A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MỘT SỐ ‘KỸ NĂNG’ GIÚP SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON TỰ TIN TRONG GIAO TIẾP

 

                                          Ths. Nguyễn Thị Dư - Khoa Mầm non

I. Đặt vấn đề

Xu hướng toàn cầu hóa cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi cần tạo ra những nhân lực có đủ năng lực cần thiết tham gia hiệu quả vào thị trường lao động trong nước và quốc tế.  Mỗi cá nhân đều cần có khả năng tự học, học tập suốt đời, không ngừng học hỏi các kiến thức, kĩ năng để có thể đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Điều này cho thấy kỹ năng giao tiếp đóng một vai trò không nhỏ cho mỗi thành công của con người và thiếu kỹ năng giao tiếp đã làm cho sinh viên “mất điểm” trước nhà tuyển dụng dù kiến thức chuyên môn có thật sự vững vàng. Thực tế cho thấy nhiều sinh viên hiện nay khi giao tiếp với mọi người xung quanh (ngay cả những thầy cô trong trường) cũng đang thiếu hẳn những câu thưa gởi và thường sử dụng câu thiếu chủ ngữ,… Trong thư viện hay ở phòng thâu ngân, không ít sinh viên chỉ nói gọn lỏn “cho trả sách”, “cho đóng tiền”; hay khi khoa mời một số chuyên gia nói chuyện chuyên đề về nghề nghiệp, giúp đỡ sinh viên làm quen với thực tế và những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghề nghiệp thì sau đó rất ít sinh viên còn liên hệ với các chuyên gia để cảm ơn, tạo lập, duy trì mối quan hệ (dù các chuyên gia sau khi nói chuyện đều cho email, số điện thoại để sinh viên liên hệ). Chính việc chủ động liên hệ để cảm ơn, tạo lập mối quan hệ giao tiếp với các chuyên gia là sinh viên đã biết tạo ra hiệu ứng xác lập hình ảnh cho bản thân và tạo ra sự lưu luyến trong quá trình giao tiếp,…

Xuất phát từ những lí do trên, tôi lựa chọn và đưa ra nội dung: Một số kỹ năng giúp sinh viên mầm non  tự tin trong giao tiếp.

II. Nội dung

1. Kỹ năng giao tiếp là gì?

Kỹ năng giao tiếp là khả năng vận dụng hiệu quả các tri thức và kinh nghiệm về giao tiếp, các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ vào những hoàn cảnh khác nhau của quá trình giao tiếp nhằm đạt được mục đích giao tiếp [1; tr 112].Như vậy giao tiếp không chỉ đơn thuần là nói chuyện với ai đó (hay với nhiều người) thì sẽ mang lại kết quả như ta mong đợi. Giao tiếp còn bao hàm rất nhiều vấn đề khác như: Nói như thế nào? Hiểu đối tượng giao tiếp với mình như thế nào? Làm thế nào để hai bên có thể hiểu rõ về các thông tin cùng trao đổi? Làm thế nào để lần giao tiếp đó đạt được kết quả như mong đợi…? Vì vậy, kỹ năng giao tiếp liên quan tới nhiều hoạt động, từ kỹ năng lắng nghe, kỹ năng nói, kỹ năng kiềm chế cảm xúc đến kỹ năng viết,.. kết hợp với tư thế, cử chỉ, động tác để diễn tả quan điểm và mục đích của vấn đề muốn đề cập. Kỹ năng giao tiếp hình thành qua các con đường như những thói quen ứng xử được xây dựng trong gia đình; do vốn sống, kinh nghiệm cá nhân qua tiếp xúc với mọi người, trong các quan hệ xã hội; do rèn luyện trong môi trường qua các lần thực hành giao tiếp [1; tr 111].Giao tiếp luôn gắn với mỗi người chúng ta suốt cả cuộc đời và có ảnh hưởng tích cực đến các mối quan hệ trong công việc, trong cuộc sống. Do đó, có được kỹ năng giao tiếp tốt không chỉ cần thiết đối với sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường mà còn giúp cho họ tự tin hơn khi bước vào công việc sau này.

2. Để phát triển kỹ năng giao tiếp cho sinh viên

Để có kỹ năng giao tiếp tốt thì sinh viên phải nắm vững kiến thức trong lĩnh vực này và không ngừng luyện tập, vận dụng trong thực tiễn để việc giao tiếp được tốt hơn. Chính sinh viên phải ý thức được tầm quan trọng của giao tiếp đối với bản thân, học tập, công việc và nhận ra những điểm yếu của mình để luôn trau dồi chứ không chỉ “trường dạy gì em học nấy”. Vì vậy, trong giao tiếp hằng ngày, bản thân sinh viên phải chú ý rèn luyện cách nói năng, cách viết đơn từ, sử dụng ngôn ngữ phù hợp, biết tạo lập và nuôi dưỡng các mối quan hệ, rèn luyện qua quan sát con người, qua tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình sống để hiệu quả giao tiếp ngày càng tốt hơn.. Hơn nữa, sinh viên cũng cần phải quan tâm lựa chọn trang phục phù hợp với hình thể, với môi trường giao tiếp,… để đẹp hơn trong mắt mọi người, tạo được thiện cảm khi giao tiếp với mọi người.  Để phát triển sự tự tin, kỹ năng nghe và nói, trình bày quan điểm của mình trước mọi người, bản thân sinh viên phải ý thức được điểm yếu của mình bằng việc tập trung chú ý trong khi thầy cô giảng bài để hiểu vấn đề, thu thập được thông tin về vấn đề thầy cô đang giảng thì mới có thể liên hệ để phân tích, diễn đạt ý kiến khi phát biểu. Khi lắng nghe, sinh viên sẽ phát hiện được vấn đề mình hiểu, vấn đề còn chưa rõ trong bài học từ đó sẽ phản hồi, đặt câu hỏi để hiểu tốt hơn. Đồng thời, để phát triển kỹ năng lắng nghe, sinh viên không chỉ tập trung chú ý khi thầy cô giảng bài mà còn rèn luyện cả trong giao tiếp hằng ngày để thu thập thông tin, hiểu tâm tư, momg muốn,… của người khác đồng thời thể hiện sự tôn trọng những người đang cùng giao tiếp với mình, từ đó quá trình giao tiếp sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn.

Đối với kỹ năng nói, sinh viên tập đưa ra ý kiến, quan điểm khi làm việc nhóm, thảo luận học tập trên lớp sẽ giúp ích cho bản thân rất nhiều. Lúc đầu, sinh viên có thể đưa ra ý kiến, quan điểm của mình trong nhóm nhỏ (vài người khi thảo luận) rồi dần dần mở rộng ra trình bày trước nhiều người hơn và sau đó là phát biểu, thuyết trình trước lớp. Các bạn cũng không ngừng rèn luyện khả năng giao tiếp của mình thông qua các hoạt động đoàn. Chính sinh viên cũng phải chủ động trong việc tìm gặp giảng viên khi cần đến sự hướng dẫn để nâng cao năng lực bản thân, không ngừng trao đổi xin góp ý của giảng viên để hoàn thiện khả năng của mình. Bên cạnh đó, giảng viên khi giảng dạy cũng khuyến khích, động viên sinh viên rèn luyện kỹ năng diễn đạt ý kiến trước mọi người bằng cách lắng nghe không phê phán, không đánh giá khi sinh viên phát biểu ý kiến, thay vì để sinh viên tự nguyện thuyết trình bài của nhóm thì chỉ định sinh viên lên thuyết trình và sau đó trong phần tổng hợp giảng viên khéo léo để sinh viên nhận ra cái gì đúng, cái gì sai. Trước khi giao bài thuyết trình cho sinh viên làm nhóm, giảng viên cũng nên hướng dẫn sinh viên cách làm một bài thuyết trình, cách trình bày như thế nào. Từ đó, sinh viên sẽ biết cách giải quyết, phối hợp các thành viên trong nhóm để làm tốt bài tập thầy cô giao.

3. Một số kỹ năng giúp sinh viên tự tin trong giao tiếp

3.1. Kỹ năng tạo dáng

 Có câu "nhất dáng, nhì da thứ ba nét mặt". Dáng đứng đi hay ngồi đều quyết định bạn có ấn tượng hay không.

- Đứng thẳng : Vì sao chúng ta luôn làm mọi cách để bản thân mình được cao hơn. Cao hơn cũng là một lợi thế vì vậy muốn có được lợi thế bạn hãy làm cho bạn cao nhất có thể, thẳng lưng, nghểnh cổ để đầu bạn ngẩng lên và cùng lúc đó đưa vai của bạn trở lại để chúng không gập xuống. Cúi gập người bạn chỉ đang chứng tỏ mình bối rối, nghiêng người sang một bên bạn là người thiếu chuyên nghiệp hãy đứng thẳng để cơ thể bạn đẹp nhất có thể. Trong một buổi tổ chức hoạt động học cho trẻ bạn không thể dựa lưng vào bàn hay bất kỳ điểm tựa xung quanh nào điều đó khiến người đối diện không được thuyết phục. Bạn cũng không có bất cứ điểm tựa nào khi đứng trước lớp.

- Đứng yên: Thông thường khi mất tư tin chúng ta thường có xu hướng muốn lẩn trốn vì vậy hãy cố gắng đứng yên và làm mọi thứ có thể. Hãy cố gắng giữ ánh mắt bình tĩnh nhất đừng nhìn đi chỗ khác điều đó sẽ giúp đôi chân bạn vững chắc hơn. Hãy cố gắng đừng rung chân liên tục.

- Ngồi thẳng: Trong mọi tình huống nếu bạn muốn duy trì ý kiến của mình bạn nên thực hiện ít nhất hai điều: ngồi thẳng nhất có thể và nghiêng về phía trước vào không gian của nhóm lớp. Tư thế ngồi ít nhiều thể hiện con người cũng như thái độ của bạn trước vấn đề cần giải quyết cũng như cách bạn giải quyết vấn đề. 

Bạn không thể ngồi khom lưng, nghiêng sang một bên khi đang tổ chức hoạt đọng cho trẻ, đặc biệt hãy hạn chế tối đa cứ chỉ rung đùi hay đong đưa người điều đó trông bạn thụ động và mất bình tĩnh hơn. Ngồi thẳng và kết hợp một vài động tác khéo léo từ đôi tay, ánh mắt thể hiện sự nghiêm túc tối đa của bản thân.

3.2. Kỹ năng mặc trang phục

Trang phục là một trong những dạng phổ biến nhất của giao tiếp phi ngôn ngữ. Nghiên cứu về trang phục và phụ kiện như một phương thức của giao tiếp phi ngôn ngữ được biết đến như nghệ thuật thời trang hay phụ kiện. Các kiểu trang phục mà mỗi cá nhân mặc sẽ truyền tải những tín hiệu phi ngôn ngữ phù hợp với nội dung hoạt động hay không.

Đối với mỗi hoạt động trang phục cần phù hợp với môi trường học tập, trang phục sạch sẽ gọn gàng, mặc đồng phục đúng quy định của nhà trường. Trang phục khi tổ chức hoạt động cho trẻ cần chỉnh tề, gọn gàng, không nên chọn những trang phục quá lòe loẹt hay quá nhàu nát khi đứng trước trẻ.

3.3. Kỹ năng thể hiện giọng nói

Hãy nói với tốc độ vừa phải, âm thanh phát ra đủ để nghe không quá nhỏ cũng không quá to, sử dụng từ chuẩn không dùng từ địa phương. Nói quá nhanh chứng tỏ bạn đang lo lắng và muốn nhanh chóng kết thúc mọi chuyện. Nói quá chậm bị xem là tự ti, nhút nhát. Tuy nhiên cũng cần tránh giọng nói đều đều trong suốt hoạt động vì nó dễ mang lại cảm giác chán nản không mấy thuyết phục với người nghe.

3.4. Kỹ năng thể hiện nét mặt

Con người có thể thể hiện chính mình hoặc biểu lộ cảm xúc, biểu lộ cái tôi thông qua sự biểu cảm ở khuôn mặt. Những trạng thái khác nhau biểu cảm trên khuôn mặt sẽ giúp bản thân mình tự tin hơn.

- Duy trì giao tiếp mắt: Liên tục duy trì giao tiếp mắt cho thấy là biểu hiện của sự trung thực và đáng tin cậy.

- Cười: Khi cảm thấy tự tin và khi đồng ý, trẻ sẽ cảm thấy tự nhiên, vui vẻ thân thiện với cô.

3.5. Kỹ năng thể hiện đôi mắt

Đôi mắt được ví là cửa sổ của tâm hồn, là yếu tố bộc lộ rõ nhất cảm xúc của con người. Trong khi tổ chức hoạt động cho trẻ.  Ánh mắt hỗ trợ ngôn ngữ nói: Ánh mắt đi kèm theo lời nói sẽ làm cho lời nói truyền cảm hơn, tự tin hơn, thuyết phục hơn.

III. Kết luận

Tóm lại, giao tiếp là hoạt động cơ bản trong đời sống hằng ngày của mỗi con người và trong mọi ngành nghề, để thành công, con người cần có sự hợp tác, bổ trợ, giúp đỡ, hay tối thiểu là góp ý từ nhiều phía. Đặc biệt, đối với sinh viên đang trong quá trình học tập tích lũy tri thức để ngày mai lập nghiệp thì giao tiếp có vai trò không nhỏ đối với việc học tập, công việc và nghề nghiệp của bản thân mỗi người. Vì vậy, để phát triển kỹ năng giao tiếp đòi hỏi sinh viên phải có một quá trình rèn luyện, tích lũy và tiến bộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Huỳnh Văn Sơn, Giáo trình tâm lý học giao tiếp, NXB ĐHSP HN1, năm 2011.

2. Hương Giang, Vui buồn văn hóa giao tiếp của sinh viên, báo Tuổi Trẻ.

4. Phương Nguyên, Kỹ năng mềm và thương hiệu cá nhân, báo Thanh niên.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo