Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC SỚM CHO TRẺ MẦM NON Tác giả: Th.s Vũ Thị Ánh Ngọc - Khoa GDTH – MN, trường CĐSP Bắc Ninh.

 

  1. Đặt vấn đề

     Có rất nhiều nhà khoa học, giáo dục nghiên cứu về giáo dục sớm và có những thành tựu nhất định phải kể đến đầu tiên là phương pháp giáo dục sớm của cha con nhà luật học người Đức Karl Witte. Sau đó là những phương pháp như Glen Doman, Montessori, phương án 0 tuổi của giáo sư Phùng Đức Toàn, quan điểm “Yêu thương – khen ngợi và nhìn nhận” nổi bật với phương pháp thủ thỉ 5 phút của tác giả người Nhật Makoto Shichida, phương pháp Steam, phương pháp Giegio Emilia, … Trên thị trường thì có vô vàn những cuốn sách chia sẻ về phương pháp giáo dục sớm cũng như những chia sẻ về quá trình nuôi dạy con thành tài của những bậc phụ huynh đã áp dụng phương pháp giáo dục sớm thành công. Trong giới hạn bài viết này tôi xin được chia sẻ một số phương pháp hiện nay được các cơ sở giáo dục mầm non áp dụng nhiều cũng như dành được sự ủng hộ lớn lao từ phía các bậc cha mẹ.

    2. Nội dung

a. Phương pháp giáo dục sớm của Witte

     Karl Witte là nhà luật học người Đức, ông được hưởng thành quả giáo dục sớm từ chính người cha của mình. Cha của Witte cho rằng “Giáo dục con trẻ phải bắt đầu từ buổi bình minh của nhận thức”, tuy nhiên Witte được sinh ra lại không may là một đứa trẻ đần độn, ngay cả khi vợ ông cũng cho rằng đứa trẻ này dạy dỗ thế nào cũng vô ích thì ông vẫn kiên trì, nhẫn nại áp dụng những kế hoạch giáo dục của riêng mình. Và rồi không lâu sau đứa trẻ đần độn đó đã khiến tất cả mọi người xung quanh phải ngạc nhiên. Năm lên 8,9 tuổi cậu bé đã thông thạo 6 thứ tiếng: Đức, Pháp, Ý, La – tinh, Anh, Hi Lạp cùng rất nhiều những thành tựu sau đó. Vậy sự kì diệu của phương pháp này mang đến là gì? Chúng ta cùng điểm qua những “kế hoạch giáo dục” của cha Witte:

- Nhận ra tầm quan trọng của ngôn ngữ là công cụ để tiếp thu các kiến thức khác. Ông kết hợp giáo dục ngôn ngữ với hình ảnh, nhận biết sự vật qua tên gọi cũng như kể chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần để tăng vốn từ vựng. Cha witte cố gắng phát âm thật chậm, thật chuẩn xác từ ngữ.

- Động viên, khen ngợi khích lệ kịp thời mỗi khi con làm đúng, làm tốt.

- Mở rộng tri thức liên tục: Thực vật học, động vật học, vật lý, toán học, hóa học….

- Đi dạo và trò chuyện cùng con

- Khích lệ con đặt ra những câu hỏi và trả lời câu hỏi chính xác cho con. Nếu không biết có thể cùng con tìm bằng được lời giải đáp.

- Coi trọng việc mở rộng hiểu biết thay vì nhồi nhét kiến thức.

- Không trú trọng ăn uống, nhồi nhét quá độ.

- Trú trọng phát triển 5 giác quan thông qua các trò chơi.

- Có chế độ học tập khoa học, vận động thường xuyên, vui chơi hợp lý.

- Nếu con làm sai ông tuyệt đối nghiêm khắc và giảng giải cặn kẽ cho con hiểu rõ vấn đề sai của mình.

- Học cách làm ra và sử dụng đồng tiền từ rất sớm.

b. Phương pháp Glen doman

     Phương pháp Glenn Doman nhấn mạnh vào tình cảm gia đình, khẳng định giáo dục gia đình là nền tảng tuyệt vời nhất để trẻ phát triển. Không phải là thầy cô và trường học mà chính bố mẹ và môi trường xung quanh trẻ mới quyết định trẻ lớn lên như thế nào, có nhân cách ra sao. Chính vì vậy, phương pháp Glenn Doman được áp dụng tại nhà, chính cha mẹ là người thầy, người dạy trẻ. Những đứa trẻ lớn lên dưới tình yêu thương của bố mẹ, được dạy bảo để phát triển toàn diện không chỉ ở thể chất, trí tuệ mà còn ở cảm xúc, nhân cách là mục tiêu quan trọng nhất của phương pháp.

     Với phương pháp này, trẻ được kích thích khả năng ghi nhớ, phân tích, xử lí tư duy logic cực kì thông minh của não phải bằng các học liệu trực quan giúp trẻ tư duy 1 cách thông minh, logic ngay từ ban đầu. Xây dựng phương pháp học tập cho trẻ một cách tự nhiên không ép buộc. Thông qua những thẻ flashcard và dotcard, phương pháp Glenn Doman xây dựng một bộ học liệu chuẩn nhằm giúp trẻ phát triển hoàn thiện và đầy đủ các kỹ năng từ tư duy logic, khả năng ngôn ngữ, tri thức bách khoa về thế giới xung quanh đến trò chơi vận động.

Những quy tắc vàng của phương pháp Glenn Doman

Glenn Doman là phương pháp và một phương pháp cần có những nguyên tắc nhất định để có kết quả tốt: 

1. Bắt đầu càng sớm càng tốt

2. Duy trì sự thích thú trong tất cả các thời gian học

3. Tôn trọng và tin tưởng trẻ

4. Chỉ dạy khi bạn và trẻ cảm thấy thích thú

5. Tạo ra một môi trường học tập tốt

6. Dừng trước khi trẻ muốn dừng

7. Giới thiệu học liệu mới thường xuyên trong chương trình giảng dạy cho trẻ

8. Gọn gàng và nhất quán

9. Không được kiểm tra thẻ

10. Phụ huynh hoặc giáo viên nên chuẩn bị học liệu cẩn thận và để trước khi sắp bắt đầu vào giờ học

11. Nhớ luật thất bại – an toàn: nếu bạn không có một thời gian tuyệt vời và con bạn không có một thời gian tuyệt vời thì “hãy dừng lại”. Nếu tiếp tục thì bạn sẽ làm sai.

c. Phương pháp Montessori

     Phương pháp Giáo dục Montessori là một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870–1952). Đây là phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác. Đặc điểm nổi trội ở phương pháp Montessori là nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, tự do (trong khuôn khổ cho phép) trong việc hình thành nhân cách trẻ. Ngoài ra, phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho học sinh các kiến thức khoa học công nghệ tiến bộ và hiện đại. Tổ chức AMI (Hiệp Hội Montessori Quốc tế) và AMS (Hiệp Hội Montessori Mỹ) đã nêu ra đặc trưng của phương pháp học Montessori như sau:

  • Lớp học ghép các lứa tuổi lại với nhau. Thông thường là các trẻ từ 2½ hay 3 tuổi đến 6 tuổi.
  • Trẻ tự lựa chọn hoạt động (với điều kiện là các hoạt động này đã được giáo viên lên kế hoạch sắp xếp trước)
  • Trẻ không bị ngắt quãng hay làm phiền trong quá trình “làm việc”
  • Học sinh học hỏi khái niệm, kiến thức thông qua trải nghiệm thực tế với các học cụ, mô hình mang tính chất khám phá, xây dựng, hơn là học theo chỉ dẫn trực tiếp từ phía giáo viên.
  • Các học cụ giáo dục đặc biệt được bà Montessori và đồng sự nghiên cứu, sáng tạo và phát triển nên.

     Phương pháp này nhấn mạnh về sự quan trọng của tính chủ động, kích thích tiềm năng trong con trẻ. Người lớn đóng vai trò hướng dẫn chứ không áp đặt hay can thiệp quá sâu vào cách nhìn, quan điểm của trẻ. Con sẽ được học cách tự chăm sóc bản thân, từ việc: thay đồ, rửa chân tay, sắp xếp đồ dùng cá nhân… Kiến thức tự nhiên và xã hội được trẻ dung nạp thông qua các giáo cụ trực quan với sự hướng dẫn của giáo viên. Kết quả mà phương pháp này đem đến là khả năng tự lập, ham học hỏi ở trẻ.

     Phương pháp Montessori hiện nay đang được áp dụng rộng rãi ở các trường, lớp mầm non. Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều cha mẹ cũng giáo dục con theo phương pháp này tại nhà bằng việc tham gia các khóa huấn luyện giáo dục con theo phương pháp Montessori tại nhà kết hợp với mua các giáo cụ về để dạy con.

d. Phương pháp Giegio Emilia

     Reggio Emilia là phương pháp giáo dục xuất phát từ thành phố cùng tên  của Ý, được phát triển bởi nhà Tâm lý học Loris Malaguzzi (1920 – 1994). Phương pháp này đặt trẻ làm trung tâm và tin rằng trẻ em có khả năng thể hiện suy nghĩ, óc sáng tạo của mình theo nhiều cách khác nhau thông qua hơn một trăm ngôn ngữ. Phương pháp này được xây dựng trên sự tò mò của còn trẻ về thế giới xung quanh chúng. Theo đó con được tự do khám phá, thể hiện trí tưởng tượng phong phú thông qua các trò chơi. Reggio Emilia luôn khuyến khích con tự giải quyết mọi vấn đề, thể hiện cảm xúc, ý tưởng của chính bản thân mình. Thầy cô giáo sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ, quan sát, ghi lại các thông tin.

     3 nguyên tắc cốt lõi chính của phương pháp giáo dục Reggio Emilia: Trẻ em, Môi trường và Giáo viên:

  • Trẻ em: Triết lý Reggio Emilia coi trẻ em là trung tâm trong quá trình học tập của chính các em, có thể theo đuổi sở thích và xây dựng ý tưởng theo tốc độ của riêng mình, không phải là một chiếc bình rỗng chờ được lấp đầy kiến ​​thức. Phương pháp này thừa nhận rằng trẻ em có nhiều cách suy nghĩ, hành động, giao tiếp và khuyến khích trẻ em sử dụng các vật liệu sẵn có để thể hiện bản thân.
  • Môi trường: Thường được ví là “người thầy thứ ba”, phương pháp giáo dục Reggio Emilia hướng tới việc xây dựng một môi trường học tập mở và tự do. Tại môi trường đó, trẻ em được phép khám phá, chơi và học không bị gián đoạn, không giới hạn không gian.
  • Giáo viên: Vai trò của giáo viên là khéo léo đưa trẻ đến những lĩnh vực mà các em quan tâm, cho trẻ được phép thử nghiệm theo cách riêng, mắc lỗi và tìm ra giải pháp mới. Theo triết lý Reggio Emilia, giáo viên được kỳ vọng sẽ là những người hướng dẫn trải nghiệm, khám phá mở và giải quyết vấn đề. Mục tiêu chính của giáo viên là lắng nghe, đặt câu hỏi và quan sát trẻ để có cơ hội khám phá thêm về năng lực thật sự của các em.

     Phương pháp này ở Việt Nam chủ yếu được sử dụng ở các cơ sở giáo dục mầm non, trường mầm non. Cha mẹ trẻ trong độ tuổi 0 – 6 chưa áp dụng phương này tại nhà.

e. Phương pháp Steam

     Giáo dục STEM là mô hình giáo dục đề cao 5 yếu tố như Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kĩ thuật (Engineering), Nghệ thuật (Art) và Toán học (Math). Qua quá trình tổng hợp kiến thức giữa các bộ môn quan trọng này, trẻ sẽ hình thành được những kĩ năng cần thiết về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học và kết hợp chúng một cách hài hòa, phục vụ cho việc ứng dụng vào thế giới công nghệ ngày nay.

     Đây được xem là giải pháp hoàn hảo cho sự phát triển toàn diện về mọi mặt, ở Mỹ thì đây là phương pháp được áp dụng phổ biến. Đặc điểm tư duy của trẻ là trực quan cho nên khi cho trẻ quan sát một sự việc chúng ta sẽ chỉ đặt câu hỏi, việc còn lại là để con nói ra những thay đổi mà chúng nhìn hoặc nghe thấy. Để con tự do trải nghiệm khám phá thế giới theo cách mà chúng mong muốn.

     Phương pháp Steam không phải là phương pháp có thể áp dụng một cách dễ dàng nên cha mẹ cũng ít vận dụng phương pháp này trong tiến trình giáo dục sớm cho trẻ tại gia đình.

3. Kết luận

     Hiện nay có rất nhiều phương pháp Giáo dục sớm. Tuy nhiên chúng ta cần phải hiểu Giáo dục sớm không phải dạy hay “huấn luyện” những đứa trẻ trở thành nhân tài, thành người xuất chúng. Giáo dục sớm là nhằm phát triển đứa trẻ một cách toàn diện, giúp trẻ trở thành những em bé hạnh phúc, thành công trong tương lai một cách tự nhiên. Giáo dục con trẻ là cả một nghệ thuật và điều quan trọng là các bậc làm cha, làm mẹ phải có tâm huyết và chịu tìm tòi nghiên cứu các phương pháp sao cho phù hợp, không rập khuôn hay quá tin vào cách thức giáo dục của ai. Điều quan trọng chúng ta cần là phải quan sát, lắng nghe đứa trẻ của mình từ đó có những phương pháp vận dụng phù hợp, hiệu quả. Thay cho lời kết xin được trích lời của nhà giáo dục người Đức Frobel: “Số phận của dân tộc nằm trong tay các bà mẹ. Vì vậy chúng ta phải nỗ lực để các bà mẹ hiểu được vai trò và trọng trách quan trọng của họ vì con cái của họ chính là tương lai, vận mệnh của dân tộc”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kimuara Kyuichi, 2012, Thiên tài và sự giáo dục từ sớm, NXB tổng hợp TP. Hồ Chí Minh
  2. Maria Montessori (dịch Bùi Nga), 2015, Phương pháp giáo dục Montessori phát hiện mới về trẻ thơ, NXB Đại học Sư phạm.
  3. Quốc Tú Hoa (dịch Bích Chuyên), 2015, Cẩm nang nuôi dạy con theo phương pháp Montessori, NXB Phụ Nữ.
  4. Maria Montessori (dịch Nguyễn Phương Lin), 2014, Phương pháp giáo dục Montessori thời kì nhạy cảm của trẻ, NXB Đại học Sư phạm.
  5. Webside: www.giaocumontessori.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội