Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số trò chơi học tập giúp trẻ nhận biết các hình, các khối theo mẫu và gọi tên GV: Nguyễn Thị Thảo Nguyên - Khoa GD TH - MN

 

 

  1. Đặt vấn đề

       Những năm gần đây Giáo dục Mầm non đang tiến hành đổi mới chương trình chăm sóc - giáo dục trẻ để tạo cơ hội cho giáo viên phát huy khả năng sáng tạo trong việc lựa chọn và tổ chức các hoạt động một cách linh hoạt, mềm dẻo, thực hiện phương châm học mà chơi – chơi mà học đáp ứng mục tiêu phát triển trẻ một cách toàn diện. Chính vì thế, việc sử dụng trò chơi học tập trong quá trình cho trẻ làm quen với toán đóng vai trò rất quan trọng. Để giúp sinh viên có thêm nguồn tư liệu phong phú về các trò chơi học tập trong quá trình thực hành tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, bài viết này tác giả tập trung giới thiệu một số trò chơi học tập giúp trẻ nhận biết các hình, các khối theo mẫu và tên gọi.

  1. Giải quyết vấn đề

2.1. Trò chơi học tập là gì?

Có nhiều quan điểm đưa ra về trò chơi học tập, một số định nghĩa tiêu biểu về trò chơi học tập như sau: “Trò chơi học tập là trò chơi có luật và nội dung cho trước, hướng đến sự mở rộng, chính xác hóa, hệ thống hóa các biểu tượng đã có, nhằm phát triển các năng lực trí tuệ cho trẻ, trong đó có nội dung học tập được kết hợp với hình thức chơi”

Trò chơi học tập là cách thức sử dụng trò chơi có nội dung học tập gắn với nội dung bài học, chơi và để học. Thông qua các trò chơi, người học được làm việc cá nhân, làm việc trong đơn vị nhóm, đơn vị lớp theo sự phân công và tinh thần hợp tác. 

    1. . Quy trình tổ chức trò chơi học tập.

Bước 1. Giáo viên giới thiệu tên trò chơi. Tên trò chơi phải hấp dẫn, dễ hiểu để lôi cuốn trẻ tham gia chơi. 

Bước 2. Phổ biến luật chơi, cách chơi, hình thức chơi: Hướng dẫn cách chơi cụ thể giúp trẻ hiểu được từng bước hoạt động mà mình phải tiến hành. Luật chơi rõ ràng giúp trẻ chơi tích cực, tự giác. Luật chơi cần chỉ rõ quy định đối với người chơi và quy định thắng thua của người tham gia trò chơi, thời gian thực hiện trò chơi.

Bước 3. Trẻ tiến hành chơi trò chơi: Giáo viên cần phải quan sát, nhắc nhở, giúp đỡ các trẻ nếu các em còn lúng túng.

Bước 4. Gáo viên nhận xét sau cuộc chơi. Giáo viên nhận xét về thái độ tham gia trò chơi của từng đội, khen trẻ.

2.3. Một số trò chơi học tập giúp trẻ nhận biết các hình, các khối theo mẫu và tên gọi.

Trò chơi : Hình nào biến mất (hoặc khối nào biến mất)?

 Mục đích:

- Luyện tập củng cố nhận biết các hình: Hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác.

- Rèn khả năng quan sát, ghi nhớ.

Chuẩn bị:

- 4 hình cỡ lớn: Hình tam giác, hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật

Số lượng trẻ: Cả lớp

Luật chơi: Trẻ trả lời sai sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Cách tiến hành:

- Cô dán 4 hình lên bảng giới thiệu lại tên các hình và cho trẻ gọi tên lại các hình.

- Cô nói: “Trốn cô, trốn cô”, trẻ nhắm mắt, cô sẽ cất đi 1 hình.

- Cô nói: “Thấy cô, thấy cô”, trẻ mở mắt.

- Cô hỏi: “Đố các con biết hình nào đã biến mất”. Trẻ quan sát và nói tên hình đã biến mất. Cô đối chiếu kết quả và nhận xét.

Cho trẻ chơi 3, 4 lần với các hình khác biến mất hoặc 2, 3 hình biến mất cùng một lúc.

Lưu ý: Để ôn nhận biết hình khối có thể thay các hình bằng các khối cách chơi tương tự.

Trò chơi : Bé nhanh tay

 Mục đích:

- Luyện tập củng cố nhận biết các hình: Hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác.

- Rèn khả năng quan sát, ghi nhớ.

Chuẩn bị:

- Mỗi bạn 1 rổ đồ chơi chứa các hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật

Số lượng trẻ: Cả lớp

Luật chơi: Trẻ giơ sai sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Cách tiến hành:

- Cô hô tên hình: “Hình tam giác”. Trẻ lựa chọn hình tam giác trong rổ và giơ lên.

Cô quan sát và kiểm tra trẻ đúng, sai.

Tiếp tục làm như vậy cho đến hết thời gian dự định tổ chức trò chơi.

Lưu ý: Để ôn nhận biết hình khối có thể thay các hình bằng các khối cách chơi tương tự.

Trò chơi : Về đúng nhá

 Mục đích:

- Luyện tập củng cố nhận biết các khối: Khối chữ nhật, khối vuông, khối cầu, khối trụ.

- Rèn khả năng quan sát, ghi nhớ, rèn phản xạ

Chuẩn bị:

- 4 ngôi nhà có gắn các khối: Khối chữ nhật, khối vuông, khối cầu, khối trụ.

Số lượng trẻ: Cả lớp

Luật chơi: Trẻ về sai nhà sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Cách tiến hành:

- Cô hô tên khối: “Khối chữ nhật”. Trẻ về nhà có gắn khối chữ nhật

Cô quan sát và kiểm tra trẻ đúng, sai.

Tiếp tục làm như vậy cho đến hết thời gian dự định tổ chức trò chơi.

Lưu ý: Để ôn nhận biết các hình có thể thay các khối bằng các hình cách chơi tương tự.

Trò chơi : Bé tinh mắt

 Mục đích:

- Luyện tập củng cố nhận biết các khối thông qua các đồ vật: Khối chữ nhật, khối vuông, khối cầu, khối trụ.

- Rèn khả năng quan sát, ghi nhớ.

Chuẩn bị:

- Các đồ vật có dạng hình khối đã học (khối chữ nhật, khối vuông, khối cầu, khối trụ)

- Các mũ đội có gắn khối (khối chữ nhật, khối vuông, khối cầu, khối trụ) số lượng mũ tương ứng với số trẻ.

Số lượng trẻ: Cả lớp

Luật chơi: Bạn nào tìm được nhiều đồ vật có dạng hình khối trên mũ của mình nhất sẽ chiến thắng

Cách tiến hành:

- Cô phát các mũ có gắn hình khối cho mỗi trẻ. Nhiệm vụ của trẻ là tìm đồ vật có dạng hình khối gắn trên mũ của mình.

Trẻ sẽ tự do tìm đồ vật để trên các bàn ở lớp. Sau một bản nhạc trẻ nào tìm được nhiều đồ vật nhất trẻ đó chiến thắng

Lưu ý: Để ôn nhận biết các hình có thể thay các khối bằng các hình cách chơi tương tự.

Trò chơi : Thử tài bé yêu

 Mục đích:

- Luyện tập củng cố nhận biết các hình: Hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật.

- Rèn khả năng quan sát, ghi nhớ.

Chuẩn bị:

- 1 Bức tranh chứa các hình đã học

- Các thẻ số trong phạm vi trẻ học và 1 bàng gắn sẵn 1 hình vuông, 1 hình tròn, 1 hình chữ nhật, 1 hình tam giác.

Số lượng trẻ: Cả lớp

Luật chơi: Bạn nào gắn nhanh, đúng bạn đó sẽ chiến thắng

Cách tiến hành:

- Cô phát đồ dùng cho trẻ. Trẻ sẽ quan sát bức tranh của cô và trong thời gian 1 bản nhạc sẽ đếm số lượng hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, hình tròn có trong bức tranh và gắn thẻ số tương ứng.

Lưu ý: Để ôn nhận biết các hình có thể thay các hình bằng các khối cách chơi tương tự.

3. Kết luận

      Bài viết đưa ra một số trò chơi học tập giúp củng cố nhận biết hình và khối cho trẻ mầm non. Hy vọng từ các trò chơi trên sinh viên có thể xây dựng và phát triển thành nhiều trò chơi khác nhau để thực hiện trong quá trình tập giảng, đi thực tập cũng như ra trường sau này.

Tài liệu tham khảo

 [1] Trần Thị Hằng, Trò chơi phát triển biểu tượng về hình dạng và kích thước cho trẻ mầm non, nhà xuất bản giáo dục việt nam

[2]. Đặng Thành Hưng, Dạy học hiện đại - Lí luận, biện pháp, kĩ thuật”, 2002, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội.

[3]. Lê Thu Hương – Trần Thị Ngọc Trâm - Lê Thị Ánh Tuyết.(2020). Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình Giáo dục Mầm non (các độ tuổi). Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[4]. Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2021). Chương trình Giáo dục mầm non (Ban hành kèm theo Thông tư ban hành Chương trình Giáo dục mầm non), số 01/VBHN-BGDĐT, ngày 13 tháng 4 năm 2021.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội