Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng âm trong tiếng Việt – Từ hiện tượng ngôn ngữ đến nghệ thuật chơi chữ - Ths. Phùng Thị Hiền

 

 

                                                             

 

I. Đặt vấn đề

 

Đồng âm là một hiện tượng ngôn ngữ phổ biến ở nhiều ngôn ngữ. Trong tiếng Việt, đồng âm là một hiện tượng ngôn ngữ tương đối đặc biệt. Dựa trên đặc điểm, cơ chế hoạt động của từ đồng âm, người Việt đã vận dụng thành một thủ pháp nghệ thuật độc đáo – nghệ thuật chơi chữ.

 

II.Nội dung

 

  1. 1.Từ đồng âm

 

Từ đồng âm là những từ trùng nhau về hình thức ngữ âm nhưng khác nhau về nghĩa.

 

Ví dụ: cá thu – mùa thuthu hoạch

 

           Cây đayđay nghiến

 

Cốc đầu – cốc nước – chim cốc

 

               Vì tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ đơn lập, phân tiết tính nên việc phân loại từ đồng âm có điểm khác so với các ngôn ngữ hòa kết khác. Cụ thể như sau:

 

               Những từ đồng âm thì luôn đồng âm trong mọi tình huống sử dụng. Do từ tiếng Việt được tạo ra từ đơn vị cơ sở là tiếng nên đồng âm giữa từ với từ được tạo ra trên cơ sở đồng âm tiếng với tiếng.Điều này đã được triệt để khai thác khi sử dụng đồng âm trong nghệ thuật chơi chữ.

 

               Hiện tượng đồng âm có thể xuất hiện ở nhiều cấp độ như cụm từ, từ hoặc các yếu tố cấu tạo từ. Tuy nhiên, đồng âm thường xảy ra phổ biến ở những đơn vị có kích thước vật chất không lớn, tức là có thành phần ngữ âm không phức tạp. Vì vậy, đồng âm giữa từ với từ là chủ yếu. Đồng âm giữa từ với cụm từ hoặc cụm từ với cụm từ thì rất ít.

 

       Ví dụ:

 

-         Đồng âm giữa từ với từ

 

+ Đồng âm từ vựng (cùng từ loại): đường (ăn) – đường (đi)

 

+ Đồng âm từ vựng – ngữ pháp (khác từ loại): câu (nói vài câu) – câu (rau câu) – câu (chim câu) – câu (câu cá)

 

-         Đồng âm giữa từ và tiếng (hình vị):

 

Con trai Văn Cốc lên dốc bắn , đứng lăm le cười khanh khách. Con gái Bát Chàng bán hàng thịt ếch ngồi châu chẫu nói ương ương.

 

               Hiện tượng từ đồng âm có mặt trong ngôn ngữ là một tất yếu vì số lượng các đơn vị ngôn ngữ (hình vị (tiếng), từ, cụm từ) trong một ngôn ngữ là rất lớn. Trong khi, khả năng tạo lập và khả năng ghi nhớ số lượng vỏ âm thanh ngôn ngữ của con người chỉ có giới hạn nhất định.Vì vậy, con người cố “nén” những đơn vị ngôn ngữ với nghĩa khác nhau trong một vỏ ngữ âm giống nhau. Ngoài ra, kho từ vựng của mỗi ngôn ngữ lại đều xảy ra các hiện tượng như tiếp nhận từ ngữ ngoại lai du nhập vào hoặc bản thân ngôn ngữ đó trong quá trình sử dụng có sự biến đổi ngữ âm, rút gọn những từ đa âm tiết hoặc phân tách các nét nghĩa của từ đa nghĩa. Vì vậy, hiện tượng đồng âm trở nên phổ biến.

 

               Điều đáng nói là người Việt đã vận dụng từ đồng âm trong cuộc sống, đặc biệt là trong văn chương một cách độc đáo nhằm mang lại những hiệu quả bất ngờ, thú vị.Từ đồng âm là cơ sở cho nghệ thuật chơi chữ.

 

  1. 2.Nghệ thuật chơi chữ

 

               Từ điển Tiếng Việt giải thích: "Chơi chữ là lợi dụng hiện tượng đồng âm, đa nghĩa, v.v, … trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm, hài hước, …) trong lời nói. (Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, NXB GD, Hà Nội, 1994).

 

               PGS. TS Hữu Đạt thì xem chơi chữ là một đặc điểm độc đáo của ngôn ngữ thơ Việt Nam và nêu định nghĩa: "Chơi chữ là một biện pháp tu từ nghệ thuật dựa vào những khả năng tiềm tàng của ngôn ngữ, vận dụng linh hoạt đơn vị cơ bản của tu từ học (là chữ hoặc tiếng) đặt nó trong mối quan hệ nhiều chiều, nhiều phía với các đơn vị cùng bậc và khác bậc, nhằm khai thác tính chất nước đôi của các đơn vị ngôn ngữ dựa vào sự hiện diện của văn cảnh". (Hữu Đạt, Ngôn ngữ thơ Việt Nam, NXB GD, Hà Nội, 1996).

 

               Từ hai định nghĩa trên có thể thấy rằng, chơi chữ là một thủ pháp nghệ thuật độc đáo được người sử dụng ngôn ngữ tạo ra dựa trên sự am hiểu và điêu luyện trong việc sử dụng ngôn ngữ nhằm đạt những hiệu quả đặc biệt trong giao tiếp cũng như văn chương. Chơi chữ vận dụng rất nhiều hiện tượng ngôn ngữ và cách thức sử dụng ngôn ngữ khác nhau như nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ đồng nghĩa, tách từ…Bài viết chỉ tập trung khai thác nghệ thuật chơi chữ dựa trên hiện tượng đồng âm trong văn chương.

 

               Trong ca dao, có thể gặp chơi chữ dựa trên hiện tượng đồng âm qua các ví dụ sau:

 

 

 


Cóc chết bỏ nhái mồ côi,
Chẫu ngồi chẫu khóc :" Chàng ơi là chàng"
Ễnh ương đánh lệnh đã vang,
Tiền đâu mà trả nợ làng ngoé ơi

 

               Tác giả dân gian tập hợp trong bài ca dao này các con vật cùng loài với cóc: nhái, chẫu chuộc, chẫu chàng, ễnh ương, ngoé. Cơ sở của chơi chữ ở đây là tác giả đã vận dụng hiện tượng đồng âmtrong từ "chàng". Từ “chàng” vừa là hình thức ngữ âm để gọi tên con vật (chẫu chàng) vừa là đại từ chỉ người trong cặp đại từ nhân xưng cổ: chàng – nàng. Từ “làng” vốn khác hình thức ngữ âm với “nàng” nhưng cũng được sử dụng nhằm tạo ra những liên tưởng đồng âm thú vị.

 

               Hiện tượng này cũng lặp lại tương tự trong bài ca dao dưới đây:

 

Anh Hươu đi chợ Đồng Nai

 

Bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò

 

Sự dí dỏm, vui tươi mà người đọc thấy được ở đây là một loạt các con vật được nhắc tên trong hai câu ca dao này: hươu, nai, nghé, bò mặc dù thông tin trên hình thức ngôn ngữ không phải như vậy.

 

               Hay như những câu ca dao dưới đây, tác giả dân gian đã vận dụng đồng âm để tạo ra hiện tượng chơi chữ rất độc đáo:

 

Chị Xuân đi chợ mùa hè

 

Mua cá thu về, chợ hãy còn đông

 

Ai nói với anh em đã có chồng?

 

Bực mình đổ cá xuống sông em về.

 

               Người đọc thấy được sự vận dụng hiện tượng đồng âm trong một loạt các từ như: Xuân (tên người) – mùa xuân; cá thu – mùa thu; đông (người) – mùa đông. Dưới cái vỏ thông tin đơn thuần, thông qua cơ chế nước đôi của cùng âm nhiều nghĩa, người đọc thấy cả bốn mùa trong năm được tập hợp đầy đủ trong những câu ca dao trên.

 

Chơi chữ dựa vào đồng âm có thể kết hợp khai thác đồng thời nhiều hiện tượng ngôn ngữ cùng lúc. Điều này có thể thấy rõ thông qua việc khai thác cả yếu tố trái nghĩa trong câu ca dao dưới đây:

 

Bánh cả thúng sao gọi là bánh ít
Trầu cả khay sao dám gọi trầu không?

 

Ngoài tác dụng giải trí, thư giãn cho người nghe, chơi chữ còn có tác dụng châm biếm, đả kích một cách hài hước sâu cay về những con người, những thói xấu hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. Tiêu biểu như ví dụ dưới đây:

 

Nhân lúc đồ ngồi nhàn hạ
Ra hồ sen xem ả hái hoa
Ả hớ hênh ả để đồ ra
Đồ trông thấy ngắm ngay tức khắc
Đêm năm canh đồ nằm khôn nhắp
Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia

 

          Nhằm phê phán thầy đồ vốn được coi là đạo cao đức trọng, lúc nào cũng cố tỏ ra “thanh cao” nhưng vẫn mang bản năng hết sức bình thường của mỗi người, tác giả châm biếm rất thâm thúy thông qua từ đồng âm “đồ” trong một thế đối xứng rất sâu cay: “đồ nọ” tưởng “đồ kia”.

 

          Hay như trong bài ca dao quen thuộc dưới đây, nhằm phê phán bà già còn muốn lấy chồng, tác giả dân gian chơi chữ:

 

Bà già đi chợ Cầu Đông

 

Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng

 

Thầy bói gieo quẻ nói răng

 

Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn

 

               Người đọc thấy được hiện tượng chơi chữ với từ “lợi”. Từ “lợi” vừa dùng gọi tên bộ phận trong miệng người, là nơi gắn đỡ răng, thực hiện nhiệm vụ nhai nghiền thức ăn với từ “lợi” thể hiện phần có ích về mình. Tác giả dân gian gây cười cho người đọc khi đánh tráo, gây nhiễu về nghĩa “có lợi (ích) – có lợi (răng) trong cùng hình thức biểu hiện trong một thế đối lập “có lợi – không răng”.

 

               Ở thể loại đối, người sử dụng cũng vận dụng đồng âm nhằm chơi chữ như một cách thức phổ biến. Chơi chữ trong câu đối thể hiện sự uyên bác của người đối khi vừa sử dụng chơi chữ nhằm những mục đích khác nhau, vừa tạo ra sự đăng đối, hài hòa cân xứng trong ngôn từ, trong hình thức và nội dung phản ánh của câu đối. Điều này được minh chứng qua một số ví dụ sau:

 

Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại;
            Triều đình cử mục, anh hùng chỉ có một ngươi thôi.

 

                                      (Nguyễn Khuyến)

 

               Nguyễn Khuyến viết câu đối này để tặng một viên quan võ tên Quản Long. Ông dùng từ “một ngươi” tức một mình ngươi, cùng âm với “một (con) ngươi”. Viết như vậy vì Quản Long chỉ có một mắt.

 

               Hay như câu đố do cùng Nguyễn Khuyến viết cho chị vợ anh thợ rèn khóc chồng:

 

Nhà cửa để lầm than, con thơ dại nấy ai rèn cặp

 

Cơ đồ đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi.

 

               Điều độc đáo ở đây là ẩn dưới ngôn từ bề mặt, người đọc thấy được một loạt các từ liên quan đến nghề thợ rèn của người chồng như: than, rèn, bễ, đe.

 

Trước cảnh vợ một người thợ nhuộm khóc chồng, ông đưa rất nhiều màu sắc đặc trưng của nghề nhuộm vào câu đối mà người đọc vẫn hiểu được nỗi niềm tiếc thương của người vợ với chồng:

 

Thiếp từ lá thắm se duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ

 

Chàng ở dưới suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.

 

 

 

Hay trong câu đối tả cảnh xem bảng kết quả thi, tác giả dân gian đã chơi chữ bằng đồng âm như sau:

 

Nghển cổ , trông bảng không tên: Giời đất hỡi, văn chương xuống bể!
            Lủi đầu cuốc, về nhà gọi vợ: Mẹ đĩ ơi, tiền gạo lên giời!

 

               Sĩ tử khi xem kết quả thấy không đỗ, cắm cổ về nhà. “Cuốc” (đi một cách cắm cúi) cùng âm với “cuốc” (chim cuốc). “Lủi đầu cuốc” có thể hiểu “cắm đầu cắm cổ cuốc bộ về nhà”, đồng thời, cũng có thể hiểu tương đương với thành ngữ “lủi như cuốc”.

 

III.Kết luận

 

Nghệ thuật chơi chữ dựa trên cơ sở từ đồng âm là sáng tạo độc đáo khi sử dụng ngôn ngữ của người Việt. Chơi chữ không chỉ thể hiện trình độ am hiểu và huy động ngôn từ mà còn thể hiện khả năng khái quát hiện thực, khả năng suy luận logiccủa người sử dụng. Chơi chữ đòi hỏi người tiếp nhận cũng phải tư duy, suy luận để tiếp nhận. Do đó, chơi chữ chính là một thủ pháp nghệ thuật kích thích tư duy của người đọc, người nghe.

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. Nhiều tác giả: Tiếng Việt 1, Tiếng Việt 2, Các kĩ năng dạy học tiếng Việt, (Tài liệu học tập một số học phần đào tạo giáo viên trình độ Cao đẳng, ngành Giáo dục Tiểu học), NXBGD, 2014.
  2. Lê A (chủ biên), Phan Phương Dung, Vũ Thị Kim Hoa, Đặng Thị Kim Nga, Đỗ Xuân Thảo. Tiếng Việt. NXB GD, NXB ĐHSP, 2007.
  3. Hữu Đạt, Ngôn ngữ thơ Việt Nam, NXB GD, Hà Nội, 1996).
  4. Đặng Thị Lanh, Bùi Minh Toán, Lê Hữu Tỉnh, Tiếng Việt, Tập 1, NXB Giáo dục, 1998
  5. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, NXB GD, Hà Nội, 1994).
  6. Ngọc Chừ , Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng PhiếnCơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội 1997.

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội