Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiết kế trò chơi học tập củng cố biểu tượng về hình dạng cho trẻ 3 - 4 tuổi với chủ đề BIỂN BÁO GIAO THÔNG     Nguyễn Thị Thúy Vân: Phòng Đào tạo

 

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, giáo dục mầm non đã tiến hành đổi mới toàn diện các mặt: mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, môi trường hoạt động và cách đánh giá. Quá trình hình thành biểu tượng toán ở trẻ với đặc điểm phát triển của tuổi mẫu giáo là trẻ học thông qua chơi bởi vậy trò chơi học tập thường được dùng làm phương tiện để tổ chức các hoạt động giáo dục biểu tượng toán cho trẻ, là phương tiện có tác dụng gây hứng thú, củng cố, ôn tập những kiến thức, kĩ năng toán học cho trẻ. Qua hoạt động chơi với trò chơi học tập, trẻ được tạo cơ hội để vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã có để giải quyết nhiệm vụ, để rèn luyện và khắc sâu những biểu tượng toán, đồng thời phát triển vốn kinh nghiệm mà trẻ tích lũy được qua hoạt động chơi. Vậy việc thiết kế và tổ chức trò chơi học tập như thế nào để phát huy được ở trẻ những tiềm lực sẵn có đồng thời giúp trẻ được tự do, tự nguyện và phát huy năng lực, sở trường, sự sáng tạo của mình để giải quyết nhiệm vụ chơi và được chủ động trong suy nghĩ, lựa chọn và hành động chơi. Đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục nói chung và nội dung hình thành biểu tượng toán nói riêng. Điều này đặt ra nhiệm vụ đối với người giáo viên mầm non cần phải biết thiết kế và tổ chức được trò chơi học tập, đồng thời có kĩ năng tạo môi trường học tập nâng cao chất lượng cho trẻ làm quen với toán. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi lựa chọn đề tài Thiết kế trò chơi học tập  củng cố biểu tượng về hình dạng cho trẻ 3 - 4 tuổi với chủ đề nhánh Biển báo giao thông”.

2. Nội dung

2.1. Trò chơi học tập

a) Khái niệm trò chơi học tập

Theo tác giả Nguyễn Văn Luỹ - Lê Quang Sơn trong cuốn Từ điển Tâm lí học chỉ ra rằng “ Trò chơi là hoạt động lí học hay là tinh thần hoàn toàn không có vụ lợi thường có cơ sở là quy ước hay tưởng tượng trong ý thức của người chơi, không ngoài mục đích tự thân và mục tiêu khác là tạo khoái cảm”. Trò chơi  học tập là trò chơi mà luật của nó bao gồm các quy tắc gắn với kiến thức, kĩ năng có được trong học tập, gần với nội dung bài học, giúp người học  khai thác vốn kinh nghiệm của bản thân để chơi. Tâm lí học đại cương và Giáo dục học trẻ em đưa ra khái niệm trò chơi học tập như sau: Trò chơi học tập là trò chơi có luật và những nội dung cho trước, là trò chơi của sự nhận thức, hướng đến sự mở rộng, chính xác hóa, hệ thống hóa các biểu tượng đã có nhằm phát triển các năng lực trí tuệ giáo dục lòng ham hiểu biết của trẻ, trong đó, nội dung học tập kết hợp với hình thức chơi. Trò chơi là một hoạt động vui chơi mang một chủ đề, một nội dung nhất định và có những quy định mà những người tham gia phải tuân thủ.

Trò chơi học tập là cách thức sử dụng trò chơi có nội dung học tập gắn với nội dung bài học của trẻ, giúp trẻ khai thác vốn kinh nghiệm của bản thân để chơi và để học. Thông qua các trò chơi, trẻ được làm việc cá nhân, làm việc trong đơn vị nhóm, đơn vị lớp theo sự phân công và tinh thần hợp tác. Cùng với những hình thức học tập khác, trò chơi tạo cơ hội để trẻ tự hoạt động: tự củng cố kiến thức và tự hoàn thiện kĩ năng.  Các nhiệm vụ, quy tắc, quy luật chơi và các quan hệ trong trò chơi dạy học được tổ chức tương đối chặt chẽ trong khuôn khổ các nhiệm vụ dạy học và được hướng vào mục tiêu, nội dung học tập.

b) Phân loại trò chơi học tập

Dựa vào mục đích dạy học, trò chơi học tập (TCHT) có thể phân thành 3 nhóm sau:

Nhóm 1: Nhóm trò chơi khởi động - giới thiệu bài mới. Những trò chơi này có thể sử dụng khi bắt đầu vào tiết học. Nó có tác dụng khởi động tư duy của trẻ, dẫn dắt trẻ tìm hiều nội dung học tập một cách tự nhiên, thoải mái, vui vẻ để kích hoạt không khí lớp học, tạo sự hưng phấn cho trẻ trước khi học tập.

Nhóm 2: Nhóm trò chơi khám phá tri thức: Giáo viên tổ chức trò chơi để trẻ tiếp nhận nội dung một cách sinh động, hào hứng, kích thích tính tích cực của trẻ trong việc khám phá tri thức.

Nhóm 3: Nhóm trò chơi củng cố ôn tập: Những trò chơi trong nhóm này được sử dụng sau khi trẻ đã được học một nội dung hoặc kĩ năng nào đó. Để tham gia được trò chơi và mong muốn chiến thắng, trẻ phải tích cực huy động trí nhớ, tư duy và khả năng phản ứng nhanh của mình. Điều này sẽ giúp trẻ củng cố kiến thức, luyện tập kĩ năng một cách tự nhiên, tự giác và tích cực.

c) Cấu trúc của trò chơi học tập

Trò chơi học tập được sử dụng vừa là phương pháp, hình thức dạy học cho trẻ mẫu giáo với phương thức “học mà chơi, chơi mà học” trong đó động cơ nằm trong quá trình chơi nhưng vẫn gián tiếp giải quyết các nhiệm vụ học tập.

Mỗi trò chơi học tập đều được cấu thành bởi 3 yếu tố:

- Nội dung chơi: là phần cơ bản của trò chơi, chính là các nhiệm vụ học tập xoay quanh các nội dung ôn, củng cố ttri thức, rèn luyện các kĩ năng, phát triển các giác quan, phát triển ngôn ngữ.

- Hành động chơi: là hệ thống các thao tác mà trẻ thực hiện trong quá trình chơi để giải quyết nhiệm vụ học tập chứa đựng trong nội dung chơi.Hành động chơi phức tạp dần theo sự phát triển của trẻ.

- Luật chơi: là quy định, quy ước về việc thực hiện các hành động chơi trong quá trình chơi, là tiêu chuẩn khách quan để đánh giá khả năng chơi của trẻ.

Ba thành tố này không phải lúc nào cũng được phân biệt rạch ròi, đôi khi luật chơi đồng thời là các hành động chơi nhưng chúng liên quan chặt chẽ với nhau, thiếu một trong ba thành phần này thì không thể tiến hành trò chơi được.

2.2. Nguyên tắc thiết kế trò chơi học tập trong hình thành biểu tượng toán cho trẻ mẫu giáo

Đảm bảo mục đích giáo dục và tính sư phạm TCHT với mục đích củng cố và phát triển ở trẻ các biểu tượng toán học sơ đẳng, vì vậy, nhiệm vụ nhận thức, nội dung của trò chơi, luật chơi và cách chơi đòi hỏi trẻ phải sử dụng những kiến thức, kĩ năng toán học đã có để thực hiện nhiệm vụ chơi và kết thúc trò chơi trẻ được hình thành, phát triển vốn kinh nghiệm về biểu tượng toán, TCHT phải phù hợp với năng lực nhận thức và vốn hiểu biết của trẻ ở từng độ tuổi. Đảm bảo tính chất của hoạt động chơi TCHT phải hấp dẫn và kích thích trẻ tích cực, tự lực, sáng tạo và trẻ được chơi tự do. Trò chơi phải tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm, tự nguyện tham gia một cách hào hứng, tích cực vận dụng kiến thức của mình để giải quyết nhiệm vụ nhận thức trong quá trình chơi và phù hợp với mục tiêu giáo dục. Đảm bảo tính khoa học, vừa sức trẻ.Nguyên tắc này đòi hỏi tổ chức trò chơi học tập phải mang tính hệ thống, khoa học, điều này cho thấy việc thiết kế trò chơi cần có sự liên kết giữa các khâu lựa chọn nội dung, hoạt động chơi, phương pháp và hình thức thực hiện.

 Để đảm bảo nguyên tắc này khi tổ chức cho trẻ tham gia trò chơi học tập cần:

+ Đặt tên trò chơi sao cho dễ hiểu, trò chơi biểu đạt được nội dung trẻ cần tìm hiểu.

+ Nội dung trong TCHT cần đi từ dễ đến khó, thể hiện rõ nội dung biểu tượng muốn hình thành cho trẻ nhưng phải phù hợp với đặc điểm nhận thức đối với trẻ lứa tuổi đó.

+ Nhiệm vụ nhận thức của trò chơi phải phù hợp với khả năng, vốn hiểu biết về biểu tượng toán, đảm bảo nâng cao mức độ nhận thức phù hợp nhu cầu, hứng thú của trẻ.

 + Chọn trò chơi phải đa dạng, phong phú và thể hiện rõ các mục đích rèn luyện khác nhau, đảm bảo mọi trẻ đều được tham gia chơi và được trải nghiệm. Trò chơi phải có đầy đủ các yếu tố như nhiệm vụ nhận thức, nội dung chơi, luật chơi và hành động chơi.

Việc tổ chức TCHT cho trẻ cần có các dạng hoạt động đa dạng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, khả năng nhận thức và mức độ phát triển của trẻ để khuyến khích trẻ hoạt động chơi tích cực, chủ động và sáng tạo.

2.3. Các bước thiết kế trò chơi học tập

 Bước 1: Lựa chọn tình huống chơi: Phải suy nghĩ để chọn ra những tình huống chơi sao cho gần gũi với cuộc sống của trẻ, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi đồng thời phải đảm bảo tính sinh động gây hứng thú cho trẻ khi chơi. Tình huống chơi cũng là cơ sở để đặt tên trò chơi.

Bước 2: Xác định tên trò chơi: Tên trò chơi cần đơn giản, dễ hiểu đối với trẻ, hướng vào nhiệm vụ nhận thức, cách chơi hành động chơi.

Bước 3: Xác định mục đích trò chơi: chỉ ra được nhiệm vụ nhận thức đối với trẻ. Trả lời câu hỏi “ Trẻ được củng cố biểu tượng toán gì thông qua trò chơi này”.

Bước 4: Dự kiến môi trường, nguyên vật liệu, đồ dùng, đồ chơi sử dụng trong khi chơi: Tùy theo nội dung trò chơi, cô dự kiến phải chuẩn bị những nguyên vật liệu nào để đáp ứng đầy đủ cho việc tổ chức chơi.

Bước 5: Xây dựng luật chơi, hành động chơi: Trong bước này phải mô tả được những quy định của trò chơi (luật chơi), hình thức tổ chức chơi (cá nhân, nhóm hay cả lớp) và các hành động của cô và của trẻ trong khi chơi sao cho phù hợp với tình huống đã được chọn.

2.4. Minh hoạ việc thiết kế trò chơi học tập để củng cố biểu tượng về hình dạng cho trẻ 3 – 4 tuổi với chủ đề nhánh Biển báo giao thông qua một số trò chơi

Trò chơi 1. “Tìm bạn thân” .

Bước 1. Lựa chọn tình huống chơi

Cho trẻ chơi với các đồ vật là những hình dạng được chuẩn bị sẵn, trẻ có thể chơi cá nhân, chơi theo nhóm nhỏ,…

Bước 2. Xác định tên trò chơi.

Để đạt được mục tiêu trên cô có thể lựa chọn và thiết kế trò chơi: “Tìm bạn thân”

Chủ đề nhánh: Biển báo giao thông

Đối tượng: trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi

Thời gian: 4 - 5 phút

Bước 3. Xác định mục đích của trò chơi.

- Giúp trẻ nhận biết, củng cố biểu tượng về hình dạng: hình tròn và hình chữ nhật (hoặc hình vuông và hình tam giác).

- Giúp trẻ nhận biết một số biển báo giao thông: biển báo cấm đi ngược chiều, biển báo chỉ dẫn dành cho người đi bộ sang đường,...

 - Rèn luyện các giác quan cho trẻ, trẻ chơi với tinh thần hứng thú, thỏa mái.

Bước 4. Xác định cơ sở vật chất, chuẩn bị đồ dùng đồ chơi dụng cụ chơi.

- Mô hình biển báo giao thông: biển báo cấm đi ngược chiều - củng cố biểu tượng về hình tròn và hình chữ nhật (hoặc biển báo chỉ dẫn dành cho người đi bộ sang đường - củng cố biểu tượng về hình vuông và hình tam giác).

Biển báo cấm đi ngược chiều

Biển báo dành cho người đi bộ sang đường

- Một số hình tròn và hình chữ nhật (hoặc hình vuông và hình tam giác) theo số lượng trẻ, mỗi trẻ một hình để ghép đôi.

- Bài hát “ Em đi qua ngã tư đường phố.

Bước 5. Xây dựng luật chơi hành động chơi, xác định các bước tiến hành tổ chức trò chơi.

- Gây hứng thú cho trẻ và hướng dẫn trẻ chơi. Cô phổ biến cách chơi.

Cách chơi: Cô phát cho mỗi trẻ một hình tròn hay một hình chữ nhật nếu gắn biển báo cấm đi ngược chiều (hoặc nột hình vuông hay một hình tam giác nếu gắn biển báo chỉ dần dành cho người đi bộ sang đường). Sau đó cô và trẻ cùng vận động theo bài hát “Em đi qua ngã tư đường phố”. Khi có hiệu lệnh của cô: “ Tìm bạn, tìm bạn” thì trẻ sẽ tìm một bạn ghép đôi với mình tạo ra mô hình là biển báo cấm đi ngược chiều (hoặc biển báo chỉ dẫn dành cho người đi bộ snag đường).

Luật chơi: Khi có hiệu lệnh Tìm bạn, tìm bạn” hai bạn ghép đôi đúng thì sẽ thắng cuộc; hai bạn nào ghép đôi sai hoặc bạn nào không ghép đôi với ai thì sẽ thua cuộc.

Cô tổ chức cho trẻ chơi.

Bước 6. Nhận xét và đánh giá kết quả chơi.

- Nhận xét kết quả chơi của trẻ.

- Hỏi trẻ về kết quả chơi:

+ Con cầm hình gì?

+ Bạn con cầm hình gì?

+ Hai bạn ghép đôi với nhau tạo ra mô hình của biển báo nào?...

+ Biển báo đó có ý nghĩa gì? Các con đi đường gặp biển báo đó cần chú ý gì?

Khen ngợi và tuyên dương những trẻ ghép đôi đúng đúng yêu cầu của cô.

Hiệu quả của trò chơi: giúp trẻ ghi nhớ và phản ứng nhanh, trẻ nhận biết và gọi tên được các hình hình học, trẻ nhận biết, gọi tên và ý nghĩa của biển báo.

Qua hoạt động vui chơi trẻ được học bằng chơi, chơi mà học trẻ tự hoạt động khám phá để củng cố khắc sâu biểu tượng toán, trẻ hứng thú, tích cực. Giúp trẻ nhận biết tốt biểu tượng về các hình hình học trong cuộc sống trong môi trường xung quanh trẻ một cách tốt nhất.

Trò chơi 2. “Về đúng nhà”.

Bước 1. Lựa chọn tình huống chơi

Cho trẻ chơi với các đồ vật là những hình dạng được chuẩn bị sẵn, trẻ có thể chơi cá nhân, chơi theo nhóm nhỏ,…

Bước 2. Xác định tên trò chơi.

Để đạt được mục tiêu trên cô có thể lựa chọn và thiết kế trò chơi: “Về đúng nhà”

Chủ đề nhánh: Biển báo giao thông

Đối tượng: trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi

Thời gian: 4 - 5 phút

Bước 3. Xác định mục đích của trò chơi.

- Giúp trẻ nhận biết, củng cố biểu tượng về hình dạng: hình tròn và hình chữ nhật (hoặc hình vuông và hình tam giác).

- Giúp trẻ nhận biết một số biển báo giao thông: biển báo cấm đi ngược chiều, biển báo chỉ dẫn dành cho người đi bộ sang đường,...

- Rèn luyện các giác quan cho trẻ, trẻ chơi với tinh thần hứng thú, thỏa mái.

Bước 4. Xác định cơ sở vật chất, chuẩn bị đồ dùng đồ chơi dụng cụ chơi.

- Mô hình biển báo giao thông: biển báo cấm đi ngược chiều - củng cố biểu tượng về hình tròn và biển báo chỉ dẫn nơi đỗ xe - củng cố biểu tượng về hình vuông.

Biển báo cấm đi ngược chiều

Biển báo nơi đỗ xe

- Một số hình tròn và hình vuông theo số lượng trẻ, mỗi trẻ một hình

- Bài hát “Đi đường em nhớ”, nhạc và lời: Hoàng Văn Yến.

Bước 5. Xây dựng luật chơi hành động chơi, xác định các bước tiến hành tổ chức trò chơi.

- Gây hứng thú cho trẻ và hướng dẫn trẻ chơi. Cô phổ biến cách chơi.

Cách chơi: Cô phát cho mỗi trẻ một hình tròn hay một hình vuông. Sau đó cô và trẻ cùng vận động theo bài hát “ Em đi qua ngã tư đường phố”, khi có hiệu lệnh của cô “ Về nhà, về nhà” thì trẻ sẽ phải chạy về đúng nhà có biển báo có dạng hình giống hình trẻ cầm trên tay.

Luật chơi: Bạn nào về sai ngồi nhà, bạn ấy là người thua cuộc.

- Cô tổ chức cho trẻ chơi.

Bước 6. Nhận xét và đánh giá kết quả chơi.

- Nhận xét kết quả chơi của trẻ.

- Hỏi trẻ về kết quả chơi:

+ Con cầm hình gì?

+ Ngôi nhà của con chạy về có gắn biển báo gì?

+ Biển báo đó có dạng hình gì?

+ Biển báo đó có ý nghĩa gì? Các con đi đường gặp biển báo đó cần chú ý gì?

Khen ngợi và tuyên dương những trẻ đã thực hiện đúng yêu cầu của cô.

Hiệu quả của trò chơi: giúp trẻ ghi nhớ và phản ứng nhanh, trẻ nhận biết và gọi tên được các hình hình học, trẻ nhận biết, gọi tên và ý nghĩa của biển báo.

Qua hoạt động vui chơi trẻ được học bằng chơi, chơi mà học trẻ tự hoạt động khám phá để củng cố khắc sâu biểu tượng toán, trẻ hứng thú, tích cực. Giúp trẻ nhận biết tốt biểu tượng về các hình hình học trong cuộc sống trong môi trường xung quanh trẻ một cách tốt nhất.

3. Kết luận

Thiết kế trò chơi học tập trong giáo dục biểu tượng toán cho trẻ là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận biểu tượng toán học cho trẻ mầm non, đồng thời là một hướng làm thay đổi tích cực về phương pháp dạy học theo phát triển năng lực hiện nay đó là trẻ cần được phát triển nhận thức qua trải nghiệm, học mà chơi, chơi mà học, trẻ biết cách hòa nhập với môi trường mới, hoạt động mới. Việc dạy và học toán đối với trẻ mẫu giáo hướng đến phát triển năng lực cho trẻ có ảnh hướng sâu sắc đến giáo dục trẻ, nhằm thực hiện tốt mục tiêu của giáo dục mầm non hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2021). Chương trình Giáo dục mầm non (Ban hành kèm theo Thông tư ban hành Chương trình Giáo dục mầm non), số 01/VBHN-BGDĐT, ngày 13 tháng 4 năm 2021.

[2]. Đỗ Thị Minh Liên. (2012).Lý luận và phương pháp hình thành biểu tượng toán học sơ đẳng cho trẻ mầm Non. NXB Đại học Sư phạm.

[3]. Hồ Thị Mai Phương, Hoàng Thị Tú, Trần Nguyệt Anh. Trường Đại học Sư phạm - ĐH Thái Nguyên (2017). “Thiết kế và tổ chức trò chơi học tập trong hình thành biểu tượng toán học sơ đẳng cho trẻ mẫu giáo”. Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ,172 (12/2): 205-210.

[4]. Lê Thu Hương – Trần Thị Ngọc Trâm - Lê Thị Ánh Tuyết.(2020). Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình Giáo dục Mầm non (các độ tuổi). Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[5]. Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

[6]. Nguyễn Thị Hòa. (2015). Giáo dục học mầm non. NXB Đại học Sư phạm.

[7]. Vũ Minh Hồng.(1980). Trò chơi học tập. NXB Giáo dục.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội