Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THỰC TRẠNG VÀ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CHO SINH VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM BẮC NINH - Phan Thị Hiền – Khoa: GD- THMN

 

I. MỞ ĐẦU

            Nghiên cứu khoa học (NCKH) đóng vai trò quan trọng trong môi trường giáo dục ở bậc cao đẳng, đại học, có tác dụng giúp sinh viên (SV) chủ động học tập, tìm tòi sáng tạo. Hoạt động NCKH là cơ hội để SV tự thể hiện khả năng của mình và hình thành kĩ năng làm việc nhóm. Đồng thời góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào của nhà trường. Nhận thức được tầm quan trọng này, trong nững năm gần đây nhà trường đã chú trọng đến hoạt động NCKH trong SV bằng nhiều hình thức khác nhau như: viết tiểu luận, báo cáo thực tập sư phạm, khóa luận tốt nghiệp, các đề tài NCKH... nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp SV ra trường có kinh nghiệm thực tiễn.

            Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, hoạt động NCKH của SV còn bộc lộ nhiều hạn chế và cần có sự quan tâm nhiều hơn từ phía nhà trường và giảng viên. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin chia sẻ một số quan điểm, nhận định của mình về vai trò, thực trạng hoạt động NCKH của SV trường CĐSP Bắc Ninh và đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả NCKH cho SV.

II. NỘI DUNG

            1. Vai trò của NCKH đối với SV

            - Là phương pháp hiệu quả để SV mở rộng vốn kiênd thức cũng như kĩ năng mềm của bản thân.

            - Là cơ hội để SV áp dụng những kiến thức lí thuyết đã học vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn.

            - Là cơ hội để SV được tiếp cận với những đề tài ở quy mô nhỏ. Cùng với sự hướng dẫn của giảng viên (GV), SV sẽ bắt đầu định hình được cách thức, quy trình để thực hiện tốt một đề tài NCKH chất lượng, hiệu quả.

            - Giúp SV phát huy tính năng động, sáng tạo, khả năng tư duy độc lập, tự học hỏi của SV... Những kĩ năng này không chỉ quan trọng trong thời gian học tập tại trường mà còn theo họ trong suốt quãng thời gian làm việc sau này.

            2. Thực trạng NCKH của SV trường CĐSP Bắc Ninh

            * Nhận thức của SV về hoạt động NCKH

            - Đa số SV hiện nay chưa nhận thức được tầm quan trọng của NCKH. Do đó, SV chưa thực sự hứng thú say mê đầu tư đúng mức cho hoạt động này.

            - Phần lớn SV ít quan tâm và không chú trọng đến vấn đề NCKH, tỉ lệ SV tham gia hoạt động NCKH còn thấp. Qua khảo sát 300 SV khóa 40, 41 của trường CĐSP Bắc Ninh vào tháng 12 năm 2021 cho thấy: Chỉ có 18/300 SV (chiếm 6%) cho rằng NCKH là "rất quan trọng"; 78/300 SV (chiếm 26%) cho rằng "quan trọng"; 75/300 SV (chiếm 25%) cho rằng "ít quan trọng"; 39/300 SV (chiếm 13%) cho rằng "không quan trọng"; còn lại 90/300 SV (chiếm 30%) chưa xác định được thế nào là NCKH. Từ kết quả trên cho thấy, đa số SV hiện nay chưa nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động NCKH đới với hoạt động học tập. Do đó, chưa có sự đầu tư cũng như tích cực tham gia vào hoạt động này.

            - Hầu hết SV coi hoạt động NCKH là khá xa vời, chỉ dành cho SV Xuất sắc và Giỏi chứ không phải là mình. Do vậy, số lượng SV tham gia NCKH của trường còn quá ít, GV phải tích cực động viên SV mới tham gia...

            Ngoài ra nhiều SV còn có quan niệm chưa chính xác về NCKH như: NCKH rất khó, tốn nhiều thời gian, tốn kinh phí in ấn và không được lợi ích gì. Chỉ cần đến lúc thi học kì ôn mấy buổi là xong làm gì phải nghiên cứu, viết lách cho mất công sức, thời gian. Đây cũng chính là một hạn chế tiềm ẩn trong nhiều SV hiện nay.

            * Việc thực hiện các kĩ năng NCKH của SV

            - Kĩ năng lựa chọn vấn đề nghiên cứu: Đa số SV còn lúng túng, khó khăn trong việc lựa chọn vấn đề nghiên cứu, chưa biết cách chọn và đặt tên cho đề tài như thế nào cho hợp lí. Hầu hết các đề tài NCKH của SV hiện nay đều do GV đưa ra cho SV lựa chọn.

            - Kĩ năng xây dựng đề cương nghiên cứu: SV còn khó khăn trong khâu xác định mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu, dự kiến nội dung và phương pháp nghiên cứu.

            - Kĩ năng thu thập và xử lí thông tin: SV thường có xu hướng sao chép các thông tin và chuyển tải thông tin một cách máy móc vào trong các bài tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp... mà không có sự lựa chọn, chắt lọc sáng tạo.

            3. Nguyên nhân của thực trạng trên

            - Do nhận thức của SV về NCKH chưa đủ cả về chất và lượng, SV chưa thực sự tích cực, tự giác, các em chưa xác định được cho mình thái độ và động cơ nghiên cứu đúng đắn, nghiêm túc.

            - Do SV chưa nắm vững phương pháp luận NCKH. Thiếu tài liệu tham khảo, thiếu phương tiện nghiên cứu cũng là hạn chế khả năng NCKH của SV.

            - Một số GV chưa hướng dẫn tận tình cho SV trong quá trình nghiên cứu cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến kĩ năng NCKH của SV.

            Như vậy, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến việc NCKH của SV, hiểu được những nguyên nhân này cũng là điều quan trọng trong việc tìm ra những biện pháp phù hợp nhằm giúp SV nâng cao hiệu quả NCKH tốt hơn.

            4. Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả NCKH cho SV trường CĐSP Bắc Ninh

            - Thứ nhất, giúp SV hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc NCKH.

            Thông qua các buổi lên lớp, qua các môn học cùng với việc trang bị cho SV tri thức phương pháp luận, phương pháp NCKH, kĩ năng NCKH, GV cần hướng dẫn một cách chính xác, đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa của hoạt động NCKH cho SV. Giảng viên cần giúp SV nhận thức được rằng NCKH là một năng lực không thể thiếu của SV đại học, cao đẳng. Cùng với hoạt động học tập và các hoạt động khác, hoạt động NCKH sẽ giúp SV rèn luyện được những kĩ năng và phẩm chất cần thiết của một GV trong tương lai, đáp ứng ngày càng cao của xã hội. Qua đó, giúp SV có động lực rèn kĩ năng NCKH và mạnh dạn triển khai nghiên cứu các đề tài cụ thể.

            - Thứ hai, cung cấp cho SV kiến thức và kĩ năng NCKH.

            Thông qua các môn học, GV cần trang bị cho SV tri thức về phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu và hệ thống kĩ năng cần thực hiện trong việc nghiên cứu một đề tài từ khâu lựa chọn đề tài, xây dựng đề cương, triển khai nghiên cứu có kết quả. GV cần trang bị và phân tích cách trình bày các bước nghiên cứu cụ thể cho SV. Sau đó tổ chức thảo luận, trao đổi cùng với SV để giải đáp những thắc mắc, khó khăn trong NCKH mà SV có thể gặp phải.

            GV có thể hướng dẫn SV các bước cơ bản thực hiện đề tài NCKH như sau:

            1. Lựa chọn vấn đề nghiên cứu.

            2. Xác định đề tài nghiên cứu.

            3. Lập đề cương nghiên cứu sơ bộ.

            4. Thu thập tài liệu nghiên cứu.

            5. Lập đề cương nghiên cứu chi tiết.

            6. Triển khai nghiên cứu đề tài.

            7. Tổng hợp kết quả nghiên cứu.

            8. Kiểm trứng kết quả nghiên cứu.

            9. Báo cáo tổng hợp đề tài.

            10. Công bố kết quả nghiên cứu.

            - Thứ ba, cần có những hoạt động thúc đẩy, tuyên truyền đưa các thông tin về NCKH đến gần với SV.

            Tuyên truyền, phổ biến các thông tin về NCKH đến với SV một cách thường xuyên và gần hơn nữa, làm cho mỗi SV đều ý thức được tầm quan trọng của hoạt động NCKH và NCKH không phải là một hoạt động xa vời mà rất cần thiết với bản thân các em. Các bài báo khoa học, đề tài NCKH cấp trường, cấp tỉnh...cần đưa lên trang web của nhà trường trong mục hoạt động NCKH, hay lưu trữ tại thư viện online để SV tiện tham khảo. Từ đó, phần nào nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của các đề tài NCKH trong SV. Có thể tổ chức các phong trào NCKH cho SV dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức viết bài đăng báo, tập san SV, phong trào thầy trò cùng phối hợp NCKH... Thông qua các phong trào đó, đòi hỏi SV tích cực, nỗ lực khai thác, tìm tòi thông tin, nghiên cứu sách vở tài liệu ở nhiều nơi, nhiều kênh khác nhau. Đồng thời SV có cơ hội phát huy hết khả năng của mình trong quá trình sử dụng phương pháp nghiên cứu, viết báo cáo... Như vậy, cùng với việc bộc lộ hết các khả năng NCKH, SV cũng rèn luyện cho mình các kĩ năng cần thiết khác.

            - Thứ tư, tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm về cách thức NCKH cho SV.

            Mỗi năm nhà trường nên tổ chức ít nhất một buổi hội thảo về NCKH cho SV, cần mời các thầy cô giáo có kinh nghiệm, tâm huyết về NCKH để cùng trao đổi giúp đỡ SV trong việc NCKH, đồng thời mời các SV có kĩ năng NCKH tốt trình bày, trao đổi kinh nghiệm của mình về NCKH cùng với các SV khác.

            - Thứ năm, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động NCKH.

            Nhà trường cần tăng cường các điều kiện phục vụ hoạt động NCKH của SV bằng cách đầu tư hệ thống thông tin thư viện, phương tiện kĩ thuật hiện đại để hỗ trợ cho SV trong việc tìm kiếm, thu thập tài liệu, thông tin.

            III. KẾT LUẬN

            NCKH là một hoạt động đặc thù của SV ở các trường đại học, cao đẳng. Nó có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục cho SV phương pháp chiếm lĩnh kiến thức, bồi dưỡng năng lực độc lập, tư duy sáng tạo và những phẩm chất nhân cách tốt đẹp của người GV tương lai. Thực tế hiện nay, chất lượng NCKH của SV chưa tốt một phần do SV chưa có nhiều kiến thức, kĩ năng trong nghiên cứu. Vì vậy, từ việc khảo sát thực trạng NCKH của SV, tác giả đã mạnh dạn đưa ra các biện pháp nhằm góp phần giúp SV có kiến thức và kĩ năng NCKH tốt hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

            1. Nguyễn Thị Ngọc An (2012): Phương pháp nghiên cứu khoa học. Nxb Lao động - Xã hội.

            2. Nguyễn Văn Dự (2011): Phương pháp nghiên cứu khoa học. Nxb Khoa học và Kĩ thuật.

            3. Trần Ngọc Thảo Nguyên (2018): Quản lí hoạt động NCKH của SV tại các trường đại học đào tạo đa ngành. Tạp chí Khoa học Quản lí - Giáo dục, số 1, tháng 3/2018, tr 62-67.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội