Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VẺ ĐẸP HÌNH TƯỢNG NGƯỜI “ANH HÙNG TÍ HON” NHỮNG NĂM CHỐNG MĨ TRONG GÓC SÂN VÀ KHOẢNG TRỜI CỦA NHÀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA TS. Nguyễn Thị Thắng - Khoa GD Tiểu học-Mầm non

 

1. Đặt vấn đề

Tập thơ Góc sân và khoảng trời được nhà thơ Trần Đăng Khoa sáng tác từ năm 1966 - 1973 gồm 142 bài thơ, trong đó có 9 bài được viết vào năm 1974. Tập thơ ra đời trong những năm sục sôi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước với những vần thơ "mạnh hơn những tiếng bom". Với cảm hứng chủ đạo là tình cảm của nhà thơ nhỏ tuổi Trần Đăng Khoa dành cho quê hương, đất nước, con người Việt Nam, tập thơ đã khắc họa thành công chân dung những người anh hùng của thời đại: các anh chiến sĩ, những người dân công, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những em bé liên lạc… Bên cạnh chân dung những nhân vật của thời đại ấy, Trần Đăng Khoa còn làm bừng sáng trên trang thơ của mình vẻ đẹp hình tượng những em bé Việt Nam trong chiến tranh – người “anh hùng tí hon” của miền Bắc xã hội chủ nghĩa hồn nhiên, ngây thơ mà dũng cảm, kiên cường. Tất cả đã được khắc họa qua những câu thơ giàu tình cảm của nhà thơ mục đồng thời chống Mĩ.

2. Nội dung

          Đến với tập thơ Góc sân và khoảng trời người đọc không thể không cảm phục trước hình ảnh của những em nhỏ trong thời kháng chiến chống Mĩ ở làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Các em giống như những người anh hùng nhỏ tuổi vẫn mang nét ngây ngô, trong sáng của con trẻ mà giàu lòng dũng cảm và ý chí kiên cường trước nỗi đau của quê hương. Tập thơ Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa là những lời đồng cảm sâu sắc giúp chúng ta thấu hiểu được số phận và tâm hồn của những em bé Việt Nam trong chiến tranh.

          Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị bom đạn giày xéo, các em trở thành những nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp phải gánh chịu những hậu quả của khói lửa, đạn bom. Hậu quả trực tiếp: có biết bao sinh mạng những người thân của các em bị chiến tranh cướp đi và chính các em cũng bị chiến tranh giết hại “nó thiêu cả bé chưa và được cơm” (Gửi bạn Chi-Lê). Hậu quả gián tiếp: Người lớn (ông bà, cha mẹ…) không có nhiều thời gian để chăm sóc cho con em của mình, bởi vì họ bận sản xuất, chiến đấu hay bất kì công việc gì góp phần bảo vệ đất nước. Hình ảnh những em bé hồn nhiên ngây thơ, dù còn rất nhỏ nhưng vì hoàn cảnh đã vượt lên làm những công việc đơn giản giúp đỡ cho gia đình. Hay đơn giản đó chính là tự chăm sóc bản thân mình thật tốt để bố mẹ bớt đi vất vả, lo lắng. Có lẽ chỉ trong thời đại đó mới có những vần thơ thật giản dị “Dặn em” của “em bé” Trần Đăng Khoa khiến người lớn nghe thật xót lòng và cảm phục:

                                      Mẹ cha bận việc ngày đêm

                             Anh còn đi học, mình em ở nhà

                                      Dặn em đừng có chơi xa

                             Máy bay Mĩ bắn không ra kịp hầm

                                      Đừng ra ao cá trước sân                                               

                             Đuổi con bươm bướm, trượt chân, ngã nhào

                                      Đừng đi bêu nắng, nhức đầu

                             Đừng vầy nghịch đất, mắt đau, lấm người

                                      Ốm đau là mất đi chơi

                             Làm cho bố mẹ mất vui trong lòng…

          Trần Đăng Khoa ý thức được nỗi cực nhọc của mẹ cha. Ý thức đó được thể hiện bằng hành động cụ thể, Trần Đăng Khoa đã giúp cha mẹ làm rất nhiều công việc như: Chống hạn, bắt sâu (Hạt gạo làng ta), chọc ếch (Chọc ếch), ru em ngủ (Tiếng võng kêu), kéo xe chở phân lót ruộng (Cánh đồng làng Điền Trì)… Khi mẹ vắng nhà, Trần Đăng Khoa giống như một cô Tấm hiền lành, đảm đang trong cổ tích bà từng kể:

                             Khi mẹ vắng nhà, em luộc khoai

                             Khi mẹ vắng nhà, em cùng chị giã gạo

                             Khi mẹ vắng nhà, em thổi cơm

                             Khi mẹ vắng nhà, em nhổ cỏ vườn

                             Khi mẹ vắng nhà, em quét sân và quét cổng...

          Những gì Trần Đăng Khoa làm giúp mẹ thì có lẽ những em nhỏ khác cũng thế, tất cả các em phải làm lụng vất vả và bớt đi phần vô tư đùa nghịch. Các em chăm ngoan như thế nhưng khi được mẹ khen thì không chịu nhận, một mực phủ nhận: "Con chưa ngoan, chưa ngoan!". Trong đầu óc ngây thơ ấy đã biết nghĩ rằng những việc mình làm được đều là những việc cỏn con, không thể nào sánh bằng nỗi vất vả, gian lao mà mẹ chịu đựng:

                                      Áo mẹ mưa bạc màu

                                      Đầu mẹ nắng cháy tóc

                                      Mẹ ngày đêm khó nhọc

           Một em bé mới 9 tuổi đã biết quan sát hiện tượng (Áo mẹ mưa bạc màu/ Đầu mẹ nắng cháy tóc) để nhìn ra bản chất (Mẹ ngày đêm khó nhọc). Vì đâu mà các em phải sớm già dặn như thế nếu không phải vì cuộc xâm lược phục vụ cho lòng tham lam, độc ác của bọn đế quốc Mĩ?

          Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh, phải tự chăm sóc bản thân khiến các em sớm có ý thức hơn nhưng không vì thế mà mất đi nét hồn nhiên, ngây thơ vốn có của trẻ nhỏ. Tập thơ của Trần Đăng Khoa đã miêu tả rất sinh động những trò chơi mà chỉ có những em thiếu nhi ở vùng nông thôn mới có được. Đó là các trò chơi đậm chất dân gian: xỉa cá mè, mèo đuổi chuột, thả diều,… Em thường rải cái nong/ Ra góc sân ngồi học/ Những đêm có trăng mọc/ Em chơi cho đến khuya/ Thường là xỉa cá mè/ Hay làm mèo đuổi chuột… (Cái sân). Tất cả những trò chơi ấy thường diễn ra dưới ánh trăng vàng - người bạn thân thiết của Trần Đăng Khoa:

                                      Cánh diều no gió

                                      Sáo nó thổi vang

                                      Sao trời trôi qua

                                      Diều thành trăng vàng.

                                                                   (Thả diều)

          Vẻ ngây thơ đáng yêu của các em được thể hiện qua cái nhìn hết sức ngộ nghĩnh mà người lớn không thể nào có được:

                                      Ông trăng cười những lợi

                                      Răng chẳng chiếc nào còn

                                                          (Trăng đầu tháng)

          Trăng đầu tháng là trăng khuyết và nếu từ dưới đất nhìn lên thì thấy những mảng màu đen nhấp nhô lên làm cho bé thơ liên tưởng đến lợi của con người. Sau đó, các em lại thắc mắc rất ngây ngô nhưng có lí:

                                      Chú ơi trăng già thế

                                      Sao bà bảo trăng non?

                                                          (Trăng đầu tháng)

          Có lí bởi vì mọi người gọi trăng đầu tháng là trăng non nhưng trong mắt trẻ thơ thì trăng lúc ấy trông giống như một cụ già đã rụng hết răng, chỉ còn trơ lợi mà thôi. Câu thơ hồn nhiên và nói rất đúng tâm lí trẻ thơ. Chúng có vô số thắc mắc và mong muốn được giải đáp trong cuộc sống vốn nhiều niềm vui khám phá của trẻ thơ.

Hình ảnh những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên được thể hiện rõ nét qua bài thơ "Cháu làm bà còng". Những em bé bắt chước bà của mình thật đáng yêu với vẻ hồn nhiên của con trẻ:

                             Cái chân thì khệnh khạng

                             Tay vắt vẻo lưng cong

                             Đầu vấp va vấp vểnh

                             Cháu bỗng hóa bà còng.

Trần Đăng Khoa đã miêu tả chính xác hình dáng và điệu bộ của người bà qua các từ láy giàu sức gợi hình khệnh khạng, vắt vẻo, vấp va vấp vểnh. Hình ảnh người bà được khắc họa mang dấu ấn của thời gian và chứa đựng niềm yêu thương tha thiết của tác giả.

          Ở một bài thơ khác cháu bé lại tạo rất nhiều dáng điệu đáng yêu như đang được chụp ảnh:

- Nón che kín đầu

 Cháu thành con ốc

- Khăn bay mái tóc

    Cháu hoá bướm hồng

- Váy hoa quay tít

    Cháu thành con ong

   - Nằm giữa lòng ông

Cháu là hạt thóc…

          (Chụp ảnh)

          Và đây nữa, sự vô tư của em nhỏ tội nghiệp, mới vài tuổi đầu đã biết thế nào là bom đạn:

                             - Chú này buồn cười lắm nhé

                             Bom rùng. Cháu lại ngủ mê

                             Cứ tưởng tay bà đưa võng

                             Như ngày ru cháu ở quê...

                                                  (Cháu về)

          Lời kể của cháu nhỏ nghe “líu ríu như là tiếng chim” nhưng nội dung lời kể lại chứa đựng cả một sự thật lịch sử đang diễn ra trên đất nước ta. Chiến tranh đã dạy cho bé biết:

                              - Chú ơi, nếu còn bom Mĩ

                              Chú phải bịt tai thế này

                              Cháu bỗng xoay người ngang ghế

                              Như vừa có tiếng máy bay.

Sống trong lửa đạn, một em bé như Trần Đăng Khoa ngày ấy đâu cần ai thuyết giáo mà đã nhận thức thật sâu sắc công lao của các chú bộ đội:

Giữ cho cháu trọn tiếng cười

Góc trường đỏ ngói khoảng trời xanh mây

Khoảng trời chỉ để chim bay

Góc trường chỉ để ngày ngày cháu vui

(...)

Chú thành thầy giáo cháu rồi

Dạy cho cháu học thành người Việt Nam...

(Giữ cho chúng cháu khoảng trời bình yên)

Có thể thấy rất rõ Trần Đăng Khoa đang viết về cuộc sống của mình, lứa tuổi của mình bằng cả trái tim mang tình yêu con người, tình yêu đất nước mãnh liệt. Nhà thơ chính là một nhân vật trữ tình tham gia vào thế giới nghệ thuât trong những trang thơ của mình. Chính bằng cách nhìn từ bên trong này khiến cho các hình ảnh thơ, tâm lí, tình cảm của trẻ em trong thơ Trần Đăng Khoa hiện lên sống động, chân thực và giàu cảm xúc hơn.

Sống một cuộc sống còn nhiều khó nhọc của người nông dân thôn quê, sống trong những năm tháng chiến tranh, lửa đạn của giặc Mĩ “trút trên mái nhà” nhưng tiếng thơ của Trần Đăng Khoa dường như chưa thấy giọng bi lụy khóc than cho cuộc sống. Ngược lại, ở đó ta cảm nhận một hơi thở nồng nàn của niềm tin yêu cuộc sống, hăng say lao động, góp sức trong lao động sản xuất, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc: Hạt gạo làng ta/ Có công các bạn/ Sáng nào chống hạn/ Vục mẻ miệng gầu/ Trưa nào bắt sâu/ Lúa cao rát mặt/ Chiều nào gánh phân/ Quang trành quét đất… (Hạt gạo làng ta).

 Đẹp nhất trong thơ Trần Đăng Khoa là hình ảnh các em nhỏ luôn bình tĩnh, lạc quan, hiên ngang trước bom đạn của kẻ thù, luôn hướng về tương lai với một nhựa sống tràn trề:

      Chúng tôi đến lớp ngày ngày

      Mũ rơm tôi đội, túi đầy thuốc men

      Ao trường vẫn nở hoa sen

      Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu

      Chúng tôi chẳng sợ Mĩ đâu

      Vẫn vui vẫn hát những câu rộn ràng...

`                                        (Gửi bạn Chi-lê)

Và các bạn thiếu niên bằng tuổi em

                             Trong tầm ngắm súng thù

                             Vẫn treo cao cờ đỏ

                                               (Điều anh quên không kể)

Đúng là thiếu nhi Việt Nam có đói cơm, khát nước, có vất vả vì phải tự chăm sóc bản thân, phải lao động trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh nhưng không thể vì thế mà "vắng nụ cười trên môi". Trái lại, các em "vẫn vui vẫn hát những câu rộn ràng", thể hiện niềm tin của các em vào tương lai tươi sáng của đất nước. Trong bom đạn giặc Mĩ, cuộc sống của những con người Việt Nam, những em bé Việt Nam vẫn tiếp tục sinh sôi, vẫn đang diễn ra bình thản từng ngày, từng giờ như không có bất kì một chấn động nhỏ nào đến sự bình yên ấy: Cánh diều vàng nắng/ Trời xanh cao hơn/ Dây diều em cắm/ Bên bờ hố bom (Thả diều)… Sự sống của các em vẫn đang tiếp diễn hàng ngày, vượt lên trên mọi bom đạn của kẻ thù. Đó là tinh thần “trông chết cười ngạo nghễ” của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc từ thế hệ này qua thế hệ khác ngay từ khi còn nhỏ. Nụ cười của Trần Đăng Khoa cũng là nụ cười của biết bao thế hệ trẻ thơ Việt Nam vẫn tỏa sáng suốt 30 năm chống Mĩ của dân tộc và qua nhiều cuộc chiến tranh trước đó. Đọc những câu thơ ấy ta mới hiểu vì sao thơ Trần Đăng Khoa được nhà thơ, nhà báo người Pháp Ma-đơ-len Ri-phô ca ngợi là “tiếng hát mạnh hơn những quả bom.

3. Kết luận

Vẻ đẹp con người trong thơ Trần Đăng Khoa đã được thể hiện qua những hình ảnh con người hết sức quen thuộc và gần gũi. Nổi bật trong bức tranh ấy là hình ảnh những bạn nhỏ trong thơ Trần Đăng Khoa hồn nhiên, ngây thơ mà giàu lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Phải có một tình yêu đất nước thiết tha Trần Đăng Khoa mới có thể viết những câu thơ hay như thế về tinh thần Việt Nam, con người Việt Nam. Bằng những vần thơ của mình viết về trẻ em Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ, Trần Đăng Khoa đã cho giặc Mĩ thấy rằng: chiến tranh, bom đạn có thể hủy diệt được những cảnh vật, con người cụ thể. Nhưng tinh thần Việt Nam, ý chí quật cường của con người Việt Nam thì không sức mạnh nào của kẻ thù có thể hủy diệt được.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Trần Đăng Khoa, 1998, Góc sân và khoảng trời, NXB VHTT, HN.

[2]. TS. Lã Thị Bắc Lý, 2003, Giáo trình Văn học trẻ em, NXB ĐHSP, HN.

[3]. Nhiều tác giả, 2016, Tài liệu học tập một số học phần đào tạo giáo viên trình độ Cao đẳng ngành Giáo dục Tiểu học, Văn học, Tiếng Việt thực hành, NXB Giáo dục Việt Nam, HN.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội