Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VẬN DỤNG LÝ THUYẾT HỌC TẬP TRẢI NGHIỆM TRONG DẠY HỌC HỌC PHẦN TÂM LÝ HỌC MẦM NON CHO SINH VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM BẮC NINH -  Thsy: ĐÀO LAN HƯƠNG

 

  1. Phần mở đầu:

Hoạt động trải nghiệm (HĐTN) là hoạt động giáo dục trong đó từng học sinh được trực tiếp hoạt động thực tiễn trong nhà trường hoặc trong xã hội dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, qua đó phát triển tình cảm, đạo đức, các kỹ năng và tích luỹ kinh nghiệm riêng của cá nhân. Bằng HĐTN của bản thân, mỗi học sinh vừa là người tham gia, vừa là người kiến thiết và tổ chức các hoạt động cho chính mình nên học sinh không những biết cách tích cực hoá bản thân, khám phá bản thân, điều chỉnh bản thân mà còn biết cách tổ chức hoạt động, tổ chức cuộc sống và biết làm việc có kế hoạch, có trách nhiệm. HĐTN có thể sử dụng linh hoạt trong dạy học nhiều môn học khác nhau giúp người học được trải nghiệm đề xuất ý tưởng, thiết kế, tổ chức, đánh giá kết quả thực hiện, qua đó vừa lĩnh hội được nội dung học tập, vừa hình thành các kĩ năng sống, kĩ năng tư duy, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm để giải quyết một cách linh hoạt, chủ động, sáng tạo những vấn đề nhận thức và thực tiễn. Môn học Tâm lý học mầm non (TLHMN) là môn học nhằm cung cấp một số vấn đề chung về khoa học Tâm lí, đề cập và phân tích các hiện tượng tâm lí của con người; đồng thời trình bày một cách hệ thống những quan điểm về trẻ em, các quy luật của sự hình thành phát triển tâm lý trẻ em từ 0 đến 6 tuổi và những nội dung về các dạng hoạt động của từng độ tuổi. Chính vì vậy, những tri thức mà môn học mang lại cho người học vừa gần gũi nhưng lại khó nắm bắt nếu như trong giờ học GV chỉ sử dụng những phương pháp dạy học cổ truyền. Việc sử dụng HĐTN trong dạy học học phầnTLHMN sẽ giúp sinh viên (SV) có thể trải nghiệm những kiến thức đã học và áp dụng nó vào thực tiễn đời sống. Vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này tác giả sẽ đưa ra các bước vận dụng lý thuyết học tập trải nghiệm trong dạy học học phần Tâm lý học mầm non cho Sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Bắc Ninh thông qua việc xây dựng hoạt động trải nghiệm môn học này.

2. Vận dụng lý thuyêt học tập trải nghiệm trong dạy học học phầnTâm lý học mầm non

Xây dựng hoạt động trải nghiêm môn học TLHMN đòi hỏi đảm bảo mục tiêu dạy học, đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, tính thực tiễn và tính đa dạng phong phú và có thể tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Xác định nhu cầu tổ chức HĐTN:

Căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu và chương trình giáo dục, nhà giáo dục cần tiến hành khảo sát nhu cầu, điều kiện tiến hành tổ chức các HĐTN cho SV.Xác định rõ đối tượng thực hiện, việc hiểu rõ đặc điểm thực trạng SV dưới góc độ SV đã tiếp cận với phương pháp học tập trải nghiệm chưa? SV có hứng thú với cách học này không? Làm thế nào để SV sẵn sàng cho cách tiếp cận cách thức học mới này? SV đã từng được học hoặc biết về môn học này chưa?...Điều này giúp nhà giáo dục thiết kế hoạt động phù hợp đặc điểm lứa tuổi, vừa giúp có các biện pháp phòng ngừa những đáng tiếc có thể xảy ra cho người học.

Đối với môn học TLHMN, đây là môn học được dùng để giảng dạy cho sinh viên năm thứ nhất ngành mầm non. Các em chưa từng được làm quen với môn học này vì vậy với các em SV đây là một môn học mới với nhiều kiến thức vừa trừu tượng khó nắm bắt vừa gần gũi và thân thuộc với chính bản thân các em. Trong quá trình giảng dạy tôi nhận thấy với những tiết học mà SV được tham gia trải nghiệm thay bằng học lý thuyết đơn thuần thì hầu hết các em rất hào hứng tham gia và nắm được nội dung bài học nhanh chóng. Đây cũng là cơ sở để giúp GV có thể xây dựng HĐTN cho môn học này.

Bước 2: Xác định nội dung, đặt tên cho HĐTN:

Căn cứ vào đối tượng tham gia HĐTN, giáo viên (GV) sẽ lựa chọn những nội dung học tập phù hợp với HĐTN để xây dựng và lựa chọn hoạt động. Để lựa chọn hoạt động GV cần xác định được kiến thức trọng tâm của bài nhằm phù hợp với mục tiêu đã đề ra làm sao để qua mỗi bài học SV không chỉ học được kiến thức trọng tâm mà môn học đề ra, mà các em còn rèn luyện được kĩ năng, kĩ xảo, hình thành được thái độ hành vi thông qua bài học. Sau khi xác định được nội dung HĐTN GV sẽ đặt tên hoạt động, xác định mục tiêu, yêu cầu của từng hoạt động cụ thể. Tên đặt cho từng hoạt động cần phải ngắn gọn, xúc tích, rõ ràng phản ánh được chủ đề và nội dung của hoạt động, tạo ấn tượng ban đầu cho SV. Mục tiêu của hoạt động là dự kiến trước kết quả của hoạt động. Các mục tiêu hoạt động cần phải được xác định rõ ràng, cụ thể và phù hợp; phản ánh được các mức độ cao thấp của yêu cầu cần đạt về tri thức, kĩ năng, thái độ và định hướng giá trị.

Ví dụ: Đối với môn TLHMN GV có thể sử dụng HĐTN cho các nội dung sau:

Phần 1: Tâm lý học đại cương; Ở phần này GV có thể xây dựng HĐTN với tên hoạt động là: Tâm lý – bí ẩn diệu kỳ ;  Mục tiêu: SV nắm được bản chất các hiện tượng tâm lý người;  SV có được các kỹ năng: Khéo léo, sáng tạo và kỹ năng giao tiếp, ứng xử;  SV thấu hiểu bản thân, những người xung quanh để có phương pháp giao tiếp ứng xử phù hợp.

Phần 2: TLHMN với nội dung kiến thức là đặc điểm phát triển các chức năng tâm lý trẻ ở từng giai đoạn độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi; Ở phần này GV có thể xây dựng các HĐTN với tên gọi như : Ngộ nghĩnh trẻ thơ, Bé lên ba cả nhà học nói, Chuẩn bị cho bé vào lớp 1; Trò chơi đóng vai theo chủ đề…Tùy thuộc vào từng hoạt động mà xây dựng mục tiêu cho phù hợp.

Bước 3: Xác định nội dung và phương pháp, phương tiện, hình thức của hoạt động

Mục tiêu có thể đạt được hay không phụ thuộc vào việc xác định đầy đủ và hợp lý những nội dung và hình thức của hoạt động.Căn cứ vào các mục tiêu đã xác định, các điều kiện hoàn cảnh cụ thể của lớp, của nhà trường và khả năng của học sinh để xác định các nội dung phù hợp cho các hoạt động. Cần liệt kê đầy đủ các nội dung hoạt động phải thực hiện.Từ nội dung, xác định cụ thể phương pháp tiến hành, xác định những phương tiện cần có để tiến hành hoạt động. Từ đó lựa chọn hình thức hoạt động tương ứng. Có thể một hoạt động nhưng có nhiều hình thức khác nhau được thực hiện đan xen hoặc trong đó có một hình thức nào đó là chủ đạo, còn hình thức khác là phụ trợ.

Đối với HĐTN môn học TLHMN thì hình thức tổ chức có thể được tổ chức ở trên lớp hoặc có thể tổ chức ở trường mầm non. Đối với HĐTN ở trường mầm non, SV sẽ phải thực hiện các nội dung như: quan sát hoạt động vui chơi, hoạt động  học tập của trẻ, quay video và viết thu hoạch theo từng yêu cầu cụ thể…Đối với hoạt động ở trên lớp SV sẽ có thể tham gia các hoạt động như thi viết vẽ, mô tả về chân dung tâm lý người nổi tiếng, tìm hiểu đặc điểm tâm lý người…

Bước 4: Lập kế hoạch HĐTN và thiết kế chi tiết kế hoạch hoạt động

Lập kế hoạch để thực hiện hệ thống mục tiêu tức là tìm các nguồn lực (nhân lực – vật lực – tài liệu) và thời gian, không gian… cần cho việc hoàn thành các mục tiêu.Cân đối giữa hệ thống mục tiêu với các nguồn lực và điều kiện thực hiện chúng, hay nói khác đi, cân đối giữa yêu cầu và khả năng đòi hỏi người GV phải nắm vững khả năng mọi mặt, kể cả các tiềm năng có thể có, thấu hiểu từng mục tiêu và tính toán tỉ mỉ việc đầu tư cho mỗi mục tiêu theo một phương án tối ưu.

Thiết kế chi tiết hoạt động, trong bước này, cần phải xác định:  Có bao nhiêu việc cần phải thực hiện?;  Các việc đó là gì? Nội dung của mỗi việc đó ra sao?;  Tiến trình và thời gian thực hiện các việc đó như thế nào?; Các công việc cụ thể cho các tổ, nhóm, các cá nhân;  Yêu cầu cần đạt được của mỗi việc. Để các lực lượng tham gia có thể phối hợp tốt, nên thiết kế kế hoạch trên các cột

Ví dụ: Kế hoạch cho hoạt động: “Tâm lý – bí ẩn diệu kỳ”

Thời gian

Nội dung công việc

Thành phần tham gia

Phương tiện

 đồ dùng

Yêu cầu

5 phút

Hoạt động 1: Khởi động: GV giới thiệu chủ điểm hoạt động, mục đích, hình thức thực hiện

- GV

- SV

 

 

- Thực hiện đúng thời gian quy định.

80 phút

Hoạt động 2: Chân dung người nổi tiếng

 - Lần lượt từng SV sẽ giới thiệu về chân dung tâm lý người nổi tiếng mà mình ngưỡng mộ bằng các hình thức khác nhau như thông qua kể chuyên, mô tả, tranh vẽ

- GV

- SV

-Sách, truyện, giấy, bút màu

- SV tích cực, vui vẻ tham gia

- SV có sử dụng ngôn ngữ phù hợp, phong thái tự tin, nêu được chân dung tâm lý nổi bật của người nổi tiếng và lý do vì sao mình lại ngưỡng mộ họ

Hoạt động 3: Thấu hiểu nhau

- GV phát cho mỗi SV một tờ giấy

- SV sẽ lần lượt vẽ chân dung một bạn nào đó trong lớp vào tờ giấy

- GV thu các tờ giấy vẽ và lần lượt giơ cho cả lớp xem để xem các bạn có đoán được người trong bức tranh là ai

- SV

- GV

 

  • Bảng, phấn, bút, giấy A4

Vui vẻ, phấn khởi, hăng hái, tích cực.

Hoạt động 4: Ai thông minh hơn

- Lớp sẽ chia thành 4 đội chơi

- Các đội lần lượt lên bốc thăm câu hỏi và trả lời câu hỏi

- Đội nào trả lời được đúng nhiều câu hỏi nhất thì đội đó chiến thắng

- Học sinh

- GVCN

 

- Bộ câu hỏi trắc nghiêm

Vui vẻ, phấn khởi, hăng hái, tích cực.

10 phút

Tổng kết, đánh giá hoạt động

-GV

- SV

 

 

Tại lớp

* Sinh viên tự đánh giá: Cảm nghĩ của bản thân, mong muốn của bản thân, bài học cho bản thân.

* Giảng viên đánh giá:

- Tinh thần thái độ của học sinh

- Những phẩm chất và kĩ năng học sinh đạt được

- Những bài học cần rút kinh nghiệm khi tổ chức.

Bước 5: Tổ chức HĐTN và đánh giá kết quả thực hiện

  Sau khi xây dựng kế hoạch hoạt động, GV sẽ cho SV tiến hành HĐTN trên lớp theo kế hoạch đã thực hiện đồng thời đánh giá kết quả thực hiện hoạt động. Trong quá trình tổ chức hoạt động theo kế hoạch nếu có gì cần chỉnh sửa bổ sung, GV sẽ bổ sung và hoàn thiện chương trình hoạt động để các buổi tổ chức sau có hiệu quả.

Bước 6: Lưu giữ kết quả vào hồ sơ của SV:

Việc lập hồ sơ để đánh giá, lưu trữ kết quả trong hoạt động của mỗi học sinh là một công việc quan trọng trong bất cứ các hoạt động giáo dục. Trong đó ngoài những thông tin về cá nhân như: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; giới tính; địa chỉ …vv. Còn có những thông tin về quá trình tham gia các hoạt động trước đó (nếu có), những đánh giá về kết quả của các em tham gia vào hoạt động vừa mới kết thúc.

Đối với môn TLHMN, việc lưu giữ giúp GV có thể căn cứ vào đó để đánh giá quá trình học tập môn học của SV.

  1. Kết luận:

Dạy học thông qua HĐTN giúp kiến thức liên tục bắt nguồn và thử nghiệm trong kinh nghiệm của người học. Những trải nghiệm này rất quan trọng đối với việc học, bởi vì có nhiều kiến thức, kinh nghiệm của con người chỉ có được từ trải nghiệm. Thông qua các HĐTN trong dạy học môn TLHMN giúp cho người học có thể trải nghiệm và thực hành kiến thức một cách thiết thực nhất đồng thời cũng hình thành phát triển năng lực người học.

Tài liệu tham khảo:

1. Kỷ yếu hội thảo (2014), HĐTN sáng tạo của học sinh phổ thông, Bộ Giáo dục và đào tạo, Hà Nội tháng 8 năm 2014.

2. Lê Đình Trung – Phan Thị Thanh Hội (2016), Dạy học theo định hướng hình thành và phát triển năng lực người học ở trường phổ thông, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

3. Trần Bá Hoành (2006), Vấn đề giáo viên những nghiên cứu lí luận và thực tiễn 2006, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4. Nguyễn Dục Quang (2017), Bài giảng “Hoạt động trải nghiệm trong trường phổ thông”,Viện khoa học giáo dục Việt Nam.

5. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (2008), Sự phát triển tâm lý trẻ em lứa tuổi MN (Dành cho hệ cao đẳng sư phạm mầm non), NXB Giáo dục

6. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (chủ biên), Nguyễn Thị Như Mai, Đinh Thị Kim Thoa (2016), Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB đại học sư phạm.

7. Nguyễn Quang Uẩn (chủ biên), Đinh Văn Vang, Nguyễn Văn Luỹ (2008), Giáo trình Tâm lí học đại cương (dùng cho hệ cao đẳng sư phạm mầm non), NXB Giáo dục.

 

 

 

 


Nguồn:cdspbacninh.edu.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội