A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò của văn học đối với sự phát triển của trẻ thơ

1. Đặt vấn đề

Văn học nghệ thuật có vai trò to lớn không thể thay thế được trong việc hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ. Văn học mang lại cho trẻ thơ vẻ đẹp, tình yêu với cuộc sống và con người, giúp các em dần hình thành và hoàn thiện nhân cách tốt đẹp. Những ảnh hưởng của văn học nghệ thuật đối với các em là một quá trình lâu dài và bền bỉ. Nó tác động một cách từ từ, nhưng giá trị nhân văn của nó thì có thể tạo nên sức mạnh, ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài tới đời sống tâm hồn, tình cảm, nhân cách của các em. Trong bài viết, tác giả tập trung phân tích làm nổi bật vai trò của văn học đối với sự phát triển của trẻ thơ.

2. Nội dung

2.1. Giáo dục trí tuệ, phát triển nhận thức, tư duy cho trẻ

Đối tượng của văn học là toàn bộ thế giới hiện thực bao gồm đời sống tự nhiên, xã hội và con người. Vì vậy, có thể nói văn học nghệ thuật là tài liệu bách khoa đầu tiên đối với trẻ mầm non ngay cả khi các em chưa biết đọc, biết viết. Việc sử dụng chất liệu sáng tác ngôn từ nghệ thuật đã khiến cho tác phẩm văn học trở thành đối tượng dễ dàng để các em tiếp xúc một cách tự nhiên thông qua lời hát ru, kể chuyện, đọc truyện của bà, của mẹ, của thầy cô giáo và người lớn trong quá trình vừa học vừa chơi với trẻ thơ. Khi được tiếp xúc với các tác phẩm văn học thường xuyên, trẻ sẽ được mở rộng hiểu biết về mọi mặt của thế giới xung quanh các em. Có thể nói, tác phẩm văn học trở thành công cụ giáo dục trí tuệ, góp phần phát triển nhận thức, tư duy cho các em ngay từ thuở lọt lòng.

Tác phẩm văn học cung cấp cho các em hiểu biết về thế giới tự nhiên như các hiện tượng mây, mưa, gió, sấm, chớp... hay các hiện tượng tự nhiên khác trong cuộc sống hàng ngày. Câu chuyện Giọt nước tí xíu, Cô Mây, Đất và trăng…, bài thơ Mưa, Mưa bóng mây, Mùa hạ, Tết đang vào nhà… đem đến cho các em bài học đầu tiên về sự hình thành của giọt nước, hạt mưa; sự hình thành của sông ngòi, biển cả; đặc điểm của mây, gió, trăng, sao… hay đặc điểm của hoa cỏ, đất trời vào các mùa xuân, hạ, thu, đông. Điều đặc biệt là những bài học trong tác phẩm văn chương mang đến cho các em đều nhẹ nhàng, tự nhiên như lời trò chuyện, tâm tình hàng ngày chứ không khô khan, cứng nhắc hay nguyên tắc như các định luật, định lý của các bộ môn khoa học khác. Vì vậy, việc tổ chức cho các em khám phá khoa học về môi trường xung quanh thông qua các tác phẩm văn học cũng trở nên nhẹ nhàng, tự nhiên như hoạt động vui chơi, học mà chơi, chơi mà học của trẻ thơ, phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực tư duy còn ngây thơ, trong sáng, bay bổng của trẻ em lứa tuổi mầm non.

Những bài thơ như Vườn em, Cây dừa, Cây đa… của Trần Đăng Khoa, thơ về cây ổi, na, nhãn, hồng, bưởi, dứa… của nhà thơ Phạm Hổ đem đến cho các em nhận thức về đặc điểm của thế giới cây cỏ, hoa lá: Đầu xanh mũ vua/ Mình vàng áo giáp/ Một trăm con mắt/ Nhìn quanh bốn bề

                           Vườn em có một luống khoai

                    Có hàng chuối mật với hai luống cà

                           Em trồng thêm một cây na

                    Lá xanh vẫy gió như là gọi chim

                                                   (Vườn em, Trần Đăng Khoa)

Mở rộng nhận thức về thế giới loài vật, đồ vật xung quanh cuộc sống của trẻ em bằng cách đơn giản nhất là cho các em tiếp xúc với các tác phẩm thơ văn. Các bài thơ, câu chuyện bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu giúp các em nhận biết được các đặc điểm điển hình của các con vật, đồ vật xung quanh các em thật phong phú, sinh động. Đó là những con gà, con mèo, con chó, con vịt… được nuôi trong gia đình của các em:

                           Hay nói ầm ĩ

                           Là con vịt bầu

                           Hay hỏi đâu đâu

                           Là con chó vện

                           Hay chăng dây điện

                           Là con nhện con

                                       (Kể cho bé nghe, Trần Đăng Khoa)

                           Tro bếp làm đệm

                           Mèo ta khoanh tròn

                           Cả hai cùng ấm

                           Cùng ngủ thật ngon.

                                       (Mèo và tro bếp, Phạm Hổ)

                           Chẳng đâu bằng chính nhà em

                    Có đàn chim sẻ bên thềm líu lo

                           Có nàng gà mái hoa mơ

                    Cục ta cục tác khi vừa đẻ xong

                           Có bà chuối mật lưng ong

                    Có ông ngô bắp râu hồng như

                                       (Em yêu nhà em, Đoàn Thị Lam Luyến)

Hay là cái đinh, cái chổi, đôi dép, chiếc nồi đồng… trong thơ Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Võ Quảng… là những đồ vật trong nhà khi đi vào trong thơ đã đem đến cho các em những nhận thức mới lạ về các đồ vật xung quanh mình. Nhà thơ đã thổi hồn vào các sự vật bằng phép tu từ nhân hóa khiến cho chúng trở nên sống động, gần gũi với các em như những người bạn của trẻ thơ: Thích buộc nhiều thắt lưng/ Cả đời không đi dép/ Chổi múa dạo một vòng/ Rác trong nhà biến sạch (Phạm Hổ), Chị tre chải tóc bên ao/ Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương/ Bác nồi đồng hát bùng boong/ Bà chổi loẹt quẹt lom khom trong nhà (Trần Đăng Khoa)… Từ các đặc điểm của sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên, cuộc sống xã hội, con người trong các tác phẩm văn học, trẻ em được giáo dục trí tuệ một cách tự nhiên, giúp các em phát triển nhận thức và tư duy mỗi ngày qua các hoạt động học tập, vui chơi cùng văn chương nghệ thuật.

Các tác phẩm văn học không chỉ giúp các em nhận thức về đặc điểm của thế giới xung quanh mà còn mở rộng nhận thức cho các em về những mối quan hệ trong cuộc sống: giữa thiên nhiên với thiên nhiên, giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên,… giúp trẻ tích lũy được hiểu biết, kinh nghiệm về cuộc sống, những phép đối nhân xử thế, mỗi ngày các em vừa được bồi dưỡng tâm hồn vừa được hoàn thiện và phát triển về nhân cách.

2.2. Phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non

Sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật là chất liệu sáng tác, tác phẩm văn học nói chung và văn học viết cho trẻ lứa tuổi mầm non trở thành công cụ giáo dục ngôn ngữ hữu ích cho trẻ mầm non. Ngay từ khi vừa mới sinh ra đời, trẻ đã có thể được nghe bà, nghe mẹ hát ru, kể chuyện. Việc tiếp xúc với các tác phẩm văn học từ nhỏ chính là cơ hội quan trọng giúp trẻ được tiếp xúc với lời nói bên cạnh việc tiếp thu ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày với những người xung quanh. Việc cho trẻ làm quen với các tác phẩm văn học từ nhỏ sẽ giúp trẻ được mở rộng vốn từ. Thông qua các hoạt động cho trẻ nghe đọc sách, đọc thơ, nghe kể chuyện hoặc dạy trẻ kể lại truyện sẽ giúp các em vừa được phát triển vốn từ vừa phát triển lời nói mạch lạc, nói rõ nghĩa rõ lời, đúng cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt.

Ngôn ngữ trong các tác phẩm văn học là ngôn ngữ mang đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật, với khả năng biểu đạt giàu hình ảnh, biểu cảm. Vì vậy, các tác phẩm văn học không chỉ giúp các em phát triển vốn từ, phát triển lời nói mạch lạc mà còn giúp các em mở rộng vốn từ ngữ nghệ thuật, nâng cao khả năng cảm thụ và biểu đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật.

2.3. Giáo dục đạo đức, lòng nhân ái cho trẻ mầm non

Lòng nhân ái có thể hiểu một cách đơn giản là lòng yêu thương con người. Lòng nhân ái bắt nguồn từ truyền thống xa xưa trong lịch sử dân tộc, trở thành truyền thống tương thân tương ái quý báu trong đời sống dân tộc: Lá lành đùm lá rách, Một miếng khi đói bằng một gói khi no.... Nhân ái không chỉ nói đến tình cảm ruột thịt trong gia đình: Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần mà còn là tình làng nghĩa xóm "tối lửa tắt đèn có nhau", là tình cảm của những người trong cùng một nước “phải thương nhau cùng”.         Đó là truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc ta vừa được phát huy trong đời sống hàng ngày vừa được ngợi ca, gìn giữ trong các phẩm văn học nghệ thuật qua các thời đại. Hình thành và giáo dục những tình cảm đạo đức tốt đẹp cho trẻ là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Bởi như Bác Hồ từng nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên.” Giáo dục đạo đức, lòng nhân ái cho trẻ mầm non sẽ giúp các em lớn lên trong tình yêu thương, biết yêu thương mọi người, mọi vật xung quanh, dễ hòa nhập vào cuộc sống, dễ tiếp thu sự giáo dục của người lớn, đón nhận những ảnh hưởng tốt đẹp của môi trường để phát triển nhân cách một cách tích cực.

Đại văn hào thế giới M. Gorki đã từng nói: "Văn học là nhân học". Bằng cách này hay cách khác, văn học luôn vì con người và hướng tới con người, hướng tới những tình cảm đạo đức tốt đẹp. Văn học viết cho thiếu nhi cũng vậy, luôn phản ánh những điều tốt đẹp trong cuộc sống, nhằm giáo dục đạo đức, lòng nhân ái cho các em. Đó là những phẩm chất tốt đẹp của con người, là tình cảm yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.

Trước hết, lòng nhân ái được biểu hiện cụ thể trong tình yêu thương giữa con người với con người. Một trong những nội dung cơ bản của văn học viết cho thiếu nhi là đề cập đến tình cảm gia đình. Đó là tình cảm kính yêu, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, quan tâm, yêu thương anh chị em trong gia đình. Nội dung tình cảm này chúng ta có thể tìm thấy ở rất nhiều các tác phẩm văn học viết cho lứa tuổi mầm non như: Thương ông (Tú Mỡ), Thăm nhà bà, Giữa vòng gió thơm (Quang Huy), Mẹ ốm (Trần Đăng Khoa), Làm anh (Phan Thị Thanh Nhàn), Ngôi nhà (Tô Hà), Em yêu nhà em (Đoàn Thị Lam Luyến)... Tình cảm kính trọng, biết ơn thầy cô, yêu thương, giúp đỡ bạn bè và yêu thương, quan tâm tới những người lao động trong xã hội cũng là một nội dung được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm văn học viết cho trẻ lứa tuổi mầm non. Có thể kể đến những tác phẩm như: Những chiếc áo ấm, Giọng hót chim Sơn Ca, Bó hoa tặng cô, Bàn tay cô giáo, Cái bát xinh xinh, Hạt gạo làng ta, Chú bộ đội hành quân trong mưa,… Hay tình cảm với quê hương, đất nước và lòng kính yêu đối với lãnh tụ, với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng là một nội dung tình cảm đạo đức tiêu biểu được giáo dục cho trẻ em lứa tuổi mầm non qua các tác phẩm như: Bác Hồ của em, Ảnh Bác... Thông qua các tác phẩm văn học quen thuộc, trẻ hiểu biết hơn về cuộc sống, tình người trong thế giới xung quanh cũng như trách nhiệm của bản thân với gia đình, làng xóm, mái trường, quê hương, đất nước… Trẻ có thể thông cảm, đồng cảm được với những nỗi bất hạnh, khổ đau hay vui với niềm vui, hạnh phúc của các nhân vật trong tác phẩm văn học, như những con người ngoài đời thực.

Lòng nhân ái, tình cảm đạo đức được giáo dục cho trẻ em còn là tình yêu thương giữa con người với thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước nổi bật trong các bài thơ như: Trăng sáng, Trăng ơi từ đâu đến, Hoa kết trái, Tết đang vào nhà, Cây đa, Ông mặt trời óng ánh... Thế giới thiên nhiên tươi đẹp với những tình cảm đầy yêu thương được thể hiện trong các tác phẩm viết cho các em sẽ được lưu giữ mãi trong tâm hồn trẻ thơ, theo các em đi suốt cuộc đời, gìn giữ và nối dài truyền thống đạo đức, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Từ tình yêu thiên nhiên, từ mối giao cảm với thiên nhiên, văn học đã góp phần giáo dục các em thái độ biết trân trọng, giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên, sẵn sàng yêu thương mọi người, mọi vật trong thế giới xung quanh mình. Đó cũng là những phẩm chất tốt đẹp của con người sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

2.4. Giáo dục và hình thành thị hiếu thẩm mĩ cho trẻ mầm non

Thị hiếu thẩm mĩ là khả năng cảm nhận cái đẹp, phân biệt được cái đẹp với cái xấu. Văn học là nghệ thuật ngôn từ được coi là lĩnh vực đặc thù của việc sáng tạo và thể hiện cái đẹp. Vì vậy, vẻ đẹp của tác phẩm văn chương sẽ giúp hình thành cho trẻ em khả năng cảm nhận cái đẹp, các em sẽ biết phân biệt cái tốt đẹp với cái xấu xa trong đời sống hàng ngày cũng như trong nghệ thuật.

Từ những tác phẩm văn học, các em thấy được cả một thế giới bao la, rộng lớn bên ngoài với những hình ảnh đẹp đẽ, sinh động thông qua hệ thống ngôn ngữ chọn lọc, giàu hình ảnh, nhịp điệu, nhạc điệu với các phương tiện và biện pháp tu từ độc đáo tạo nên những bức tranh muôn màu về thiên nhiên và cuộc sống:

Một mùi hương mong mỏng

                           Thơm đẫm vào ban mai

                           Gió chạm cánh hoa nhài

                           Mang hương đi khắp lối.

                           Buổi sáng ở quê nội

                           Núi đồi ngủ trong mây

                           Mặt trời như trái chín

                           Treo lủng lẳng vòm cây.

                                                   (Buổi sáng quê nội, Nguyễn Lãm Thắng)

                                       Sân nhà em sáng quá

                                       Nhờ ánh trăng sáng ngời

                                       Trăng tròn như cái đĩa

                                       Lơ lửng mà không rơi.

                                       Những hôm nào trăng khuyết,

                                       Trông giống con thuyền trôi.

                                       Em đi trăng theo bước,

                                       Như muốn cùng đi chơi.

                                                                           (Trăng sáng, Nhược Thủy)

Thế giới đầy màu sắc, giàu hình ảnh đẹp trong văn chương góp phần bồi dưỡng cho các em trí tưởng tượng bay bổng, khả năng liên tưởng phong phú về sự vật, hiện tượng trong thế giới xung quanh. Những hình ảnh được miêu tả trong các tác phẩm văn học rất sinh động, trong trẻo, tươi tắn và đầy sức sống giúp các em không chỉ cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống mà còn thêm yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và con người. Vì vậy, có thể nói nội dung giáo dục và hình thành thị hiếu thẩm mĩ cho trẻ không tách rời với các nội dung giáo dục khác mà chúng có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau, cùng tạo nên một thể thống nhất các nội dung giáo dục trong tác phẩm văn học, góp phần quan trọng cho sự hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp cho trẻ thơ.

3. Kết luận

Với những đặc trưng tiêu biểu, phù hợp với đối tượng là trẻ thơ, văn học viết cho trẻ em lứa tuổi mầm non có vai trò to lớn không thể thay thế được góp phần hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ, bồi dưỡng cho trẻ thơ tình yêu với thiên nhiên, cuộc sống và con người.

Tài liệu tham khảo

1. Lã Thị Bắc Lý (2020). Giáo trình Văn học trẻ em. Nhà xuất bản  Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2. Lã Thị Bắc Lý (2012). Văn học thiếu nhi với giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

3. Nhiều tác giả (2010 – 2022). Các tập thơ, truyện dùng trong chương trình mầm non (từ 1 đến 6 tuổi), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo