A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số vấn đề lý luận về dạy học dựa trên dự án trong giáo dục mầm non

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm gần đây, giáo dục mầm non (GDMN) là một trong những bậc học nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ về chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động. Nhằm  nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trình độ cao đẳng, trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh luôn đặt ra yêu cầu chương trình đào tạo phải tiếp cận với thực tế, đi trước đón đầu sự thay đổi của bậc học mầm non. Một trong những thay đổi trong phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục của GDMN là học tập dựa trên dự án.

Học tập dựa trên dự án với các tên gọi khác nhau như học tập theo dự án, học tập dựa trên dự án, học tập qua dự án… nhưng đều có ý nghĩa là một phương pháp/ hình thức giảng dạy có sự tham gia, hợp tác của học sinh để điều tra, giải quyết những nhiệm vụ gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Đối với trẻ ở bậc mầm non, do những hạn chế trong quá trình nhận thức và năng lực thực hành, tổ chức dạy học dự án cho trẻ cũng cần có những nghiên cứu sâu sắc nhằm áp dụng linh hoạt, phù hợp và hiệu quả. 

NỘI DUNG

1. Một số khái niệm

1.1. Dự án

 Thuật ngữ “dự án” trong tiếng Việt hiện nay được sử dụng đồng nghĩa với thuật ngữ “đề án”, trong đó “dự án” có xu hướng được sử dụng phổ biến hơn. Theo tác giả Trần Việt Cường: “Dự án là một quá trình hoạt động của một hay một nhóm người để thực hiện kế hoạch tự đề ra để tạo ra sản phẩm nhằm đạt được các mục đích đề ra” [2].

1.2. Dự án học tập

Có nhiều định nghĩa về dự án học tập, như: Theo Đặng Thành Hưng, Trịnh Hồng Hà, Nguyễn Khải Hoàn, Trần Vũ Khánh, cho rằng: Dự án học tập là kiểu dự án được thiết kế và thực hiện bởi người học trong quá trình dạy học dưới sự hỗ trợ của GV nhằm thực hiện các mục đích giáo dục và phát triển người học [3]. Theo Trần Việt Cường, Dự án học tập là một dự án trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành; kết hợp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn thuộc về nhiều lĩnh vực khác nhau [2].

1.3. Dự án của trẻ mầm non

Đối với trẻ mầm non, dự án học tập được hiểu là việc đặt ra một vấn đề, một hiện tượng mà ở đó mở ra cơ hội học tập và trải nghiệm, làm giàu thêm vốn nhận thức, phát triển các năng lực giúp trẻ thích ứng tốt với cuộc sống đặc biệt là năng lực giải quyết vấn đề.

Dự án học tập của trẻ mầm non là một hoạt động có mục tiêu rõ ràng, được tổ chức và thực hiện trong một khoảng thời gian cụ thể để trẻ khám phá, học hỏi và phát triển, nhằm đạt được một kết quả nhất định, giúp trẻ em hiểu sâu hơn về thế giới xung quanh qua các hoạt động sáng tạo và khám phá. Dự án học tập có thể là một phần của chương trình giáo dục hoặc một nhiệm vụ độc lập.

1.4. Học tập dựa trên dự án trong giáo dục mầm non

 Học tập dựa trên dự án là một trong những phương pháp/ hình thức tổ chức học tập được sử dụng phổ biến ở các cấp học khác nhau trong đó có bậc giáo dục mầm non. Đối với giáo dục mầm non (GDMN), có thể hiểu: Học tập dựa trên dự án là một phương pháp/ hình thức giáo dục mà trong đó trẻ mầm non tham gia vào các dự án mang tính thực tiễn, nhằm giải quyết vấn đề hoặc hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể.

2. Đặc trưng của Học tập dựa trên dự án

 Trẻ là trung tâm của học tập dựa trên dự án. Không giống như các phương pháp/ hình thức dạy học truyền thống với người dạy là trung tâm. Học tập dựa trên dự án chú ý đến nhu cầu, hứng thú của trẻ đặt trẻ vào vị trí trung tâm của quá trình dạy học.

 Trẻ được trực tiếp tham gia chọn nội dung, hoạt động phù hợp với khả năng hứng thú của cá nhân thông qua sự hỗ trợ của giáo viên, các chuyên gia và quá trình hoạt động nhóm. Trẻ phải tham gia tích cực và tự lực vào các giai đoạn của dự án. Trẻ không chỉ tiếp thu kiến thức về các sự kiện mà còn phải áp dụng lý thuyết vào thực tế, rèn luyện kĩ năng giải quyết các vấn đề. Nội dung của dự án là những vấn đề liên quan đến cuộc sống thực, những vấn đề trẻ quan tâm, hứng thú, giúp giải quyết những vấn đề trong thực tiễn, trong cộng đồng. Ví dụ: Mùa đông; Mùa hè; Tôi đặc biệt; Ươm những mầm xanh/Chiếc lá có gì thú vị/ Hoa thơm trái ngọt; Thú cưng của bé; Điều kì diệu của âm thanh;Sự kì diệu của nước...

 Khi tham gia vào dự án, trẻ được trải nghiệm thực tiễn để lấy thông tin, giải quyết các nhiệm vụ của dự án. Trẻ học thông qua quá trình trải nghiệm. Để giải quyết vấn đề của dự án trẻ thường phải kết hợp tri thức nhiều lĩnh vực hoặc môn học khác nhau. Bất kỳ một học tập dựa trên dự án nào cũng đòi hỏi kiến thức của nhiều môn học để giải quyết. Đặc điểm này giúp dự án gần với thực tế hơn. Trong quá trình thực hiện dự án luôn có sự kết hợp giữa nghiên cứu và vận dụng lý thuyết vào trong hoạt động thực tiễn, thực hành. Thông qua đó, kiểm tra, củng cố, mở rộng vốn hiểu biết về lý thuyết cũng như rèn luyện kỹ năng hành động tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Ví dụ: Dự án Sự kì diệu của ánh sáng, tích hợp nội dung các lĩnh vực khoa học, toán, ngôn ngữ, công nghệ, kĩ thuật, thể chất…

 Học tập dựa trên dự án chính là mang các vấn đề thực tế vào môi trường lớp học,  là một hệ thống các hoạt động được kết nối tới các lĩnh vực khác nhau để giải quyết nhiệm vụ đặt ra của dự án. Các hoạt động này được liên kết với nhau theo một cách có tính quá trình. Trẻ sẽ lựa chọn dự án của mình và sẽ tự phân tích, khám phá các chủ đề dự án đó.  Hoạt động trong học tập dựa trên dự án gồm việc xây dựng các công việc, phối hợp thực hiện công việc, sự sáng tạo, tham gia thảo luận, trao đổi thông tin… Trong một dự án học tập, các hoạt động phong phú, đa dạng, thực hiện không chỉ giới hạn trong việc đọc, nghiên cứu, trải nghiệm mà các hoạt động được trải dài trong một khoảng thời gian (từ vài buổi, vài ngày đến vài tuần) để có thể hoàn thành quá trình cơ bản áp dụng kiến thức vào thực tế. 

Các dự án thường được thực hiện theo nhóm, trong đó có sự phân công và cộng tác giữa các thành viên bên cạnh những hoạt động tự lực của cá nhân. Một dự án thành công thì trong đó phải có được sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các bộ phận. Điều này đòi hỏi giáo viên trong quá trình thực hiện dự án cần phải tiến hành khảo sát chọn nhóm và phân nhóm cho hợp lý. Một nhóm dự án sẽ phải tiến hành thu thập thông tin, xử lý thông tin, đề ra những ý tưởng và hoàn thành sản phẩm, chính vì thế mà sự phân chia công việc là vô cùng quan trọng. Các thành viên trong nhóm dự án cần được phân chia hợp lý theo khả năng để công việc được thực hiện đúng theo tiến độ đã được đặt ra một cách hợp lý nhất. 

Dạy học theo dự án quan tâm đến sản phẩm của hoạt động  Khi bắt đầu dự án, người học sẽ có xu hướng tìm hiểu, khám phá. Nhu cầu để lựa chọn một chủ đề, câu hỏi hay vấn đề nghiên cứu tạo ra sự gợi mở. Sự gợi mở này sẽ khiến hoạt động học tập trở nên khó đoán trước, vốn là một đặc trưng cơ bản của việc học theo dự án. Thông qua việc tìm hiểu và khám phá, người học sẽ tiếp thu các kĩ năng nhận thức: phân tích vấn đề mới, tìm kiếm và lựa chọn thông tin, tóm tắt, báo cáo, đi đến kết luận,… và tạo ra các sản phẩm phù hợp với chủ đề đã chọn lựa. Sản phẩm được đánh giá dựa trên tính thực tế, tính hữu ích và sự kết hợp làm việc giữa các cá nhân trong nhóm. Dựa vào thời gian thực hiện dự án, chủ đề dự án, nội dung dự án mà quyết định đến số lượng, hình thức của sản phẩm. Những sản phẩm đem lại nhiều lợi ích xã hội thường được đánh giá cao. Chúng có thể được công bố, giới thiệu rộng rãi và đưa vào sử dụng trong thực tế.  Kết quả thực hiện dự án là những sản phẩm có thể trưng bày, trình bày được, đó là kết quả của việc tìm kiếm thông tin hay giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Sản phẩm được đánh giá dựa trên tính thực tế, tính hữu ích và sự kết hợp làm việc giữa các cá nhân trong nhóm Môi trường: mở và mang tính cộng đồng Dạy học theo dự án nhấn mạnh môi trường mở, phạm vi rộng, mang tính cộng đồng (không chỉ là nội dung và các đối tượng trong trường/do trường chuẩn bị mà có thể là tất cả những gì xung quanh…có thể do mọi người xung quanh nêu ra và chuẩn bị giúp).

3. Ý nghĩa của học tập dựa trên dự án

3.1. Đối với giáo viên

Trong học tập dựa trên dự án người giáo viên (GV) không đóng vai trò trung tâm, quyết định việc học nhưng lại là người định hướng, tổ chức, tư vấn, giám sát, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người học thực hiện dự án. Một dự án thành công đòi hỏi người GV phải có tầm nhìn bao quát, có sự tìm tòi, nghiên cứu, đưa những kiến thức trong sách vở và kiến thức ngoài xã hội hòa quyện vào nhau. Người GV phải tạo điều kiện cho trẻ được lựa chọn và thể hiện vai trò phù hợp với nội dung dự án, tạo ra một môi trường học tập phù hợp, gợi lên những nghi vấn, thúc đẩy sự hiểu biết của trẻ về vấn đề trẻ đang quan tâm. Ở bậc mầm non, do tính tự lực của trẻ còn hạn chế nên vai trò đồng hành, hỗ trợ của người giáo viên là rất quan trọng. Chính trong quá trình tham gia hoạt động cùng trẻ mà giáo viên có cơ hội “cùng học”, từ đó được mở rộng kiến thức, rèn luyện các kỹ năng và phát triển nhiều năng lực cá nhân và xã hội.  

3.2. Đối với phụ huynh

Học tập dựa trên dự án đòi hỏi phải có sự kết nối giữa phụ huynh, cộng đồng và nhà trường. Khi tiến hành học tập dựa trên dự án, nhà trường và giáo viên có điều kiện để huy động sự chung tay của cộng đồng, phụ huynh trong suốt các giai đoạn tiến hành dự án. Ví dụ: khi tiến hành dự án Chuông gió, nhà trường có thể kêu gọi phụ huynh cùng với trẻ sưu tầm những nguyên vật liệu để làm chuông gió tại gia đình mình, cùng chế tác những nguyên vật liệu đó để tạo ra những chiếc chuông gió, có giá trị sử dụng. Sản phẩm cuối cùng của dự án có thể được trưng bày/ sử dụng ở lớp, trường, thậm chí chính trong gia đình của trẻ. Qua những hoạt động này, giúp phụ huynh và cộng đồng hiểu rõ hơn về hoạt động của trẻ tại trường, từ đó tạo thêm sự yên tâm, tin tưởng từ phía phụ huynh và mối quan hệ gắn bó giữa nhà trường với cộng đồng ngày càng bền chặt.

3.3. Đối với trẻ mầm non

Học tập dựa trên dự án đem lại nhiều lợi ích đối với sự phát triển của trẻ. Do dự án học tập được xuất phát từ nhu cầu của trẻ nên nó kích thích động cơ, hứng thú học tập, khơi gợi óc tò mò, ham hiểu biết của trẻ. Tham gia các dự án học tập trẻ được phát huy tính tự lực, trách nhiệm, sáng tạo, phát triển năng lực giao tiếp, cộng tác làm việc trong nhóm và năng lực giải quyết vấn đề phức hợp. Quá trình trẻ hợp tác với nhau để tiến hành các dự án học tập. Trong học tập dựa trên dự án trẻ được quyền thất bại thay vì bắt buộc phải thành công. Sự thành công hoặc thất bại của các sản phẩm trong dự án trở thành một môi trường để giúp trẻ nhận diện và trải nghiệm các trạng thái cảm xúc khác nhau.  Những sản phẩm của dự án cũng giúp rèn luyện kỹ năng kỹ năng quan sát, năng lực nhận xét đánh giá và tư duy phản biện.

 

KẾT LUẬN

Học tập dựa trên dự án là một phương pháp/ hình thức tổ chức dạy học ra đời từ rất lâu và ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong bậc học mầm non xuất phát từ những ưu thế đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Học tập dựa trên dự án có rất nhiều ưu điểm đặc biệt là đối với sự phát triển của trẻ, tuy nhiên để tiến hành học tập dựa trên dự án cũng đòi hỏi một số những điều kiện nhất định như: một số dự án đòi hỏi nhiều thời gian để tiến hành, cần sự hỗ trợ của các phương tiện vật chất và tài chính, cần sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh. Việc tổ chức học tập dựa trên dự án cho trẻ rất cần một quá trình tập huấn kỹ càng cho cán bộ quản lý và giáo viên để đảm bảo cán bộ quản lý và giáo viên có nhận thức đúng, có sự lựa chọn dự án, thời gian tổ chức, cách thức tổ chức, cách thức đánh giá phù hợp với khả năng còn hạn chế của trẻ ở độ tuổi mầm non.   

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/4/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Chương trình Giáo dục mầm non

2. Trần Việt Cường (2009), Đôi nét về phương pháp dạy học theo dự án, Tạp chí Giáo dục, Số 207, Tr.25-26, Hà Nội.  

3. Lê Văn Hồng (2014), Kinh nghiệm dạy học theo dự án ở một số trường đại học trên thế giới, Tạp chí Khoa học Giáo dục, Số 100, Tr. 60-64, Hà Nội.

4.Trần Hồng Minh (2016), Phát triển và tổ chức chương trình giáo dục mầm non  (Tài liệu học tập một số học phần đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non) , NXB GD.

5. Tài liệu Tập huấn modun: Học tập dựa trên dự án trong GDMN – Trường ĐHSP Hà Nội từ 31/7/2024- 02/8/2024.


Tác giả: GV Trần Thị Hồng Minh – SV Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Khoa Mầm non
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo