Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biện pháp quản lí, phát triển công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học – Mầm non theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quá trình đào tạo TS. Nguyễn Thị Thắng Khoa GD Tiểu học – Mầm non

 

 

1. Đặt vấn đề

Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của một người giảng viên (GV) trong quá trình công tác tại hệ thống các trường Cao đẳng, Đại học bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy. Tại khoa Giáo dục Tiểu học – Mầm non (GD TH-MN), Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh (CĐSPBN), hoạt động NCKH của GV luôn được quan tâm và trở thành nhiệm vụ bắt buộc hàng năm của GV, song song với nhiệm vụ giảng dạy và các hoạt động chuyên môn khác. Tuy nhiên, quản lí và phát triển công tác NCKH của các GV trong khoa như thế nào để vừa nâng cao năng lực NCKH của GV vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quá trình đào tạo của Nhà trường là bài toán đặt ra cho người làm công tác quản lí cần giải quyết. Vì vậy, trong bài viết này, tác giả nghiên cứu và đề xuất các biện pháp quản lí, phát triển công tác NCKH của GV khoa GD TH-MN để vừa đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ NCKH của GV vừa nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu, nâng cao tính ứng dụng và cập nhật nội dung chương trình giáo dục đào tạo trong tình hình mới.

2. Nội dung

2.1. Khái quát tình hình NCKH của GV khoa GD TH-MN

Khoa GD TH-MN là một đơn vị luôn đi đầu trong công tác NCKH của Nhà trường. Các GV trong khoa cũng luôn coi nhiệm vụ NCKH là quan trọng và dành nhiều thời gian, tâm sức tìm tòi các vấn đề, nội dung nghiên cứu trong quá trình công tác và hoạt động chuyên môn. Số lượng các đề tài/ tài liệu học tập, số lượt seminar của GV trong khoa luôn dẫn đầu so với các đơn vị trong trường. Bảng thống kê các sản phẩm NCKH của GV trong khoa sau đây thể hiện rõ điều này:

BẢNG THỐNG KÊ SỐ LƯỢNG BÀI BÁO, ĐỀ TÀI NCKH,

BÁO CÁO SEMINAR GIAI ĐOẠN 2020 – 2022

(Đối chiếu số liệu của Khoa GD TH-MN với toàn Trường CĐSPBN)

Năm học

Số lượng đề tài/TLHT

Tạp chí, bài báo khoa học T.W, địa phương

Bài hội thảo, triển lãm T.W, khu vực

Báo cáo seminar

Tổng

 

Khoa GD TH-MN

Trường

Khoa GD TH-MN

Trường

Khoa GD TH-MN

Trường

Khoa

GD TH-MN

Trường

Khoa

GD TH-MN

Trường

2020-2021

14

50

6

13

2

3

110

250

133

316

2021-2022

12

54

11

11

3

3

147

390

173

459

Năm học 2022-2023, có 12 đề tài NCKH và 01 tài liệu học tập được các GV trong khoa đăng kí thực hiện; tính đến hết tháng 12 năm 2022, các GV trong khoa GD TH-MN đã thực hiện thành công 94 lượt báo cáo seminar đề tài NCKH và chuyên môn, 04 bài Hội thảo Trung ương và địa phương.

Hàng năm, 100% các GV trong khoa tích cực viết bài về chuyên môn nghiệp vụ, nội dung đổi mới sáng tạo đăng trên website của Trường (trung bình 02 bài/1GV/ năm học).

Với kết quả trên đây, có thể thấy hoạt động NCKH của GV trong khoa ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo của khoa và Nhà trường. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển hoạt động NCKH của GV trong khoa theo hướng tích cực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quá trình đào tạo của Nhà trường và xã hội, khoa cần có những biện pháp quản lí cụ thể theo hướng chú trọng đến tính ứng dụng và cập nhật chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018), ưu tiên nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, các hình thức tổ chức dạy học hiệu quả... Bên cạnh đó, sự thay đổi trong quy chế đào tạo, chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn giáo dục đào tạo hiện tại của Nhà trường trong giai đoạn mới cũng ảnh hưởng đến việc định hướng hoạt động NCKH của GV sao cho phù hợp với tình hình mới.

2.2. Các biện pháp quản lí, phát triển công tác NCKH của GV khoa GD TH-MN theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quá trình đào tạo

2.2.1. Định hướng hoạt động NCKH của GV trong khoa phù hợp với năng lực chuyên môn, với chuyên ngành đào tạo của khoa và Nhà trường

- Mục đích của biện pháp: Việc định hướng hoạt động NCKH của GV trong khoa mỗi năm học sẽ góp phần quản lí và phát triển các nội dung NCKH của GV theo đúng định hướng NCKH của Nhà trường, phù hợp với chuyên ngành đào tạo giáo viên mầm non của khoa và Trường. Đồng thời, việc này sẽ bước đầu hỗ trợ các GV trong việc tìm tòi, khai thác các vấn đề, đề tài nghiên cứu đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quá trình đào tạo.

- Nội dung và cách thức thực hiện: Hàng năm, vào đầu năm học, sau khi có công văn định hướng hoạt động NCKH của Trường, Lãnh đạo khoa sẽ thông báo và yêu cầu các GV trong khoa nghiên cứu công văn, tìm hiểu trước các nội dung trong định hướng NCKH của Nhà trường. Sau đó, khoa tổ chức hội nghị chuyên môn với sự tham dự của GV trong khoa công khai nội dung định hướng NCKH trong công văn, xem xét các nội dung phù hợp với chuyên ngành đào tạo giáo viên mầm non của khoa và Nhà trường. Lãnh đạo khoa/ tổ chuyên môn sẽ đưa ra định hướng một số nội dung nghiên cứu phù hợp với năng lực chuyên môn của GV trong từng tổ bộ môn, với tình hình thực tế và nhu cầu đào tạo hiện tại của khoa và Nhà trường. Một số vấn đề nghiên cứu cần luôn được ưu tiên như: nghiên cứu và cập nhật các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới, các hình thức tổ chức dạy học hiệu quả, các biện pháp hướng dẫn sinh viên phương pháp tự học tự nghiên cứu, các phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ mầm non… Ngoài ra, các vấn đề về cập nhật chương trình GDPT 2018 trong đào tạo ở trường sư phạm cũng cần được quan tâm, các nội dung giáo dục địa phương theo chương trình mới, cách thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm… Sau khi khoa/ tổ chuyên môn đưa ra các vấn đề định hướng, GV trong từng tổ chuyên môn sẽ căn cứ năng lực thực tế của mình, nhu cầu cần thiết của Chương trình đào tạo và xã hội trong giai đoạn hiện tại để lựa chọn nội dung vấn đề/ đề tài nghiên cứu cụ thể. Các vấn đề/ đề tài nghiên cứu này sẽ tiếp tục được xét duyệt về tính cấp thiết của đề tài trong tổ chuyên môn trước khi gửi về Hội đồng khoa học của Trường.

- Điều kiện thực hiện: Lãnh đạo khoa/ tổ chuyên môn cần luôn bám sát kế hoạch hoạt động NCKH của Nhà trường để triển khai kế hoạch về khoa/ tổ cụ thể và sớm nhất, có kế hoạch định hướng sớm để GV có thời gian tư duy, nghiên cứu, lựa chọn nội dung/ đề tài nghiên cứu phù hợp với năng lực của bản thân mà vẫn đáp ứng nhu cầu thực tiễn. GV có năng lực NCKH, trình độ chuyên môn, có trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ để hoàn thành nhiệm vụ NCKH đúng kế hoạch, đạt hiệu quả cao.

2.2.2. Khuyến khích và tạo điều kiện cho GV tham gia NCKH trong và ngoài Trường

- Mục đích của biện pháp: Tạo cơ hội cho GV được tham gia các diễn đàn NCKH, mở rộng tầm hiểu biết về các lĩnh vực khoa học thuộc chuyên ngành của bản thân hoặc ngành đào tạo của khoa và Nhà trường; phát triển kĩ năng viết bài NCKH đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương, các bài viết tham gia hội thảo các cấp; được học hỏi và phát triển các kĩ năng NCKH nói chung, kĩ năng báo cáo, thuyết trình một vấn đề khoa học, một nội dung chuyên môn trong hội nghị, hội thảo nói riêng; góp phần nâng cao tính ứng dụng của các đề tài, nội dung nghiên cứu khoa học của GV, tăng cường chuyển giao công nghệ giữa trường sư phạm với các cơ sở giáo dục phổ thông.  Điều này không chỉ giúp cho GV có cơ hội mở rộng giao lưu khoa học mà còn góp phần phát triển hiệu quả khả năng chuyên môn của GV, củng cố vị thế của một người nghiên cứu khoa học trong môi trường giáo dục chuyên nghiệp.

- Nội dung và cách thức thực hiện: Lãnh đạo khoa/ tổ chuyên môn luôn nêu cao tinh thần NCKH, coi nhiệm vụ NCKH là nhiệm vụ bắt buộc và quan trọng của người GV, tuyên truyền, động viên, khuyến khích các GV tham gia đăng kí các đề tài NCKH cấp trường, cấp ngành, các tài liệu học tập/ tham khảo cho sinh viên trong trường. Ngoài thời gian lên lớp, Lãnh đạo khoa/ tổ chuyên môn cần tạo điều kiện trong quá trình công tác cho GV dành thời gian NCKH một cách hợp lí. Lãnh đạo khoa/ tổ chuyên môn cần tìm tòi các nguồn thông tin về các cuộc Hội thảo khoa học các cấp thông báo đến GV, khuyến khích và động viên GV tham gia viết bài Hội thảo, bài đăng các tạp chí chuyên ngành Trung ương và địa phương, khi cần thiết có thể hỗ trợ, gợi ý các vấn đề, nội dung nghiên cứu cho GV. Để phát triển kĩ năng viết bài nghiên cứu cho GV và nâng cao chất lượng các bài viết công bố các nghiên cứu khoa học của GV trong quá trình công tác, Lãnh đạo khoa lập kế hoạch viết bài đăng website Trường từ đầu mỗi năm học, phân công mỗi GV viết ít nhất 02 bài/ năm học đăng trên website Trường. Tổ trưởng chuyên môn là người kí duyệt và chịu trách nhiệm về chất lượng các bài viết của GV trong tổ chuyên môn. Khi có điều kiện, Lãnh đạo khoa/ tổ chuyên môn có thể liên hệ các nhà xuất bản đặt hàng các loại tài liệu/ sách tham khảo cho chương trình GDPT 2018, huy động các GV có chuyên môn, có khả năng NCKH thành lập các nhóm viết các loại sách/ tài liệu tham khảo theo đơn đặt hàng hoặc theo nhu cầu giáo dục đào tạo hiện nay, tạo cơ hội cho GV tham gia NCKH và phát triển chuyên môn bền vững.

- Điều kiện thực hiện: Lãnh đạo khoa/ tổ chuyên môn có năng lực NCKH tốt, có ý thức cao trong việc phát triển công tác NCKH của GV trong khoa, tổ bộ môn; tích cực tìm tòi các vấn đề chuyên môn, các đề tài NCKH, các cuộc hội thảo, tạp chí khoa học chuyên ngành… phù hợp với năng lực khoa học của GV. GV trong khoa cần luôn có ý thức học hỏi, phát triển khả năng NCKH của bản thân, nhiệt tình và có năng lực về chuyên môn và NCKH, có ý thức phối hợp nhóm, giúp đỡ đồng nghiệp cùng phát triển trong quá trình NCKH.

2.2.3. Giám sát và hỗ trợ GV (khi cần thiết) trong quá trình NCKH

- Mục đích của biện pháp: Để hoạt động NCKH của GV trong khoa đi đúng hướng, hoàn thành đúng kế hoạch và đảm bảo về chất lượng các sản phẩm NCKH.

- Nội dung và cách thức thực hiện: Lãnh đạo khoa/ tổ chuyên môn cần thường xuyên giám sát và hỗ trợ GV trong khoa/ tổ chuyên môn khi cần thiết trong suốt quá trình NCKH bằng cách: thông báo kế hoạch hoạt động NCKH của Nhà trường cho toàn thể các GV; đề ra kế hoạch hoạt động, từng bước thực hiện các hoạt động NCKH dưới sự giám sát của tổ trưởng chuyên môn; yêu cầu GV đăng kí kế hoạch thực hiện báo cáo seminar các nội dung NCKH theo từng tháng theo kế hoạch của Nhà trường và giám sát việc thực hiện đúng kế hoạch, có chất lượng các báo cáo seminar trong từng tổ chuyên môn (thể hiện bằng hệ thống các báo cáo, biên bản seminar theo từng buổi). Nếu gặp khó khăn trong quá trình triển khai kế hoạch NCKH các GV có thể đề xuất, nêu ý kiến để được hỗ trợ kịp thời trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu. Lãnh đạo khoa/ tổ chuyên môn có thể hỗ trợ các GV trong khoa/ tổ những vấn đề như: gợi ý các nội dung, vấn đề nghiên cứu phù hợp với năng lực của GV và đáp ứng nhu cầu cần thiết của chương trình đào tạo khi GV chưa tìm được nội dung, vấn đề nghiên cứu phù hợp; tư vấn, gợi ý các nội dung cần thiết để triển khai nội dung, vấn đề, đề tài nghiên cứu khi GV thực hiện triển khai chưa đúng hướng hoặc chưa hợp lí với đề tài/ vấn đề nghiên cứu (trong quá trình seminar đề cương và nội dung đề tài/ vấn đề nghiên cứu); tư vấn, hỗ trợ GV cách thức, nội dung, yêu cầu thực hiện thực nghiệm đề tài/ nội dung nghiên cứu nếu GV gặp khó khăn…

- Điều kiện thực hiện: Lãnh đạo khoa/ tổ chuyên môn có năng lực NCKH tốt, luôn sát sao quan tâm đến hoạt động NCKH của các GV trong khoa/ tổ chuyên môn, mong muốn hoạt động NCKH của GV có chất lượng tốt, đạt hiệu quả cao. GV trong khoa/ tổ bộ môn luôn có ý thức cầu tiến trong NCKH, báo cáo khách quan, trung thực tiến độ và chất lượng các nội dung nghiên cứu, đề xuất kịp thời các ý kiến cần được tư vấn, những khó khăn cần được giải quyết hoặc hỗ trợ trong quá trình thực hiện nghiên cứu của bản thân.

3. Kết luận

Để quản lí, phát triển công tác NCKH của GV trong khoa một cách thực sự hiệu quả, có chất lượng, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình đào tạo cũng như nhu cầu của xã hội trong tình hình mới hiện nay cần có sự đồng lòng nhất trí của toàn thể các GV trong đơn vị. Bên cạnh các cán bộ quản lí khoa và tổ bộ môn có năng lực chuyên môn cao, khả năng NCKH tốt, có ý thức nâng cao chất lượng, hiệu quả các sản phẩm NCKH của GV thì đội ngũ GV trong khoa/ tổ bộ môn cần luôn có ý thức cầu tiến, mong muốn được phát triển năng lực bản thân trong quá trình tham gia NCKH, nhiệt tình, tâm huyết trong công tác, có ý thức giúp đỡ đồng nghiệp cùng tiến bộ. Với một đội ngũ có năng lực đủ mạnh và thực sự tâm huyết với hoạt động NCKH chắc chắn việc quản lí, phát triển công tác NCKH của GV trong khoa sẽ đạt hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của chương trình đào tạo và nhu cầu của xã hội.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội