A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số biện pháp giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi qua trò chơi đóng vai theo chủ đề - Giảng viên: Bùi Thị Thu Thủy - Đơn vị: Khoa Giáo dục Tiểu học – Mầm non                                                                                        

 

1. Đặt vấn đề

          Lòng nhân ái (LNA) là giá trị nhân văn, thể hiện sự thương yêu của con người qua nhận thức, tình cảm, thái độ và hành vi tích cực đối với mọi người và sự vật xung quanh. LNA được thể hiện ở những nội dung cơ bản: sự cảm thông, chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ, nhường nhịn, sẵn sàng tha thứ, mong muốn những điều tốt đẹp cho mọi người và sự vật xung quanh. Trò chơi đóng vai theo chủ đề (TCĐVTCĐ) là phương tiện hữu hiệu để giáo dục LNA cho trẻ. Thông qua việc thực hiện các vai chơi mà những biểu hiện về lòng nhân ái nói riêng, những phẩm chất đạo đức nói chung của trẻ được hình thành, rèn luyện để nó thực sự trở thành một phẩm chất bền vững trong nhân cách trẻ.

 

2. Nội dung

2.1. Một số vấn đề lí luận về lòng nhân ái và trò chơi đóng vai theo chủ đề

2.1.1. Khái niệm lòng nhân ái

Lòng nhân ái là cái vốn có của con người, là sự thể hiện bản chất xã hội mang tính người. Đứa trẻ khi mới sinh ra chỉ có khả năng trở thành “người” chứ chưa phải là “người”. Quá trình trở thành người của trẻ phải chịu tác động của các yếu tố văn hóa, giáo dục... trong đó, việc trẻ tiếp nhận nền văn hóa của loài người mà trước hết là lĩnh hội được tính người là điều kiện quan trọng. Do đó, lòng nhân ái là tiền đề đầu tiên và cần thiết để giáo dục trẻ thành người. Như vậy, lòng nhân ái là tình cảm đạo đức của con người, nó thể hiện sự yêu thương, quan tâm, giúp đỡ, đùm bọc, nhường nhịn, chia sẻ và đồng cảm giữa con người với con người trong xã hội.

Từ đó ta có khái niệm: Lòng nhân ái của trẻ mẫu giáo là tình cảm đạo đức của trẻ, nó thể hiện sự yêu thương, quan tâm, giúp đỡ, đùm bọc, nhường nhịn, chia sẻ và đồng cảm giữa trẻ với mọi người xung quanh.

2.1.2. Đặc điểm tâm lí xã hội và đặc điểm lòng nhân ái của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi

        Nhận thức của trẻ MG 5-6 tuổi có sự phát triển vượt bậc: Sự hình thành và phát triển các hình thức tư duy phong phú ở trẻ có liên quan chặt chẽ với việc lĩnh hội kiến thức của trẻ về LNA qua TCĐVTCĐ. Trong khi chơi, trẻ có cơ hội được nhập vai chơi mà trẻ mong muốn, có cơ hội được thực hành những hành động của vai từ đó giúp trẻ dễ dàng lĩnh hội kiến thức về LNA qua quan sát, tri giác hành vi trực tiếp của bản thân với mọi người xung quanh. Trẻ 5-6 tuổi có vốn từ phong phú thì thường biểu hiện hành vi rõ ràng hơn những trẻ khác. Đời sống xúc cảm, tình cảm ổn định hơn so với giai đoạn 4-5 tuổi, mức độ phong phú, phức tạp tăng dần theo các mối quan hệ giao tiếp với những người xung quanh. Tuy nhiên đời sống của trẻ còn dễ dao động, mang tính chất tình huống. Trẻ 5-6 tuổi mong muốn tìm hiểu chính bản thân và người khác như là khám phá xã hội, dần dần trẻ nhận thức được mối quan hệ ràng buộc với các hành vi xã hội và quan hệ con người. Trong hệ thống thứ bậc các động cơ, động cơ xã hội được phát triển nhanh nhất và tương đối lâu bền. Trẻ thường hay để ý đến cách ứng xử của người lớn để tiếp nhận ứng xử cho phù hợp với các tình huống.

2.1.3. Khái niệm trò chơi đóng vai theo chủ đề

Theo PGS. TS Nguyễn Ánh Tuyết, trong phạm trù hoạt động thì chơi được coi là một hoạt động mà động cơ nằm trong quá trình chứ không nằm trong kết quả của hoạt động, trong trò chơi, các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và với xã hội được mô phỏng lại. Chơi mang lại cho trẻ em trạng thái tinh thần vui vẻ, phấn chấn dễ chịu.

Trò chơi đóng vai theo chủ đề là trò chơi trong đó trẻ tái tạo lại, mô phỏng lại những hành động của người lớn cũng như thái độ và các mối quan hệ qua lại giữa họ với nhau trong hoạt động lao động và sinh hoạt hàng ngày.

 

2.1.4. Đặc điểm của trò chơi đóng vai theo chủ đề

TCĐVTCĐ là trò chơi đặc trưng, tiêu biểu cho trẻ lứa tuổi mẫu giáo, có những đặc điểm sau đây:

- Hành động chơi của người chơi xoay quanh một chủ đề nhất định, trong khi chơi trẻ phản ánh cuộc sống của người lớn xung quanh rất đa dạng với những mảng hiện thực hết sức phong phú của xã hội. Đó là mảng cuộc sống được phản ánh vào trò chơi dựa trên biểu tượng sinh động của chính trẻ em về cuộc sống đang diễn ra hàng ngày như: sinh hoạt, gia đình, trường học…Phạm vi hiện thực mà trẻ tiếp xúc càng rộng bao nhiêu thì chủ đề chơi càng phong phú bấy nhiêu và trẻ càng lớn thì chủ đề chơi càng trở nên sâu rộng hơn.

- TCĐVTCĐ bao giờ cũng có vai và hành động chơi chủ yếu nhất được thể hiện trong trò chơi này là đóng vai, tức là ướm mình vào vị trí của một người lớn nào đó rồi bắt chước hành động của họ để thực hiện các chức năng xã hội. Vai chơi là yếu tố quan trọng để tạo nên trò chơi này và đóng vai là con đường dễ nhất giúp trẻ thâm nhập vào cuộc sống của người lớn.

- TCĐVTCĐ là trò chơi theo nhóm, các thành viên trong nhóm cùng hoạt động với nhau, cùng chơi với nhau. Vì đây là trò chơi mô phỏng cuộc sống xung quanh của người lớn mà hoạt động của họ trong xã hội lại không thể mang tính chất đơn độc, riêng lẻ. Trong xã hội, hoạt động của mỗi người bao giờ cũng liên quan đến người khác, bao giờ cũng có tính tương tác. TCĐVTCĐ là nơi trẻ có thể nhập vào các mối quan hệ xã hội. Thực chất TCĐVTCĐ là mô hình hóa những mối quan hệ xã hội mà trẻ chịu sự chi phối. Đó là những mối quan hệ giữa người lớn với nhau được trẻ quan tâm và trở thành đối tượng hành động của chúng. Trong TCĐVTCĐ, các mối quan hệ xã hội được bộc lộ rất rõ rệt. Sức sống của trò chơi đóng vai theo chủ đề là ở chỗ nó tạo ra mối quan hệ giữa các vai chơi chứ không phải là hành động với các đồ vật. Mỗi TCĐVTCĐ đều có 2 mặt: mặt thứ nhất là động cơ có tính chất xã hội, mặt thứ hai là kĩ thuật. Điều quan trọng trong TCĐVTCĐ là ý nghĩa xã hội của nó được thể hiện trong các quy tắc mà ai cũng phải tuân theo. Khi chơi, trẻ tự nguyện chấp nhận những chuẩn mực của đời sống xã hội trong những quan hệ giữa người lớn với nhau, giữa trẻ em với người lớn. Dần dần trẻ chuyển những quan hệ xã hội khách quan vào trong nhân cách của mình tạo ra sự trải nghiệm, tạo ra đời sống nội tâm.

          - TCĐVTCĐ mang tính biểu trưng cao, đó là chức năng kí hiệu-tượng trưng của trò chơi này (Vugotski, Piaget). Trong khi chơi, đứa trẻ tự nhận cho mình một vai nào đó và hành động theo vai với những “vật thay thế” và tất cả những gì diễn ra trong trò chơi đều chỉ là giả vờ, đều mang ý nghĩa tượng trưng nhưng lại rất thực đối với trẻ. Có ba chức năng kí hiệu được trẻ sử dụng khi tham gia TCĐVTCĐ đó là: kí hiệu về vai chơi - kí hiệu về hành động theo vai - kí hiệu về đồ chơi.

2.1.5. Cấu trúc của trò chơi đóng vai theo chủ đề

TCĐVTCĐ có cấu trúc tương đối phức tạp bao gồm chủ đề chơi, nội dung chơi, vai chơi, hành động chơi, các mối quan hệ trong trò chơi, đồ chơi và tình huống chơi.

- Chủ đề chơi: là mảng hiện thực của cuộc sống sinh hoạt xung quanh trẻ được phản ánh trong trò chơi, thường là các lĩnh vực gần gũi với kinh nghiệm của trẻ diễn ra hằng ngày hoặc qua sách báo, phim ảnh, ti vi,… như sinh hoạt trong gia đình, trường học, giao thông, buôn bán. Phạm vi hiện thực mà trẻ tiếp xúc càng rộng bao nhiêu thì chủ đề chơi càng phong phú bấy nhiêu, trẻ càng lớn thì chủ đề chơi càng trở nên sâu và rộng hơn.

- Nội dung chơi: Nội dung của trò chơi là những hoạt động của người lớn mà đứa trẻ nhận thức được và phản ánh vào trò chơi của mình.

- Vai chơi: Vai chơi là sự hiện thực hoá nội dung chơi, hay nói cách khác vai chơi là “các nhân vật” có thể là người, sự vật, hiện tượng, đồ vật,… có chứa đựng nội dung giáo dục, là “các tính cách nhân vật” để người chơi thể hiện mình.

- Hành động chơi: Muốn đóng vai nào đó trẻ phải biết thực hiện hành động của vai. Những hành động này phải xuất phát từ hành động thực tế mà trẻ trông thấy trong đời sống hiện thực hay được nghe kể lại.

Ngoài cấu trúc cơ bản của TCĐVTCĐ còn có các mối quan hệ trong TCĐVTCĐ:

- Quan hệ chơi: đó là những quan hệ qua lại của các vai trong trò chơi theo một chủ đề nhất định, mô phỏng mối quan hệ của người lớn trong xã hội đó là những quan hệ mà trẻ quan tâm và trở thành đối tượng trong hành động của chúng.

- Quan hệ thực: là những quan hệ qua lại giữa những trẻ cùng chơi, là những người tham gia trò chơi, những bạn cùng thực hiện một công việc chung.

Đồ chơi và hoàn cảnh chơi:

- Có hai loại đồ chơi: Loại thứ nhất là những đồ chơi do người lớn làm cho trẻ mô phỏng theo những đồ vật thực; Loại thứ hai là những vật thay thế cho những vật thực ví dụ cái gậy thay cho thanh kiếm, cái chổi thay cho con ngựa…,    

- Đồ chơi chỉ là vật thay thế nên thao tác chơi của trẻ không trùng với hành động của vai, đó là lí do làm nảy sinh hoàn cảnh tưởng tượng tức là hoàn cảnh chơi.

2.1.6. Vai trò của trò chơi đóng vai theo chủ đề trong việc giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi

        Không một hoạt động nào ở tuổi mẫu giáo lại có thể giúp trẻ bộc lộ cảm xúcvà thái độ của mình rõ nét như trongTCĐVT. Trẻ xúc động, sung sướng hoặc đau khổ theo vai chơi của mình, theo những hình mẫu mà chúng tái tạo trong trò chơi. Cũng từ đây trẻ biết “thương người như thể thương thân”, biết đồng cảm, chia sẻ, quan tâm, ân cần, gần gũi với mọi người. Và đó cũng chính là những biểu hiện đầu tiên của lòng nhân ái. Những biểu hiện của lòng nhân ái như: yêu thương, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ... đã được cụ thể hóa thông qua các hành động của các vai chơi trong TCĐVTCĐ. Có thể khẳng định rằng thông qua việc thực hiện các vai chơi mà những biểu hiện về LNA nói riêng, những phẩm chất đạo đức nói chung của trẻ được hình thành, rèn luyện để nó thực sự trở thành một phẩm chất bền vững trong nhân cách trẻ.

2.2. Giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi qua trò chơi đóng vai theo chủ đề

2.2.1. Khái niệm giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi qua trò chơi đóng vai theo chủ đề

Giáo dục lòng nhân ái cho trẻ là một nội dung quan trọng của giáo dục đạo đức nhằm hình thành ở trẻ tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ, đùm bọc giữa con người với con người trong xã hội.

Như vậy: GD LNA cho trẻ mẫu giáo qua TCĐVTCĐ là quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch của nhà giáo dục đến trẻ nhằm hình thành ở trẻ tình yêu thương, sự quan tâm, giúp đỡ, nhường nhịn, chia sẻ, và đồng cảm với mọi người xung quanh qua việc nhập vào các vai và thể hiện hành động của các vai chơi.

2.2.2. Nội dung giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi qua trò chơi đóng vai theo chủ đề

- Giáo dục trẻ biết đồng cảm với bạn bè và mọi người xung quanh: Trẻ biết được cảm xúc, tâm trạng của người khác qua nét mặt cử chỉ của họ. Trẻ biết thể hiện cảm xúc phù hợp với tâm trạng của người khác.

   Ví dụ: Trong trò chơi gia đình, trẻ đóng vai làm mẹ, làm con. Khi thấy con mình buồn trẻ đóng vai làm mẹ sẽ ra an ủi động viên nhẹ nhàng ân cần nói chuyện với con mình để cho con mình bớt buồn. Qua đó, ta thấy rằng trẻ biết bày tỏ cảm xúc của mình để có thể làm cho người khác vui vẻ.

- Giáo dục trẻ biết quan tâm đến bản thân và mọi người xung quanh:

Ví dụ: Trò chơi làm “Bác Sĩ” trẻ đóng làm bác sĩ sẽ hỏi han quan tâm có thái độ nhẹ nhàng với người bệnh và người nhà bệnh nhân.

- Giáo dục trẻ biết chia sẻ khi bản thân, người khác vui buồn: Trẻ biết nhường nhịn bạn đồ chơi đồ dùng, trẻ biết dỗ dành bạn khi bạn khóc, an ủi động viên khi bạn buồn, trẻ biết chúc mừng khi bạn bè và mọi người có niềm vui.

- Giáo dục trẻ biết khoan dung với bản thân và mọi người xung quanh khi bản thân có lỗi hay có những suy nghĩ không đúng. Khi thấy người khác làm sai trẻ biết mình cần phải thông cảm cho họ, biết chỉ ra đúng, sai cho họ.

- Giáo dục trẻ biết bảo vệ bản thân, mọi người xung quanh: Khi gặp nguy hiểm hay khi thấy một người nào đó bị người khác đe dọa trẻ sẽ biết gọi sự giúp đỡ từ người lớn hoặc báo cho người xung quanh biết.

- Giáo dục trẻ biết giúp đỡ mọi người khi họ gặp khó khăn: Trẻ biết mình cần hỗ trợ bạn hoặc mọi người xung quanh khi họ gặp khó khăn hoặc khi họ yêu cầu. Trẻ cảm thấy mình vui mừng thích thú khi hỗ trợ bạn bè và mọi người xung quanh.

Đây là những nội dung cơ bản để giáo dục LNA cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi qua TCĐVTCĐ. Trong phạm vi đề tài chúng tôi chỉ nghiên cứu 3 nội dung sau:

- Giáo dục trẻ biết đồng cảm với bạn bè và mọi người xung quanh.

- Giáo dục trẻ biết quan tâm tới mọi người khi họ vui, buồn.

- Giáo dục trẻ biết giúp đỡ mọi người khi họ gặp khó khăn hay khi người khác yêu cầu.

2.2.3. Phương pháp giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi qua trò chơi đóng vai theo chủ đề

Các bước tổ chức TCĐVTCĐ để GD LNA cho trẻ

Trước khi chơi: Giáo viên cần cung cấp cho trẻ những thông tin cần thiết, những kiến thức và kĩ năng cần có trong các chủ đề chơi, chủ đề có các đặc trưng quan hệ người với người; quan hệ người với các đặc trưng nghề nghiệp; quan hệ người với đồ vật…Tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, được quan sát những hoạt động của người lớn để trẻ có thể tái tạo những hoạt động đó vào quá trình chơi theo vốn sống, kinh nghiệm riêng của trẻ. Chuẩn bị đồ chơi và những nguyên vật liệu ở các nhóm chơi, khuyến khích trẻ làm đồ dùng đồ chơi phù hợp với nội dung chơi. Giáo viên gợi ý để trẻ đề xuất chủ đề chơi và tự chia nhóm theo hứng thú của cá nhân trẻ. Trẻ phải tự trình bày chủ đề chơi, thuyết phục các bạn tham gia vào nhóm chơi. Các nhóm thảo luận và thống nhất ý tưởng chơi, nội dung chơi, phân công vai chơi, liệt kê các đồ dùng cần thiết cho trò chơi. Nếu cần đồ chơi mới cho trò chơi của mình nhóm trẻ phải đề xuất và tự chuẩn bị. Trong quá trình chơi nếu thiếu đồ chơi, trẻ phải liên hệ với nhóm khác để mượn hoặc trao đổi.

Trong khi chơi:

- GV chú ý gợi ý để trẻ thiết lập nhiều mối quan hệ xã hội ở trong từng trò chơi và giữa các trò chơi với nhau:

+ Góc phân vai: Trò chơi “ Mẹ con”, “Phòng khám”, “Bán hàng”,…

+ Góc xây dựng: Các cô, chú kỹ sư, công nhân,…

+ Góc học tập: thầy/cô giáo, học sinh, phụ huynh,…

+ GV tổ chức liên kết giữa các nhóm chơi: gia đình đưa con đi khám bệnh, sau khi khám bệnh vào cửa hàng thuốc để mua thuốc và ăn trưa ở hàng ăn uống…

-  GV tạo ra tình huống trong các trò chơi để tác động đến lòng nhân ái của trẻ, thái độ đạo đức, hành vi ứng xử tốt đẹp với bạn bè, với những người xung quanh.

- Trong quá trình chơi, giáo viên cho trẻ luân phiên thay đổi vai chơi, nhóm chơi theo nhu cầu, nhưng không áp đặt nếu trẻ không muốn.

Sau khi chơi:

- Trẻ chia sẻ cảm xúc về các bạn sau khi chơi, lí giải nguyên nhân của các cảm xúc đó và mong muốn về những trò chơi tiếp theo.

- Trẻ nhận xét về các hành vi chơi, các vai chơi, các đồ chơi, bổ sung những ý tưởng, mong muốn cho những trò chơi tiếp theo.

- GV nhận xét các góc chơi, nêu những vấn đề nổi bật mà trẻ cần lưu ý cho lần chơi sau.

2.3. Một số biện pháp giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi qua trò chơi đóng vai theo chủ đề

Biện pháp 1: Cung cấp biểu tượng về lòng nhân ái cho trẻ

Mục đích: Lòng nhân ái là một thứ tình cảm cao quý ở con người. Nó không xuất hiện một cách ngẫu nhiên mà cần được xây dựng và bồi đắp ngay từ ấu thơ. Chính vì vậy, việc cung cấp biểu tượng về lòng nhân ái cho trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non càng có ý nghĩa quan trọng, vì ở độ tuổi này, vốn hiểu biết của trẻ về cuộc sống xung quanh còn hạn chế, việc thể hiện các hành động nhân ái của trẻ còn chưa thường xuyên, đơn giản. Do đó, nếu giáo viên chú ý cung cấp biểu tượng về lòng nhân ái thông qua tranh ảnh, băng hình, âm nhạc,…sẽ làm mở rộng kinh nghiệm về lòng nhân ái của trẻ, giúp trẻ tích cực bộc lộ nó trong cuộc sống hằng ngày bằng những hành động nhân ái cụ thể và phù hợp.

Nội dung: Thông qua việc quan sát, tiếp xúc với tranh ảnh, băng hình, cuộc sống thực của người lớn, tác phẩm văn học, âm nhạc. giáo viên hướng dẫn trẻ nhận biết những biểu hiện của lòng nhân ái giữa con người với con người, từ đó định hướng cho trẻ tích cực thể hiện tình cảm với mọi người xung quanh.

Cách tiến hành: Cung cấp biểu tượng về lòng nhân ái cho trẻ thông qua tranh ảnh, tác phẩm văn học. Thông qua những tranh ảnh có nội dung phù hợp với mục tiêu giáo dục lòng nhân ái, giáo viên cho trẻ quan sát nội dung, ý nghĩa của bức tranh đó. Sau đó giáo viên tiến hành đàm thoại với trẻ về nội dung, ý nghĩa của bức tranh đó, nhấn mạnh việc thể hiện những hành vi nhân ái trong tranh. Để khắc sâu biểu tượng cho trẻ về những hành động nhân ái vào trò chơi và thông qua các hoạt động trong sinh hoạt của trẻ.

Ví dụ: giáo viên cho trẻ quan sát một số bức tranh về công việc của cô giáo: cô giáo chăm sóc học sinh khi học sinh bị đau tay, trong khi cho trẻ ăn… Sau đó cô đàm thoại với trẻ về nội dung, ý nghĩa của bức tranh:

+ Cô giáo đang làm gì?

+ Khi em bé đói cô giáo đã làm gì?

+ Khi em bé bị đau tay em bé đã làm gì?

+ Cô giáo là người như thế nào?

Cô giáo dục trẻ biết cô giáo làm như vậy là vì cô rất yêu thương các em học sinh, cô là người có trái tim nhân hậu và giàu lòng nhân ái. Sau đó cô cho trẻ chơi ở góc chơi cô giáo để tái tạo lại những hành động mà trẻ vừa quan sát và khuyến khích trẻ tích cực thể hiện nó trong cuộc sống.

Biện pháp 2: Giáo dục lòng nhân ái cho trẻ qua cách đóng vai trong khi chơi

Mục đích: giúp trẻ biết được cách đóng vai của mỗi vai chơi qua từng trò chơi sẽ phải làm như thế nào để từ đó giáo viên sẽ là người dẫn dắt trẻ vào các vai trong trò chơi ĐVTCĐ

Nội dung: Cách đóng vai qua mỗi nhân vật trong trò chơi là khác nhau. Vì vậy, khi trẻ đóng vai, GVMN là người giúp trẻ hiểu và thể hiện được những biểu hiện của lòng nhân ái.

Cách tiến hành: Thông qua các vai chơi mà trẻ thể hiện trong TCĐVTCĐ giáo viên cho trẻ quan sát những hành động, hành vi của các vai trẻ thể hiện. Để khắc sâu biểu tượng về lòng nhân ái qua các vai giáo viên trao đổi, đàm thoại với trẻ.

Ví dụ: Giáo viên cho trẻ nhận vai làm bác sĩ khi đang chữa bệnh cho mọi người. Sau đó cô đàm thoại với trẻ về công việc và thái độ hành vi khi trẻ nhận vai:

+ Bạn nhỏ bị làm sao?

+ Bác sĩ sẽ làm như thế nào?

+ Bác sĩ cần động viên người bệnh như thế nào?

+ Bác sĩ cần ân cần, giúp đỡ người bệnh và người nhà bệnh nhân ra sao?

Cô giáo dục cho trẻ biết bác sĩ là một người biết đồng cảm, giúp đỡ, quan tâm đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Sau đó ở các góc chơi bác sĩ cô sẽ khuyến khích trẻ thực hiện và áp dụng vào cuộc sống xung quanh.

Biện pháp 3: Thiết kế không gian mở, trang trí tạo môi trường sinh động, sử dụng đồ chơi tự sáng chế từ nguồn nguyên liệu địa phương (khích lệ hứng thú, sáng tạo cho trẻ).

Mục đích: Đồ dùng, đồ chơi là một phương tiện quan trọng trong việc tổ chức TCĐVTCĐ, nó là phương tiện giúp trẻ đến gần với TCĐVTCĐ để từ đó GD LNA cho trẻ. Do đó, nếu giáo viên chuẩn bị tốt đồ dùng đồ chơi cho trẻ sẽ làm mở rộng phạm vi của trò chơi giúp trẻ tích cực thể hiện nó trong các sinh hoạt hằng ngày. Thiết kế các không gian mở trong quá trình tổ chức TCĐVTCĐ giúp trẻ được tiếp xúc nhiều hơn, được hoạt động nhiều hơn nhằm nâng cao chất lượng GD LNA cho trẻ. Khi thiết kế các không gian mở kết hợp với đồ chơi tự sáng chế sẽ giúp trẻ hứng thú hơn và tham gia vào quá trình chơi TCĐVTCĐ tích cực hơn.

Nội dung : Cách trang trí lớp học, màu sắc, không gian tạo sự cuốn hút, sinh động

với trẻ. Khai thác hiệu quả tối đa của thiết bị, đồ dùng dạy học tự làm vào tổ chức TCĐVTCĐ. Sưu tầm nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, các nguyên liệu có sẵn để tạo thành bộ đồ dùng đồ chơi phục vụ hoạt động chơi nhằm cho trẻ được tiếp cận với đồ chơi (mô phỏng biểu tượng)

          Cách tiến hành 

Tạo không gian chơi: Cô giáo tạo ra không gian trong nhà và ngoài trời để tổ chức TCĐVTCĐ nhằm tạo cơ hội cho trẻ chơi cùng nhau, từ đó biết đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong khi chơi.

-  Không gian trong lớp: Giáo viên tạo không gian chơi phù hợp với các chủ đề, kích thích hứng thú của trẻ, tạo cơ hội cho trẻ chơi cùng nhau. Các nguyên vật liệu, đồ dùng đồ chơi sắp xếp hợp lý, kích cỡ, màu sắc phù hợp với trẻ, mới mẻ và hấp dẫn chúng. Sau đó, giáo viên tổ chức cho trẻ chơi cùng nhau. Ví dụ ở góc chơi “Gia đình” có thể gợi ý để trẻ đóng vai bố, mẹ, em, người nhà... Các vai chơi đa dạng sẽ giúp trẻ biết chơi cùng nhau làm nảy sinh ở trẻ những biểu hiện đầu tiên của lòng nhân ái biết quan tâm, giúp đỡ, đồng cảm, chia sẻ đồ chơi

- Không gian ngoài trời: Giáo viên tận dụng các không gian để tổ chức cho trẻ chơi nhằm tạo điều kiện cho trẻ hoạt động, trải nghiệm trong môi trường thiên nhiên gần gũi với trẻ từ đó mà bộc lộ hành vi thể hiện lòng nhân ái.

 3. Kết luận

Giáo dục LNA có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ mầm non. TCĐVTCĐ là một trong những con đường thuận lợi nhất để GD LNA cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi nói riêng và cho trẻ mẫu giáo nói chung ở các trường mầm non.

 

 Tài liệu tham khảo

[1] Lê Thị Bừng (1998), Gia đình trường học đầu tiên của lòng nhân ái, NXB Giáo Dục.

[2] Nguyễn Thị Hòa (2009), Giáo dục học mầm non, NXB ĐHSPHN.

[3] Nguyễn Thị Qúy Hoa (2005), “Một số biện pháp tổ chức TCĐVTCĐ nhằm giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi”. Luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội, Hà Nội

[4] Ngô Công Hoàn, Nguyễn Thị Mai Hà (1995), Tâm lý học trẻ em, Trung tâm nghiên cứu giáo viên, Hà Nội.

[5] Lê Minh Thuận (1989), Trò chơi phân vai theo chủ đề và việc hình thành nhân cách trẻ mẫu giáo, NXB Giáo dục Việt Nam.

[6] Nguyễn Ánh Tuyết (2004) Giáo dục mầm non, những vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết