Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo dục mầm non - Sự chuyển mình thay đổi trong bối cảnh hiện nay GV:   Trần Thị Hồng Minh , khoa GDTH – MN

 

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam. Giáo dục mầm non (GDMN) nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp 1. Chính vì vậy, giáo dục mầm non giữ vai trò đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định tạo nên thể lực, nhân cách, năng lực phát triển trí tuệ cho trẻ mầm non .

Hiện nay, thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều động lực tăng trưởng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, 5.0 làm cải tiến năng suất và năng lực sản xuất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ, đa chiều đối với tất cả các quốc gia, dân tộc trong đó có Việt Nam, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội đòi hỏi giáo dục Việt Nam trong đó có giáo dục mầm non thời gian tới cần có bước phát triển mới, chuyển biến lớn, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong bối cảnh mới.

NỘI DUNG

  1. Một số xu hướng giáo dục mầm non trên thế giới có ảnh hưởng đến giáo dục mầm non Việt Nam

Trong xu hướng phát triển toàn cầu hiện nay, giáo dục mầm non (GDMN) thế giới cũng có những bước phát triển không ngừng, sự phát triển của các trào lưu và phương pháp giáo dục tiên tiến. Trong đó phải kể đến một số xu hướng về giáo dục mầm non trên thế giới và trong khu vực có ảnh hưởng lớn đến giáo dục mầm non Việt Nam hiện nay.

Xu hướng GDMN ở các nước phương Tây (Anh, Pháp, Thụy Điển, Mĩ….): Lấy trẻ em làm trung tâm của quá trình giáo dục; Khi tổ chức hoạt động trẻ được tự do lựa chon góc chơi, chơi theo nhu cầu, hứng thú của mình, tạo cơ hội được thực hành trải nghiệm, chia sẻ…  Nhà giáo dục với tư cách là “thang đỡ”, “điểm tựa”, quan tâm đến cách dạy trẻ học như thế nào hơn là cho trẻ học cái gì; Họ quan tâm đến phát triển nhận thức của trẻ hơn là đọc, viết, tính toán luôn kích thích trẻ tích cực hoạt động và sáng tạo; Thống nhất quan điểm, trẻ học thông qua chơi và coi chơi là hoạt động chính của trẻ.

 Xu hướng GDMN ở Nga: Coi trọng phát huy tính tích cực và sáng tạo của trẻ trong các hoạt động, đặc biệt là hoạt động vui chơi ở trẻ mẫu giáo; Quan tâm đặc điểm cá nhân của từng trẻ, nhóm trẻ; Giáo viên là người trợ giúp, điều khiển, tạo điều kiện cho trẻ hoạt động; Giữa gia đình, nhà trường và các lực lượng xã hội có sự phối hợp chặt chẽ.

Xu hướng GDMN ở một số nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương ( Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Niu Dilân, Xingapo…): Đi theo hướng giáo dục tích hợp theo chủ đề; Vai trò của người tổ chức: giáo viên cùng với trẻ đưa ra ý tưởng trong từng chủ đề; Nhà giáo dục quan tâm xây dựng môi tường giáo dục lành mạnh, đa dạng, tạo cơ hội điều kiện cho trẻ hoạt động. Nhật Bản; Không dạy chữ và học toán; Giáo dục trẻ thông qua hoạt động chơi, coi chơi là hoạt động trung tâm; Trường được tự chủ không có chương trình khung.

Phát huy các ưu điểm của các xu hướng giáo dục mầm non tiên tiến trên thế giới, GDMN đã tìm được hướng đi của mình nhằm phát triển toàn diện cho trẻ mầm non, tạo nên các thế hệ người Việt Nam có thể chất tốt, có nhân cách, có kĩ năng tốt, có các phẩm chất, có các giá trị cốt lõi phù hợp với từng độ tuổi.

  1. Định hướng phát triển của giáo dục mầm non Việt Nam trong bối cảnh mới

Theo GS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, giáo dục mầm non Việt Nam cần thể hiện rõ nét hơn quan điểm tiếp cận phát triển phẩm chất năng lực trẻ em mầm non phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, hướng đến hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước đó là: Yêu nước, sáng tạo, kỷ luật, trách nhiệm, trung thực, tự lập; các năng lực chung: Giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, tự lực, thích ứng; các năng lực đặc thù về Thể chất, Toán, Khoa học và công nghệ, Khám phá xã hội, Ngôn ngữ, Nghệ thuật, với kết quả mong đợi cuối giai đoạn nhà trẻ, mẫu giáo phù hợp với trẻ mầm non. Nâng cao vị thế xã hội của giáo dục mầm non trong giai đoạn tới. Bảo đảm quyền bình đẳng cho trẻ em Việt Nam trong thụ hưởng giáo dục mầm non có chất lượng và hoà nhập.

 Chương trình GDMN tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập với giáo dục quốc tế. Chú ý nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục trẻ trở thành công dân toàn cầu trong hoàn cảnh cách mạng khoa học công nghệ.

Chương trình GDMN đưa vào làm quen với ngoại ngữ và đưa thêm phần ứng dụng công nghệ; giáo dục quyền con người, giáo dục hòa nhập, giáo dục giới tính vào Chương trình. Chế độ sinh hoạt cần có tính mở để địa phương có thể linh hoạt theo tình hình thực tế vùng miền. Hướng tới mục tiêu nhằm giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành ở trẻ em những phẩm chất và năng lực mang tính nền tảng, phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào lớp một, tạo cơ sở cho việc học tập thành công ở cấp học tiếp theo và học tập suốt đời. 

Các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục nhấn mạnh, làm rõ hơn nữa quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm với phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”.

Giáo dục mầm non không nhấn mạnh vào việc cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng đơn lẻ mà theo hướng tích hợp (tích hợp mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức, đánh giá). Tích hợp nội dung nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện các mặt (thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm - kỹ năng xã hội, thẩm mĩ/ nghệ thuật và sáng tạo...) bảo đảm phù hợp với đặc điểm phát triển và khả năng của trẻ và điều kiện của trường, lớp, địa phương, bảo đảm an toàn, nuôi dưỡng hợp lý, chăm sóc sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần; kết hợp hài hoà giữa chăm sóc và giáo dục, giữa các mặt giáo dục với nhau để phát triển trẻ toàn diện.

Giáo dục mầm non được phát triển theo tiếp cận năng lực, trong đó coi “Năng lực là những gì trẻ em có thể làm được sau quá trình giáo dục”. Năng lực là thành phần cốt lõi tạo ra hệ giá trị con người, năng lực theo nghĩa rộng bao gồm cả các phẩm chất và năng lực chung, các năng lực đặc thù riêng. Các phẩm chất và năng lực nêu trên được thể hiện cụ thể ở kết quả mong đợi cuối độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, biểu thị những gì trẻ em ở độ tuổi đó có thể làm được. Kết quả mong đợi cuối độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo có sự đồng tâm phát triển với nhau và kết quả mong đợi mẫu giáo bảo đảm liên thông với yêu cầu cần đạt ở tiểu học.

Dựa trên mục tiêu và kết quả mong đợi cuối độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo các địa phương và từng cơ sở giáo dục mầm non lựa chọn nội dung giáo dục gần gũi với kinh nghiệm sống của trẻ em và phù hợp với bối cảnh văn hoá của gia đình, cộng đồng, địa phương để xây dựng các chủ đề giáo dục, các hoạt động trải nghiệm, tổ chức cho trẻ em học qua chơi và trải nghiệm bằng phương pháp sư phạm tích hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển và học tập của từng độ tuổi.

Giáo dục mầm non phải là sự cộng tác của các lực lượng giáo dục: là sự phối hợp giữa ba nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà mẹ, đó là sự kết hợp giữa Gia đình - Nhà trường (trường mầm non, trường tiểu học) - Cộng đồng - Xã hội để bảo đảm thực hiện thành công quá trình sư phạm nhằm hình thành được khung kết quả mong đợi theo năng lực ở từng giai đoạn lứa tuổi.

  1. Xu hướng phát triển của GDMN - Yêu cầu đối với giáo viên mầm non để đáp ứng xu hướng đổi mới của giáo dục mầm non hiện nay

Đối với giáo dục mầm non trong xu thế hiện tại, mỗi giáo viên đều phải tự học hỏi cũng như trau dồi kiến thức để có thể trở thành một giáo viên mầm non vừa có tâm vừa có tầm. Các giáo viên mầm non cần phải biết đổi mới phương pháp giáo dục, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy sáng tạo.

Trước đây, khi nói về việc dạy học cho trẻ mầm non chắc chắn mọi người sẽ cho rằng bạn chỉ cần kể chuyện, dạy múa hoặc hát cho trẻ là xong. Bởi quan niệm rằng trẻ con đã biết gì đâu mà dạy dỗ … Tuy nhiên, giáo dục mầm non thực tế hiện nay lại giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên tính cách đặc biệt là sự phát triển của trẻ sau này.

Chính vì thế việc đổi mới phương pháp giáo dục mầm non là điều hết sức cần thiết để có thể giúp trẻ tự khám phá và tìm hiểu bằng chính sự sáng tạo của mình một cách tự nhiên nhất có thể. Từ đó sẽ mang lại sự hứng thú cho trẻ. Đây chính là xu hướng mới trong giáo dục mầm non ở nước ta hiện nay.

Giáo viên mầm non phải trở thành một người nghệ sĩ thực thụ. Không chỉ đơn thuần là trông và dạy trẻ như trước đây hiện nay mỗi giáo viên đều phải tự học hỏi và trau dồi kiến thức để trở thành một người nghệ sĩ thực thụ. Đơn giản nhất là các giáo viên mầm non cần phải biết cách hướng dẫn cũng như phải giải thích một cách đơn giản nhất mà trẻ vẫn có thể hiểu được điều mình muốn nói. Các giáo viên mầm non cần phải gắn bó thân thiết với trẻ để trẻ có thể thoải mái chia sẻ cách nghĩ của mình, các giáo viên mầm non có thể sáng tác ra các điệu múa mới hoặc có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch của trẻ…. Cần phải khiến trẻ coi mình là một người bạn thực sự.

Giáo dục mầm non hiện đại hướng đến việc để trẻ chơi mà học, học mà chơi.  Hiện nay, một môi trường tốt cho trẻ không phải chỉ đơn thuần là nơi có đầy đủ cơ sở vật chất, thoáng mát, rộng rãi … mà còn phải đảm bảo được sự tương tác giữa các bé với nhau, các bé với giáo viên mầm non và sự tương tác với thế giới thực tế bên ngoài. Nền giáo dục mầm non hiên tại đang ngày càng chú trọng hơn với trẻ để cho trẻ thoái mái vui chơi theo cách riêng của mình. Giúp cho bé phát triển khả năng tư duy và sáng tạo của trẻ.

Ngoài ra, trường học còn phải là nơi giúp cho trẻ trải nghiệm được những kỹ năng sống thực tế trong cuộc sống. Đồng thời rèn luyện cho các có tính giác ngay từ khi còn nhỏ, bé sẽ được dạy cách tự đi giày, tự mặc quần áo …. Có thể lúc đầu bé sẽ làm rất chậm nhưng dần dần các bé sẽ quen hơn. Từ những việc như vậy trẻ đã học được cách tự giác cũng như có đức tính tự lập …

Xu hướng chuyên nghiệp hóa giáo dục mầm non được thể hiện bằng việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục mầm non.  Đối với các ứng dụng CNTT không chỉ giúp cô giáo có thể dễ dàng quản lý trẻ mà còn giúp cho phụ huynh của trẻ dễ dàng kết nối thông tin với nhà trường. Dù có ở bất cứ đâu thì phụ huynh cũng có thể dễ dàng biết được con em mình hiện đang làm gì và có được chăm sóc tốt hay không? Đối với những đổi mới trong giáo dục mầm non khiến phụ huynh càng thêm tin tưởng khi cho con đi học tại các trường mầm non.

Xu hướng áp dụng chương trình giáo dục linh hoạt. Một trong những xu hướng lớn trong việc giáo dục mầm non chính là xu hướng áp dụng những chương trình linh hoạt, các quốc gia đi đầu trong xu hướng này đang chuyển hướng từ phương thức giáo dục truyền thống với cách giảng dạy theo giáo trình cứng nhắc và theo quy tắc. Được chuyển sang mô hình giáo dục linh hoạt trong đó các cô giáo sẽ nhận định được khả năng riêng của từng học sinh để áp dụng chương trình dạy và học cho trẻ.

Xu hướng áp dụng chương trình giáo dục linh hoạt đã đem lại kết quả tốt trong giáo dục trẻ trong những năm đầu đời,  sự  linh hoạt hơn trong quá trình lự chọn nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục đòi hỏi các giáo viên phải có tay nghề cao hơn và có khả năng thực hiện kế hoạch học tập cho trẻ của họ. Điều này đồng thời cũng đang củng cố xu hướng chuyên nghiệp hóa trong giáo dục mầm non.

KẾT LUẬN

Trước bối cảnh phát triển như vũ bão của công nghệ 4.0,5.0, xu thế hội nhập của các nước, các trào lưu, các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới hội nhập vào Việt Nam đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ của GDMN Việt Nam. Sự thay đổi này đặt ra  yêu cầu đối với một người giáo viên mầm non để bắt kịp xu thế mới đòi hỏi phải có năng lực: Quan sát và nhìn nhận; truyền cảm hứng; thích ứng nhanh với sự thay đổi; đam mê học hỏi và khám phá; dám thử và trải nghiệm, đáp ứng vai trò: “Giáo viên mầm non chính là kiến trúc sư xây dựng nền tảng cho sự học suốt đời của trẻ”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chương trình giáo dục mầm non (2021), Bộ GD&ĐT, NXB Giáo dục

2. Công văn số 277/BGDĐT – GDMNKế hoạch số 56/KH-BGDĐT ngày 25/1/2017 về kế hoạch triển khai chuyên đề và hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề “ Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 – 2020.

3. Hoàng Thị Phương – chủ biên (2021), Tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm cho trẻ ở trường mầm non, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội

4. Tập thể tác giả (2020) Hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non (Các tập từ nhà trẻ đến mẫu giáo lớn), NXB GD

5. Hội thảo: GDMN đương đại Việt Nam: Tái định nghĩa và chuyển mình thay đổi, 25-26 tháng 3/2023, Đại học Sư phạm Hà Nội

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội