Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng trong phố với không gian đô thị Bắc Ninh và bài toán 2 trong 1

Làng trong phố với không gian đô thị Bắc Ninh và bài toán 2 trong 1
Lịch sử đô thị Bắc Ninh là lịch sử phát triển từ làng lên phố. Đô thị trung tâm Bắc Ninh sau này sẽ lớn hơn rất nhiều, có nhiều làng nghề truyền thống, nhiều làng với nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp đặc biệt; nhiều làng còn giữ nguyên vẹn được kiến trúc cảnh quan của làng Việt cổ truyền.

Công cuộc đô thị hóa là tất yếu khách quan. Đô thị không đối lập, không phủ định làng quê, mà ngược lại là sự kế thừa và phát triển làng quê dựa trên cái nền văn hóa của làng. Do đó, bảo tồn làng không có nghĩa là né tránh, hạn chế sự phát triển, mà là bảo vệ sự sống của nó, không để nó mất đi. Rất nhiều làng ven đô nay trở thành một phường thuộc thành phố Bắc Ninh. Thực tế nếu không quan tâm thích đáng, sẽ làm giảm đi cảnh quan thiên nhiên cổ xưa của làng. Dân cư vẫn sống theo lối thôn xóm xưa, nhưng nhà cửa được xây theo phố xá, sinh hoạt theo tổ dân phố. Có nơi lại tự phát, dẫn đến thực trạng phố không ra phố, làng không ra làng. Đường làng được đặt tên phố nhưng vẫn là đường làng cũ, ngoằn ngoèo, bé nhỏ nay trở nên chật chội, lộn xộn. Vì thế không lạ lùng gì khi không gian thành phố luôn có sự đan xen giữa đô thị và nông thôn kiểu “xôi đỗ”, lối sống nông thôn còn ngập tràn trong đô thị. Quá trình phát triển là sự xuất hiện của những cái mới, nhưng lại phá vỡ không gian truyền thống của làng thì thật là đáng buồn.

Lời giải nào cho bài toán bảo tồn trong dòng chảy của thời đại thật không dễ. Ai cũng sẽ dễ chịu khi thấy những công trình mới có quy mô vừa phải, hài hòa... thấp thoáng bên xóm làng truyền thống. Chỉ một lũy tre, gốc cây, bờ ao… của làng quê trong đô thị được bảo vệ vẹn toàn đã là điều quý giá lắm. Đô thị không tránh khỏi sự ồn ã, nhưng nếu như trong lòng thành phố có những nơi thanh bình và êm ả như một làng quê, cách xa sự xô bồ của phố xá sẽ là niềm mơ ước của bao người! Biết rằng là việc rất khó, nhưng đã đến lúc cần đầu tư nhiều hơn cả về trí và lực cho bảo tồn, cải tạo và phát triển bản sắc của đô thị Bắc Ninh trong thời đại mới. Chúng ta hãy dành cho làng trong phố sự quan tâm thích đáng - bởi đó chính là những tế bào, nơi lưu giữ cội rễ, hồn người, hồn dân tộc.

  

Giếng Ngọc làng Diềm, thuộc xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh.

Khi nghiên cứu quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trung tâm đô thị dần hình thành ba hành lang: hành lang đô thị; hành lang sáng tạo và hành lang sinh thái. Và xen kẽ giữa không gian đô thị ấy là không gian các làng quê Bắc Ninh truyền thống, các làng quê sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cùng các khu dân cư, với chất lượng sống tương đương đô thị. Đó là các làng đô thị, với xu hướng phát triển theo tiêu chí xanh, bền vững.

Trong tổng thể quy hoạch đô thị, cần quan tâm tổ chức thành hệ thống các làng truyền thống, chúng sẽ xâu chuỗi với nhau và phát huy hết các giá trị phi vật chất của nhiều làng quê khác nhau. Các làng liên hệ tiếp nối với nhau qua hệ thống không gian cảnh quan môi trường mặt nước, cây xanh. Hệ thống này thiên về đặc trưng của địa lý, văn hoá - môi trường thực vật và sông nước của nền kinh tế nông nghiệp, chứa đựng rất nhiều những giá trị văn hoá truyền thống vật chất và tinh thần. Đây chính là giải pháp tạo ra sự phát triển bền vững của đô thị, tạo ra sự cân bằng trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường thiên nhiên của miền đất cổ Bắc Ninh.

Tiếp đó, là việc tổ chức không gian từng làng đơn lẻ, phải căn cứ vào thế mạnh của từng làng, và đặc biệt không được lẫn lộn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Phần lớn không gian kiến trúc làng truyền thống trước đây với chức năng chính là ở và kết hợp kinh tế tự cung tự cấp. Do yêu cầu hiện đại hoá, cần thêm một số chức năng mới  bên cạnh các chức năng cũ như: Chức năng ở, chức năng kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, hành chính, thông tin liên lạc… Các công trình lịch sử, tôn giáo… phục vụ cho các sinh hoạt công cộng, truyền thống. Bên cạnh đó đường làng, cây đa, giếng nước… là nơi sinh hoạt giao tiếp truyền thống.

Do yêu cầu mới, chức năng ở của dân làng luôn luôn tăng lên do phát triển dân số và hình thành gia đình hạt nhân. Hạn chế nâng tầng cao nhà và mua bán chia nhỏ đất làm tăng mật độ xây dựng trong không gian làng. Các công trình theo chức năng mới, cũng cần có diện tích và tiêu chuẩn đất đai xây dựng phù hợp. Cần bố trí linh hoạt trong cơ cấu quy hoạch làng có thể là cây xanh, vườn hoa, sân chơi, hoặc công viên nhỏ phục vụ nghỉ ngơi giải trí, đây là thành phần chức năng mới so với cấu trúc làng truyền thống. Phải quy hoạch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo chất lượng đô thị. Cả chức năng cũ và mới đều cùng nằm trong không gian có giới hạn của làng, tuy vậy mới chỉ giải quyết nhu cầu cần chứ chưa đủ để thoả mãn cho đời sống hiện đại trong đô thị.

Mặt khác, do ảnh hưởng của đô thị hoá, người dân chưa thể nào có ngay nếp nghĩ đô thị, nếp sống đô thị để tạo nên bản sắc văn hoá đô thị. Mọi cấu trúc quần cư chỉ trở thành thành phố đích thực, khi dân cư đã thành thị hoá và tạo lập cho thành phố mình những giá trị và đặc trưng văn hoá.

Chỉ với 2 khái niệm gốc: Làng và Phố, nếu khéo kết hợp với nhau sẽ tạo nên được tính đa dạng trong sự phát triển của văn hóa kiến trúc. Sự phát triển tổng hợp đã cho chúng ta văn hóa hai trong một, trong thời điểm hiện nay thật khó để phát hiện chúng ta đang phát triển đô thị theo hướng nào. Ta đang phố hóa làng mạc nhưng cũng chưa thoát làng mạc hóa phố. Mặc dù ở ta vẫn đang cố gắng đẩy mạnh hơn sự văn minh của đô thị hóa, sự tồn tại của không gian làng, nhưng thực tiễn cuộc sống dân dã vẫn diễn ra sự chấp chới giữa làng và phố.

Đô thị hóa là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị của không gian văn hoá làng trong đô thị ở thời điểm này đang rất cần sự đồng thuận của cả chính quyền và nhân dân. Bảo tồn nhưng phải để văn hoá làng phát triển và những giá trị đã được khẳng định sẽ còn mãi. Điều này rất cần sự quan tâm xây dựng cơ chế chính sách của các nhà quản lý, bởi muốn bảo tồn khả thi phải đảm bảo bằng các chính sách Nhà nước để có những định hướng, giải pháp phù hợp ./.                                             

                     Bắc Ninh tháng 6-2016   

KTS. NGUYỄN HUY PHÁCH

Nguồn:cdspbacninh.edu.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội