Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn sinh viên ngành MN tổ chức một số trò chơi học tập dạy trẻ 5- 6 tuổi làm quen với chữ cái - Thạc sĩ: Nguyễn Thị Thiêm Khoa: GD Tiểu học – Mầm non


 
I. Đặt vấn đề
Giáo dục mầm non là hệ thống mắt xích đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tổ chức hoạt động hướng dẫn trẻ làm quen với chữ cái là hoạt động có chủ đích quan trọng dạy cho đối tượng trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non. Qua nhiều năm giảng dạy nội dung này, tôi thấy tổ chức trò chơi học tập củng cố cách nhận biết và phát âm chữ cái cho trẻ là một nội dung quan trọng trong quy trình tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với chữ cái nhưng kĩ năng tổ chức các trò chơi củng cố các nhóm chữ cái cho trẻ của sinh viên còn hạn chế. Sinh viên chưa biết cách tổ chức các trò chơi hoặc tổ chức các trò chơi củng cố chữ cái cho trẻ còn đơn điệu, chưa hấp dẫn, chưa phong phú. Đề giúp sinh viên khắc phục những hạn chế khi tổ chức trò chơi học tập dạy trẻ dạy trẻ làm quen với chữ cái, bài viết sẽ Hướng dẫn sinh viên tổ chức một số trò chơi học tập dạy trẻ 5- 6 tuổi làm quen với chữ cái để nâng cao chất lượng dạy học học phần Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non. 

 


II . Giải quyết vấn đề
1. Khái quát chung về trò chơi học tập
1.1 . Khái niệm trò chơi học tập
Có nhiều quan điểm đưa ra về trò chơi học tập. Có thể dẫn ra một số định nghĩa tiêu biểu về trò chơi học tập như sau: “Trò chơi học tập là trò chơi có luật và nội dung cho trước, hướng đến sự mở rộng, chính xác hóa, hệ thống hóa các biểu tượng đã có, nhằm phát triển các năng lực trí tuệ cho trẻ, trong đó có nội dung học tập được kết hợp với hình thức chơi” [2]
Trò chơi học tập là cách thức sử dụng trò chơi có nội dung học tập gắn với nội dung bài học, chơi và để học. Thông qua các trò chơi, người học được làm việc cá nhân, làm việc trong đơn vị nhóm, đơn vị lớp theo sự phân công và tinh thần hợp tác. 
1.2. Yêu cầu đối với việc tổ chức trò chơi học tập dạy trẻ 5-6 tuổi làm quen với chữ cái
Mục đích của trò chơi phải củng cố được cách nhận diện và phát âm chữ cái cho trẻ.
Các dụng cụ chơi cần đơn giản, dễ làm hoặc dễ tìm kiếm tại chỗ.
Luật chơi đơn giản để trẻ dễ nhớ, dễ thực hiện. Cần đưa ra các cách chơi có nhiều trẻ tham gia để tăng cường kĩ năng học tập, hợp tác.
Hình thức chơi đa dạng giúp trẻ được thay đổi các hoạt động học tập trên lớp, giúp trẻ phối hợp các hoạt động trí tuệ với các hoạt động vận động.
Giáo viên phải quan sát, theo dõi và bao quát lớp học để kịp thời giúp đỡ, khuyến khích, động viên trẻ khi cần thiết.
1.3. Các loại trò chơi học tập
Dựa vào mục đích dạy học, trò chơi học tập được chia thành 3 nhóm sau:
Nhóm 1: Nhóm trò chơi khởi động - giới thiệu bài mới. Những trò chơi này có thể sử dụng khi bắt đầu vào hoạt động học. Nó có tác dụng khởi động dẫn dắt trẻ tìm hiều nội dung học tập một cách tự nhiên, thoải mái, vui vẻ để kích hoạt không khí lớp học, tạo sự hưng phấn cho trẻ trước khi học tập.
Nhóm 2: Nhóm trò chơi khám phá tri thức: tổ chức trò chơi để trẻ tiếp nhận nội dung một cách sinh động, hào hứng, kích thích tính tích cực của trẻ trong việc khám phá tri thức.
Nhóm 3: Nhóm trò chơi củng cố, ôn tập: Những trò chơi trong nhóm này được sử dụng sau khi trẻ đã được học một nội dung kiến thức mới. Để tham gia được trò chơi trẻ phải tích cực huy động trí nhớ, tư duy và khả năng phản ứng nhanh của mình. Điều này sẽ giúp trẻ củng cố kiến thức, luyện tập kĩ năng một cách tự nhiên, tự giác và tích cực. 
Do đặc thù về nội dung của học phần, bài viết này, tôi hướng dẫn sinh viên tổ chức một số trò chơi thuộc nhóm trò chơi củng cố, ôn tập kiến thức.
1.4. Quy trình tổ chức trò chơi học tập
Bước 1, giáo viên giới thiệu tên trò chơi. Tên trò chơi phải hấp dẫn, dễ hiểu sẽ lôi cuốn trẻ tham gia chơi. 
Bước 2, chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị những đồ dùng để phục vụ cho trẻ chơi trò chơi.
Bước 3, phổ biến luật chơi, cách chơi, hình thức chơi: Hướng dẫn cách chơi cụ thể giúp trẻ hiểu được từng bước hoạt động mà mình phải tiến hành. Luật chơi rõ ràng giúp trẻ chơi tích cực, tự giác. Luật chơi cần chỉ rõ quy định đối với người chơi và quy định thắng thua của người tham gia trò chơi, thời gian thực hiện trò chơi.
Bước 4, trẻ tiến hành chơi trò chơi: Giáo viên tổ chức số trẻ tham gia trò chơi, số đội tham gia. Giáo viên cần phải quan sát, nhắc nhở, giúp đỡ các trẻ nếu các em còn lúng túng.
Bước 5, giáo viên nhận xét sau cuộc chơi. Giáo viên nhận xét về thái độ tham gia trò chơi của từng đội, khen trẻ.
2. Hướng dẫn sinh viên tổ chức một số trò chơi học tập dạy trẻ 5-6 tuổi làm quen với chữ cái
Trước đây sinh viên chỉ tổ chức một trò chơi theo hình thức không ứng dụng công nghệ thông tin. Bài viết này tôi hướng dẫn sinh viên biết tổ chức thêm trò chơi theo hình thức có ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Mỗi hình thức này, tôi hướng dẫn sinh viên theo các dạng trò chơi để sinh viên có thể áp dụng vào dạy tất cả các nhóm chữ cái.
 2.1. Tổ chức các trò chơi với chữ cái không ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học
Nhóm trò chơi không ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức trò chơi cho trẻ là nhóm trò chơi mà giáo viên chuẩn bị những đồ dùng, vật liệu tái chế, có sẵn, thân thiện với môi trường và an toàn khi sử dụng để làm đồ dùng, đồ chơi dạy trẻ làm quen với chữ cái. Có thể chia thành một số dạng như sau:
a. Dạng trò chơi gạch chân chữ cái
Tên trò chơi: Bé tinh mắt, Ai nhanh ai đúng, tiếp sức đồng đội…
Chuẩn bị: Các hình ảnh có từ dưới tranh, lời bài thơ, câu đố, đồng dao… có các chữ cái cần củng cố cho trẻ; nhạc theo chủ đề.
Luật chơi: trong thời gian một bản nhạc đội nào gạch chân đúng, nhiều chữ cái cô yêu cầu sẽ là đội chiến thắng. 
Cách chơi: Cô chia lớp thành hai đội. Đội nào gạch được đúng và nhiều chữ cái theo yêu cầu của cô sẽ chiến thắng.
Trẻ chơi trò chơi, cô bao quát giúp đỡ trẻ nếu cần
Giáo viên nhận xét, đánh giá: khen trẻ
b. Dạng trò chơi chọn chữ theo yêu cầu
Tên trò chơi: Hãy gọi tên tôi, Tìm lá cho hoa, Chữ gì biến mất, …
Chuẩn bị: Cô chuẩn bị các thẻ chữ cái cần củng cố cho trẻ. 
Cách chơi: Cô gọi tên chữ cái, trẻ tìm đúng chữ cái giơ lên và phát âm. Cô nêu cấu tạo chữ, trẻ tìm chữ cái tương ứng và giơ thẻ chữ cái lên phát âm. Cô cho chữ cái nào biến mất thì trẻ sẽ chọn chữ cái đó giơ lên và phát âm. 
Luật chơi: Trẻ nào chọn chữ chưa đúng theo yêu cầu của cô sẽ phát âm lại chữ cái nhiều lần.
Trẻ chơi trò chơi, cô bao quát giúp đỡ trẻ nếu cần
Giáo viên nhận xét, đánh giá: khen trẻ
c. Dạng trò chơi tạo hình chữ cái theo yêu cầu (cùng nhau sáng tạo)
Tên trò chơi: Bé khéo tay, Bé sáng tạo, Bé tài năng, Tạo chữ…
Chuẩn bị: Cô chuẩn bị các nguyên vật liệu trang trí, tạo hình các chữ cái để tạo chữ: Giấy màu, đất nặn, dây len, ống hút, hoa, lá, hạt… nhạc theo chủ đề.
Cách chơi: Cô cho trẻ ngồi theo hình chữ u, cô đặt các nguyên vật liệu trang trí, tạo hình các chữ cái ở vị trí thuận lợi để tạo chữ: đất nặn, dây len, ống hút, hoa, lá… Trong thời gian một bản nhạc trẻ tạo chữ cái theo yêu cầu của cô.
Trẻ chơi trò chơi, cô bao quát giúp đỡ trẻ nếu cần
Giáo viên nhận xét, đánh giá: khen trẻ
d. Dạng trò chơi “ghép nét chữ”
Tên trò chơi: Tìm bạn, Tạo chữ, Cặp đôi hoàn hảo, Ghép nét…
Chuẩn bị: Cô chuẩn bị các nét chữ lớn tạo nên chữ cái cần củng cố cho trẻ; nhạc, bài hát theo chủ đề.
Cách chơi: Cô cho trẻ đi thành vòng tròn, phát cho trẻ cầm một nét chữ bất kì vừa đi vừa hát một bài hát; khi cô hô “Tạo chữ” hoặc “Tìm bạn” trẻ sẽ nhanh chóng tìm bạn để ghép nét chữ với thẻ chữ mình đang cầm tạo chữ cái vừa học. 
Luật chơi: Trẻ nào tìm bạn hoặc tạo chữ không đúng theo yêu cầu của cô sẽ phải nhảy lò cò xung quanh lớp.
Trẻ chơi trò chơi, cô bao quát giúp đỡ trẻ nếu cần.
Giáo viên nhận xét, đánh giá: khen trẻ.
2.2. Tổ chức các trò chơi với chữ cái có ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học
Sử dụng công nghệ thông tin để tổ chức trò chơi học tập thu hút được sự chú ý và kích thích hứng thú của trẻ, phù hợp với đặc điểm tâm lí của trẻ mầm non  là chơi mà học, học bằng chơi.
Tôi hướng dẫn sinh viên sử dụng phần mềm PowerPoint để tổ chức một số dạng trò chơi dạy trẻ 5-6 tuổi làm quen với chữ cái. 
 a. Dạng trò chơi củng cố cách phát âm (phát thanh viên giỏi)
* Tên trò chơi: Zich zăc bí ẩn, Ai nhanh ai đúng, Hãy gọi tên tôi…
Chuẩn bị: Cô thiết kế sẵn một bảng zich zắc trò chơi các chữ cái cần củng cố cho trẻ.
Cách chơi: Cô cho trẻ chơi theo lớp. Cô đã tạo sẵn một bảng zich zắc. Các chữ cái cần củng cố cho trẻ nằm ở hàng dưới cùng của bảng; một ngôi sao đi theo đường zich zắc. Ngôi sao rơi xuống chữ cái nào trẻ sẽ phát âm chữ cái đó. 
Luật chơi: Trẻ phát âm đúng các chữ cái khi ngôi sao rơi xuống trong bảng zich zắc.
Trẻ chơi trò chơi, cô bao quát giúp đỡ trẻ nếu cần.
Giáo viên nhận xét, đánh giá: khen trẻ.
* Tên trò chơi: Vòng quay kì diệu
Chuẩn bị: Cô tạo sẵn trò chơi vòng quay với chữ cái cần củng cố cho trẻ.
Cách chơi: Cô cho trẻ chơi theo lớp. Cô gắn thẻ chữ cái vào xung quanh vòng quay và cho một số trẻ lên quay. Khi kim chỉ vào chữ cái nào, cô yêu cầu trẻ phát âm chữ cái đó.
Luật chơi: Trẻ phát âm đúng chữ cái kim vòng quay chỉ vào.
Trẻ chơi trò chơi, cô bao quát giúp đỡ trẻ nếu cần.
Giáo viên nhận xét, đánh giá: khen trẻ.
b. Dạng trò chơi củng cố cách nhận biết (tinh mắt)
* Tên trò chơi: Những quả bóng kỳ diệu, Ong tìm chữ, Hái quả…
Chuẩn bị: Cô tạo sẵn trò chơi gồm nhiều quả bóng có gắn các chữ cái cần củng cố cho trẻ; phía dưới có giỏ hình trái tim để trẻ chơi xếp bóng. Trẻ sẽ kích chuột vào hình chiếc loa ở góc trái màn hình để nghe yêu cầu chơi (chọn quả bóng có chữ theo yêu cầu xếp vào giỏ). Nếu chọn đúng chữ yêu cầu trên quả bóng, quả bóng sẽ bay xuống giỏ kèm lời khen “Đúng rồi, con giỏi quá” nếu chọn sai chữ gắn trên quả bóng chữ đó sẽ đổi màu kèm lời nhắc “Rất tiếc con đã chọn sai rồi, con chọn lại đi”.
Cách chơi: Trò chơi này có thể chơi theo hình thức cá nhân hoặc chơi theo đội. Trước khi chơi trò chơi trẻ click chuột vào hình cái loa ở góc trái màn hình để nghe hướng dẫn cách chơi, khi chơi xong trẻ click chuột vào hình chữ nhật màu xanh lá cây có mũi tên để chuyển sang phần chơi tiếp theo.
Luật chơi: Trẻ tìm đúng chữ cái theo yêu cầu. Đội nào tìm được nhiều và đúng chữ cái đội đó sẽ chiến thắng.
Trẻ chơi trò chơi, cô bao quát giúp đỡ trẻ nếu cần.
Giáo viên nhận xét, đánh giá: khen trẻ.
c. Dạng trò chơi “Xếp chữ theo quy tắc”
Tên trò chơi: Ai nhanh ai đúng, Xếp chữ theo quy tắc, Chữ gì xuất hiện…
Chuẩn bị: Cô tạo sẵn trò chơi với một nhóm chữ được xếp theo quy tắc để cho trẻ chơi củng cố cách nhận biết và phát âm chữ cái cho trẻ.
Cách chơi: Cô cho trẻ chơi theo lớp. Các chữ cái được tạo hiệu ứng xếp theo một quy luật nhất định. Cô cho trẻ phát âm lại tất cả các chữ cái trên màn hình sau đó hiệu ứng cho các chữ cái xuất hiện theo một quy tắc nhất định. Trẻ tìm quy tắc và phát âm đúng các chữ cái theo quy tắc.
Luật chơi: Trẻ tìm chữ cái xuất hiện theo đúng quy luật và phát âm lại các chữ cái đó.
Trẻ chơi trò chơi, cô bao quát giúp đỡ trẻ nếu cần
Giáo viên nhận xét, đánh giá: khen trẻ
d. Dạng trò chơi “Giải ô chữ”
Tên trò chơi: Ô chữ bí mật, Ô chữ kì diệu, Giải ô chữ…
Chuẩn bị: Cô chuẩn bị hệ thống các câu đố về các chữ cái đã hoặc đang học để trẻ đoán hình ảnh đó giống với chữ cái gì mà cô muốn đố. Xắc xô cho trẻ lắc tín hiệu giành quyền trả lời các thẻ chữ liên quan.
Đố chữ ô
Nhìn mình gần giống bạn o
Nhưng mình rất sợ nắng mưa ốm người
Thế nên mẹ nhắc chớ lười
Lúc nào cũng đội cho mình mũ cơ
Đố bạn là chữ gì?
Cách chơi: Cô chia trẻ thành 3,4 nhóm ngồi thành vòng tròn, lắng nghe cô đọc câu đố để lắc xắc xô giành quyền giải đố.
Luật chơi: Đội nào lắc xắc xô trước sẽ giành quyền trả lời trước. Mỗi lần đoán đúng sẽ giành được một ngôi sao hoặc một bông hoa. Đội nào giành được nhiều phần thưởng nhất sẽ chiến thắng.
Trẻ chơi trò chơi, cô bao quát giúp đỡ trẻ nếu cần.
Giáo viên nhận xét, đánh giá: khen trẻ.
2.3. Một số lưu ý khi lựa chọn và tổ chức các trò chơi 
Có những trò chơi có thể tổ chức dưới cả hai hình thức tĩnh hoặc động như các dạng trò chơi gạch chân, khoanh tròn chữ cái, xếp chữ theo quy tắc cho trước, nối chữ tương ứng, ghép nét, tìm chữ… Khi tổ chức các trò chơi này dưới hình thức tĩnh, giáo viên tổ chức chia trẻ thành các nhóm (6-8 trẻ/nhóm) và phát cho mỗi trẻ hoặc một nhóm trẻ ngồi theo nhóm dưới sàn một bút hoặc một tờ giấy có các bài tập phù hợp theo yêu cầu của mỗi trò chơi (Ví dụ tờ giấy có in lời bài thơ/ lời bài hát/ đồng dao… cho trẻ gạch chân/ khoanh tròn vào các chữ cái theo yêu cầu hoặc tờ giấy có nội dung bài tập yêu cầu trẻ dùng bút nối chữ in đậm ở giữa tương ứng với chữ cái có trong các từ ở dưới mỗi hình ảnh trong tờ giấy…) Khi tổ chức chơi các trò chơi này dưới hình thức động, giáo viên tổ chức cho trẻ chơi thi đua 2-3 đội chơi theo luật tiếp sức bật qua vòng/ chạy lên gạch chân/ khoanh tròn/ nối các chữ cái tương ứng/…. theo yêu cầu trong bảng chơi của từng đội.
Một số trò chơi giáo viên chỉ tổ chức cho trẻ chơi dưới hình thức chơi tĩnh như trò chơi chọn thẻ chữ theo yêu cầu, tô chữ cái theo yêu cầu, trò chơi luyện phát âm cho trẻ, trò chơi giải đố chữ cái…
Một số trò chơi chỉ nên tổ chức dưới hình thức động sẽ hấp dẫn và tăng hứng thú cho trẻ hơn như trò chơi tìm lá cho hoa, trò chơi hái quả, tìm nhà, các trò chơi bật nhảy vào ô,… 
Mỗi hoạt động củng cố một nhóm chữ cái cho trẻ, giáo viên cần kết hợp nhiều hình thức khác nhau khi tổ chức hoạt động. Giáo viên kết hợp hợp lí cả trò chơi không sử dụng công nghệ thông tin và cả trò chơi có sử dụng công nghệ thông tin. Với mỗi nhóm chữ cái, giáo viên cũng cần tổ chức cả trò chơi tĩnh và trò chơi động để tạo sự hứng thú cho trẻ, nâng cao chất lượng dạy học. 
III. Kết luận
Bài viết hướng dẫn sinh viên tổ chức một số trò chơi học tập dạy trẻ 5 đến 6 tuổi làm quen với chữ cái đã khắc phục được những hạn chế khi sinh viên thực hành tổ chức trò chơi dạy trẻ 5-6 tuổi làm quen với chữ cái và mang lại hiệu quả thiết thực. Hiệu quả của biện pháp đã được kiểm chứng qua hoạt động thực hành tổ chức hoạt động của sinh viên. Tỉ lệ phần trăm sinh viên biết tổ chức trò chơi học tập chiếm tỉ lệ cao hơn rất nhiều so với ban đầu chưa áp dụng biện pháp. Sinh viên biết gọi tên trò chơi phù hợp đề tài, chủ đề của hoạt động; biết chuẩn bị đồ dùng phù hợp để phục vụ cho trò chơi; biết cách phổ biến cách chơi, luật chơi, lựa chọn hình thức tổ chức trò chơi phù hợp; biết tổ chức trò chơi đảm bảo tính đa dạng, hấp dẫn và sáng tạo; biết nhận xét, đánh giá sau trò chơi.
Biện pháp hướng dẫn sinh viên tổ chức một số trò chơi học tập dạy trẻ 5 đến 6 tuổi làm quen với chữ cái sẽ là tài liệu quý báu cho các giảng viên trong cùng tổ chuyên môn; nâng cao kết quả dạy học học phần Phương pháp phát triển cho trẻ mầm non cho sinh viên các khóa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Kim Dung, Trần Phương Hà, Nguyễn Ngọc Huyền, Đào Hoàng Mai, Phạm Lâm Nguyệt, Trần Kim Uyên, Giáo án tổ chức hoạt động làm quen với văn học và chữ viết cho lớp mẫu giáo 5- 6 tuổi, 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
[2]. Đặng Thành Hưng, Dạy học hiện đại - Lí luận, biện pháp, kĩ thuật”, 2002, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội.
[3]. Lê Thị Huệ, Trần Thị Hương, Phạm Thị Tâm (đồng chủ biên), Thiết kế hoạt động có chủ đích, hoạt động góc và hoạt động ngoài trời trong trường mầm non, trẻ 3-4 tuổi, 4-5 tuổi, 5-6 tuổi, 2013, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
[4]. Nhiều tác giả, Tài liệu học tập một số học phần đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng ngành Mầm non: Tiếng Việt, Văn học, Phương pháp làm quen với văn học, Phương pháp phát triển ngôn ngữ, 2016, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
[5]. Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, 2007, Nhà xuất bản Đà Nẵng.                                                           
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội