Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LỒNG GHÉP LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ LỚP 4 -     Thạc sĩ: Phan Thị Hiền                                                                 

                                                    

1. Mở đầu

            Để nhận thức được lịch sử, con người phải thông qua những dấu tích của quá khứ, những chứng cứ về sự tồn tại của các sự việc để tái tạo lịch sử, dựng lại hình ảnh của sự kiện, hiện tượng, các nhân vật lịch sử một cách cụ thể, rõ nét. Vậy tái tạo lịch sử, dựng lịch hình ảnh quá khứ bằng cách nào? Có nhiều biện pháp, con đường như cho học sinh tiếp nhận các thông tin tư liệu lịch sử, sử dụng phương tiện trực quan như tìm hiểu về địa phương em đang sống, bằng tranh ảnh, bản đồ, xem phim tài liệu Qua đó, góp phần phát triển kỹ năng tư duy độc lập sáng tạo, bồi dưỡng đạo đức, tư tưởng, thẩm mỹ, lòng yêu quý, gắn bó, nghĩa vụ của các em đối với quê hương.

2. Nội dung

2.1. Ý nghĩa của việc lồng ghép Lịch sử địa phương trong dạy học Lịch sử lớp 4

            - Về mặt nhận thức: Trong dạy học lịch sử lớp 4, nguồn tài liệu lịch sử địa phương có vị trí vai trò đáng kể đối với việc nhận thức của học sinh về sự phát triển toàn diện, đa dạng của lịch sử dân tộc, làm phong phú kiến thức lịch sử của học sinh giúp học sinh hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc. Việc lồng ghép lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử dân tộc giúp học sinh hiểu sâu sắc bản chất của lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương, giúp học sinh nhớ lâu, hiểu sâu kiến thức lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc.

            - Về mặt giáo dục: Việc lồng ghép lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử dân tộc có ý nghĩa giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức tốt đẹp cho học sinh, đặc biệt là giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của địa phương mình.

- Về mặt kĩ năng: Việc lồng ghép lịch sử địa phương vào trong dạy học lịch sử dân tộc góp phần phát triển cho học sinh các năng lực như tri giác, hình dung, tưởng tượng và các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa, trừu tượng hóa. Góp phần phát triển cho học sinh kỹ năng, kỹ xảo bộ môn. Góp phần phát triển nhân cách và các năng lực hành động, hoạt động thực tiễn cho học sinh.

 

2.2. Quy trình lồng ghép Lịch sử địa phương trong dạy học Lịch sử lớp 4

            Bước 1: Chuẩn bị

            - Giáo viên:

+ Xác định nội dung bài học có thể lồng ghép lịch sử địa phương sử dụng tranh, ảnh, video,….

+ Chuẩn bị sưu tầm tranh, ảnh, video liên quan đến nội dung lồng ghép.

+ Xây dựng các câu hỏi liên quan đến các bức tranh, anh hay đoạn video để học sinh dễ dàng hình dung phần lồng ghép.

            - Học sinh:

            + Tìm hiểu nội dung bài học.

            + Sưu tầm một số tư liệu, tranh ảnh có liên quan đến nội dung bài học.

            Bước 2: Lồng ghép lịch sử địa phương vào dạy học Lịch sử

           - Giáo viên sử dụng tranh, ảnh hoặc cho học sinh xem video liên quan đến nội dung lồng ghép.

           - Sau khi xác định được nội dung phần bài học có thể sử dụng lồng ghép lịch sử địa phương vào một số phần của bài học , giáo viên dẫn dắt, gợi mở cho học sinh để học sinh có thể hiểu được nội dung của các nhân vật lịch sử hay các tích, các địa danh có liên quan đến địa phương các em đang sống thông qua việc sử dụng tranh, ảnh, video.

           - Sử dụng câu hỏi để khai thác kiến thức trong tranh, ảnh, video hay các câu hỏi liên quan đến nơi các em đang sống.

           - Sắp xếp tranh, ảnh, video theo trình tự và tổ chức hoạt động để học sinh có thể tự trình bày các hiểu biết về địa phương liên quan đến bài học.

2.3. Lồng ghép Lịch sử địa phương trong dạy học Lịch sử lớp 4

            a. Lồng ghép lịch sử địa phương trong tiết học Lịch sử chính khoá

      Khởi đầu tiết dạy Lịch sử thường bắt đầu từ hiện tại, từ những vấn đề rất cụ thể, rất hiện đại nhằm giúp học sinh tiếp cận những yếu tố gần gũi nhất trong cuộc sống của mình có liên quan đến nội dung bài học lịch sử. Học tập lịch sử là quá trình nhận thức điều đã diễn ra trong quá khứ của xã hội để hiểu biết về hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Đặc trưng nổi bật của nhận thức lịch sử là con người không thể tri giác trực tiếp những gì thuộc về quá khứ. Mặt khác, lịch sử là những sự việc đã diễn ra, là hiện thực trong quá khứ, là tồn tại khách quan, không thể phán đoán, suy luận, … Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên, tất yếu của bộ môn Lịch sử là “ tái tạo lịch sử”, chính là giúp học sinh tiếp xúc với những chứng cứ vật chất, những dấu vết của quá khứ, tạo ra những hình ảnh cụ thể, sinh động, chính xác về các sự kiện, hiện tượng lịch sử, tạo ra ở học sinh những biểu tượng về con người và hoạt động của họ trong bối cảnh thời gian, trong điều kiện lịch sử cụ thể.

      Sử dụng những yếu tố gần gũi, thân thiết gắn liền với các em trong phần mở đầu chính là con đường ngắn nhất để các em tiếp cận một cách nhanh nhất, dễ nhớ nhất với nội dung lịch sử theo từng bài. Trong hoạt động khởi động, giáo viên có thể đưa các tranh ảnh, video ngắn về các địa danh, các di tích lịch sử hiện tại hoặc tượng đài các anh hùng  mà các em đã biết hoặc đã được nghe nói đến.

            Ví dụ khi dạy Bài 10: "CHÙA THỜI LÝ"

            Bước 1: Chuẩn bị

            * Chuẩn bị của giáo viên:

            - Xác định nội dung bài học có thể lồng ghép lịch sử địa phương: Nói cho học sinh rõ về vì sao lại có chùa, chùa bắt đầu từ đâu, giới thiệu cho học sinh về Phật giáo.

            - Sưu tầm một số tranh ảnh về các ngôi chùa thời Lý gần với địa phương các em đang sống.

            - Mô tả được một số ngôi chùa.

            * Chuẩn bị của học sinh:

            - Các thông tin, tranh ảnh, câu chuyện sưu tầm được về chùa thời Lý ở địa phương các em đang sống.

            Bước 2: Lồng ghép lịch sử địa phương vào dạy học Lịch sử

            - Giáo viên đưa các hình ảnh chùa ở ngay địa phương nơi các em đang sinh sống như chùa Phật Tích, Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp,… để các em quan sát, mô tả, nêu những điều mình biết về ngôi chùa đó. Từ đó các em dễ dàng hiểu biết thêm nhiều thông tin chung về các ngôi chùa: chùa là một công trình kiến trúc đẹp của mỗi làng quê Việt Nam, là nơi thờ Phật, là nơi tu hành của các nhà sư, là nơi mà vào ngày rằm hay mùng một hàng tháng,…. thì bà, mẹ và mọi người thường đến thắp hương lễ Phật cầu an vui cho gia đình,…dưới thời Lý và do đó chùa chiền được xây dựng ở nhiều nơi.

            - Học sinh có thể kể tên một số ngôi chùa ở Bắc Ninh được xây dựng từ thời Lý như: chùa Tiêu, Chùa Dạm,… Ngoài ra, khuyến khích các em kể tên và giới thiệu những ngôi chùa nổi tiếng trên cả nước.

            - Giáo viên đưa một số hình ảnh các ngôi chùa để các em mô tả, giới thiệu nhằm giúp các em hiểu được quá trình gìn giữ, tu sửa và bảo vệ các ngôi chùa ở chính nơi mình đang sống hoặc ở các địa phương khác. Đây cũng chính là các việc làm gìn giữ bản sắc, truyền thống văn hoá dân tộc và góp phần xây dựng tính cách lương thiện, ý thức tự tôn, lòng tự hào dân tộc. Chắc chắn rằng, sau bài học này. khi đi lễ chùa, các em sẽ thể hiện thái độ thành kính, nghiêm túc và sẽ có những việc làm thực tế có tính hướng thiện nhiều hơn.

Chùa Phật Tích

            b. Lồng ghép lịch sử địa phương trong hoạt động ngoài giờ lên lớp

            Cuối mỗi bài học lịch sử, tôi thường gợi ý cho học sinh nêu tên hoặc kể chuyện về các câu chuyện, anh hùng lịch sử, danh nhân lịch sử, địa danh lịch sử,… có liên quan đến bài học. Nhưng để đảm bảo thời gian và mục tiêu tiết học trong giờ học chính khoá, thông thường các em không có nhiều thời gian để thực hiện công việc trên. Chính vì vậy, trong mỗi tiết Hướng dẫn học của ngày học hôm đó hoặc trong các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp của tuần học có nội dung liên quan đến lịch sử, giáo viên có thể thường dành thời gian để hướng dẫn các em kể chuyện, đố bạn, giới thiệu,…  về câu chuyện, anh hùng lịch sử, danh nhân lịch sử, địa danh lịch sử,… Lớp học hiện nay có sử dụng máy chiếu tại lớp nên trong các giờ ra chơi, giáo viên cũng thường xuyên chiếu các đoạn phim tư liệu, phim hoạt hình, phim dã sử, trò chơi lịch sử,… để các em có thể vừa vui chơi vừa có điều kiện tìm hiểu thêm về các kiến thức lịch sử nước nhà.

            Cách tiến hành:

            Bước 1: Chuẩn bị

            * Chuẩn bị của giáo viên:

            - Xác định nội dung bài học có thể lồng ghép lịch sử địa phương: Kể các câu chuyện cổ tích mà dân gian truyền lại về nhà Nước Văn Lang, Nước Âu Lạc. Ví dụ: Sự tích trầu cau, Sự tích bánh trưng, bánh dày, Thánh gióng,…

            - Sưu tầm tranh ảnh có liên quan đến các chuyện.

            * Chuẩn bị của học sinh:

            - Chuẩn bị các câu chuyện để kể cho các bạn trong lớp.

            Bước 2: Lồng ghép lịch sử địa phương vào hoạt động ngoài giờ lên lớp

                 Khi dạy bài 4: Nước Văn Lang, Nước Âu Lạc, giáo viên đưa một số hình ảnh để gợi mở các em tới các câu chuyện mà các em biết như sự tích Trầu cau, Bánh trưng bánh dày.

 

            Dựa vào những hình ảnh này, các em có thể đoán ngay ra tên câu chuyện và những nhân vật lịch sử có liên quan: Sự tích trầu cau, Sự tích bánh chưng bánh dầy, Thánh Gióng. (Nước Văn Lang)

            - Các em có thể tìm thêm một số câu chuyện khác như Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Mai An Tiêm, … (Nước Văn Lang); Mỵ Châu Trọng Thuỷ  (Nước Âu Lạc),…

            - Các em nhớ và kể lại nội dung các câu chuyện này đồng thời giao lưu cùng các bạn về nhân vật, chi tiết trong truyện, nội dung và ý nghĩa câu chuyện. Điều này sẽ giúp các em am hiểu hơn nữa về thời kỳ lịch sử đó, về phong tục, về lối sống,… của con người ở thời kỳ đó.

            - Giáo viên có thể đưa một số tranh truyện hoặc tranh vẽ về một diễn biến của trận đánh,  câu chuyện lịch sử, anh hùng lịch sử hoặc danh nhân lịch sử để học sinh sắp xếp lại đúng thứ tự rồi cùng bạn kể lại câu chuyện đó hoặc tập đóng kịch, xây dựng hoạt cảnh cho những câu chuyện đó.

            c. Lồng ghép lịch sử địa phương trong các hoạt động ngoại khoá trong và ngoài nhà trường

            Mỗi năm học, các nhà trường  thường tổ chức đợt tham quan ngoại khoá cho học sinh. Vào những dịp này, các em được tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng lịch sử, …. Các em có nhiều cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các chứng tích lịch sử, tư liệu lịch sử nên kiến thức về lịch sử của các em được củng cố vững chắc thêm nữa. Thông thường, trước mỗi chuyến đi, giáo viên thường yêu cầu các em tìm hiểu trước thông tin về nơi mình sắp đến. Đồng thời, cũng hướng dẫn các em chuẩn bị một quyển sổ tư liệu lịch sử để ghi lại những thông tin mà các em thấy cần thiết. Quyển sổ tư liệu này các em sẽ sử dụng hàng ngày trong suốt nhiều năm học và có thể ghi các thông tin lịch sử mà các em tìm hiểu được; cũng có thể ghi lại những cảm nhận, suy nghĩ của mình về di tích lịch sử, danh nhân lịch sử,….. Đây chính là cách tích luỹ tư liệu lịch sử khoa học nhất giúp các em hiểu sâu sắc hơn về lịch sử nước nhà. Trong quá trình tham quan, giáo viên kết hợp cùng với hướng dẫn viên du lịch, hướng dẫn viên khu di tích giải đáp bổ sung thêm cho các em những điều mà các em còn băn khoăn, thắc mắc.

Ngoài ra, tổ chức Đoàn – Đội trong nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tìm hiểu về lịch sử Việt Nam trong các giờ Chào cờ hoặc tổ chức các cuộc thi vẽ tranh với chủ điểm lịch sử Việt Nam, thi tìm hiểu lịch sử Việt Nam,… Những hoạt động này góp phần tạo sân chơi bổ ích cho các em, giúp các em say mê hơn, hứng thú hơn trong quá trình học tập môn Lịch sử.

3. Kết luận

Việc lồng ghép lịch sử địa phương vào dạy học Lịch sử ở lớp 4 là một phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với nhiều bài dạy trong chương trình và đối tượng học sinh lớp 4. Qua đó kích thích việc học hỏi, tìm tòi của học sinh, lôi cuốn các em vào bài học. Đồng thời việc lồng ghép lịch sử địa phương cũng rèn cho các em kĩ năng quan sát cũng như phân tích, tổng hợp kiến thức cho học sinh và cũng giúp cho các em tự tin hơn trong việc giao tiếp và trình bày ý kiến của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tập thể tác giả (2006), Đổi mới phương pháp dạy học ở Tiêu học, NXB Giáo dục.

2. Nguyễn Trại, Nguyễn Lê Hoài Thu (2009), Thiết kế bài giảng Lịch sử 4, NXB Hà Nội.

3. Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Kế Hào, Phan Thị Hạnh Mai (2007), Tâm lí học, NXB Đại học Sư phạm Giáo dục.

 


Nguồn:cdspbacninh.edu.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội