Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khái quát lí thuyết về quan sát và quan sát trẻ theo quá trình trong chăm sóc giáo dục trẻ ở trường mầm non - TS. Nguyễn Thị Thắng- Khoa GD THMN

 

1. Đặt vấn đề

Quan sát, đánh giá sự phát triển của trẻ là một trong những kĩ năng quan trọng trong quá trình tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non. Người giáo viên có kĩ năng quan sát, biết phối hợp nhuần nhuyễn giữa quan sát quá trình với quan sát tức thời, có chủ đích trong từng hoạt động học ở trường mầm non sẽ có tác động tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non. Bài viết này bước đầu tập trung tìm hiểu khái quát lí thuyết về quan sát và quan sát trẻ theo quá trình trong tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non nhằm bồi dưỡng, phát triển các kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên trước khi tiến hành tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Khái quát về quan sát

Quan sát là sự tri giác các sự vật, hiện tượng được nghiên cứu nhằm một mục đích nhất định. Xét trên phương diện là một phương pháp khoa học thì quan sát là phương thức cơ bản để nhận thức sự vật trực tiếp, là phương pháp tri giác có mục đích, có kế hoạch về một sự kiện, hiện tượng, quá trình hay hành vi, cử chỉ của con người, vật… trong những hoàn cảnh tự nhiên khác nhau.

Quan sát là một trong những kĩ năng và nhiệm vụ quan trọng của người giáo viên mầm non trong việc thực hiện công tác chuyên môn khi làm việc với trẻ ở các độ tuổi khác nhau. Quan sát có thể được thực hiện theo kế hoạch hoặc tức thời, tự nhiên trong quá trình giáo viên làm việc với trẻ. Giáo viên có thể phát hiện những kĩ năng, khả năng mới xuất hiện ở trẻ thông qua quan sát.

Quan sát cho phép giáo viên xác định được những gì trẻ thích hoặc không thích, phản ứng của trẻ trước những tình huống khác nhau trong lớp, ở trường học, biết được kinh nghiệm hay hoạt động nào trẻ thích, không thích hoặc gặp khó khăn, điều gì làm trẻ lo lắng, đánh giá sự tiến bộ của trẻ, giáo viên hiểu được nhu cầu học tập, khám phá và chăm sóc đối với từng cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi để lập kế hoạch cho những hoạt động chăm sóc, giáo dục tiếp theo.

Các kĩ năng quan sát có thể được áp dụng vào quá trình quan sát như: Nhìn/xem (sử dụng mắt và các giác quan chú ý vào đối tượng cần tìm hiểu); lắng nghe (chú ý vào sự tương tác của  trẻ đối với người lớn và giữa các trẻ với nhau); ghi chép (ghi lại những đặc điểm quan trọng trong phản ứng của trẻ, hành vi, sự tham gia hoặc mức độ tham gia, thái độ của trẻ khi tham gia các hoạt động một cách chính xác ngay trong quá trình quan sát trẻ); suy nghĩ và phân tích (suy nghĩ về những gì nhìn thấy, đặt một số câu hỏi để làm rõ thêm, khẳng định lại hoặc loại bỏ một số ý kiến/ nhận định về những gì đã quan sát, so sánh kết quả nhận được ở các thời điểm quan sát khác nhau…). Khi nhìn, lắng nghe, ghi chép, suy nghĩ và phân tích đòi hỏi giáo viên phải khách quan, không nên có bất cứ suy diễn nào làm ảnh hưởng tới những gì quan sát được.

2.2. Quan sát trẻ theo quá trình

Theo tài liệu Thực hành quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở giáo dục mầm non, quan sát trẻ theo quá trình được diễn giải ở một số nội dung như sau:

Quan sát trẻ theo quá trình là một phương pháp đánh giá, hoặc một kĩ thuật được sử dụng trong quá trình đánh giá trẻ, mà ở đó giáo viên theo dõi và nhận ra được sự thay đổi, sự tiến triển (hay thụt lùi) của trẻ trong quá trình hoạt động (học tập). Quan sát trẻ theo quá trình có thể được thực hiện trong một hoạt động học tập, vui chơi của trẻ, nhưng cũng có thể được thực hiện theo một chuỗi các hoạt động khác nhau để có thể đưa ra nhận định đúng đắn về sự phát triển của trẻ.03

Quan sát trẻ theo quá trình tập trung vào quan sát hai tiêu chí chính đảm bảo chất lượng của quá trình học tập: đó là cảm giác thoải mái sự tham gia của trẻ. Các tiêu chí này giúp trả lời câu hỏi mấu chốt sau: từng trẻ đang học thế nào? Liệu chúng ta đã đủ nỗ lực để đảm bảo sự phát triển thực sự và sức khỏe tinh thần trong tất cả các lĩnh vực phát triển và đối với mọi trẻ?

Quan sát trẻ theo quá trình, thực hiện theo 3 bước như sau: bước 1: giáo viên quan sát cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ; bước 2: giáo viên hồi tưởng, phân tích và xác định lí do một số trẻ có mức độ cảm giác thoải mái và mức độ tham gia thấp; bước 3: giáo viên hành động để nâng cao mức độ thoải mái và mức độ tham gia của trẻ/nhóm trẻ đó.

Quan sát trẻ theo quá trình có thể thực hiện theo định kỳ đối với cả lớp (2-3 lần/năm học). Bên cạnh đó, giáo viên cũng có thể quan sát cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ qua các hoạt động để theo dõi và đánh giá trẻ hàng ngày, có thể tự đánh giá chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và có thể điều chỉnh ngay các hoạt động giúp tăng cường mức độ thoải mái và tham gia của trẻ. Khi trẻ có mức độ thoải mái và tham gia cao, trẻ có hứng thú và tập trung vào hoạt động đó là khi trẻ đang học tập tích cực. [2; 3,4]

Vì sao phải thực hiện quan sát trẻ theo quá trình? Việc quan sát trẻ theo quá trình mang đến những ích lợi gì trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ? Tài liệu này chỉ ra 5 lí do cốt lõi để giáo viên thực hiện quan sát trẻ như sau:

1. Qua quan sát cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ, giáo viên sẽ biết rõ nhu cầu và sở thích của trẻ; mỗi trẻ có cảm nhận về lớp học và học tập như thế nào.

2. Khi hiểu rõ hơn về trẻ, giáo viên có thể thay đổi môi trường lớp học, đồ dùng đồ chơi, hoạt động và cơ hội tương tác cho trẻ tại lớp. Giáo viên tạo được mối quan hệ gần gũi hơn với trẻ và hỗ trợ trẻ học tốt hơn. Việc này đảm bảo tất cả trẻ trong lớp có thể phát triển đầy đủ và phát huy tối đa năng lực bản thân.

3. Dựa vào chính trải nghiệm với trẻ, giáo viên có thể điều chỉnh cách tổ chức các hoạt động hiệu quả hơn. Như vậy, giáo viên đang thực hiện một cách hiệu quả quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

4. Quan sát cảm giác thoải mái và sự tham gia là một kỹ năng thực hành giúp giáo viên điều chỉnh và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ mầm non, kĩ năng năng này mọi giáo viên đều có thể học được và thực hiện một cách nhanh chóng.

5. Khi mức độ cảm giác thoải mái và tham gia của trẻ tăng cao, trẻ sẽ học tập tích cực và phát triển toàn diện, như vậy sẻ giúp trẻ đạt các mục tiêu giáo dục phát triển theo Chương trình GDMN do Bộ GD&ĐT ban hành. [2; 5]

Việc quan sát của giáo viên trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non chỉ thực sự đạt hiệu quả khi nó được gắn liền với việc lưu giữ các thông tin liên quan đến sự phát triển của trẻ bao gồm:

Ghi chép lại những đặc điểm hoặc thành công trong quá trình tham gia hoạt động của trẻ: những nét vẽ, những bức tranh, sản phẩm tạo hình, những câu chuyện, bài thơ… do chính trẻ sáng tạo ra. Giáo viên nên đề ngày tháng vào dưới mỗi sản phẩm để có thể theo dõi sự tiến bộ của trẻ.

Các bảng hỏi, các ghi chép về thông tin của trẻ trong quá trình phối hợp giữa giáo viên với phụ huynh. Các thông tin ghi chép về sự tương tác của giáo viên với phụ huynh bao gồm những thông tin mà giáo viên trao đổi với cha mẹ, những thông báo định kì hoặc bất thường…

Điều này đòi hỏi người giáo viên mầm non cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa kĩ năng quan sát với khả năng ghi chép thông tin có chủ đích, có kế hoạch.

3. Kết luận

Trên đây là một số vấn đề lí luận khái quát về quan sát và quan sát trẻ theo quá trình. Những kiến thức lí thuyết ban đầu này cung cấp cho sinh viên những hiểu biết bước đầu về quan sát và quan sát trẻ theo quá trình, giúp định hướng cho sinh viên ngành giáo dục mầm non trong quá trình thực hành quan sát cá nhân trẻ khi tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non. Đây là những kiến thức, kĩ năng cần thiết góp phần hỗ trợ thiết thực cho các em khi thực hành quan sát, đánh giá sự phát triển của trẻ trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục hàng ngày ở trường mầm non. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kết quả quan sát chỉ là tài liệu tham khảo giúp giáo viên dự kiến và điều chỉnh kế hoạch tổ chức hoạt động các bước tiếp theo sao cho phù hợp với trẻ chứ không phải là tài liệu đánh giá trong giáo dục mầm non dùng cho các cấp quản lí. Điều quan trọng để những sinh viên ngành mầm non có thể thành thạo các kĩ năng quan sát, quan sát trẻ theo quá trình ngoài những kiến thức, kĩ năng quan sát các em còn cần có một trái tim, một tình yêu thương đủ lớn với trẻ mầm non, với nghề giáo viên mầm non.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Hoàng Thị Oanh, Phạm Thị Việt, Nguyễn Kim Đức, 2001, Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ dưới  tuổi, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (VVOB), 2022, Thực hành quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở giáo dục mầm non, https://vietnam.vvob.org.

[3]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2021, số 01/VBHN-BGDĐT, Thông tư ban hành Chương trình giáo dục mầm non (ngày 13.4.2021).

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội