Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn sinh viên thực hành tập giảng dạy trẻ làm quen với tác phẩm văn học bằng hình thức sử dụng các mảnh ghép rời trong dạy học Thạc sĩ: Nguyễn Thị Thiêm - Tổ Văn, Khoa GD Tiểu học Mầm non

 

 

1. Đặt vấn đề

Cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học là một hoạt động trọng tâm trong lĩnh vực giáo dục phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non. Việc tiếp xúc với cái đẹp của ngôn từ và trí tưởng tượng phong phú trong các tác phẩm thơ, truyện là cơ sở để trẻ cảm nhận được vẻ đẹp về một thế giới bao la đầy âm thanh, màu sắc; giúp trí tưởng tượng và trí tuệ trẻ phát triển. Những hình tượng tươi sáng, những bức tranh giàu chất thơ của thiên nhiên được vẽ lên trong các câu chuyện, bài thơ cùng với nhạc điệu của những vần thơ, tính biểu cảm của ngôn ngữ sẽ hấp dẫn trẻ làm cho các con thêm yêu cảnh sắc thiên nhiên, yêu quê hương đất nước; từ đó trẻ ghi nhớ và hứng thú, đọc, kể lại được các bài thơ, câu chuyện. Để giúp sinh viên khắc phục một số những hạn chế khi thực hành tập giảng sử dụng đồ dùng trực quan như các đồ dùng trực quan quá quen thuộc chưa có sự hấp dẫn mới mẻ, giảm sự hứng thú với trẻ khi tham gia hoạt động, không phát huy được hết khả năng tư duy, logic và sự sáng tạo của trẻ; chưa phát huy được tính tích cực chủ động trong các hoạt động của trẻ, bài viết Hướng dẫn sinh viên thực hành tập giảng dạy trẻ làm quen với tác phẩm văn học bằng hình thức sử dụng các mảnh ghép rời sẽ là một hình thức dạy học mới góp phần đổi mới phương pháp nâng cao kết quả dạy học học phần Phương pháp tổ chức cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học.

2. Giải quyết vấn đề

2.1. Phương pháp sử dụng trực quan trong tổ chức hoạt động dạy trẻ làm quen với tác phẩm văn học

Sử dụng các phương tiện trực quan trong kể chuyện, đọc thơ cho trẻ nghe là phương pháp đặc biệt quan trọng và có hiệu quả, bởi nó phù hợp với tư duy trực quan hình tượng của trẻ. Vừa nghe cô giáo đọc, kể tác phẩm, vừa được tiếp xúc với biểu tượng trực quan, trẻ sẽ hình thành những biểu tượng mới, qua đó khả năng tri giác của trẻ cũng phát triển, đó cũng là tiền đề để thúc đẩy tư duy phát triển.

Theo Từ điển tiếng Việt: “Trực quan là phương pháp giảng dạy dùng những vật cụ thể hoặc ngôn ngữ, cử chỉ thích đáng khiến học sinh hiểu rõ những điều mình muốn truyền thụ”. Hiện nay, việc sử dụng trực quan trong kể chuyện, đọc thơ cho trẻ nghe ở trường mầm non bao gồm: sử dụng vật thật, sử dụng đồ dùng trực quan mô phỏng lại các sự vật hiện tượng như tranh vẽ, con rối, mô hình, sa bàn…; các phương tiện nghe nhìn hiện đại như đĩa hình, băng ghi âm, máy chiếu, máy tính…; những kí hiệu quy ước.

Trực quan là một trong những phương pháp tối ưu nhằm giúp trẻ hình thành nhận thức, gọi tên các sự vật trên cơ sở trực tiếp quan sát hiện vật đang học hay đồ dùng trực quan minh học sự vật giúp trẻ nâng cao khả năng ghi nhớ. Đồ dùng trực quan giúp trẻ hiểu sâu bản chất kiến thức, là phương tiện để hình thành khái niệm, giúp trẻ nắm rõ hơn kiến thức hơn. Bên cạnh đó, sử dụng đồ dùng trực quan trong dạy học giúp trẻ dễ dàng nhận biết mọi vật xung quanh, kích thích sự phát triển não bộ ở trẻ, giúp trẻ ghi nhớ kiến thức và vận dụng kiến thức linh hoạt hơn trong cuộc sống.

2.2. Hướng dẫn sinh viên thực hành tập giảng dạy trẻ làm quen với tác phẩm văn học sử dụng đồ dùng trực quan bằng hình thức sử dụng các mảnh ghép rời

Sử dụng các mảnh ghép rời dạy trẻ làm quen với các tác phẩm văn học là một hình thức dạy học mới đang được sử dụng nhiều trong các trường mầm non hiện nay. Việc sử dụng hình thức này trẻ được làm, được trải nghiệm, được sáng tạo sản phẩm cùng cô nên trẻ rất hứng thú và tích cực hóa được hoạt động của trẻ.

Trước tiên, tôi hướng dẫn sinh viên thiết kế đồ dùng trực quan từ các nguyên vật liệu thiên nhiên và các vật liệu sẵn có, dễ tìm, gần gũi với trẻ thân thiện với môi trường. Đặc biệt hơn việc sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có, dễ tìm, dễ kiếm xung quanh trẻ giúp trẻ biết bảo vệ môi trường, biết tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để tạo nên những sản phẩm đẹp, giúp trẻ thoả sức sáng tạo, khám phá, kích thích trí tưởng tưởng phong phú, giúp não bộ của trẻ phát triển một cách toàn diện nhất. Trong quá trình hoạt động cô có thể cho trẻ cùng tìm kiếm các nguyên vật liệu cũng là hình thức giúp trẻ hứng thú hơn trong các hoạt động kể chuyện. Tôi hướng dẫn sinh viên lựa chọn các nguyên vật liệu giấy bìa cứng, lá cây, cành cây, hột hạt, bông, vải dạ, nhám dính, băng dính… có màu sắc đa dạng, thiết kế có kích thước phù hợp với lứa tuổi, có độ bền cao, dễ làm và dễ sử dụng. Và yêu cầu khi lựa chọn nguyên vật liệu sẵn có phải được vệ sinh sạch sẽ, khô ráo và đảm bảo an toàn cho trẻ, không độc hại, không sắc nhọn, kết dính chắc chắn.

Từ những nguyên vật liệu đã sưu tầm được, tôi hướng dẫn sinh viên tiến hành làm các đồ dùng theo tiến trình nội dung các nhân vật, các hình ảnh có trong các bài thơ, câu chuyện kể cho trẻ nghe. Cô có thể thiết kế một bàn tay, một khung tranh, một ngôi nhà… và tích hợp tất cả các hình ảnh, các nhân vật có trong bài thơ, câu truyện trên đó. Tiếp theo, tôi hướng dẫn sinh viên thiết kế các mảnh ghép rời về các hình ảnh, nhân vật có trong bài thơ, câu chuyện. Chẳng hạn khi dạy trẻ 4-5 tuổi bài thơ Em yêu nhà em của tác giả Đàm Thị Lam Luyến, Tôi hướng dẫn sinh viên làm một ngôi nhà với các tiểu cảnh xung quanh. Tiếp theo sinh viên làm các mảnh ghép rời với các hình ảnh đàn chim sẻ, nàng gà mái hoa mơ, bà chuối mật, ông ngô bắp, ao muống, cá cờ… từ các loại hạt đỗ, vừng, lá cây, giấy… hay khi dạy trẻ 3-4 tuổi làm quen với truyện Chú sâu háu ăn, tôi hướng dẫn sinh viên thiết kế một bàn tay, trên bàn tay đó thiết kế các sợi dây có gắn các ngày trong tuần từ thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6, thứ 7, chủ nhật và thiết kế các mảnh ghép rời là các loại thức ăn chú sâu ăn trong từng ngày bằng các nguyên liệu như bìa cứng, vải dạ, lá cây, nhám dính…

Khi tổ chức hoạt động thực hành tập giảng, cô sử dụng những đồ dùng dạy học đã thiết kế sẵn các hình ảnh, nhân vật có trong bài thơ hoặc câu chuyện. Khi đọc, kể đến hình ảnh hoặc nhân vật nào có trong bài thơ, câu chuyện cô cho trẻ lấy hình ảnh hoặc nhân vật đó lên kể chuyện cùng với cô. Chẳng hạn, khi kể chuyện lần 3 để củng cố câu chuyện Chú sâu háu ăn cho trẻ 3-4 tuổi cô cho mỗi trẻ cầm một mảnh ghép rời là thức ăn từng ngày của chú sâu. Cô kể câu chuyện từng ngày chú sâu ăn gì thì trẻ sẽ mang thức ăn là các mảnh ghép rời đã chuẩn bị sẵn của chú sâu gắn lên và cô sẽ cho trẻ nhắc lại tên các loại thức ăn chú sâu sẽ ăn và số lượng bao nhiêu cho trẻ tri giác được nội dung câu chuyện.

Với cách làm này đơn thuần một giờ kể chuyện không phải chỉ đơn thuần là cô kể chuyện cho trẻ nghe mà trở thành hoạt động học cô và trẻ cùng kể chuyện. Sử dụng các mảnh ghép rời này là hình thức làm có thể áp dụng trong dạy kể chuyện, đọc thơ cho trẻ ở bất cứ một câu chuyện, một bài thơ nào cũng áp dụng được. Cách làm này đã thu hút sự quan tâm chú ý của trẻ, giúp trẻ có thể tri giác và ghi nhớ sâu hơn, hiểu nội dung câu chuyện hơn. Các nguyên vật liệu thiên nhiên có thể sử dụng được trong tất cả các tiết kể chuyện cho trẻ nghe, dạy trẻ kể lại chuyện, đóng kịch hoặc kể chuyện sáng tạo... Trong quá trình làm tranh cô có thể cho trẻ cùng tham gia làm để tạo hứng khởi, phát huy được tính tích cực, chủ động trong hoạt động học của trẻ. Với cách làm đơn giản, nguyên liệu dễ tìm, trẻ được trải nghiệm nhiều hơn, được thỏa sức sáng tạo hơn và hứng thú hơn trong hoạt động. Trẻ được tưởng tượng, được kể, được vẽ, được nói cho nhau nghe những câu chuyện của riêng mình, từ đó phát triển vốn từ, ngôn ngữ mạch lạc hơn và tự tin hơn trong giao tiếp.

3. Kết luận

Bài viết hướng dẫn sinh viên thực hành tập giảng dạy trẻ làm quen với tác phẩm văn học bằng hình thức sử dụng các mảnh ghép trong dạy học đã khắc phục được những hạn chế khi sinh viên thực hành tổ chức dạy trẻ làm quen với tác phẩm văn học và mang lại hiệu quả thiết thực. Hiệu quả của biện pháp đã được kiểm chứng qua hoạt động thực hành tổ chức hoạt động của sinh viên. Hoạt động dạy học không chỉ đơn thuần là cô kể chuyện đọc thơ cho trẻ nghe mà thành hoạt động cô và trẻ cùng đọc thơ, kể chuyện. Trẻ được tích cực hóa hoạt động. Biện pháp hướng dẫn sinh viên thực hành tập giảng dạy trẻ làm quen với tác phẩm văn học bằng hình thức sử dụng các mảnh ghép trong dạy học sẽ là tài liệu quý báu cho các giảng viên trong cùng tổ chuyên môn; nâng cao kết quả dạy học học phần Phương pháp tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học cho sinh viên các khóa.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nguyễn Kim Dung, Trần Phương Hà, Nguyễn Ngọc Huyền, Đào Hoàng Mai, Phạm Lâm Nguyệt, Trần Kim Uyên, Giáo án tổ chức hoạt động làm quen với văn học và chữ viết cho lớp mẫu giáo 4- 5 tuổi, 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

 [2]. Lê Thị Huệ, Trần Thị Hương, Phạm Thị Tâm (đồng chủ biên), Thiết kế hoạt động có chủ đích, hoạt động góc và hoạt động ngoài trời trong trường mầm non, trẻ 3-4 tuổi, 4-5 tuổi, 5-6 tuổi, 2013, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

[3]. Nhiều tác giả, Tài liệu học tập một số học phần đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng ngành Mầm non: Tiếng Việt, Văn học, Phương pháp làm quen với văn học, Phương pháp phát triển ngôn ngữ, 2016, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

[4]. Lã Thị Bắc Lý, Lê Thị Ánh Tuyết, Phương pháp cho trẻ mầm non làm quen với tác phẩm văn học, 2009, Nhà xuất bản Giáo dục.

[5]. Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, 2007, Nhà xuất bản Đà Nẵn

 

g. 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội