Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ MẦM NON THÔNG QUA HỌC ĐỒNG DAO GẮN VỚI ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI - Thạc sĩ: Nguyễn Thị Nguyệt Khoa GD Tiểu học- Mầm non

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

            Thơ ca dân gian như bầu sữa ngọt lành tưới tắm tâm hồn bao thế hệ trẻ thơ. Trong số các thể loại thơ ca dân gian, đồng dao là những câu hát, câu vè mộc mạc, gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ bởi vần điệu vui tươi, rộn ràng.  Đồng dao là tiếng nói của nhân dân lao động, của bà, của mẹ, của chị,… rất gần gũi với trẻ và được trẻ em yêu thích. Trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ mầm non, đồng dao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chương trình cho trẻ làm quen với văn học ở trường mầm non được định hướng theo chủ trương "Xây dựng trường học thân thiện- học sinh tích cực”, người giáo viên mầm non đưa đồng dao, trò chơi dân gian gắn với đồng dao vào quá trình dạy trẻ ở mọi lúc mọi nơi, trong đó có các hoạt động có chủ đích- hoạt động làm quen với văn học. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non thông qua hoạt động học đồng dao gắn đặc trưng thể loại, thực chất là gắn với các trò chơi dân gian. Từ đó, phát triển khả năng học tập để phát triển toàn diện cho trẻ mầm non: cả ngôn ngữ, nhận thức, trí tuệ, tình cảm xã hội, kĩ năng giao tiếp xã hội,...

II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

1. Khái quát về đồng dao

1.1. Khái niệm đồng dao

            Đồng dao là những câu hát dân gian có nội dung và hình thức phù hợp với trẻ em, được trẻ em hát lên lúc vui chơi, có thể do người lớn sáng tác nhưng cũng có thể do trẻ em sáng tác. Đồng dao còn được gọi là ca dao và vè cho trẻ em.

1.2. Đặc trưng của đồng dao

            Đặc trưng nổi bật của đồng dao là gắn với hoạt động vui chơi của trẻ em, trẻ hát đồng dao trong sinh hoạt và trong khi chơi các trò chơi dân gian. Đồng dao là một thể loại thơ ca dân gian thể hiện rõ tính nguyên hợp dành riêng cho trẻ em. Các bài ca vui chơi thường gắn với một trò chơi dân gian nào đó, có thể là trò chơi vận động ít như Nu na nu nống, Xỉa cá mè đè cá chép, Chi chi chành chành,…hay những trò chơi vận động nhiều với các hình thức, luật chơi linh hoạt khác nhau như Rồng rắn lên mây, Thả đỉa ba ba, …

            Đồng dao có các thể hai, ba, bốn, sáu chữ … có vần, với lối ngắt nhịp 1/1, 2/2, …, thường có kết cấu vòng tròn, trùng điệp. Ngôn ngữ đồng dao là ngôn ngữ hát kể, giàu tính nhạc, giàu hình ảnh,  có sức tạo hình và biểu hiện, nó rất phù hợp với đặc điểm tâm lí trẻ mầm non. Các câu hát của trẻ em trong sinh hoạt hàng ngày thường là các câu vè (vè chim, vè cây, vè hoa,..) với thể thơ bốn, năm chữ. Vế thứ nhất nêu đặc điểm hoặc một gợi ý có tính ẩn dụ nào đó về tên gọi của sự vật, vế thứ hai nêu tên gọi của sự vật đó, hai vế được nối với nhau bằng liên từ “là”. Trật tự giới thiệu của vè có thể là xuôi nhưng cũng có thể là ngược, các bài học nhận thức tự nhiên vì vậy mà vui vẻ và hấp dẫn.

1.3. Vai trò của đồng dao đối với giáo dục trẻ em

            Đồng dao có vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ em. Thứ nhất, đồng dao giúp phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Ngôn ngữ đồng dao trong sáng, gần gũi giúp các em được phát triển vốn từ. Luyện phát âm cho trẻ: Các bài ca dao, đồng dao thường được dùng trong việc luyện phát âm cho trẻ: Luyện khả năng nghe các âm tiết, âm vị; Luyện cho trẻ phát âm đúng âm vị, âm tiết Tiếng Việt trong sự kết hợp với nhau, dạy trẻ phát âm đúng các âm vị và phân biệt được các cặp âm vị nhất là các âm vị khó mà trẻ hay nhầm lẫn l-n, ch- tr, r- d... Chẳng hạn như câu ca dao: Lúa nếp là lúa nếp làng Lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng, hiểu nghĩa từ, ngữ pháp.  Phát triển lời nói mạch lạc là nhiệm vụ quan trọng nhất để thực hiện mục tiêu phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Trong quá trình phát triển lời nói mạch lạc cho trẻ, người ta thường chú ý đến hai yếu tố: Khả năng phát âm và khả năng diễn đạt. Khki dạy trẻ học đồng dao, người giáo viên dạy trẻ nói một cách trôi chảy, rõ ràng, lưu loát, không ngọng, không lắp. Đồng thời dạy trẻ biết trò chuyện, đàm thoại, diễn đạt suy nghĩ của mình.

            Đồng dao giúp trẻ nhận thức thế giới tự nhiên, xã hội, trau dồi tri thức gắn với nhu cầu hiểu biết, học hỏi, mở mang trí tuệ của trẻ. Một bộ phận đồng dao là bài ca về thế giới tự nhiên mà qua đó trẻ thấy được sự phong phú của thiên nhiên như “Con công hay múa”, “Con vỏi con voi”, “Ông sảo ông sao”,… Đồng dao luyện trí thông minh và ngôn ngữ cho trẻ. Bài đồng dao “Mười ngón tay” giúp trẻ luyện đếm. Bài đồng dao “Nu na nu nống” dạy trẻ rất nhiều từ ngữ mới mẻ và các sự vật thường gặp trong cuộc sống.

Cùng với tục ngữ, ca dao, đồng dao là cuốn từ điển sống phong phú mặc dù có ngôn từ đơn giản, phù hợp với lứa tuổi của trẻ, nhưng nó cũng bao hàm vốn sống cần thiết để trẻ chập chững khám phá về cuộc sống. Đồng dao giúp luyện trí nhớ cho trẻ em.

            Đồng dao giáo dục nhân cách cho trẻ. Đồng dao chứa đựng những hình ảnh, giấc mơ tốt đẹp của các em, là những rung cảm chân thật, có hồn, hơi thở của sự sống, rất cần cho sự rèn luyện tính cách của trẻ. Bài đồng dao “Hoa bé ngoan” dạy bé phải luôn chăm ngoan để được mọi người yêu quý và dạy bé cách sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ:

 

Hoa nào mẹ yêu nhất?

Hoa nào thơm ngát hương?

Hoa nào tươi thắm nhất?

Đó là hoa bé ngoan.

 

Em được mẹ thương nhất

Em được cô giáo yêu

Khi mà em ngoan nhất

Sẽ là hoa bé ngoan!

 Bài đồng dao “Gánh gánh gồng gồng” dạy con biết yêu lao động, yêu thương và chia sẻ với những người thân yêu:

Gánh gánh gồng gồng

Gánh sông gánh núi

Gánh củi gánh cành

Tay chạy cho nhanh

Về xây nhà bếp

Nấu nồi cơm nếp

Chia ra năm phần

Một phần cho mẹ

Một phần cho cha

Một phần cho bà

Một phần cho chị

Một phần cho anh 

Ta chạy cho nhanh

Về xây nhà bếp

Nấu nồi cơm nếp…

 Đồng dao không chỉ là bài hát mà còn là bài học đầu đời của trẻ.

            Nói tới đồng dao là nói đến thơ, chất thơ của đồng dao tạo nên chất thơ của tâm hồn con người, tạo nên xúc cảm, những tình cảm thẩm mĩ, trí tưởng tượng hồn nhiên, bay bổng.

Đồng dao gắn với trò chơi, giúp các em xích lại gần nhau, yêu thương nhau trong tình bạn thân thiết. Khi tham gia chơi trò chơi dân gian trẻ vừa hát đồng dao vừa làm động tác theo nhịp bài đồng dao. Đó cũng là hoạt động để phát triển thể lực cho trẻ, rèn luyện cho trẻ sự khéo léo của tay, của mắt, sự mềm dẻo của cơ thể, qua đó giáo dục thể chất cho trẻ. Các trò chơi còn góp phần giáo dục tinh thần hòa đồng trong tập thể, dạy các em ứng xử trong cuộc sống, đem lại cho các em niềm vui lớn.

 2. Cách thức tổ chức dạy trẻ đọc thuộc đồng dao

2.1. Mục tiêu

a. Kiến thức:

- Trẻ nhớ tên và thuộc bài đồng dao.

- Trẻ nắm được nội dung bài đồng dao

- Biết chuyển từ lời đồng dao thành bài hát, hát rõ lời, đúng nhịp.

b. Kỹ năng:

- Phát triển vốn từ, phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ.

- Trẻ trả lời câu hỏi rõ ràng, đủ câu.

- Rèn kỹ năng đọc đồng dao đúng nhịp điệu cho trẻ.

- Phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ.

c. Giáo dục thái độ:

- Trẻ có hứng thú tham gia hoạt động

- Giáo dục trẻ gắn với nội dung bài và chủ điểm

2.2. Hình thức tổ chức cho trẻ đọc thuộc đồng dao

            Có thể tổ chức cho trẻ đọc thuộc đồng dao mọi lúc mọi nơi bao gồm tổ chức trong tiết học cho trẻ làm quen với văn học, trong một phần của tiết học: mở đầu hoặc kết thúc hoạt động học làm quen với văn học hoặc trong những hoạt động học khác, trong góc chơi, giờ dạo chơi, tham quan ngoài trời, lúc đón trẻ, lúc trẻ ngủ dậy,…

2.3. Lựa chọn bài đồng dao

            Đồng dao là thể thơ dân gian khá phong phú và đa dạng. Giáo viên có thể thống kê được các bài đồng dao theo các chủ đề ở trường mầm non và lựa chọn bài phù hợp với chủ đề:

STT

Chủ đề

Tên bài đồng dao

1

Trường mầm non

Dung dăng dung dẻ

2

Chi chi chành chành

3

 Bản thân

Nu na nu nống

4

Mười ngón tay

5

 

Tập tầm vông

6

Gia đình

 

Lớn là anh

7

Gánh gánh gồng gồng

8

Nghề nghiệp

Kéo cưa lừa xẻ

9

Dệt cửi

10

Nhớ ơn

11

Thế giới thực vật

 

Lúa ngô là cô đậu nành

12

Trồng đậu trồng cà

13

Rềnh rềnh ràng ràng

14

Thế giới động vật

 

Con cua

15

Con vỏi con voi

16

Giao thông

Đi cầu đi quán

17

Đi đâu mà vội mà vàng

18

Các hiện tượng tự nhiên

 

Mưa

19

Ông sảo ông sao

20

Trời mưa trời gió

21

Mồng một lưỡi trai

22

Ông giẳng ông giăng

23

Quê hương, đất nước, Bác Hồ

Phụ đồng phụ chổi

Bên cạnh yêu cầu phù hợp với chủ đề, chủ điểm, bài đồng dao được lựa chọn cần gần gũi với cuộc sống của trẻ và phù hợp với đặc trưng của từng vùng miền.

Khi đã chọn được bài đồng giao, giáo viên đọc diễn cảm, chú ý ngắt nhịp đúng và đọc với giọng điệu phù hợp. Đa số các bài đồng dao thường đọc với giọng vui tươi.

2.4. Phát triển khả năng học đồng dao cho trẻ mầm non gắn với đặc trưng thể loại

2.4.1. Quy trình tổ chức hoạt động

-  Ổn định tổ chức, giới thiệu bài

-  Cô đọc diễn cảm bài đồng dao: Lần 1 đọc diễn cảm kết hợp với cử chỉ, điệu bộ

Lần 2, cô đọc diễn cảm kết hợp với tranh minh họa.

 Khi đọc cho trẻ nghe, cô giáo chú ý đọc đúng, rõ ràng, có vần, nhịp với giọng điệu vui tươi, hồn nhiên, dí dỏm.

- Đàm thoại, giảng giải giúp trẻ hiểu nội dung của bài đồng dao

Cô dẫn dắt để đưa ra ý nghĩa giáo dục cho trẻ

- Dạy trẻ đọc thuộc bài đồng dao theo hình thức: cô đọc trước, trẻ đọc sau

Để bài đồng dao thêm sinh động, hấp dẫn đúng như đặc trưng của nó, giáo viên tổ chức kết hợp đọc bài đồng dao kết hợp trò chơi

Cô giới thiệu cách chơi, luật chơi

Tiến hành chơi: Cô giáo có thể vừa chơi với trẻ vừa đọc các bài đồng dao. Trẻ đọc theo cô, dần dần sau 2-3 lượt chơi trẻ sẽ thuộc lời và vừa đọc vừa tự chơi với nhau.

- Cô kiểm tra kết quả và nhận xét quá trình trẻ chơi.

- Cô củng cố lại bài và  nhận xét, tuyên dương: Lớp- tổ- Cá nhân

2.4.2.  Hướng dẫn trẻ đọc thuộc bài đồng dao kết hợp với trò chơi

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung vào việc tổ chức cho trẻ đọc thuộc đồng dao gắn với tổ chức trò chơi dân gian-  môi trường diễn xướng của thể loại này.

a. Đọc thuộc bài đồng dao Gánh gánh gồng gồng” gắn với trò chơi Gánh gánh gồng gồng

- Chủ đề: Gia đình

- Đối tượng:  trẻ 5-6 tuổi

Trò chơi: Thi xem đội nào nhanh

+ Chuẩn bị: Quang gánh, ghế thể dục, gạch, bó củi;  Phách tre, trống lắc, xắc xô;  nhạc bài Gánh gánh gồng gồng; Trang phục gọn gàng, sạch sẽ.

+ Luật chơi: Mỗi lần gánh chỉ để mỗi bên quang gánh 1 viên gạch. Trong thời gian là một bài hát, tổ nào gánh được nhiều gạch là thắng cuộc.

+ Cách chơi: Chia lớp thành 2 tổ, mỗi tổ có một đôi quang gánh và nhiều viên gạch, nhiều bó củ. Một đội nhặt gạch, một đội nhặt củi. Lần lượt từng trẻ lên nhặt gạch, nhặt củi cho vào quang, gánh lên vai, đi trên ghế thể dục mang về vị trí quy định của tổ mình sau đó gánh quang gánh đi trên ghế thể dục quay lại đưa cho bạn tiếp theo.

– Tổ chức cho trẻ chơi trên nền nhạc “Gánh gánh gồng gồng”, cô bao quát trẻ chơi.

– Cô kiểm tra kết quả và nhận xét quá trình trẻ chơi.

b. Đọc thuộc bài đồng dao “Chi chi chành chành” gắn với trò chơi Chi chi chành chành

- Chủ đề: Trường mầm non

- Đối tượng: trẻ 3-4 tuổi

- Cách chơi:

Một người đứng xòe bàn tay ra, các người khác giơ một ngón tay trỏ ra đặt vào lòng bàn tay đó, người đó đọc nhanh:

Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa đứt cương

Ba vương ngũ đế

Chấp dế đi tìm

Ù à ù ập.”

Đến chữ “ập” thì người đó nắm tay lại, còn mọi người thì cố gắng rút tay thật mạnh, ai rút tay không kịp bị nắm trúng ngón tay là người thua cuộc. Người thua đọc câu đồng dao cho người khác chơi.

c. Đọc thuộc bài đồng dao “ Rồng rắn lên mây” gắn với trò chơi Rồng rắn lên mây

- Chủ đề: Trường mầm non

- Đối tượng trẻ: 3-4 tuổi; 4-5 tuổi; 5-6 tuổi

- Chuẩn bị: Sân bãi rộng rãi, bằng phẳng.

- Cách chơi: 1 trẻ đóng vai “ông chủ” và ngồi một chỗ. Những trẻ còn lại nối đuôi nhau thành hàng dài, đi vòng vèo trong sân, vừa đi vừa đọc:

‘Rồng rắn lên mây

Có cái cây lúc lắc

Có cái nhà điểm binh

Có ông chủ ở nhà không?”

- Khi đọc đến câu “Có ông chủ ở nhà không?” trẻ dừng lại trước mặt “ông chủ” có thể trả lời “có hoặc không”. Nếu “ông chủ” trả lời “không” trẻ sẽ đi tiếp, vừa đi vừa đọc những câu trên. Nếu “ông chủ” trả lời “có” cả nhóm trả lời những câu hỏi xin của “ông chủ”.

Ông chủ: Cho xin khúc đầu?

Cả nhóm: Những x ương cùng xẩu

Ông chủ: Cho xin khúc giữa?

Cả nhóm: Chả có gì ngon

Ông chủ: Cho xin khúc đuôi?

Cả nhóm: Tha hồ mà đuổi.

- Sau câu “Tha hồ mà đuổi”, “ông chủ” chạy đuổi bắt cho được “khúc đuôi” (người cuối cùng) còn cả nhóm sẽ chạy tránh, người đứng đầu nhóm dang hai tay che chở cho cả nhóm không bị bắt. Nếu trẻ làm “ông chủ” bắt được “khúc đuôi” thì trẻ đổi vai và chơi lại từ đầu.

d. Đọc thuộc bài đồng dao “Dệt vải” gắn với trò chơi  Dệt vải

- Chủ đề: Nghề nghiệp

- Đối tượng trẻ: 5-6 tuổi

- Chuẩn bị: thảm ngồi, chỗ ngồi đủ rộng

- Luật chơi: Trẻ đọc to, phối hợp chân tay nhịp nhàng sẽ là người chiến thắng

- Cách chơi:Trẻ ngồi đối diện, đặt đôi bàn chân vào nhau và vừa đọc, vừa đẩy bàn chân qua lại, chân bạn đẩy ra thì chân mình kéo lại, cũng có thể chơi với 2 bàn tay:

Dích dắc dích dắc

Khung cửi mắc vô

Dích dắc dích dắc

Xâu go từng sợi

Chân mẹ đạp vội

Chân mẹ đạp vàng

                                           …

Nhiều bài đồng dao, dưới sự khéo léo và sáng tạo của giáo viên, đã đưa trẻ về với miền thơ ca dân gian mượt mà đầy cảm xúc và tạo hứng thú với trẻ.

Để tiến hành khảo sát sự phát triển của trẻ đặc biệt về mặt ngôn ngữ sau khi học đồng dao gắn với thể loại, giáo viên có thể thực hiện các biện pháp sau:

- Xây dựng kế hoạch lồng ghép thêm các trò chơi vào kế hoạch hàng tháng: ngoài các hoạt động cho trẻ làm quen với văn học theo chương trình quy định, cô tăng cường lựa chọn các bài đồng dao phù hợp với lứa tuổi  lồng ghép vào các hoạt động đón trẻ, trả trẻ, vui chơi ngoài trời, hoạt động góc, … để cho trẻ học thuộc và chơi trò chơi gắn với bài đồng dao.

- Lựa chọn các bài đồng dao gắn với trò chơi phù hợp với trẻ

- Chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cần thiết để dạy trẻ đọc thuộc đồng dao và chơi trò chơi gắn với bài đồng dao: chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi, phần lời bài đồng dao, chuẩn bị địa điểm tổ chức chơi

- Tăng cường tương tác, đàm thoại giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ về bài đồng dao, về trò chơi, về cảm nhận hay nhận xét, đánh giá của trẻ về bạn, về bản thân …

- Tạo điều kiện cho tất cả các trẻ tham gia vào trò chơi

- Phối hợp với phụ huynh

Thực tế cho thấy, trẻ đọc thuộc đồng dao gắn với trò chơi hứng thú đến lớp, tinh thần sảng khoái, vui vẻ, thích đọc các bài đồng dao, thích chơi các trò chơi dân gian gắn với các bài đồng dao, biết lễ phép trả lời các câu hỏi của cô về cách chơi, luật chơi. Trẻ nói được về cảm nhận sau khi chơi hay nhận xét về khả năng chơi của bạn,…Trẻ biết tích cực tham gia các hoạt động chung của lớp, biết cách giao tiếp giữa cô và bạn.

Trẻ về nhà biết nói cho người thân nghe về những việc trẻ làm được, thích cùng người thân vừa chơi trò chơi vừa đọc bài đồng dao gắn với trò chơi đó.

Như vậy, bằng việc thường xuyên tham gia các trò chơi dân gian gắn với đọc thuộc đồng dao, không chỉ ngôn ngữ mà trí tuệ, nhận thức, tình cảm của trẻ phát triển nhanh, thể lực của trẻ được nâng lên rõ rệt. Trẻ nhanh nhẹn, năng động, tự tin hơn trong giao tiếp. Thông qua những hoạt động, trẻ còn gắn kết với nhau hơn, biết nhường nhịn, giúp đỡ nhau. Khi trẻ tham gia cùng cô vào các hoạt động: chơi, đọc đối đáp, đọc theo nhóm các bài đồng dao trẻ rất thích thú và học thuộc rất nhanh. Có những lúc trẻ ngồi cùng nhau trong các giờ chơi, trẻ cũng tự ngồi thành nhóm và chơi lại những trò chơi hoặc đọc lại những bài đồng dao cô đã dạy. Nhìn chung, đối với tiết học đồng dao trẻ hứng thú và học rất say mê, trẻ mau nhớ và thuộc bài đồng dao. Mỗi khi cô yêu cầu trẻ đọc lại bài đồng dao nào đó, trẻ vừa đọc vừa minh họa cũng rất thích thú. Hầu như trẻ có thể chơi các trò chơi có đồng dao: úp lá khoai, dệt vải, nu na nu nống, chi chi chành chành,..vv... mọi lúc mọi nơi.

 

Về phía giáo viên, cô cũng thấy hạnh phúc hơn khi được cùng trẻ trải nghiệm nhiều trò chơi, cô gắn bó và yêu thương trẻ nhiều hơn. Giáo viên phát triển được nhiều kĩ năng nghề nghiệp: đọc diễn cảm, làm đồ dùng, đồ chơi, tổ chức môi trường hoạt động, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua hoạt động cho trẻ đọc thuộc đồng dao gắn với thể loại.

IV. KẾT LUẬN

            Mỗi khúc đồng dao đều chứa đựng những giá trị văn hóa nhất định. Vì vậy, trong quá trình phát triển ngôn ngữ, khi tổ chức hoạt động làm quen với văn học cho trẻ mầm non, người giáo viên cần nắm được nội dung các bài đồng dao, biết cách lựa chọn phù hợp với mục tiêu giáo dục. Việc phát triển khả năng học tập đồng dao gắn với các trò chơi dân gian phát triển ở trẻ tình cảm, nhận thức, khả năng vận động, tinh thần tập thể, biết nhường nhịn bạn bè, biết giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của mình trước bạn khác, đặc biệt là phát triển ngôn ngữ ngôn ngữ cho trẻ: vốn từ của trẻ tăng lên, trẻ nói năng mạch lạc hơn, tự tin hơn trong giao tiếp, nhận thức của trẻ được nâng lên. Đồng thời, nó khơi dậy ở trẻ sự hứng thú, tích cực, tự nguyện tham gia trò chơi. Và như vậy, chúng ta nhận thấy, đồng dao là một phương tiện hữu hiệu để giáo dục tình cảm, thẩm mĩ, đạo đức và ngôn ngữ cho trẻ. Công việc cần tiếp tục của người giáo viên mầm non là tăng cường các kĩ năng lựa chọn và tổ chức trò chơi gắn với học tập đồng dao phù hợp với lứa tuổi, tìm ra biện pháp tối ưu nhất để thực hiện mục tiêu giáo dục trẻ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Hà Nguyễn Kim Giang.2011. Phương pháp tổ chức hoạt động làm quen với tác phẩm văn học. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

[2]. Nguyễn Xuân Khoa. 2009. Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo. Nhà xuất bản Giáo dục. Hà Nội

[3]. Phương Hoa, Bùi Hà Mi. 2004. Bé với khúc đồng dao. Nhà xuất bản Giáo dục. Hà Nội

[4]. Cao Đức Tiến (chủ biên). 2007. Văn học. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Nhà xuất bản Giáo dục

[5]. Nhiều tác giả. 2016. Tài liệu học tập một số học phần đào tạo giáo viên trình độ Cao đẳng ngành Giáo dục mầm non- Phương pháp cho trẻ làm quen với văn học. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội