Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận dụng phương pháp trò chơi nhằm nâng cao hứng thú học tập cho sinh viên với học phần Tư tưởng HCM - GV; Lưu Thị Hường Khoa Lí luận chính trị - Tâm lí giáo dục

 

  1. Đặt vấn đề

Tổ chức chơi trò chơi và áp dụng trò chơi học tập là một trong những biện pháp đổi mới và hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo, thu hút người học vào bài học, làm cho bài học trở nên hấp dẫn. Tham gia trò chơi khiến người học không có cảm giác gò bó, áp lực. Cách thức tổ chức phương pháp này đã được áp dụng trong dạy học ở nhiều bộ môn. Đối với học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh vận dụng phương pháp này có khả năng mang lại những kết quả tích cực trong việc gây hứng thú, cuốn hút người học, nâng cao chất lượng việc chuyển tải, tiếp thu thông tin kiến thức giữa giảng viên với sinh viên. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

  1. Giải quyết vấn đề

Các nghiên cứu về giáo dục bậc đại học cho thấy, ở lứa tuổi sinh viên: nếu vừa học, vừa chơi không chỉ giúp sinh viên ghi nhớ kiến thức nhanh và sâu hơn, mà còn tạo tinh thần thoải mái trong học tập, giúp các em hứng thú, say mê và yêu thích môn học, tạo cơ hội cho sinh viên có cơ hội thể hiện bản thân, rèn luyện các thao tác, kỹ năng thực hành, đồng thời cũng phát triển tư duy sáng tạo. Thông qua quá trình tham gia chơi các trò chơi, sinh viên dần hình thành năng lực, nhân cách, tăng tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt với môn học có lượng kiến thức nhiều, nhiều nội dung dài khó học như Tư tưởng Hồ Chí Minh, việc sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực trong đó có phương pháp trò chơi là đòi hỏi cấp thiết trong quá trình đổi mới giáo dục hiện nay. Tuy nhiên việc áp dụng các trò chơi học tập trong giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay vẫn chưa được nghiên cứu một cách bài bản, có tính hệ thống. Vì vậy, thực tế hiện nay người giáo viên chủ yếu tự nghiên cứu, xây dựng hệ thống trò chơi và vận dụng sáng tạo các trò chơi sao sao cho phù hợp với nội dung bài học và đối tượng sinh viên ở trường của mình. Cũng bởi vì vậy, hiệu quả sử dụng phương pháp chưa cao, còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Khi thăm dò ý kiến của sinh viên thông qua phương pháp phỏng vấn, có nhiều em cho rằng những tiết học mà giảng viên chỉ thuyết trình hoặc giao quá nhiều bài tập nghiên cứu theo hình thức thảo luận, hay tự học sẽ khiến sinh viên cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, chỉ muốn làm bài cho xong việc giảng viên giao cho chứ không hứng thú với chính những điều mình đang nghiên cứu. Cũng có một số sinh viên bày tỏ mong muốn trong mỗi giờ học các em được tiếp xúc và làm quen với nhiều hình thức và phương pháp học tập đa dạng hơn, đặc biệt là những phương pháp dạy học mới đòi hỏi sinh viên phải tăng cường tính hợp tác hoặc phát huy nhiều kỹ năng, kiến thức vốn có của bản thân.

Qua thực tế giảng dạy và dự giờ của đồng nghiệp cùng giảng dạy học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh tôi cũng nhận thấy, hiện nay, việc tổ chức hoạt động dạy học dưới dạng trò chơi cho sinh viên còn hạn chế. Có giảng viên do không phải sở trường nên gần như không sử dụng phương pháp này. Có một số giảng viên có sử dụng, tuy nhiên hình thức chơi được lặp lại nhiều lần trong từng môn học hoặc trùng lặp cách thức tổ chức giữa các giảng viên khác nhau. Thậm chí, có nhiều trò chơi, giảng viên đưa ra luật chơi quá đơn giản, yêu cầu quá thấp không mang tính thách thức. Từ đó, dẫn đến sự nhàm chán và chưa phát huy được vai trò, tác dụng vốn có của nó trong  quá trình dạy học.

Từ thực trạng trên, với mong muốn nâng cao hứng thú cho người học với học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua việc vận dụng pương pháp trò chơi, tôi đưa ra và áp dụng một số biện pháp cụ thể:

Biên pháp số 1: Lựa chọn tổ chức trò chơi phù hợp

Trò chơi học tập là một dạng hoạt động vui chơi vì vậy nó mang đến cho sinh viên niềm vui sướng, thỏa mãn, bằng lòng khi được chơi và giành chiến thắng. Phương pháp trò chơi mang tính giải trí cao cho cả người dạy và người học. Bản thân nó là một hoạt động trực tiếp với tính hấp dẫn tự thân của mình có một tiềm năng lớn để trở thành một cách thức dạy học hiệu quả, kích thích hứng thú nhận thức và niềm say mê học tập của người học. Tuy nhiên, trong giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh không phải lúc nào cũng có thể sử dụng được trò chơi, hoặc sử dụng liên tục trong một tiết dạy, buổi dạy. Việc lựa chọn tổ chức trò chơi phù hợp được thể hiện ở các góc độ:

- Một là: mức độ phù hợp: Môn tư tưởng Hồ Chí Minh ở trường Cao đẳng sư phạm bắc Ninh hiện nay thường được sắp xếp thời khóa biểu học 2 - 3 tiết/tuần và giáo viên chỉ nên chọn 1 - 2 trò chơi/buổi dạy. Không nên tổ chức trò chơi nhiều quá bởi đây không phải là phương pháp có thể đứng độc lập trong cả tiết dạy, và bản thân phương pháp này cũng có những hạn chế nhất định trong quá trình sử dụng.

- Hai là: Sử dụng phù hợp với các bước lên lớp. Phát huy hứng thú học tập cho sinh viên với môn học là mục tiêu mà giáo viên đặt ra cho tất cả các tiết dạy. Tuy nhiên, ở mỗi tiết dạy, mỗi một nội dung trong các bước lên lớp lại được giáo viên tiến hành bằng những phương pháp, cách thức khác nhau. Đối với học phần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong 1 tiết giảng dạy, giáo viên có thể sử dụng phương pháp trò chơi ngay từ phần kiểm tra bài cũ; giới thiệu vào bài mới, nội dung mới; triển khai tìm hiểu nội dung bài học và cả phần củng cố kiến thức. Việc tổ chức trò chơi phải luôn luôn bám sát vào mục đích sử dụng của giáo viên ở từng bước lên lớp. Ví dụ, ở học phần này những trò chơi gợi mở sẽ được sử dụng ở bước giới thiệu bài mới hay tri thức mới; trò chơi dạng lựa chọn đáp án nhanh thường sử dụng ở bước kiểm tra bài cũ hay củng cố bài học... Tổ chức trò chơi phù hợp với từng bước lên lớp sẽ phát huy tốt hiệu quả sử dụng phương pháp và cuốn hút sinh viên tham gia vào trò chơi. Từ đó từng bước thực hiện mục tiêu giáo dục mà giáo viên đặt ra.

- Ba là: Chọn nội dung phù hợp để chơi. Kiến thức của học phần tư tưởng Hồ Chí Minh, tuy rõ ràng, tính thực tiễn cao và ít trừu tượng, nhưng lại bao gồm nhiều nội dung dài. Khi lựa chọn trò chơi, giáo viên không nên chọn những nội dung lượng tổng thể, chỉ nên chọn những mục nhỏ để đảm bảo khai thác hoặc tổng kết nội dung kiến thức một cách cụ thể chi tiết. Trong trường hợp nội dung học tập mang nặng tính lí thuyết và những trò chơi có sẵn không phù hợp để tổ chức gợi mở tri thức cho sinh viên thì giáo viên phải sáng chế trò chơi dựa trên nội dung học tập. Đây là cách thức sáng tạo khó khăn nhất vì không có chất liệu trực tiếp cho sự thiết kế trò chơi. Nhưng khi trò chơi được hình thành thì bài học trừu tượng trở nên rất ấn tượng và không khí học tập sẽ sôi nổi, hào hứng đối với sinh viên. Điều này cũng khẳng định tài năng sư phạm của người thầy.

- Bốn là: phù hợp với các điều kiện tổ chức hoạt động dạy học: như điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, của lớp, không gian tổ chức trò chơi, những đồ dùng học tập sẵn có hoặc tự làm ra các vật dụng cần thiết phục vụ cho việc tổ chức trò chơi...

Ví dụ: Trò chơi nối câu, nối từ, nối thông tin

-  Sử dụng ở bước kiểm tra nội dung tự học hoặc củng cố bài học

- Cách thức thực hiện: Giáo viên có thể chia lớp thành 2 hoặc 3 đội. Thi nối đúng các thông tin, các từ, các câu ở 2 cột khác nhau để thành sự kiện/từ/câu/quan điểm đúng trong tư tưởng hồ Chí Minh.

- Luật chơi: Linh hoạt, có thể các đội cùng làm 1 câu hoặc chỉ chọn đội nào nhanh nhất được trả lời.

- Ví dụ cụ thể: Khi giảng dạy Chương 1, giáo viên đưa ra trò chơi với câu hỏi: Hãy nối thời gian ở cột A với nội dung phù hợp ở cột B để được một thông tin, sự kiện đúng:

A

B

1914

Pháp xâm lược Việt Nam

1917

Chiến tranh thế giới thứ nhất

1929

Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 ở Việt Nam

1919

Bản án chế độ thực dân Pháp

1858

Quốc Tế ba

1927

Cách mạng tháng mười

1925

Đường cách mệnh

 

Đặc biệt để tạo hứng thú cho sinh viên, cũng như tạo sự khác biệt với cách thức tổ chức trò chơi này ở những nội dung khác, giảng viên khác, giảng viên có thể sử dụng tranh ảnh mang thông tin để nối.

Biên pháp số 2: sử dụng linh hoạt nhiều trò chơi khác nhau

Trò chơi có thể được thiết kế lại từ những trò chơi sẵn có trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là từ những gameshow đa dạng hiện nay trên đài truyền hình. Thông thường, giáo viên phải chỉnh sửa cách chơi cho phù hợp với điều kiện của lớp học, điều đó cũng khiến trò chơi cải biên có yếu tố mới lạ, giúp sinh viên hứng thú tham gia chơi và nhận được giá trị tri thức từ trò chơi. Với học phần Tư tưởng hồ Chí Minh, giáo viên có thể sử dụng nhiều trò chơi khác nhau như: Rung chuông vàng, Ô chữ bí mật, Vòng quay diệu kì, Ai nhanh ai đúng, Nối câu nối từ, Nhanh như chớp... Giáo viên cần xây dựng và sử dụng trò chơi một cách độc đáo để lôi cuốn sinh viên suy nghĩ, tìm tòi tri thức, không để xảy ra sự trùng lặp gây nhàm chán (do giáo viên khác đã sử dụng, hoặc tiết học trước đó đã thực hiện trò chơi này), sinh viên sẽ không tích cực tư duy trong quá trình thực hiện trò chơi. Thậm chí cùng một nội dung học tập, giáo viên cần thay đổi hình thức chơi tùy theo đặc điểm của học viên. Thông thường những trò chơi có tính vận động được sinh viên hệ chính quy (trẻ tuổi) hưởng ứng tích cực nhưng lại gây khó khăn cho sinh viên hệ tại chức (lớn tuổi). Giáo viên cũng cần xem xét điều này để cân nhắc lựa chọn trò chơi cho linh hoạt nhưng phải phù hợp với đối tượng người học.

Ví  dụ: Trò chơi: Từ khóa may mắn:

Với trò chơi này, giảng viên có thể sử dụng ở bất cứ chương nào, bài nào, vừa không gò bó về kiến thức, vừa phát huy được khả năng lo gic, phá đoán và ra quyết định của người học.

Luật chơi như sau: Giảng viên đưa ra các từ khóa, sinh viên sẽ lựa chọn 1 từ khóa rồi đọc 1 câu thơ, câu nói nổi tiếng bất kì của Hồ Chí Minh hay một nội dung liên quan đến Tư tưởng của Người có chứa từ khóa đó.

Giả sử, khi giảng dạy chương 7, Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, đạo đức và xây dựng con người mới xong, giảng viên có thể đưa ra các từ khóa:: Đoàn kết; đại chúng ; dân chủ ; Chủ nghĩa Mác Lenin ; Trồng cây ; Trung – Hiếu……  Dựa vào những từ khóa này sinh viên chủ động tìm tòi và đưa ra câu trả lời mà mình nắm chắc nhất.

Biên pháp số 3: Ưu tiên các trò chơi tập thể

Để phát huy được hứng thú của người học khi sử dụng phương pháp trò chơi, theo tác giả nên ưu tiên các trò chơi tập thể để lôi kéo sự tham gia của tất cả sinh viên vào cuộc chơi. Khi trở thành người chơi chính thức các em sẽ hào hứng và nhiệt tình hơn so với khi chỉ là khán giả ngồi cổ vũ. Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng điều này, mà có đan xen để đảm bảo vừa phát huy tinh thần tập thể vừa phát huy tinh thần thi đua của các cá nhân khi tham gia trò chơi.

Ví dụ: Trò chơi nhanh như chớp:

- Cách thực hiện: giáo viên chia lớp thành hai đội chơi theo hai dãy bàn, thi đua đưa ra các đáp án đúng cho câu hỏi có nhiều đáp án khác nhau.

- Luật chơi: Sau khi giáo viên đưa ra câu hỏi, lần lượt mỗi dãy sẽ đưa ra một câu trả lời, luân phiên giữa các thành viên khác nhau. Yêu cầu:

+ Phải đưa ra đáp án nhanh

+ Đáp án phải đúng

+ Không trùng lặp đáp án đã được đưa ra trước đó

- Ví dụ cụ thể: Khi giảng dạy ở chương 7, sau khi giảng dạy xong chuẩn mực Trung với nước, Hiếu với dân, giáo viên đưa ra câu hỏi: Kể tên những việc làm thể hiện lòng Trung với nước, hiếu với dân?

Giáo viên cho 2 đội lựa chọn đội đưa ra câu trả lời trước sao cho công bằng. Khi cuộc chơi bắt đầu, lần lượt gọi các đội đưa ra đáp án. Cuộc thi sẽ dừng lại khi có 1 đội vi phạm những quy định đặt ra ban đầu. Đội còn lại sẽ là đội chiến thắng.

Để tạo được sự hứng thú và sôi nổi trong cả tập thể, giáo viên nên gọi nhiều thành viên khác nhau trong một đội thay nhau đưa ra câu trả lời. Đồng thời khích lệ người chơi bằng những lời khen nhanh, tạo tâm lý dồn dập để khích lệ các thành viên thi đua đưa ra câu trả lời nhanh như chớp.

Biên pháp số 4: lựa chọn trò chơi đơn giản, luật chơi dễ hiểu dễ thực hiện nhưng phải đảm bảo tính thách thức

Một số giáo viên khi thực hiện đã lựa chọn những trò chơi quá khó, luật chơi khó hiểu gây ra tâm lý lo lắng, không thoải mái cho sinh viên khi bắt đầu cuộc chơi. Hoặc trong lúc tiến hành trò chơi, sẽ có những thành viên không thực hiện được vì không nhớ quy định, khiến cuộc chơi dừng lại giữa chừng, làm mất hứng thú, mất tính cạnh tranh, thi đua trong lúc chơi. Cuộc chơi trở nên rời rạc, không đạt được mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, cũng không nên chọn trò chơi quá dễ không có thính thách thức. Vì tính thách thức trong mỗi trò chơi sẽ kích thích sự tò mò, cố gắng tìm hiểu của sinh viên. Từ đó, thu hút các em vào cuộc chơi với mong muốn đưa ra câu trả lời đúng nhất, nhanh nhất theo luật chơi đã định.

Ví dụ: Trò chơi giải ô chữ: tìm từ khoá vàng là: TRỒNG NGƯỜI khi giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược trồng người.

Bước 1. Tên trò chơi: Giải ô chữ

Bước 2: Mục đích: giới thiệu vào nội dung mới

Bước 3: Tổ chức vào thời điểm chuyển ý giữa nội dung trước và nội dung sau

Bước 4: Có thể chơi cả lớp hoặc chọn theo tinh thần xung phong tạo thành các đội chơi để thi đua

Bước 5: Thông báo luật chơi:

+ Từ khoá vàng gồm 2 từ có 10 chữ cái.

+ Mỗi một câu hỏi đưa ra, khi trả lời đúng đều sẽ tìm được 2 chữ cái trong từ khoá vàng và được 100 điểm. Trả lời sai không có điểm, không được lật mở từ khoá liên quan đến câu đó.

+ Thời gian suy nghĩ và trả lời là 30 giây.

+ Các chữ cái tìm ra có thể xếp lộn xộn không theo đúng thứ tự, nhiệm vụ của người chơi cần sắp xếp logic để được từ đúng.

Bước 6: Tiến hành chơi: Với nội dung tìm từ khoá vàng là: TRỒNG NGƯỜI, giáo viên xây dựng bộ câu hỏi để chơi giải ô chữ.

Câu 1: Tại Đại hội sinh viên lần thứ hai, ngày 07/5/1958, Bác nói: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần hai câu hỏi” Bác đã nhắc đến 2 câu hỏi nào

a. Học để làm gì? Học để phục vụ ai?

b. Học để làm gì? Học cho ai?

c. Học để làm gì? Học như thế nào?

Trả lời đúng đáp án a người chơi sẽ mở được 2 chữ cái đầu tiên trong Từ khoá vàng: T, I

Câu 2: Điền từ còn thiếu vào dấu “...” trong câu sau:

Dân ta phải biết sử ta

Cho...nước nhà Việt Nam

Điền đúng từ “tường gốc tích” sẽ tìm được 2 chữ cái trong Từ khoá vàng là chữ Ư, Ơ.

Câu 3: Đây là tên một vở kịch của Nguyễn Ái Quốc, được Người viết bằng tiếng Pháp và được Leo Poldes một nhà báo người Pháp chủ nhiệm câu lạc bộ Faubourg, cho công diễn tại ngoại ô thành phố Pari Ngày 18 tháng 6 năm 1922, vua nhà Nguyễn là Khải Định qua Pháp để tham gia Hội chợ thuộc địa.

Khi trả lời đúng là: “Con Rồng tre” người chơi sẽ tìm ra được 2 chữ cái: R, O

Câu 4: Hãy cho biết đoạn nhạc sau nằm trong bài hát nào của nhạc sĩ Anh Bằng viết về Hồ Chí Minh?

Khi trả lời đúng là: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” người chơi sẽ tìm ra được 2 chữ N

Câu 5: Sau 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28-1-1941 (mùng 2 Tết Nguyên đán năm Tân Tỵ), Bác Hồ qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung về Việt Nam. Nơi đây thuộc dãy núi cao được Bác đặt tên là núi Các Mác. Dưới chân núi có hồ nước lớn trong xanh, nơi bắt đầu dòng suối chảy uốn quanh đổ xuống đồng bằng của bản Khuổi Nậm, Bác đặt tên là suối Lê-nin. Bạn hãy cho biết Núi Các Mác và suối Lê-nin thuộc địa phận tỉnh nào của Việt Nam?

Khi trả lời đúng là: “Cao Bằng”, người chơi sẽ tìm ra được 2 chữ G

Bước 7: Kết thúc chơi: Giáo viên nhận xét về quá trình chơi giải ra ô chữ và dẫn dắt vào nội dung tìm hiểu kiến thức mới: Tư tưởng hồ Chí Minh chiến lược trồng người.

T

R

Ô

N

G

N

G

Ư

Ơ

I

 

Biện pháp số 5: Kết hợp với dụng cụ chơi phong phú đa dạng, đảm bảo tính thẩm mỹ, dễ kiếm dễ làm

Trong giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với những trò chơi thường được lựa chọn giáo viên có thể sử dụng những đồ dùng dụng cụ khác để kết hợp, như: giấy A0; giấy nhớ các màu sắc; tranh ảnh, âm thanh sử dụng trên máy tính máy chiếu...

Ví dụ: Trò chơi đuổi hình bắt chữ: Nhìn và nghe âm thanh để đoán tên, đoán nội dung của những giá trị văn hóa:

Khi giảng dạy chương 7, tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, giảng viên thông báo luật chơi: Khi hình ảnh hoặc đoạn video đưa ra, sinh viên dựa vào đó để đoán tên hoặc đoán nội dung của những giá trị văn hóa được đưa ra trong những bức tranh, video đó.

                         

  1. Kết luận

Giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới sự phát triển và đổi mới trong giáo dục, nhất là đổi mới phương pháp dạy học. Trong quá trình đổi mới các phương pháp dạy học, tôi nhận thấy: phương pháp dạy học tích cực, đặc biệt là có sử dụng trò chơi trong dạy học sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình dạy học học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bài báo cáo của mình tôi đã nghiên cứu cơ sở lý luận và tình hình thực tiễn, áp dụng 05 trò chơi và vận dụng ở các chủ đề, các bước lên lớp khác nhau. Bằng trò chơi, việc học tập được tiến hành một cách nhẹ nhàng, sinh động; không khô khan, nhàm chán. Kết quả vận dụng qua tưng tiết học mà bản thân tôi đã áp dụng cũng cho thấy trò chơi học tập giúp sinh viên hứng thú, tích cực hơn và chất lượng học tập được cao hơn rõ rệt.

 

 

 

Tài liệu tham khảo

1.http://vjes.vnies.edu.vn/sites/default/files/khdg_tap_18-so_11_nam_2022-34-39.pdf

2.http://tpbacgiang.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tao-hung-thu-va-kich-thich-tri-to-mo-cho-tre-khi-tham-gia-cac-hoat-dong-voi-nhieu-cach-khac-nhau..html

3.https://journal.hcmue.edu.vn/index.php/hcmuejos/article/viewFile/1378/1369

4.https://ninhbinh.edu.vn/thninhphong/tin-tuc-su-kien/tam-su-nha-giao/phuong-phap-tro-choi-trong-doi-moi-pp-day-hoc-o-tieu-hoc.html

5.http://vci.vnu.edu.vn/upload/15022/pdf/576385d57f8b9ad5458b465b.pdf

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội