Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm hiểu các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ để giáo dục ngôn ngữ sớm cho trẻ mầm non thông qua Nói, Đọc- Kể chuyện - TS. Nguyễn Thị Thắng Khoa GD TH – MN

 

1. Đặt vấn đề

            Việc giáo dục ngôn ngữ sớm cho trẻ nói riêng cũng như giáo dục sớm cho trẻ mầm non nói chung những năm gần đây dành được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các cơ sở giáo dục mầm non. Tuy nhiên, cần tiến hành giáo dục ngôn ngữ sớm cho trẻ như thế nào, dựa trên những cơ sở khoa học nào và bằng cách nào để bất kì bậc cha mẹ với những kĩ năng cơ bản cũng có thể phát triển, khơi gợi được năng lực ngôn ngữ tiềm tàng ở trẻ? Bài viết này sẽ khái quát những giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ theo quan niệm của Maria Montessori và gợi ý một số hoạt động, kĩ năng cần thiết trong việc giáo dục ngôn ngữ sớm cho trẻ mầm non thông qua nói, đọc-kể chuyện, hoạt động quen thuộc có thể được tiến hành một cách dễ dàng, đơn giản mỗi ngày trong các gia đình.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Những giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ

            Maria Montessori (1870 – 1952) là tiến sĩ y khoa, nhà hoạt động xã hội, đồng thời là một nhà giáo dục lỗi lạc của nhân loại thời cận đại sinh ra tại tỉnh Ancona, Italia. Năm 1907 bà bắt đầu sự ngiệp giáo dục khi được mời tổ chức một lớp học Ngôi Nhà Trẻ Thơ trong khu tái định cư ổ chuột khu vực San Lorenzo, Italia. Sau thành công của mô hình lớp học đó, bà trở nên nổi tiếng và phương pháp giáo dục của bà được biết đến trên toàn cầu. Phương pháp giáo dục Montessori căn bản được hình thành trên những quan sát đầy suy luận khoa học của bà đối với những đứa trẻ trong quá trình học tập và cuộc sống hàng ngày. Bà đã bị thuyết phục rằng trẻ thơ có một khả năng dễ dàng (như thể không cần cố gắng gì) để hấp thụ kiến thức từ môi trường xung quanh. Kết quả cụ thể hơn 100 năm qua đã cho thấy phương pháp Montessori cung cấp cho trẻ một kinh nghiệm giáo dục tự nhiên và chân chính. Phương pháp giáo dục Montessori được đánh giá là phương pháp giáo dục tiên tiến, khoa học và hoàn thiện nhất trên thế giới hiện nay.

Theo Maria Montessori, từ 0 – 6 tuổi là thời kì nhạy cảm ngôn ngữ của trẻ. Từ sau khi ra đời, trẻ sẽ trải qua 7 giai đoạn phát triển ngôn ngữ quan trọng [1]:

            0 – 8 tháng tuổi: Giai đoạn tiền lí giải ngôn ngữ. Hoạt động ngôn ngữ của con người bao gồm hai phương diện là nghe và nói, hoàn toàn tương ứng với quá trình học tập mang tính tiếp thu và biểu đạt trong hoạt động ngôn ngữ của bé. Ở giai đoạn này, bé chưa nảy sinh sự lí giải và khả năng biểu đạt ngôn ngữ, hoạt động ngôn ngữ của bé đa phần là ngôn ngữ mang tính tiếp thu. Nhân tố ảnh hưởng quan trọng nhất trong giai đoạn tiền lí giải ngôn ngữ của bé chính là: Người lớn có nói chuyện với bé không? Mức độ nói chuyện như thế nào? Thông qua một loạt hành vi: lắng nghe, phát âm, bắt chước, gọi, và tiến hành những hành động có liên quan đến âm thanh… để khởi động kế hoạch rèn luyện ngôn ngữ cho bé.

            9 – 12 tháng tuổi: Giai đoạn lí giải ngôn ngữ. Đây là giai đoạn bé đã có thể lí giải được ý nghĩa của một số từ, câu. Do các nhân tố di truyền, giáo dục, môi trường… sự khác biệt trong vấn đề phát triển ngôn ngữ của các bé là tương đối lớn. Có những bé 7 – 8 tháng đã bước vào giai đoạn lí giải ngôn ngữ, có những bé phải hơn một tuổi mới bắt đầu. Có những em bé khoảng 10 tháng tuổi đã bắt đầu bước vào giai đoạn bập bẹ tập nói. 9 -12 tháng chính là thời cơ tốt nhất để bồi dưỡng khả năng ngôn ngữ của bé, hàng loạt những kích thích ngôn ngữ và sự dẫn dắt của người lớn là điều cực kì quan trọng để bé tiếp thu được khả năng ngôn ngữ cho mình.

            13 -16 tháng tuổi: Dùng từ thay câu. Bé ở giai đoạn này đã có thể nắm bắt được một số từ vựng, bắt đầu manh nha khả năng khái quát ngôn ngữ, biểu hiện là đã có thể biết phân biệt hoặc liên kết giữa các từ khác nhau với sự vật cụ thể, khả năng lí giải ngôn ngữ cũng có sự tiến bộ. Bé từ một tuổi rưỡi trở lên đã có thể nghe hiểu những câu chuyện ngắn, bởi vì bé gần như vẫn chưa có khả năng biểu đạt ngôn ngữ, không biết nói những câu hoàn chỉnh, chỉ dùng một, hai từ thay thế cho ý nghĩa của cả câu. Vì vậy thời kì này được gọi là “dùng từ thay câu”. Khi bé bắt đầu không cần bắt chước người lớn mà tự nói ra một số từ ngữ có ý nghĩa chính xác, điều đó cho thấy bé đã bắt đầu có khả năng nói chuyện.

            17 – 24 tháng tuổi: Giai đoạn nói câu đơn giản. Trong giai đoạn này, bé đã nắm vững được tương đối nhiều các từ vựng trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như các danh từ thường dùng, tên của các sự vật thường gặp và các động tác thường thực hiện. Bé nói được những câu đơn, câu phức đơn giản. Vào cuối giai đoạn này, cùng với sự tiến bộ hơn về khả năng lí giải ngôn ngữ, bé có thể tiến hành đối thoại với người lớn bằng những câu đơn giản. Khả năng ngôn ngữ của bé đã phát triển đến giai đoạn nắm bắt được các câu hoàn chỉnh, bước vào thời kì bùng nổ ngôn ngữ, cả về khả năng lí giải và biểu đạt ngôn ngữ.

            25 – 32 tháng tuổi: Giai đoạn câu phức. Từ 28 tháng tuổi trở lên, số lượng câu phức mà bé nói sẽ tăng đột biến, chiếm khoẳng 50% lượng ngôn ngữ của bé. Do vậy, chúng ta gọi đây là “Giai đoạn câu phức”. Giai đoạn này, những câu mà bé nói đã dài và hoàn chỉnh hơn nhiều, nội dung cũng ngày một phong phú hơn, bé bắt đầu học cách nhận xét về người và sự vật bằng ngôn ngữ, cũng có thể dùng ngôn ngữ để chi phối người khác, còn có thể dùng ngôn ngữ để tiến hành các hoạt động đơn giản nhất. Cha mẹ cần tạo ra môi trường ngôn ngữ phong phú, hoàn hảo và chuẩn xác cho bé, dẫn dắt bé sử dụng ngôn ngữ biểu đạt tâm trạng của mình trong cuộc sống hằng ngày; đồng thời hỗ trợ bé mở rộng hình thức câu sử dụng, nâng cao khả năng ngôn ngữ.

            33 – 48 tháng tuổi: Giai đoạn ngôn ngữ cái tôi. Bé 3 – 4 tuổi rất thích nói chuyện với mọi người, thậm chí là nói huyên thuyên cả một, hai tiếng đồng hồ. Chúng có thể nắm vững kho từ vựng phong phú, số lượng câu phức tăng lên, sự phát triển ngôn ngữ bước sang giai đoạn ngôn ngữ cái tôi. Đây chính là lúc ngôn ngữ của trẻ bước vào giai đoạn mang tính xã hội, chúng có thể hòa nhập vào các hoạt động với vai trò là một “nhà ngôn ngữ”. Hình thức ngôn ngữ cái tôi đạt cao trào khi trẻ 3 tuổi và biến mất khi trẻ 8 – 9 tuổi. Ngôn ngữ cái tôi là thời kì quá độ từ ngôn ngữ bên ngoài chuyển thành ngôn ngữ nội tại, cha mẹ không nên ngăn cản, không được cảm thấy bực bội; phải biết cách dẫn dắt, nói chuyện thường xuyên với bé; nhiệm vụ tối quan trọng là nâng cao cảm giác ngôn ngữ, lí giải ngôn ngữ và khả năng lĩnh hội cho bé.

            4 – 6 tuổi: Phát triển ngôn ngữ tổng hợp cho bé. Phát triển ngôn ngữ tổng hợp cho trẻ chủ yếu thể hiện trên các phương diện nắm vững ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và năng lực biểu đạt ngôn ngữ. Trẻ từ 4 tuổi trở lên bắt đầu dần dần tự giác, có cách nhìn nhận nguyên tắc ngữ âm, từ vựng và tổ hợp từ thành câu một cách có ý thức. Cùng với sự tăng lên của độ tuổi, khả năng tư duy và biểu đạt cũng có những tiến bộ, ngôn ngữ thúc đẩy tư duy liên tục phát triển. Cha mẹ cần căn cứ vào đặc điểm phát triển ngôn ngữ của bé để đưa ra các kế hoạch rèn luyện phát triển phù hợp, đồng thời nêu gương cho bé, cố gắng khai thác khả năng ngôn ngữ tiềm tàng ở bé, thúc đẩy sự phát triển trí tuệ cũng mang tính giai đoạn ở trẻ.

            Hiểu rõ các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ cùng với những quan sát thực tế quá trình phát triển của con mình, các bậc cha mẹ sẽ biết xây dựng kế hoạch, vận dụng các phương pháp, hình thức rèn luyện cụ thể, phù hợp để phát triển ngôn ngữ cho trẻ một các tối ưu nhất.

2.2. Giáo dục ngôn ngữ sớm cho trẻ thông qua nói, đọc-kể chuyện

2.2.1. Khái quát về giáo dục sớm và giáo dục ngôn ngữ sớm cho trẻ

Giáo dục sớm được xem là những hoạt động giáo dục con trẻ trong giai đoạn 0-6 tuổi. Mục đích là tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt là sự phát triển của trẻ về nhu cầu xã hội, cảm xúc, phản biện, học tập, tư duy,… giúp con chuẩn bị tốt nhất cho hành trình học tập suốt đời. Nói như vậy có nghĩa là việc giáo dục sớm có thể được tiến hành từ khi trẻ vừa sinh ra, thậm chí khi con chưa ra đời – khi trẻ còn đang trong bụng mẹ (các phương pháp thai giáo). Nhưng hoạt động này cần được tiến hành như thế nào? Có phải cha mẹ sẽ trở thành thầy cô giáo giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho con theo kiểu lí thuyết, sách vở? Hiểu như vậy là hoàn toàn sai lầm. “Bản chất của giáo dục sớm là phương pháp giáo dục thuận tự nhiên, lấy trẻ làm trung tâm. Nguyên tắc cơ bản nhất của giáo dục sớm là học mà chơi, chơi mà học. Giáo dục sớm là tôn trọng, yêu thương và khuyến khích con phát triển thuận theo tự nhiên. Và cha mẹ đóng vai trò là người bạn, người đồng hành dẫn dắt con trên hành trình ấy.” [5]

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra cơ sở khoa học của giáo dục sớm là: Từ 0-6 tuổi được gọi là giai đoạn vàng không thể bỏ lỡ của con. Bởi ở thời kỳ này, não bộ của trẻ đều có tốc độ phát triển vượt trội. Từ 0-3 tuổi, não bộ của trẻ tăng trưởng đạt 70-80% bộ não của người trưởng thành. Đến 5-6 tuổi, não bộ của con đã cơ bản hoàn thiện. Trong thời gian vàng này, não bộ có 2 đặc tính mà không một độ tuổi nào có được: 1). Tiềm năng hấp thu vô hạn: Đối với con trẻ, không có khái niệm khó hay dễ, chỉ có thích hay không thích. Khi trẻ hứng thú với cái gì thì trẻ tự nhiên tò mò, tìm hiểu, khám phá về nó mà không cần bất kì sự thúc giục nào của người lớn. Bằng chứng là ngày càng nhiều trẻ chỉ mới 2-3 tuổi, thậm chí là mười mấy tháng biết đọc, biết làm toán. Con có thể thuộc lòng rất nhiều bài hát, tự nhảy theo bài hát mà con yêu thích. Con chơi Lego lắp ráp được những mô hình mà chúng ta nghĩ là rất khó… Vì vậy, cha mẹ cần hiểu và tôn trọng con, sau đó cần biết cách tạo hứng thú cho con khám phá thế giới. 2). Đặc tính mềm dẻo của não bộ: Trong quá trình lớn lên, những tố chất nào não bộ thường xuyên sử dụng sẽ được phát huy mạnh mẽ. Ngược lại những tố chất không được thường xuyên sử dụng sẽ vĩnh viễn mất đi. Điều đó nghĩa là chúng không mãi mãi mà chỉ tồn tại trong giai đoạn 0-6 tuổi. Như vậy, đợi trẻ lớn tự khắc biết có khi đã vô tình bỏ lỡ thời gian vàng của con rồi. Việc áp dụng giáo dục sớm chính là giúp những tiềm năng của não bộ được khơi dậy mạnh mẽ, giúp con phát triển vượt trội so với tiềm năng vốn có. Con không chỉ có nền tảng vững chắc về sức khỏe, trí tuệ và nhân cách tốt đẹp mà còn thuận lợi trong việc học tập, dễ dàng đạt được thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.  

Theo Maria Montessori: “Trong não người có tồn tại một cơ chế ngôn ngữ bẩm sinh, cơ quan thính giác của trẻ có bản năng phân biệt ngôn ngữ của loài người, những điều này là cơ sở sinh lí của việc học ngôn ngữ. Nếu như cơ quan phát âm đến giai đoạn phát triển định hình mà không được bắt đầu tiến hành luyện phát âm, thì cơ quan phát âm sẽ định hình tùy ý, cuối cùng chỉ có thể phát ra những âm thanh tương ứng với cơ quan phát âm chứ không thể học được toàn bộ cách phát âm một ngôn ngữ nào đó một cách có hệ thống.” [4; 148]. Như vậy, việc chú ý giáo dục ngôn ngữ sớm cho trẻ chính là chuẩn bị những điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển nền tảng ngôn ngữ hoàn chỉnh theo cơ sở khoa học. Các nhà khoa học nghiên cứu về ngôn ngữ và sự hình thành, phát triển năng lực ngôn ngữ ở con người đã khẳng định rằng: “Từ lúc sơ sinh đến năm 3 tuổi là giai đoạn tối quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Những gì não tiếp nhận được sẽ ảnh hưởng đến suốt cuộc đời trẻ (…). Và quan trọng hơn thế, giai đoạn phát triển này là con đường một chiều, một khi đã bỏ lỡ nó, bạn sẽ không có cơ hội làm lại.” [4; 216]. Đây được coi là “giai đoạn vàng” trong việc hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Điều này giải thích hiện tượng vì sao ngày nay có rất nhiều trẻ rối loạn ngôn ngữ phổ tự kỉ, hoặc trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, khi cha mẹ vô tình bỏ qua giai đoạn 0 – 3 tuổi thì việc can thiệp ngôn ngữ cho trẻ sau giai đoạn này trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Thậm chí nhiều trường hợp mọi nỗ lực đều không thể đem lại sự phát triển ngôn ngữ bình thường cho trẻ ở những năm tiếp theo của cuộc đời. Thực tế này một lần nữa chứng minh tầm quan trọng của việc tận dụng “thời điểm vàng” từ 0 – 3 tuổi để tiến hành giáo dục ngôn ngữ sớm cho trẻ mầm non.

2.2.2. Giáo dục ngôn ngữ sớm cho trẻ thông qua nói, đọc-kể chuyện

            “Thời thơ ấu chính là thời điểm quan trọng để phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ. Sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ lúc này có ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ suốt đời của trẻ. Hơn thế nữa, sự phát triển ngôn ngữ còn có mối quan hệ mật thiết với trí tuệ của trẻ. Do vậy, cha mẹ nên chú ý bồi dưỡng và huấn luyện, cố gắng khơi gợi năng lực ngôn ngữ tiềm tàng của trẻ.” [1; 44]

2.2.2.1. Các hoạt động cha mẹ nên làm

            Sự phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ thực ra bắt đầu từ giai đoạn thai nhi. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng khoảng 10 tuần trước khi sinh, thai nhi đã có những phản ứng đối với âm thanh. Như vậy, bé đã bắt đầu có thể học ngôn ngữ từ khi còn đang nằm trong bụng mẹ. Thực tế hiện nay có rất nhiều lớp thai giáo khuyên cha mẹ nên trò chuyện, đọc – kể chuyện cho trẻ nghe từ khi trẻ còn đang nằm trong bụng mẹ. Cha mẹ có thể thực hành nói chuyện với con những điều diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn, sau một ngày làm việc, buổi tối về cha mẹ có thể nói chuyện với con về một ngày làm việc của mình, cảm xúc của cha mẹ đối với con, với mọi người hay mọi thứ xung quanh trong cuộc sống, mong ước về con ở tương lai sẽ như thế nào… Cha mẹ cũng có thể hàng ngày đọc truyện, kể các câu chuyện nhỏ cho con nghe để tạo nên sợi dây kết nối tình cảm với con yêu từ trước khi con ra đời. Việc làm này nếu được cha mẹ duy trì thường xuyên sẽ khiến trẻ ngay khi chào đời, nghe được tiếng của cha mẹ, đã có thể cảm nhận được tình yêu thương, sự vỗ về trong những lời trò chuyện của cha mẹ. Đặc biệt, giọng nói, ngôn ngữ của người mẹ có một ý nghĩa quan trọng với trẻ. Mẹ là người ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển ngôn ngữ của bé, việc mẹ nói chuyện với bé bao nhiêu, thời gian và trình tự nói chuyện như thế nào đều có ảnh hưởng sâu sắc đến bé hơn là từ bố.

            “Tất cả trẻ nhỏ đều phải trải qua giai đoạn phát âm đơn giản, giai đoạn sử dụng từ đơn và sử dụng ngữ pháp thành thục, giai đoạn cú pháp: 4 tháng tuổi trẻ phát hiện ngữ âm xuất phát từ miệng, chuyên tâm quan sát động tác ở miệng; 6 tháng tuổi bắt đầu phát ra những âm tiết đơn giản; 10 tháng tuổi biết được rằng những âm thanh nghe được là có ý nghĩa; 12 tháng tuổi bắt đầu nói có ý thức; 18 tháng tuổi phát hiện ra rằng mỗi một đồ vật đều có tên gọi, bắt đầu tích cực học danh từ, đồng thời biểu đạt ý muốn của bản thân bằng cách tự tổ chức sắp xếp các danh từ. Sự phát triển đột phá về ngôn ngữ sẽ kéo dài cho đến khi trẻ 2 tuổi. (…), cùng là thời kì bắt đầu tổ chức ngôn ngữ. Nó tiếp tục kéo dài đến khoảng 6 tuổi, trong khoảng thời gian này trẻ học được rất nhiều từ mới, đồng thời học được ngữ pháp và cú pháp của tiếng nói dân tộc mình.” [4; 149]. Như vậy, từ sơ sinh cho đến trước 1 tuổi, trẻ chưa có khả năng giao tiếp ngôn ngữ có ý thức thì cha mẹ có thể phát triển, khơi dậy khả năng ngôn ngữ của trẻ trong tiềm thức. Các việc làm cha mẹ có thể thực hiện mỗi ngày là nói chuyện với trẻ mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh mỗi khi được gần gũi trẻ, khi ăn, khi chơi cùng bé hay những lúc chăm sóc bé... Ví dụ khi thay tã, thay quần áo, khi tắm cho bé… cha mẹ đều có thể giới thiệu các đồ vật, công đoạn, hành động, nhận xét về bé hoặc lồng vào đó tình cảm của cha mẹ với bé: “Con yêu!”, “Mẹ thay tã cho con nhé!”, “Đây rồi, cái mông xinh đã sạch sẽ, thơm tho.”, “Chúng mình cùng đi tắm thôi nào!”, “Mẹ cởi áo cho con nhé!”, “Vớt nước rửa mặt này.”,  “Đây là cái mũi của con này.”,  “Cái miệng cười xinh yêu quá!”, “Mẹ rửa cái tay xinh, rửa đôi bàn chân tí xíu nhé!...” Khi đi ngủ, mẹ có thể hát ru trẻ bằng những bài ca dao quen thuộc. Khi gọi trẻ dậy mẹ cũng có thể gọi bằng những bài hát cho trẻ lứa của bé, gắn liền với những sự vật, hiện tượng ở thế giới xung quanh bé: “Dậy đi thôi nào dậy bạn ơi/ Chim hót vang khi thấy ông mặt trời…” Ở giai đoạn này, cha mẹ cũng có thể đọc-kể chuyện cho con nghe mỗi ngày. Những câu chuyện được lựa chọn sử dụng nên là những truyện ngắn, có 1-2 nhân vật là người, con vật hoặc đồ vật gần gũi với trẻ. Sau khi đọc-kể chuyện cho trẻ xong, cha mẹ cũng có thể nói chuyện với bé về nội dung câu chuyện, cảm nhận, nhận xét của mình về nhân vật trong truyện. Mặc dù lúc này bé chưa thể hiểu được nội dung, ý nghĩa của truyện. Nhưng việc duy trì thói quen đọc-kể chuyện hàng ngày cho trẻ, sẽ giúp trẻ được tiếp xúc sớm với ngôn ngữ nghệ thuật trong các tác phẩm văn học, làm giàu vốn từ một cách thụ động cho trẻ, luyện tập chú ý cho bé, tạo tiền đề, nền tảng học ngôn ngữ giao tiếp cho bé ở giai đoạn tiếp theo.

            Từ 12 tháng tuổi trở đi, khi trẻ bắt đầu có khả năng nói có ý thức, cha mẹ tiếp tục duy trì việc trò chuyện hàng ngày với trẻ mọi lúc, mọi nơi hoặc nâng cao hơn có thể tổ chức các trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong quá trình vui chơi cùng bé. Ví dụ cha mẹ có thể cho bé tiếp xúc với các loại trái cây, những con thú nhồi bông, đồ chơi phát ra tiếng kêu hình các con vật như vịt, gà, mèo, chó, thỏ… trong trò chơi “Chiếc túi bí mật”. Cha mẹ để các loại đồ dùng đồ chơi vào trong túi, sau đó thay phiên giữa cha mẹ và bé thò tay vào túi lấy đồ vật và đọc tên đồ vật, nói nhận xét về các vật lấy được. Chẳng hạn: “A! Đây là quả chanh này!”, “Quả chanh có hình tròn, màu xanh”, “Cho tôi xin một miếng chanh nào!” “Ôi! Chua quá!”, “Còn đây là một chú mèo xinh xắn”, “Mèo kêu meo, meo…” Với những bé đã có thể giao tiếp bằng từ, câu đơn cha mẹ có thể kích thích và phát triển khả năng giao tiếp, làm phong phú vốn từ vựng cho bé bằng cách đặt ra những câu hỏi để hỏi bé trong khi chơi: “Đây là con gì? Cái gì con nhỉ? Quả cam có màu gì? Mẹ đố con biết con vịt/ con chó… kêu thế nào?” Hoặc cha mẹ có thể làm giả tiếng kêu của các con vật, tiếng gió thổi, tiếng mưa rơi… và hỏi bé xem đó là tiếng kêu của con vật/ sự vật/ hiện tượng nào. Trong quá trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ, cha mẹ cũng có thể hình thành thói quen đọc sách cho bé từ nhỏ bằng cách sử dụng các thẻ chữa rời hoặc các quyển thẻ chữ để dạy chữ cái, từ, câu cho bé thông qua thẻ, tranh, ảnh. Hoặc cha mẹ có thể xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ bằng việc cùng trẻ đọc sách mỗi ngày. Các quyển sách dùng cho trẻ đọc và chơi cùng nên là sách có bìa cứng hoặc sách in màu, có tranh minh họa, số lượng câu chữ ít và chữ in to hơn sách thông thường, hoặc các truyện tranh dành riêng cho trẻ mẫu giáo. Khi chơi và đọc sách cùng trẻ, cha mẹ có thể đọc cho trẻ nghe, hoặc cùng trẻ lật mở các trang sách và đọc, hỏi trẻ về các chi tiết hình ảnh trong sách, các nhân vật trong các câu chuyện trẻ được làm quen, hoặc bày tỏ cảm xúc của mình về các nhân vật trong truyện...

            Với những trẻ từ 2 tuổi trở lên, sau khi đọc-kể chuyện cho trẻ nghe, cha mẹ có thể giúp trẻ tìm hiểu về nội dung câu chuyện bằng cách đặt ra những câu hỏi về truyện đó: “Mẹ vừa kể con nghe câu chuyện gì nhỉ? Câu chuyện có những nhân vật nào?” Tùy theo độ tuổi, cha mẹ có thể đặt những câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp để khơi gợi khả năng tư duy và phát triển ngôn ngữ giao tiếp, ngôn ngữ nghệ thuật cho bé. Ví dụ hỏi về các nhân vật, số lượng nhân vật, tên nhân vật, sự việc xảy ra với nhân vật, nhận xét về nhân vật hay tình cảm của trẻ dành cho từng nhân vật trong câu chuyện mẹ đã đọc-kể… Nâng cao hơn thì với những câu chuyện quen thuộc trẻ đã được nghe nhiều lần, cha mẹ có thể có tình đọc-kể chuyện sai các chi tiết, tình tiết, tên nhân vật… so với hằng ngày trẻ được nghe, kích thích trẻ phát hiện lỗi sai và cho trẻ kể lại đúng. Hoặc cha mẹ có thể cho trẻ xem tranh và kể chuyện theo các bức tranh đó cho trẻ nghe…

            Có rất nhiều cách giao tiếp với trẻ và dạy trẻ giao tiếp mà cha mẹ có thể thực hành hàng ngày. Chỉ cần bằng tình yêu từ trong trái tim mình và sự quan sát hành trình các con lớn lên, cha mẹ sẽ tự tìm ra các hoạt động, xây dựng các kế hoạch phát triển ngôn ngữ phù hợp cho con ở từng độ tuổi. Tuy nhiên, chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh, khoảng thời gian từ 0-3 tuổi là giai đoạn tối quan trọng để cha me tận dụng mọi cơ hội để phát triển khả năng ngôn ngữ tiềm tàng của con, hình thành nền tảng vững chắc cho quá trình học tập và trưởng thành về sau của con. Vậy để thực hiện tốt vai trò người dẫn dắt, đồng hành cùng con trong quá trình phát triển ngôn ngữ sớm cho trẻ cha mẹ cần bồi dưỡng cho mình những kĩ năng gì? Nội dung tiếp sau đây sẽ trả lời cho chúng ta câu hỏi đó.

2.2.2.2. Những kĩ năng cha mẹ cần có

            “Không có bất cứ đứa trẻ nào sinh ra đã là thiên tài ngôn ngữ, đứa trẻ nào cũng cần được người lớn tích cực chủ động dẫn dắt và dạy bảo. Muốn con thuận lợi vượt qua thời kì nhạy cảm ngôn ngữ, mẹ phải nắm  bắt mọi cơ hội làm mẫu cho bé.” [1; 45]

            Trước hết, cha mẹ cần tạo ra một môi trường ngôn ngữ có chất lượng tốt để giáo dục ngôn ngữ sớm cho trẻ. Môi trường ngôn ngữ phong phú, chuẩn xác là yếu tố đầu tiên quyết định sự phát triển ngôn ngữ của bé. Vậy thế nào là một môi trường ngôn ngữ tốt? Đó là môi trường gia đình có những người lớn như cha mẹ, ông bà, cô dì, chú bác… thường xuyên tiếp xúc, giao tiếp với trẻ, đồng thời luôn cố gắng phát âm chuẩn và biểu đạt một cách chính xác nhất những nội dung muốn nói với trẻ. Không nên hùa theo những nhu cầu trong các giai đoạn phát triển ngôn ngữ đặc thù của trẻ mà dùng những câu ngắn, ý nghĩa lộn xộn, những từ ngữ ấu trĩ, những điệp âm không rõ nghĩa, xa rời thực tế để nói chuyện với trẻ. Vì trẻ học ngôn ngữ từ hiện thực cuộc sống hàng ngày, từ kinh nghiệm bản thân, từ sự phối hợp ngôn ngữ, từ sự vận dụng ngôn ngữ một cách tự do, linh hoạt nên khả năng ngôn ngữ của bé có tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc gia đình có tạo ra môi trường ngôn nữ hoàn hảo cho bé hay không.

            Khi thực hành nói chuyện với bé hàng ngày, cha mẹ cần luôn nhìn thẳng vào mặt bé, mắt bé và dẫn dắt bé nhìn thẳng vào khuôn mặt, khuôn miệng của cha mẹ. Vì bé học nói được là khi bé nghe được âm thanh và biết rằng tiếng nói phát ra từ khuôn miệng của người lớn. Khi nói chuyện với trẻ, cha mẹ cần nói chậm, rõ nghĩa; những câu phức tạp nên tách thành những câu ngắn gọn, đơn giản và chính xác về ý nghĩa. Cha mẹ cũng cần kết hợp ngôn ngữ nói với ngôn ngữ cơ thể (nụ cười, ánh mắt, cử động khuôn miệng, hoạt động của tay chân…) để làm phong phú, vận dụng linh hoạt ngôn ngữ trong giao tiếp với trẻ. Trong lời nói của cha mẹ cũng cần thể hiện được tình cảm yêu thương, vỗ về dành cho bé để kết nối tình cảm của bé và cha mẹ trong hoạt động giao tiếp hàng ngày. “Nếu bạn cho rằng trẻ còn nhỏ quá, không thể nghe hiểu tiếng nói của bạn thì bạn đã nhầm rồi. Khi nói chuyện, trẻ có cách riêng của mình để lí giải, không giống như người lớn chỉ dựa hoàn toàn vào nghĩa biểu đạt của từ. Biểu cảm của bạn, động tác của bạn, sự biến đổi âm thanh của bạn cũng giống như ngôn ngữ có thể biểu đạt được ý muốn và tâm tình của bạn, thậm chí có lúc, chúng còn có thể biểu đạt chính xác và chân thực hơn cả ngôn ngữ.” [4; 151] Vì vậy, cha mẹ nên rèn luyện cho mình thói quen nói chuyện với con hàng ngày, mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn ảnh phù hợp từ khi trẻ còn là một đứa bé sơ sinh.

            Khi đọc-kể chuyện cho bé nghe, hoặc cùng trẻ đọc sách cha mẹ cần lựa chọn khoảng thời gian phù hợp với trẻ mỗi ngày để rèn luyện thói quen tốt cho bé. Ví dụ, cha mẹ có thể duy trì thói quen đọc-kể chuyện cho bé nghe trước giờ đi ngủ. Trong quá trình lặp đi lặp lại thói quen này hàng ngày, cha mẹ sẽ bồi dưỡng được cho bé khả năng nghe và năng lực biểu đạt của ngôn ngữ, bé sẽ học được thói quen khẩu ngữ của cha mẹ, làm quen và mở rộng vốn từ ngữ nghệ thuật trong tác phẩm văn học… Việc này đòi hỏi cha mẹ phải thật kiên trì và có sự chuẩn bị công phu hơn như: chuẩn bị trước câu chuyện định đọc-kể, luyện đọc-kể trước một cách trôi chảy (có thể thay đổi các câu chuyện 1-2 lần /tuần); khi đọc-kể cho trẻ nghe cần điều chỉnh âm lượng và ngữ điệu phù hợp với trẻ và diễn biến câu chuyện hoặc phù hợp với từng nhân vật trong truyện, cố gắng thu hút sự chú ý của trẻ vào truyện; sau khi đọc- kể xong có thể thảo luận cùng trẻ về ý nghĩa của câu chuyện, các nhân vật, nếu trẻ có yêu cầu thì có thể kể lại một đoạn truyện hoặc cả truyện nhiều lần; sau nhiều lần đọc-kể đi đọc-kể lại, cha mẹ có thể cố tình bỏ sót một chi tiết, đổi tên nhân vật, kể sai chi tiết hoặc sự việc nào đó để kiểm tra trí nhớ, sự tập trung của trẻ đồng thời khích lệ trẻ kẻ lại tình tiết, chi tiết, sự việc bị bỏ sót, bị kể sai, động viên trẻ nhắc lại đúng tên nhân vật… Việc gia tăng dần các nhiệm vụ hoặc nâng cao dần mức độ phức tạp của nhiệm vụ một cách phù hợp với trẻ là phương pháp hữu hiệu cha mẹ giúp bé được rèn luyện năng lực trần thuật, ngôn ngữ giao tiếp. Các câu chuyện được đọc-kể cha mẹ có thể lấy trong sách, các tập truyện cho bé, hoặc do cha mẹ và bé tự sáng tạo ra trong từng tình huống cụ thể. Đó cũng là cách cha mẹ rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo cho con.

            Cha mẹ cần biết rằng cơ quan phát âm của trẻ được định hình và phát triển hoàn thiện trong quá trình học ngôn ngữ. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ hãy luôn biết tận dụng mọi cơ hội cho trẻ được học nói sớm và thường xuyên, giúp trẻ được rèn luyện, phát triển và hoàn thiện năng lực sử dụng ngôn ngữ, tiếng nói mẹ đẻ của mình.

3. Kết luận

            Sở dĩ con người được coi là động vật bậc cao, là linh hồn của vạn vật là bởi con người có hình thức ngôn ngữ và mô hình tư duy phức tạp.” [1; 51] Nắm bắt được thời kì nhạy cảm ngôn ngữ của bé, hiểu được các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ và vị trí quan trọng của “giai đoạn vàng” trong giáo dục ngôn ngữ sớm cho trẻ, cha mẹ sẽ có các phương pháp, hình thức để xây dựng kế hoạch phát triển ngôn ngữ phù hợp với con mình. Chỉ cần tạo cho con một môi trường ngôn ngữ phong phú, chuẩn xác và giàu tình yêu thương, chắc chắn cha mẹ sẽ khơi dậy và phát triển được tiềm năng ngôn ngữ vốn có trong con để con vững bước vào đời hạnh phúc và thành công.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Maria Montessori (Nguyễn Phương Lin dịch), 2014, Phương pháp giáo dục Montessori – Thời kì nhạy cảm của trẻ, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

[2]. Maria Montessori (Lê Nhật Minh dịch), 2015, Phương pháp giáo dục Montessori – Sức thẩm thấu của tâm hồn, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

[3]. Maria Montessori (Trịnh Xuân Tuyết, Nghiêm Phương Mai dịch), 2012, Trẻ thơ trong gia đình, Nhà xuất bản Tri thức.

[4]. Quốc Tú Hoa chủ biên (Bích Chuyên dịch), 2015, Cẩm nang nuôi dạy con theo phương pháp Montessori, Nhà xuất bản Phụ nữ.

[5]. https://meviet.vn/giao-duc-som-la-gi/


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội