Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢNG DẠY MÔN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH           Thạc sỹ:  Nguyễn Hữu Niên - Khoa LLCT- TLGD

 

 

Môn tư tưởng Hồ Chí Minh trong chương trình đại học, cao đẳng thuộc học phần bắt buộc. Môn học nhằm trang bị cho sinh viên hệ thống quan điểm lý luận của Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, bồi dưỡng cho sinh viên lập trường, quan điểm cách mạng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tích cực, chủ động đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; biết vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Ở trường CĐSP Bắc Ninh, môn học đã được nhà trường nghiêm túc triển khai giảng dạy, góp phần giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên. Là giảng viên được phân công giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh ở trường CĐSP Bắc Ninh, từ thực tiễn, bản thân rút ra một số kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục môn học cho sinh viên mong được chia sẻ cùng các bạn đồng nghiệp.

Một là, cần quán triệt tính hệ thống của tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó cốt lõi là tư tưởng Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chương trình môn Tư tưởng Hồ Chí Minh được kết cấu thành 7 chương, trong đó chương 1 là tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc, chương 2 là tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là hai chương khái quát về nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ chương 3 đến chương 7 là sự cụ thể hoá tư tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh về từng vấn đề trong xây dựng xã hội chủ nghĩa, như: Tư tưởng về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam; tư tưởng về dân chủ, về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân; tư tưởng về đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; tư tưởng về xây dựng đạo đức, văn hoá, nhân văn. Giảng viên cần thấy được tính hệ thống ấy và quán triệt cho sinh viên nắn được khi giảng về một nội dung cụ thể nào đó về tư tưởng của Người, song cần đặt nó vào trong tính chỉnh thể của hệ thống và tính xuyên suốt của nội dung cốt lõi.

Hai là, xây dựng hệ thống câu hỏi gợi mở, dẫn dắt sinh viên tiếp thu nội dung tri thức về tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh viên sẽ cảm thấy hứng thú tiếp thu tri thức nếu các em được vận dụng những hiểu biết của mình khám phá ra tri thức mới dưới sự dẫn dắt của thầy. Giảng viên có thể dẫn dắt sinh viên bằng hệ thống các câu hỏi đàm thoại lôgíc. Các câu hỏi đi từ những điều sinh vên đã biết (từ vốn sống, vốn hiểu biêt, vốn kiến thức đã được học) đến khám phá tri thức tư tưởng Hồ Chí Minh. Bằng những câu hỏi kính thích tư duy, các em có thể tự tìm ra những luận  giải về quan điểm của Người . Ví dụ:

Để giảng cho sinh viên hiểu được luận điểm : "Độc lập dân tộc gắn lền với chủ nghĩa xã hội", giảng viên có thể lần lượt đặt các câu hỏi: 1.Giả định, độc lập dân tộc không gắn với chủ nghĩa xã hội, vậy độc lập gắn với chế độ phong kiến thì sao? (Trong chế độ ấy, địa vị, cuộc sống của nhân dân lao động như thế nào?) 2. Độc lập gắn với chế độ tư bản thì kết cục phát triển đất nước sẽ thế nào? (Xã hội  phân chia thành những giai cấp nào? Quyền lực thuộc về ai? Nhân dân lao động có được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột không?) 3. Em hiểu thế nào về chủ nghĩa xã hội (về chế độ chính trị, về nền kinh tế, về nền  văn hoá, về quan hệ giữa con người với cong người; về quan hệ giữa các dân tộc với nhau)? 4. Vì sao phải gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội? Bằng hệ thống câu hỏi vừa gợi mở, vừa dẫn dắt, giảng viên sẽ giúp sinh viên tự khám phá ra tri thức lý luận, hiểu được sâu sắc luận điểm của Người.

Khi giảng luận điểm: "Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước", giảng viên cần làm cho sinh viên hiểu được sự vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin của Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Bằng hệ thống câu hỏi đàm thoại, gợi mở, dẫn dắt, giảng viên có thể hỏi: 1. So với quan điểm của Lênin về sự ra đời của Đảng cộng sản, em hãy cho biết, quan điểm của Hồ Chí Minh có điểm gì mới? Khi ấy, sinh viên sẽ chỉ ra được điểm mới mà Hồ Chí Minh bổ sung thêm đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đó là "phong trào yêu nước". Để làm rõ tính sáng tạo của Hồ Chí Minh, giảng viên có thể đặt câu hỏi tiếp theo: 2. Phong trào yêu nước trong lịch sử Việt Nam có vị trí như thế nào? 3. Trước khi có Đảng ra đời, phong trào yêu nước thu hút được những giai cấp, tầng lớp nào trong xã hội tham gia? 4. Giai cấp công nhân ở Việt Nam có đặc điểm gì khác so với giai cấp công nhân ở các nước phương Tây? Qua chuỗi câu hỏi mà giảng viên đặt ra, sinh viên trả lời được đồng thời các em đã có thể hiểu được tính đúng đắn, tính thực tiễn của luận điểm "Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước" mà Hồ Chí Minh đưa ra.

Ba là, gắn lý luận với thực tiễn

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn bán sát thực tiễn cách mạng dân tộc và thế giới, coi trọng tổng kết thực tiễn, coi đây là biện pháp nâng cao năng lực thực tiễn và nâng cao năng lực lý luận. Người đặc biệt coi trọng việc kết hợp lý luận với thực tiễn. Hồ Chí Minh khẳng định: Thực tiễn không có lý luận thì đó là thực tiễn mù quáng, lý luận không có thực tiễn thì đó là lý luận suông. Vì vậy, trong giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh cần quán triệt quan điểm gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Khi giảng về một luận điểm nào đó của Người, giảng viên cần liên hệ sự vận dụng của Đảng ta trong thực tiễn cách mạng, chỉ ra ý nghĩa của luận điểm ấy với thực tiễn cách mạng giải phóng dân tộc trước đây như thế nào, đồng thời yêu cầu các em liên hệ sự vận dụng của Đảng ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay, liên hệ luận điểm của Người đối với bản thân các em trong cuộc sống. Chẳng hạn, khi giảng về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ CHí Minh, giảng viên liên hệ ý nghĩa của tư tưởng ấy trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, yêu cầu các em liên hệ sự vận dụng của Đảng ta về tư tưởng đoàn kết trong giai đoạn hiện nay trên các mặt (đoàn kết các dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết với người Việt Nam ở nước ngoài, ...), liên hệ với bản thân các em  xây dựng đoàn kết trong gia đình, trong tập thể lớp ... Qua việc liên hệ lý luận với thực tiến,  các em sẽ thấy được ý nghĩa thiết thực tư tưởng của Hồ Chí Minh, có thái độ tích cực thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tầm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Bốn là, lựa chọn tư liệu minh hoạ phù hợp với nội dung

Hiện nay, có nhiều tư liệu, tài liệu phục vụ cho giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh như: sách, phim, ảnh, băng ghi âm... Giảng viên phải  biết sưu tầm, đọc chắt lọc, ghi chép làm tư liệu giảng dạy, xây dựng cho minh kho tư liệu phục vụ cho môn học, sắp xếp theo từng chuyên đề để tiện cho sử dụng.

Để giảng dạy có hiệu quả, giảng viên cần biết lựa chon tư liệu minh hoạ cho phù hợp với nội dụng.  Lựa chọn tư liệu minh hoạ phải điển hình, đặc sắc, phù hợp với nội dung cần truyền tải. Chẳng hạn với nội dung đoàn kết, Hồ Chí Minh có hàng trăn bài nói, bài viết, hình ảnh, đoạn phim về chủ đề này, vì vậy người giảng viên phải biết lựa chọn bài nào, đoạn nào, hình ảnh nào, câu nói nào của Người về đoàn kết để minh hoạ là điển hình nhất.

Năm là, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nêu gương cho người học; bồi dưỡng tình cản trong sáng về Người

Với cả cuộc đời hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để lại cho mọi người lòng cảm phục, sự kính trọng và niềm tin yêu sâu sắc. Hồ Chí Minh có sức cảm hoá kỳ diệu. Sự cảm hoá ở Người đó là bởi phẩm chất nhân cách, tài năng. Nhà báo Liên Xô (cũ) Ô - xip Man – đen – xtan khi tiếp xúc với Hồ Chí Minh đã nhận xét: "Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không phải văn hoá châu Âu, mà có lẽ là nền văn hoá của tương lai...Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị, lịch sự. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên, bể lặng của tình hữu ái toàn thể thế giới bao la như đại dương". Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có ý nghĩa giáo dục to lớn. Qua mỗi bài giảng tư tưởng Hồ Chí Minh, người giảng viên cần bồi dưỡng cho các em tình yêu, niền tin, lòng tự hào, sự kính trọng về Người, từ đó xây dựng ý thức tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Người. Muốn vậy, người thầy giáo phải là tấm gương thực hành đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên noi theo. Hồ Chí Minh đã dạy về phương pháp giáo dục đạo đức hiệu quả nhất là phải bằng nêu gương, Người nói:  “Một hành động đạo đức có tác dụng hơn hàng trăn bài thuyết giáo về đạo đức”.

Ngày nay, nước ta đang chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường.  Cơ chế thị trường có nhiều ưu việt song nó có những mặt hạn chế. Trong cơ chế thị trường, mặt trái của nó có thể tác động tiêu cực tới tư tưởng, phẩm chất của một bộ phận giáo viên. Một số bị cám dỗ bởi những danh lợi, tiền bạc, vật chất tầm thường. Trong thử thách, đòi hỏi người giáo viên phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức, rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh để  sao cho " giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, quyền uy không khuất phuc". Muốn phát huy tác dụng những đạo lý Hồ Chí Minh mà người giảng viên thuyết giảng, trước hết cần bắt đầu từ chính tâm mình, bằng những việc làm thực tiễn trong cuộc sống, trong quan hệ gia đình, quan hệ với đồng nghiệp, quan hệ với học sinh, sinh viên, nói và làm phải đi đôi với nhau. Phong cách một người thầy chân chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải chân thành, khiêm tốn, ít tự đề cao mình. Người quan niệm: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Cái gốc đạo đức tốt làm nên những thầy giáo tốt. Họ là những người giúp sinh viên học tập thành công, để lại dấu ấn, ảnh hưởng lâu dài trong tâm trí nhiều thế hệ sinh viên.
     

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội