Quan sát trẻ theo quá trình - Phương pháp giúp giáo viên không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau - Th.s Vũ Thị Ánh Ngọc Khoa GDTH - MN, trường CĐSP Bắc Ninh.
I. MỞ ĐẦU
“Triển khai thực hành quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở giáo dục mầm non” – là một trong những phương pháp Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo áp dụng thí điểm từ năm 2021 đến nay trong việc triển khai thực hiện Chuyên đề “Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, tổ chức hoạt động học qua trải nghiệm.
II. NỘI DUNG
1. Khái niệm
“Quan sát trẻ theo quá trình” là kỹ thuật giúp giáo viên mầm non hiểu được nhu cầu, sở thích và khả năng của trẻ trong hoạt động học tập và vui chơi, từ đó kịp thời điều chỉnh hoạt động học tập phù hợp với trẻ và cải thiện hiệu quả hoạt động giảng dạy.
2. Hiệu quả tích cực của phương pháp quan sát trẻ theo quá trình trong giáo dục mầm non
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), để giúp việc thực hành quan sát trẻ bài bản và hiệu quả, các chuyên gia của Tổ chức VVOB và Vụ GDMN đã biên soạn và thử nghiệm công phu, khoa học một bộ tài liệu giúp giáo viên thực hành các hoạt động quan sát trẻ nhằm: Hiểu được những tiêu chí đánh giá cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ; Phát triển kỹ năng quan sát trẻ và xác định mức độ thoải mái và sự tham gia của trẻ; Tìm hiểu lý do vì sao một số trẻ (có nguy cơ) không học được; Tạo ra những thay đổi trong cách tổ chức hoạt động giúp trẻ học tập tốt hơn và phát huy tối đa năng lực của trẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – chuyên viên Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), với các nội dung thực hiện quan sát trẻ trong quá trình nuôi dưỡng và giáo dục, cần chú trọng nâng cao năng lực cho giáo viên khi tổ chức hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm một cách hiệu quả, giúp trẻ học tập tốt hơn và phát triển toàn diện. Quan sát trẻ theo quá trình là kỹ thuật giúp giáo viên hiểu được việc học, chơi… của trẻ, mức độ thoải mái và tham gia của trẻ trong các hoạt động hàng ngày và phân tích nguyên nhân tác động đến cảm giác thoải mái cũng như mức độ tham gia của trẻ.
Các chuyên gia đại diện cho cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, Viện Khoa học Giáo dục, Tổ chức VVOB Việt Nam và một số trường đại học đào tạo giáo viên mầm non cùng cho rằng, trên cơ sở quan sát trẻ, giáo viên điều chỉnh kế hoạch giáo dục (thông qua việc áp dụng “các điểm hành động”) nhằm tối đa hóa hiệu quả tác động, giải quyết các rào cản, tạo ra những thay đổi trong tổ chức hoạt động giúp trẻ chơi, học tốt hơn và phát huy tối đa năng lực của trẻ.
Việc quan sát cụ thể từng hoạt động của trẻ và cả quá trình các con học trên lớp rất quan trọng và ý nghĩa. GV sẽ quan tâm hơn tới cảm xúc tình cảm xã hội và sự tham gia sâu của trẻ. Trên cơ sở đó, có những đề xuất để có các biện pháp hỗ trợ phù hợp với thực tế lứa tuổi và tâm sinh lý. Giúp trẻ tiến bộ, phát huy tính tích cực hoạt động và khả năng, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục trẻ.
Quan sát trẻ trong quá trình là cần thiết vì thực tế cho thấy, hoạt động này không chỉ giúp hiểu và đánh giá trẻ toàn diện hơn để nâng cao chất lượng nuôi dạy mà cũng giúp cho giáo viên tận tâm, yêu thích, gắn bó với việc làm nhiều hơn
3. các bước trong quan sát trẻ theo quá trình
Bước 1: Quan sát cảm giác thoải mái và tham gia của trẻ trong lớp học
* 6 dấu hiệu của cảm giác thoải mái
1. Vui vẻ, thích thú
2. Đầy sức sống
3. Thư giãn, bình yên, thư thái
4. Cởi mở, linh hoạt, dễ tiếp nhận
5. Tự nhiên, cảm thấy dễ chịu, được là chính mình
6. Tự tin, khả năng thích ứng cao
* 5 dấu hiệu của sự tham gia:
1. Tập trung cao độ
2. Có hứng thú, động lực cao, kiên trì
3. Hoạt động tư duy ở mức sâu
4. Cảm thấy hoàn toàn hài lòng khi thỏa mãn được nhu cầu khám phá của bản thân
5. Thể hiện tối đa năng lực bản thân
Bước 2: Xác định rào cản đối với cảm giác thoải mái và mức độ tham gia của trẻ. Đánh giá kết quả thoải mái, sự tham gia của trẻ bằng bảng màu quy định các mức độ cao hoặc thấp.
Bước 3: Hành động để tăng cường cảm giác thoải mái và sự tham gia
1. Sắp xếp lại không gian lớp học thành những góc và khu vực hấp dẫn với trẻ
2. Kiểm tra các góc và bổ sung thêm dụng cụ
3. Giới thiệu các vật liệu, ĐDĐC và các hoạt động mới lạ
4. Tìm hiểu sở thích của trẻ và tổ chức các hoạt động phù hợp
5. Cải thiện các hoạt động đang diễn ra bằng cách khích lệ và đặt ra những thách thức mới
6. Tạo cơ hội cho trẻ đưa ra sáng kiến, hỗ trợ trẻ với cac quy tắc và thỏa thuận thích hợp
7. Khám phá, cải thiện mối quan hệ giữa trẻ và giáo viên
8. Tổ chức các hoạt động giúp trẻ khám phá thế giới cảm xúc, hành vi, giá trị
III. KẾT LUẬN
Mức độ “cảm giác thoải mái” và “sự tham gia” chính là hai dấu hiệu cơ bản mà giáo viên thấy được qua quan sát trẻ theo quá trình, chứ không chỉ chú trọng vào kết quả cuối cùng của trẻ. Qua đó giáo viên điều chỉnh kế hoạch giáo dục, tạo ra những thay đổi trong tổ chức thực hiện các hoạt động giúp trẻ chơi mà học, học mà chơi tốt hơn và phát huy tối đa năng lực của trẻ. Gỡ bỏ được các rào cản chính là việc “ Lấy trẻ làm trung tâm ” trong hoạt động giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và “ không để cho trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”.
Quá trình học tập - trải nghiệm - suy ngẫm - điều chỉnh của giáo viên được diễn ra liên tục cho phép giáo viên có những thay đổi, điều chỉnh trong phương pháp dạy và tổ chức các tiết học theo hướng " Lấy trẻ làm trung tâm" mang lại hứng thú hơn cho trẻ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ GD&ĐT, Thực hành “Quan sát trẻ theo quá trình” trong cơ sở giáo dục mầm non, VVOB, 2021.
[2]. Hội thảo chuyên gia “Triển khai thí điểm tài liệu quan sát trẻ theo quá trình trong các cơ sở giáo dục mầm non”, Bộ GD&ĐT, tháng 3/2021.
[3]. Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/4/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Chương trình Giáo dục mầm non.
|
|
|