, tiết tấu, giai điệu; nghệ thuật biểu diễn sử dụng các động tác... thì ca dao sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật làm chất liệu sáng tác để phản ánh và sáng tạo nên cái đẹp trong cuộc sống. Vì vậy, ca dao dân ca cũng như văn học nghệ thuật nói chung, không tác động trực tiếp vào cảm giác như nghệ thuật tạo hình hay nghệ thuật biểu diễn. Bằng một cách rất riêng, thông qua hệ thống tín hiệu ngôn ngữ nghệ thuật, ca dao đã phản ánh một cách phong phú và linh hoạt mọi mặt của đời sống con người, đặc biệt là thế giới nội tâm sâu kín, thông qua những hình tượng thẩm mĩ giàu giá trị biểu hiện. Bài viết này bước đầu tập trung tìm hiểu vẻ đẹp của ngôn ngữ dân gian trong ca dao tình yêu đôi lứa – một trong những nội dung phong phú nhất của ca dao dân ca Việt Nam.

2. Nội dung

2.1. Ngôn ngữ bình dân, mộc mạc mà giàu biểu cảm, hình tượng

Cũng như các thể loại văn học dân gian khác, ca dao được sáng tác và lưu truyền bằng con đường truyền miệng thông qua môi trường lao động và sinh hoạt văn hóa ở làng quê. Được sản sinh từ môi trường, hoàn cảnh diễn xướng, qua những buổi lao động và sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở làng quê nên ngôn ngữ ca dao nói chung, ngôn ngữ ca dao về tình yêu đôi lứa nói riêng cũng tự nhiên phong phú, sinh động, mang đậm hồn quê từ cốt cách đến linh hồn. Đặc trưng đầu tiên có thể nhận thấy trong những câu ca dao về tình yêu đôi lứa là những câu văn vần bình dân, mộc mạc, giản dị, hồn nhiên và chân thật như chính tâm hồn những người dân quê vậy.

                                       - Gặp đây anh nắm cổ tay

                               Anh hỏi câu này có lấy anh không?

                                       - Cô kia cắt cỏ một mình,

                               Cho anh cắt với chung tình làm đôi

                                       Cô còn cắt nữa hay thôi,

                               Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.

                                       - Muốn ăn cơm trắng, cá kho

                               Trốn cha, trốn mẹ, xuống đò cùng anh.

Chỉ có trong ca dao dân gian chúng ta mới thấy những lời tỏ tình thật mộc mạc mà dễ thương đến thế. Đó là cách nói, cách thể hiện tình cảm của những người dân lao động thật thà, hồn nhiên và rất đỗi yêu đời, yêu cuộc sống. Cách thể hiện tình cảm của chàng trai trong những câu ca dao tỏ tình thể hiện bản chất chất phác, chân tình của người dân lao động xưa. Nó được nói ra một cách tự nhiên, nhẹ nhàng như chính lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân xưa, không hề có sự trau chuốt, màu mè. Chẳng thế mà, khi bộc lộ cảm xúc tình yêu với một nửa của mình, những chàng trai cô gái ở thôn quê xưa cũng có cách thể hiện rất riêng:

                                       - Yêu nhau thì ném miếng trầu,

                                Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra.

                                       Yêu nhau cau bổ làm ba,

                                Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.

                                       - Chàng về để áo lại đây,

                               Phòng khi em nhớ, cầm tay đỡ buồn.

Trong những lời nói vần vè ấy, người đọc cảm nhận cả điệu hồn, điệu trái tim dân dã, thân thuộc mang hương đồng gió nội chốn quê kiểng không thể lẫn với ngôn từ nghệ thuật của bất kì một thể loại văn học nào khác.

Mặc dù là những “lời nói vần điệu” mộc mạc, giản dị nhưng ngôn từ trong ca dao truyền thống không vì thế mà trở nên suồng sã, sỗ sàng. Ta bắt gặp trong hồn cốt chân quê của những câu ca dao truyền thống là cái lấp lánh, lung linh của một thứ ngôn ngữ giàu biểu cảm và tính hình tượng. Nó mang đậm chất thơ của cuộc sống thường nhật và chan chứa tình cảm, cảm xúc tâm hồn người dân lao động:

                                       - Hỡi cô tát nước bên đàng

                               Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

                                       - Rủ nhau xuống bể mò cua

                               Đem về nấu quả mơ chua trên rừng

                                       Em ơi chua ngọt đã từng

                               Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau.

Lời thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm đượm chất trữ tình. Bằng cách sử dụng những hình ảnh so sánh, ví von, mượn hình ảnh thiên nhiên để nói lên tình cảm của mình, tác giả dân gian đã tinh tế biến những lời nói thường ngày thành những ngôn từ nghệ thuật mang sức nặng thật khó đong đếm của tình cảm, cảm xúc. Cách nói so sánh ví von là thủ pháp nghệ thuật được sử dụng thường xuyên và phổ biến nhất trong ca dao - dân ca truyền thống, nhất là trong ca dao về tình yêu đôi lứa. So sánh cũng là một lối cụ thể hoá những cái trừu tượng, làm cho lời thơ thêm ý nhị, tình tứ và thắm thiết:

Đôi ta như thể con tằm,

    Cùng ăn một lá cùng nằm một nong.

            Đôi ta như thể con ong,

    Con quấn con quýt, con trong con ngoài.

Bên cạnh lối so sánh, ví von, tác giả dân gian còn kết hợp nhiều nghệ thuật tu từ khác tạo nên cách nói tế nhị và kín đáo. Khi thể hiện mối tình chung thuỷ với người yêu thì không lời thơ nào đẹp, gợi cảm và thắm thiết bằng câu ca dao:

Thuyền về có nhớ bến chăng

    Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

Hay khi bày tỏ tình cảm với người mình thầm thương trộm nhớ, các chàng trai cô gái xưa thường rất khéo léo trong cách thổ lộ nỗi lòng, mong muốn của mình :

                                                Bây giờ mận mới hỏi đào

                                        Vườn hồng đã có lối vào hay chưa?

                                                - Mận hỏi thì đào xin thưa

                                        Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào…

Bằng cách sử dụng lối nói ẩn dụ, người nói vòng vo ẩn ý mà vẫn trao được điều muốn thổ lộ tới nửa kia của mình, vừa tránh được cái khó khi tỏ tình trực tiếp vừa khéo léo khiến người nghe không cảm thấy sỗ sàng, đường đột. Vậy nên, tình ý ấy mới dễ đi vào lòng người, dễ nhận được sự đồng cảm, thương mến. Có thể nói, đặc trưng này của ngôn ngữ ca dao tình yêu chính là thể hiện nét văn hóa trong lời ăn tiếng nói của người lao động Việt Nam xưa, đồng thời thể hiện vẻ đẹp đặc trưng của ngôn ngữ tiếng Việt.

Nghệ thuật nhân cách hoá cũng là một nét đặc trưng của ngôn ngữ trong ca dao tình yêu đôi lứa:

- Trèo lên cây khế nửa ngày

    Ai làm chua xót lòng này khế ơi!

- Đêm qua ra đứng bờ ao

    Trông cá cá lặn, trông sao, sao mờ.

            Buồn trông con nhện giăng tơ,

    Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai ?

            Buồn trông chênh chếch sao mai,

    Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ ?...

Khi muốn tránh sự sỗ sàng, nhân dân thường gửi gắm tâm sự vào những vật xung quanh, tránh nói đến cái tôi của mình. Muốn biểu lộ nỗi nhớ nhung da diết người thương, người lao động xưa thường gửi lòng mình vào những hình tượng gần gũi trong cuộc sống hàng ngày để tâm sự như bầu bạn:

Khăn thương nhớ ai?

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai?

Khăn vắt lên vai

Khăn thương nhớ ai?

Khăn chùi nước mắt

Đèn thương nhớ ai?

Mà đèn không tắt

Mắt thương nhớ ai?

Mắt ngủ không yên

Đêm qua em những lo phiền

Lo vì một nỗi không yên mọi bề...

Nghệ thuật nhân cách hoá ở đây đã tiến lên từng cung bậc một, đầu tiên là cái khăn một vật vô tri vô giác, hoàn toàn bất động, đến ngọn đèn, tuy cũng có thể rung động trước gió hoặc lụi đi hoặc vụt sáng hơn, đến con mắt rồi đến chính bản thân người đang nặng nỗi tương tư. Cũng giống như người con gái, tất cả những vật kia đều có linh hồn, chúng đều rung động một nhịp như trái tim thổn thức của người đang sầu cảm trong tình yêu.

   Có thể nói trong ca dao dân ca truyền thống, đặc biệt những câu ca dao về tình yêu đôi lứa, ta thấy được vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, chân thật, hồn nhiên nhưng cũng rất tinh vi và tế nhị của dân gian xưa. Từ cách dùng chữ, dùng lời đến những lối biến thể, hình tượng hoá, nhân cách hoá sát với thực tế biểu hiện ở nội dung, làm cho ca dao trở thành những câu hát thấm thía, trữ tình đầy chất thơ về cuộc sống của nhân dân lao động.

2.2. Ngôn ngữ ca dao tình yêu mang tính chất diễn xướng

Theo Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê thì diễn xướng là: Trình bày sáng tác dân gian bằng động tác, lời lẽ, âm thanh, nhịp điệu. [3; 257].  Như vậy, tìm hiểu khía cạnh diễn xướng của ngôn ngữ tức là tìm hiểu ngôn ngữ của hành động, ngôn ngữ của hình thức biểu diễn, ngôn ngữ bộc lộ cảm xúc, ngôn ngữ miêu tả… Ngôn ngữ diễn xướng trong ca dao, nhất là trong ca dao về tình yêu đôi lứa, được thể hiện qua một số hình thức sử dụng ngôn ngữ cơ bản.

Trước hết, đó là hình thức sử dụng ngôn ngữ đối thoại và độc thoại. Độc thoại là hình thức kết cấu đơn giản nhất trong thơ ca trữ tình dân gian nhằm biểu đạt một cách trực tiếp, giản dị, tự nhiên những ý nghĩ, tâm tư, tình cảm của các nhân vật trữ tình. Ở dạng này, nội dung của lời ca mang tính tự sự. Mặc dù là tự sự nhưng luôn hướng đến mục đích phô diễn tâm tình một cách tự nhiên: 

- Nhớ ai con mắt lim dim,

                                        Chân đi thất thểu như chim tha mồi.

                                                Nhớ ai hết đứng lại ngồi,

                                        Ngày đêm tơ tưởng một người tình nhân.

                                                Nhớ ai em những khóc thầm

                                        Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa.

                                                - Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

                                        Như đứng đống lửa, như ngồi đống than.

                                                - Ai làm cho bướm lìa hoa

                                        Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng

                                                Ai đi muôn dặm non sông,

                                        Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy.

Chính đặc điểm này làm cho lời ca dao – dân ca tình yêu mang tính hành động rõ rệt. Mặc dù là ngôn ngữ của một thể loại trữ tình nhưng lại mang đậm chất hành động của phô diễn, bộc lộ, thể hiện… hướng tới đối tượng nghe là một ai đó phiếm chỉ ngoài mình. Nó làm cho ngôn ngữ ca dao tình yêu rất dễ khơi gợi những điệu hồn đồng cảm, tác động trực tiếp đến thế giới tinh thần của người nghe trong mọi hoàn cảnh.

Hình thức ngôn ngữ ca dao mang tính chất đối thoại được sử dụng rộng rãi trong lối hát đối đáp giao duyên – lối kết cấu quen thuộc của ca dao dân ca. Đó là những bài ca mang hình thức đối thoại giữa hai nhân vật trữ tình, một hình thức phổ biến trong sinh hoạt diễn xướng của dân ca mà nhân vật chính là hai bên nam nữ. Phần lớn nội dung đều diễn tả tâm trạng của tình yêu lứa đôi: 

- Mình về có nhớ ta chăng

Ta như lạt buộc khăng khăng nhớ mình

Ta về ta cũng nhớ mình

Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao.     

       - Trèo lên cây bưởi hái hoa,

Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân,

       Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,

Em có chồng, anh tiếc lắm thay!

       - Ba đồng một mớ trầu cay,

Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?

       Bây giờ em đã có chồng,

Như chim vào lồng, như cá cắn câu…

Những lời ca phần lớn đều có lối kết cấu hai vế tương hợp thành một cặp: lời trao – lời đáp; mỗi vế diễn tả một ý trọn vẹn của nhân vật trữ tình. Do vậy người nói, người hát có thể vận dụng linh hoạt các vế đối của câu thơ tùy theo hoàn cảnh diễn xướng để thể hiện tâm tư mình muốn thổ lộ. Bên cạnh đó, lối kết cấu hai vế đối lập trong lời ca dao cũng tạo nên vẻ sinh động của những câu hát giao duyên trong dân ca:  

– Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở

Anh đến tìm đò thì đò đã sang sông

Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng

Em yêu anh như rứa có mặn nồng chi mô?

– Hoa đến kỳ thì hoa phải nở

Đò đã đầy thì đò phải sang sông

Đến duyên thì em phải lấy chồng

Em yêu anh như rứa đó còn mặn nồng thì tùy anh.      

Thường những lời đối đáp như trên là cách thể hiện tâm trạng hờn giận, trách móc của những đôi lứa yêu nhau mà không thể nên duyên vẹn nghĩa, hoặc hờn trách sự phụ bạc của nhân tình nhân ngãi… Có thể nói, trong ca dao, dấu ấn đối thoại không chỉ thể hiện ở những bài ca được kết cấu 2 vế đối đáp mà ngay cả ở những bài ca mang tính độc thoại vẫn là sự thể hiện của lối trò chuyện giãi bày, tâm tình trực tiếp muốn gửi đến người thương qua các câu hát dân ca.

Tính chất diễn xướng của ngôn ngữ ca dao tình yêu còn được thể hiện rõ qua lối xưng hô bằng hình thức sử dụng đại từ nhân xưng quen thuộc như: anh – em, chàng – thiếp, mình – ta, cô kia - anh...: 

                                    - Anh về em nắm cố tay,

                             Em dặn câu này anh chớ có quên.

                                    - Tình anh như nước dâng cao,

                             Tình em như dải lụa đào tẩm hương.

                                    - Mình về ta chẳng cho về,

                             Ta nắm vạt áo, ta đề câu thơ…

                                    - Mình ơi ta hỏi thực mình

                             Còn không hay đã chung tình với ai.

- Chàng về thiếp cũng xin theo

                                         Qua sông nỉ nước, qua đèo nỉ non.

                                                - Thiếp nhớ chàng tấm phên hư nuột lạt đứt

                                                Chàng nhớ thiếp khi đắng nước nghẹn cơm…

                                                - Cô kia cắt cỏ bên sông

                                         Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.

Bằng cách sử dụng các đại từ xưng hô, những lời ca dao dân ca thể hiện rõ dấu ấn của lối kết cấu đối đáp, trò chuyện mang đặc trưng bản chất của thể loại. Diễn tả tâm tình qua lối đối đáp trực tiếp, đại từ nhân xưng trong ca dao được sử dụng một cách linh hoạt và độc đáo, là một trong những thủ pháp nghệ thuật quan trọng khẳng định phương thức diễn xướng của thể loại. Nó cũng thể hiện tính thực hành trực tiếp - đặc trưng cơ bản của ca dao dân ca nói chung. Đôi khi đó chỉ là những lời hát bâng quơ của những cặp nam nữ bất chợt gặp nhau trên đường hay là những câu ca đối đáp của gái trai trong quá trình lao động, cũng có khi nó là những cuộc hát có tổ chức vào những dịp lễ hội nhất định. Song dù dưới hình thức nào thì hành động diễn xướng ở đây không nhất thiết phải là “đối giọng” mà còn được thể hiện qua “đối lời”. Vì vậy, cách xưng hô trong ca dao đóng vai trò quan trọng nhằm diễn tả mọi sắc thái biểu cảm trong nội dung ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trữ tình dân gian.

2.3. Ngôn ngữ diễn tả thời gian nghệ thuật đặc thù

Mỗi thể loại văn học mang nét đặc thù riêng về cách diễn tả thời gian nghệ thuật. Nếu chỉ xét riêng các thể loại văn học dân gian, ta cũng có thể thấy ca dao dân ca, đặc biệt là ca dao về tình yêu lứa đôi, có cách thể hiện rất riêng thời gian nghệ thuật trong cách dùng lời. Thời gian trong sử thi là thời gian mang tính khái quát hàng nghìn năm, đậm chất thần thoại; thời gian trong cổ tích là thời gian của quá khứ không xác định, mang tính hoang đường kì ảo, gắn với một chuỗi liên tục của các sự kiện được bắt đầu trong lời kể là “ngày xửa ngày xưa”; còn thời gian nghệ thuật trong ca dao là thời gian hiện tại. Đó là khoảnh khắc hiện tại của tác giả dân gian, của người đọc và của người diễn xướng tâm tình. Thời gian hiện tại trong ca dao tình yêu được thể hiện bằng cụm từ chỉ hiện tại rõ rệt là “bây giờ”:

                                                - Bây giờ anh bắt tay nàng

     Hỏi sao lá ngọc cành vàng xa nhau.

            - Bây giờ mận mới hỏi đào

     Vườn hồng đã có lối vào hay chưa?

            - Bây giờ em đã có chồng

     Như chim vào lồng, như cá cắn câu…

            - Công anh chăn nghé bấy lâu

     Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày.

Tuy nhiên “bây giờ” ở đây chỉ là cụm từ mang tính chất phiếm chỉ, diễn tả một quãng thời gian của hiện tại, của sự gặp gỡ và chia ly, hay của tâm trạng hờn trách… Cũng giống như thời gian nghệ thuật trong văn chương nói chung, thời gian hiện tại trong ca dao chủ yếu mang tính ước lệ, nhằm diễn tả tâm lý và những diễn biến tình cảm nội tâm của nhân vật trong một khoảnh khắc. Ngay cả khi sử dụng những cụm từ chỉ quá khứ như: “hôm qua”, “đêm qua”, thì thời gian trong ca dao vẫn nhằm diễn tả sự việc mang ý nghĩa hiện tại: 

Đêm qua dồn dập mưa mau

     Gió rung cành ngọc cho đau lá vàng

Trách chàng phụ ngãi tham vàng

     Ngô đồng nỡ để phượng hoàng ngẩn ngơ

Biết nhau từ bấy đến giờ

     Đã cho bướm đậu thì chừa sâu ra.     

Đó là tiếng lòng ai oán của người phụ nữ bị phụ bạc. Cô trách người phụ nghĩa, phụ tình, trách cho số kiếp bạc bẽo của mình. Và dẫu rằng cái đêm mưa gió hôm qua đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn đó, vẫn giày vò cô với nỗi cô đơn thực tại của ngày hôm nay.

- Đêm qua ra đứng bờ ao

    Trông cá cá lặn, trông sao, sao mờ.

            Buồn trông con nhện giăng tơ,

    Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai ?

            Buồn trông chênh chếch sao mai,

    Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ ?...

                                                - Hôm qua tát nước đầu đình

                                         Bỏ quen cái áo trên cành hoa sen,

                                                Em được thì cho anh xin,

                                         Hay là em để làm tin trong nhà…

Thực chất, “đêm qua” hay “hôm qua” ở đây chỉ là cái cớ để diễn tả tâm tình ở thực tại của nhân vật trữ tình. Bằng việc sử dụng từ ngữ diễn tả quá khứ ngay sát gần hiện tại, tác giả dân gian đã đưa ra cách hiểu mang tính khái quát về hiện tại: không chỉ là ngày hôm nay hay một khoảnh khắc nào đó cụ thể trên dòng đời mà đó là một hiện tại mang tính ước lệ, hiện tại của tâm tình.

Bên cạnh đó, thời gian nghệ thuật trong ca dao tình yêu còn được thể hiện qua những từ láy để nhấn mạnh quá trình diễn ra của sự việc trong hiện tại:   

- Chiều chiều ra đứng bờ ao

Nước kia không khát, khát khao duyên chàng

- Đêm đêm chớp bể mưa nguồn

Hỏi người quân tử có buồn hay không?

            - Ngày ngày em đứng em trông

Trông non non ngất, trông sông sông dài…

Những cụm từ chỉ thời gian trong ca dao như: đêm qua, hôm nay, ngày nào, chiều chiều, đêm đêm… chỉ mang tính chất ước lệ, không có giá trị chỉ thời gian thực, cụ thể. Bởi lẽ người ta có thể vận dụng nó linh hoạt, tùy vào từng hoàn cảnh diễn xướng. Người diễn xướng có thể thay đổi lời hát tùy theo cảm hứng và ngữ cảnh: “Chiều chiều ra đứng bờ ao”, “Hôm nay ra đứng bờ ao” hay “Đêm đêm ra đứng bờ ao” mà giá trị ngữ nghĩa của câu hát dân ca vẫn không thay đổi, sức nặng tâm trạng nhân vật trữ tình cũng không vì thế mà bị phai nhạt.

3. Kết luận

Có thể nói, ngôn ngữ ca dao về tình yêu đôi lứa, với đặc trưng tính chất của thể loại thơ ca dân gian, mang âm sắc của giai điệu lời nói tiếng Việt với vẻ đẹp giản dị, mộc mạc mà giàu biểu cảm, hình tượng; hình thức kết cấu đối đáp, ngôn ngữ diễn tả thời gian nghệ thuật mang tính gợi cảm, trữ tình và lối sử dụng đại từ nhân xưng đầy biểu cảm là những yếu tố cơ bản tạo giá trị thẩm mĩ cho những lời hát dân ca tình yêu mang màu sắc của sinh hoạt diễn xướng dân gian. Bài viết trên đã khái quát vẻ đẹp của ngôn ngữ ca dao về tình yêu đôi lứa, tác giả báo cáo rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn bè đồng nghiệp để nội dung báo cáo được hoàn thiện hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nguyễn Xuân Kính, 2004, Thi pháp ca dao, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2]. Mã Giang Lân, 1995, Tục ngữ ca dao Việt Nam, NXB Giáo dục, HN.

[3]. Hoàng Phê (chủ biên), 2002, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, HN - ĐN.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết