Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biện pháp “Điệp” trong một số sáng tác của Trần Đăng Khoa trong chương trình Tiếng Việt ở tiểu học - Giảng viên: Ths. Phùng Thị Hiền

 

Trần Đăng Khoa là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông được giới nghiên cứu, phê bình văn học và những người yêu văn chương nghệ thuật dành tặng những mĩ từ như:“Thần đồng thi ca Việt Nam, Nhà thơ thần đồng, Nhà thơ mục đồng”... Bên cạnh những đặc sắc về nội dung, thơ Trần Đăng Khoa còn để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc bởi những đặc sắc của nghệ thuật ngôn từ. Một trong các biện pháp nghệ thuật được nhà thơ sử dụng trong các sáng tác của mình là biện pháp “điệp”.

Trong cuốn Giáo trình Tiếng Việt 3, NXBGD xuất bản năm 1998, tác giả Hoàng Văn Thung và tác giả Lê A định nghĩa như sau: “Điệp ngữ là lặp lại có ý thức từ ngữ nhằm mục đích nhấn mạnh ý, mở rộng ý, gây ấn tượng mạnh hoặc gợi ra những cảm xúc trong lòng người đọc” [7;  267].Điệp có rất nhiều loại: điệp âm, điệp vần, điệp thanh, điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc. Trong các sáng tác của Trần Đăng Khoa trong chương trình Tiếng Việt tiểu học, biện pháp điệp từ, điệp ngữ và điệp cấu trúc thể hiện rõ hơn cả.

Trong các bài thơ Trần Đăng Khoa ở chương trình Tiếng Việt tiểu học, số bài được sử dụng điệp ngữ tuy ít nhưng cũng đủ tạo ra nét khác lạ cho thơ ông.Ở bài thơ Trăng ơi… từ đâu đến?, tác giả đã sử dụng rất thành công biện pháp điệp cấu trúc câu:

“Trăng ơi từ đâu đến

Hay từ cánh rừng xa

...

Trăng ơi từ đâu đến

Hay biển xanh diệu kì

...

Trăng ơi từ đâu đến

Hay từ một sân chơi

 

Trăng ơi từ đâu đến

Hay từ lời mẹ ru

...

Trăng ơi từ đâu đến

Hay từ đường hành quân

...

Trăng từ đâu từ đâu

Trăng đi khắp mọi miền

Trăng ơi có nơi nào

Sáng hơn đất nước em”

(Trăng ơi…từ đâu đến?)

Trăng ơi từ đâu đếnđược lặp đi lặp lại tới sáu lần và đấy cũng chính là tên của bài thơ. Đó là cái cớ để gọi, là cách vào đề độc đáo, sáng tạo, gây tò mò hứng thú cho người đọc.  Nhà thơ đặt câu hỏi để đi tìm nguồn gốc của trăng. Câu hỏi tu từ bắt đầu bằng cụm từ “hay từ…” được lặp lại nhiều lần như vừa nêu ra những thắc mắc rất hồn nhiên trẻ thơ mà cũng rất thông minh và thú vị.

Trong bài “Khimẹ vắng nhà”, tác giả còn sử dụng điệp ngữ đểnhấn mạnh thời gian được tái hiện trong thơ. Điệp ngữ “Khi mẹ vắng nhà”, “mẹ về” trong các câu thơ đã nhấn mạnh thời gian, nhấn mạnh những việc làm của em bé “khi mẹ vắng nhà” và thành quả công việc đã hoàn thành khi “mẹ về”. Sự lặp đi lặp lại các cụm từ đó đã nêu bật được sự chăm chỉ cũng như tình cảm yêu quý của em bé với mẹ.“Khi mẹ vắng nhà” em bé đã chăm chỉ làm lụng giúp đỡ mẹ. Những công việc em làm đều là những công việc hằng ngày rất bình dị, nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa. Em muốn giúp mẹ, giúp chị làm những công việc nhà, san sẻ bớt những gánh nặng đè lên đôi vai mẹ, đem lại niềm vui cho mọi người trong gia đình.

“Khi mẹ vắng nhà, em luộc khoai

Khi mẹ vắng nhà, em cùng chị giã gạo

Khi mẹ vắng nhà, em thổi cơm

Khi mẹ vắng nhà, em nhổ cỏ vườn

Khi mẹ vắng nhà, em quét sân và quét cổng

Sớm mẹ về thấy khoai đã chín

Buổi mẹ về, gạo đã trắng tinh

Trưa mẹ về, cơm dẻo và ngon

Chiều mẹ về, cỏ đã quang vườn”

“Tiếng võng kêu cũng là một bài thơ sử dụng điệp ngữ khá nhiều lần. Tiếng võng “kẽo cà kẽo kẹt” là hình ảnh thơ lặp đi lặp lại 6 lần trong bài. Tiếng võng nghe kẽo kẹt khô khan và mệt mỏi nhưng với Trần Đăng Khoa, tiếng võng kêu như chứa đựng cả một thế giới tuổi thơ đầy êm đềm và mơ mộng… Người anh ru em bằng tiếng võng giản dị. Tiếng võng rất quen thuộc với trẻ em nông thôn nhưng trong thơ Khoa lại trở thành thiên sứ mang những giấc mơ đẹp cho các em bởi nó được đưa đẩy bằng tất cả tình thương, chăm sóc của người anh:

Kẽo cà kẽo kẹt

Kẽo cà kẽo kẹt

Tay em đưa đều

Ba gian nhà nhỏ

Đầy tiếng võng kêu.

Kẽo cà kẽo kẹt

Bé Giang ngủ rồi

Tóc bay phơ phất

Vương vương nụ cười.

Trong giấc mơ em

Có gặp con cò

 

Lặn lội bờ sông?

Có gặp cánh bướm

Mênh mông, mênh mông?

Em ơi cứ ngủ

Tay anh đưa đều

Ba gian nhà nhỏ

Đầy tiếng võng kêu

Kẽo cà kẽo kẹt

Kẽo cà kẽo kẹt

Kẽo cà

Kẽo kẹt...

 (Tiếng võng kêu).

 

    Bài thơ“Hạt gạo làng ta” cũng là bài thơ nhà thơ Trần Đăng Khoa sử dụng rất nhiều điệp ngữ. Câu thơHạt gạo làng tavừa là nhan đề vừa được lặp lại 5 lần trong bài để nói lên sự quý giá của hạt gạo – hạt vàng. Câu thơ được nhắc đi nhắc lại cùng với điệp từ “có” xuất hiện liên tiếp như để nhắc nhở cho mọi người biết hạt gạo là kết tinh của truyền thống văn hóa, của sự vất vả nhọc nhằn của người lao động, của thiên nhiên khắc nghiệt và cả âm vang thời đại. Mỗi lần điệp lại câu thơ Hạt gạo làng ta là một cách nói khác về giá trị của hạt gạo. Để cuối cùng “ hạt gạo” trở thành “ hạt vàng” thật đẹp và xứng đáng với vai trò của nó:

“Hạt gạo làng ta

Có vị phù sa…

Có hương sen thơm…

Có lời mẹ hát…

Hạt gạo làng ta

Có bão tháng bảy…

… Hạt gạo làng ta

 

Có công các bạn…

… Hạt gạo làng ta

Những năm bom Mĩ…

Hạt gạo làng ta

Gửi ra tiền tuyến

… Hạt vàng làng ta”.

(Hạt gạo làng ta)

Trần Đăng Khoa là một nhà thơ lớn trong chương trình Tiếng Việt tiểu học. Ông không chỉ ghi dấu ấn trong lòng người đọc bằng một tâm hồn thơ dung dị, gần gũi với làng quê, một tâm hồn thơ trong trẻo đầy hồn nhiên trẻ thơ mà còn làm người đọc ấn tượng sâu sắc ở những đặc sắc về mặt nghệ thuật. Bằng trí tưởng tượng phong phú cùng những dụng công về thể thơ, những biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh, điệp…, thơ Trần Đăng Khoađặc biệt sinh động, hấp dẫn, thu hút người đọc ở mọi lứa tuổi.

 

Tài liệu tham khảo

1.Hoàng Thị Hạnh, Tìm hiểu vài nét về thế giới nghệ thuật trong thơ Trần Đăng Khoa giai đoạn thiếu nhi, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, 1989

2.Hoàng Văn Thung, Lê A, Giáo trình Tiếng Việt 3, NXB Giáo dục, 1998

3.Lã Thị Bắc Lý –Giáo trình Văn học trẻ em – NXB Đại học Sư Phạm, 2003.

4 .Nhiều tác giả -Bộ sách Tiếng Việt Tiểu học, NXB Giáo Dục, 2006

5.Trần Thúy Hằng – Vương Hồng Nhung – Nguyến Thị Thắng, Văn học(Tài liệu học tập một số học phần đào tạo giáo viên trình độ Cao đẳng), NXB Giáo Dục Việt Nam, 2016.

6.Trần Đăng Khoa, Tập thơ Góc sân và khoảng trời, NXB Văn hóa thông tin, 2002.


Nguồn:cdspbacninh.edu.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội