Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SỬ DỤNG TƯ LIỆU DẠY HỌC NHẰM RÈN NĂNG LỰC TỰ HỌC CHO SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON - Thsy Nguyễn Bích Quyên - Khoa GD TH-MN

 

1. Mở đầu

Đổi mới phương pháp dạy học là việc làm cần thiết và có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy học ở các cơ sở giáo dục đại học. Làm thế nào để sinh viên có thể tích cực, chủ động, sáng tạo, có kiến thức và kĩ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ sở giáo dục sau khi ra trường? Ngoài việc giảng viên (GV) đổi mới phương pháp dạy học, cần có sự quan tâm đến năng lực tự học (NLTH) của sinh viên (SV). Thời gian học trong trường cao đẳng có giới hạn còn sự phát triển của tri thức thì vô hạn, do đó tự học là xu thế tất yếu, tự học suốt đời là yếu tố quyết định sự thành công trong tương lai của SV.

Xuất phát từ những lí do trên, tôi lựa chọn nghiên cứu biện pháp “Sử dụng tư liệu dạy học nhằm rèn năng lực tự học cho sinh viên ngành giáo dục Mầm non”, áp dụng cho sinh viênnăm thứ nhất, trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh.

2. Nội dung

2.1. Những vấn đề lí luận chung

*Khái niệm tư liệu dạy học

Trong quá trình dạy học, tư liệu là tất cả những tài liệu chứa đựng các nội dung học tập được thể hiện dưới dạng phương tiện trực quan, tranh hình, mẫu vật, tài liệu tham khảo,…dựa vào đó GV hoặc SV có thể tìm tòi, nghiên cứu tri thức với mục đích nhất định.

Tư liệu dạy học có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động dạy học, đây là công cụ hỗ trợ cả GV và SV bổ sung nguồn tri thức, nâng cao hiểu biết. Tư liệu dưới dạng các phương tiện nghe nhìn như tranh hình, video, phim,.. có tính hấp dẫn cả về nội dung và hình thức thể hiện. Do đó, việc sử dụng các loại tư liệu dạy học sẽ kích thích, tạo hứng thú học cho SV. Dạy học bằng phương tiện trực quan sẽ giúp SV ghi nhớ dễ dàng, vận dụng tốt hơn. Tư liệu góp phần đổi mới phương pháp dạy học ở trường Cao đẳng. Dưới sự hướng dẫn của GV, SV dần dần thích ứng với phương pháp dạy học tích cực. Bài giảng sẽ sinh động hơn, hoạt động học sẽ sôi nổi hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Học phần Sự phát triển thể chất trẻ em lứa tuổi mầm non bao hàm nội dung tri thức về đặc điểm sinh lí, vệ sinh các hệ cơ quan trong cơ thể trẻ em, sự phát triển thể chất trẻ em theo giai đoạn. Nguồn tư liệu dạy học của học phần này rất đa dạng phong phú và dễ tìm kiếm, có thể sử dụng để phát triển năng lực tự học cho SV.

* Khái niệm năng lực tự học

Tôi sử dụng định nghĩa của tác giả Phan Thị Thanh Hội và Kiều Thị Thu Giang (2016), "năng lực tự học là khả năng người học độc lập, tự giác, từ việc xác định mục tiêu học tập, thiết kế và thực hiện kế hoạch học tập đến việc tự đánh giá và điều chỉnh việc học nhằm tối ưu hóa việc lĩnh hội kiến thức và phát triển NL" [2].

Cấu trúc năng lực tự học NLTH đo được thông qua các thao tác và kết quả thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của các thành tố cấu thành NLTH theo một logic nhất định. Cấu trúc NLTH gồm 4 kĩ năng và biểu hiện của kĩ năng được thể hiện như sau (bảng 2.1)[3]

Bảng 2.1. Biểu hiện các kĩ năng thành phần của NLTH

Các kĩ năng thành phần

Biểu hiện của kĩ năng

Kĩ năng xác định mục đích tự học.

- Đặt được câu hỏi về nhiệm vụ học tập.

- Xác định được mục tiêu bài học.

Kĩ năng lập kế hoạch tự học.

- Xác định nội dung cần học.

- Dự kiến tài liệu, đồ dùng cần thiết cho hoạt động học.

- Dự kiến sản phẩm cần phải có.

Kĩ năng thực hiện kế hoạch tự học.

- Tìm kiếm tài liệu.

- Làm việc với tài liệu: Xác định mục tiêu bài học, chọn lọc thông tin, tóm tắt bằng các từ khóa hoặc bảng biểu, sơ đồ,…

- Xử lí tài liệu: Thực hiện các yêu cầu học tập theo hướng dẫn của GV.

- Thiết kế sản phẩm học tập: Lập dàn ý, lập bảng, sơ đồ, viết báo cáo, bài thuyết trình,…

Kĩ năng tự đánh giávà điều chỉnh việc tự học.

- Sử dụng tiêu chí đánh giá do GV cung cấp.

- Tự đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh việc học.

           

Khả năng tự học của SV chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố( tâm lí, thể chất, khả năng nhận thức, môi trường học tập,…). Sinh viên muốn phát triển năng lực tự học cần phải chủ động, tự giác trong việc thực hiện các hoạt động học tập. SV hiện nay tiếp nhận và chia sẻ thông tin trong xã hội với tốc độ chóng mặt. Mỗi SV có khả năng tìm kiếm thông tin theo nhiều cách khác nhau. Việc sử dụng công nghệ hiện đại giúp các em xử lí nhiều thông tin cùng một lúc, do đó mỗi SV có cách học riêng.

Bản chất của dạy và học tích cực là khai thác động lực học tập ở người học để phát triển chính họ; coi trọng lợi ích, nhu cầu cá nhân để giúp người học thích ứng với nhu cầu xã hội.[1]

            Giảng viên cần quan tâm dạy SV cách học, nhất là SV năm đầu tiên. Việc phát triển năng lực tự học cho SV là một xu thế tất yếu, hợp với quy luật phát triển xã hội. Phát triển năng lực tự học cho SV là biện pháp hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng giáo dục của Nhà trường, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong chương trình giáo dục. Sinh viên rèn luyện năng lực tự học sẽ học tập chủ động, sáng tạo, chiếm lĩnh kho tàng tri thức của loài người.

            Tóm lại, phát triển năng lực tự học là việc làm có tính cấp thiết trong thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu. Sinh viên cần xây dựng cho bản thân phương pháp tự học khoa học, tạo động lực thúc đẩy hoạt động học tập.

            Tư liệu dạy học là công cụ, phương tiện giúp SV tiếp cận tri thức thuận lợi hơn. Sử dụng tư liệu dạy học có sự hướng dẫn của GV, giúp SV hình thành kiến thức, ôn tập, củng cố một cách hệ thống, rèn luyện các kĩ năng, kĩ xảo, phát triển năng lực.

2.2.Biện pháp sử dụng tư liệu dạy học nhằm rèn năng lực tự học cho sinh viên ngành giáo dục Mầm non

* Biện pháp

Để rèn luyện năng lực tự học cho SV, tôi áp dụng trong dạy học phần Sự phát triển thể chất trẻ em lứa tuổi mầm non, đối với sinh viên năm thứ nhất, ngành giáo dục Mầm non, theo các bước sau:

Bước 1: SV nhận nhiệm vụ học tập và gợi ý về các tư liệu liên quan.

Bước 2: SV tự học, khai thác thông tin từ các tư liệu dạy học và thực hiện nhiệm vụ học tập.

Bước 3: SV thảo luận nhóm.

Bước 4: Thảo luận trước lớp và kết luận về nhiệm vụ học tập.

- Bước 1: SV nhận nhiệm vụ học tập và gợi ý về các tư liệu liên quan.

Các nguồn tư liệu trong tài liệu học tập của SV thường là dạng văn bản, ít tranh hình, nhiều nội dung về cơ chế, quá trình khó hiểu nên cần đưa thêm các tư liệu khác giúp SV dễ hiểu. GV cần lựa chọn tư liệu đảm bảo các nguyên tắc: Bám sát mục tiêu, nội dung bài học; phù hợp thời lượng chương trình, tiến trình bài học; phù hợp với yêu cầu về phương tiện trực quan,… Nhiệm vụ học tập và tư liệu được GV giao trước và cho SV thời gian nghiên cứu, tự học 1 tuần. GV có thể phát trực tiếp phiếu hướng dẫn học hoặc gửi tệp nội dung qua mạng Internet cho lớp. Trên lớp, GV dành thời gian cho SV báo cáo, thảo luận.

Bước này sẽ giúp SV rèn luyện kĩ năng xác định mục đích tự học.

-Bước 2: SV tự học, khai thác thông tin từ các tư liệu dạy học và thực hiện nhiệm vụ học tập.

Khi thực hiện bước 2, SV rèn luyện kĩ năng lập kế hoạch tự học và thực hiện kế hoạch tự học.

Trong bước này, SV sẽ làm việc cá nhân với TLDH để giải quyết nhiệm vụ được giao. GV chú trọng rèn cho SV các kĩ năng khai thác thông tin từ TLDH như:

Kĩ năng khai thác thông tin từ tranh hình, sơ đồ, bảng số liệu,…

Trong các dạng tư liệu thì tranh ảnh, hình vẽ, bảng số liệu sẽ cung cấp một lượng lớn thông tin ở dạng tiềm ẩn. Rèn luyện kĩ năng quan sát tranh hình cho SV sẽ góp phần phát triển tư duy phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, tạo sự hứng thú học tập, đồng thời giáo dục tính thẩm mĩ cho SV.

Kĩ năng khai thác thông tin từ phim, video,…

Kĩ năng đọc và tìm ý chính.

Kĩ năng ghi chép, tái hiện nội dung.

-Bước 3: SV thảo luận nhóm.

GV cần hướng dẫn về cách thảo luận, cách báo cáo kết quả thảo luận. Trong yêu cầu của nhiệm vụ học tập có nội dung hướng dẫn cách thức thảo luận. GV yêu cầu cử các nhóm trưởng, thư kí, phân công nhiệm vụ trong nhóm theo nội dung công việc cần thực hiện, yêu cầu kết quả đạt được, quy đổi điểm cho từng chức năng tương ứng. GV hướng dẫn SV cách báo cáo kết quả thảo luận khác nhau( trình chiếu Powerpoint, trình bày trên giấy A0, làm mô hình sản phẩm,…).

Nhờ hoạt động thảo luận, SV đánh giá được kết quả tự học của bản thân, từ đó tự điều chỉnh lại việc tự học.

-Bước 4: Thảo luận trước lớp và kết luận về nhiệm vụ học tập.

GV tổ chức cho SV báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập, thảo luận. Tùy yêu cầu của nhiệm vụ học tập, thời gian tiết học, GV cho SV báo cáo lần lượt hoặc báo cáo song song.

Báo cáo lần lượt: Các nhóm báo cáo theo thứ tự lần lượt, trong đó, mỗi nhóm cử 1 đại diện lên báo cáo, hoặc cả nhóm cùng lên báo cáo sản phẩm của nhóm trong thời gian quy định. Hình thức này thích hợp cho cách thức dùng Powerpoint để báo cáo, tuy nhiên sẽ hạn chế số lượng nhóm báo cáo vì thời lượng dạy học không nhiều.

Báo cáo song song: Cho các nhóm cùng treo kết quả thảo luận → cử đại diện các nhóm đứng trước bài báo cáo → chọn lựa 1 nhóm báo cáo, đại diện các nhóm còn lại nghe và đánh dấu vào những ý kiến đã trùng lặp → đại diện các nhóm còn lại nêu ý kiến chỉnh sửa và bổ sung nếu có. Hình thức này sẽ kiểm soát được các ý kiến trùng lặp, hạn chế thời gian báo cáo lại các nội dung của các nhóm khác nhau.

 Thời gian báo cáo: Tùy thuộc nội dung nhiệm vụ học tập, nên quy định từ 5 – 7 phút.

 Cách thức nhận xét kết quả báo cáo: Hướng dẫn SV dùng quy tắc nhận xét 3:2:1 (3 khen : 2 góp ý : 1 câu hỏi), các ý kiến nhận xét sau không trùng lặp với nhóm trước. Sau khi các nhóm thảo luận và báo cáo kết quả, GV nhận xét về cách thức báo cáo, kết quả thực hiện nhiệm vụ và cuối cùng sẽ tổng kết hóa kiến thức có liên quan đến nhiệm vụ học tập.

* Ví dụ minh họa: Sử dụng tư liệu dạy học trong bài thực hành: Quan sát tranh vẽ, mô hình tìm hiểu cấu tạo của hệ hô hấp ở trẻ em.

- Bước 1: SV nhận nhiệm vụ học tập và gợi ý về các tư liệu liên quan.

GV gửi nhiệm vụ học tập cho SV trước 1 tuần, nội dung:

Yêu cầu: Sinh viên xác định được vị trí các bộ phận của hệ hô hấp trên tranh vẽ (hoặc mô hình), mô tả và phân tích cấu tạo của các bộ phận phù hợp với chức năng của nó.

Gợi ý tư liệu về hệ hô hấp từ các nguồn sau:

+http://anatomyzone.com/tutorials/respiratory/respiratory-system-introduction/

+https://www.youtube.com/watch?v=x_HRfYecCNc

+ https://sites.google.com/site/giaiphaunguoisp2/tu-lieu-hinh-anh-gpn/chuong-5

- Bước 2: SV tự học, khai thác thông tin từ các tư liệu dạy học và thực hiện nhiệm vụ học tập.

SV làm việc cá nhân thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây là nội dung đã được học ở phần lí thuyết, nên mục đích nhiệm vụ là ôn tập, củng cố kiến thức. SV sử dụng các tư liệu được gợi ý, thực hiện yêu cầu của GV. Ngoài ra, SV có thể sử dụng các tư liệu tự tìm kiếm để nghiên cứu, giải quyết nhiệm vụ học. SV được rèn kĩ năng khai thác thông tin từ tranh hình, video, ghi chép và tái hiện nội dung, phát triển khả năng tự học.

- Bước 3: SV thảo luận nhóm.

Trên lớp, GV cho SV thảo luận nhóm 5 phút về nội dung tự học ở nhà, trình bày kết quả tự học bằng cách mô tả trên tranh câm về cấu tạo hệ hô hấp, hoặc đọc lời bình cho video không có phụ đề (hoặc tắt âm thanh) về sự phù hợp giữa cấu tạo và chức năng của hệ hô hấp.

- Bước 4: Thảo luận trước lớp và kết luận về nhiệm vụ học tập.

GV gọi 1 SV trình bày, các SV còn lại theo dõi, nhận xét. Sau đó GV nhấn mạnh nội dung kiến thức và nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ tự học của SV.

3.Kết luận

Rèn luyện năng lực tự học cho SV góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Sử dụng tư liệu dạy học nhằm rèn NLTH cho SV đã góp phần tạo hứng thú học tập cho SV. Để tiếp tục nâng cao năng lực tự học cho SV, cần tiếp tục triển khai sưu tầm, thiết kế, tạo kho tư liệu dạy học môn học trong tổ bộ môn, cung cấp tư liệu cho quá trình dạy tự học. Biện pháp đã nêu trên cần được nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn không chỉ cho SV năm nhất trong học phần Sự phát triển thể chất trẻ em lứa tuổi mầm non.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Lăng Bình - chủ biên (2010), Dạy và học tích cực – Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, NXB Đại học Sư phạm.

2. Phan Thị Thanh Hội, Kiều Thị Thu Giang (7/2016), “Phát triển năng lực tự học cho HS trong dạy học chương “Cảm ứng” (Sinh học 11)”, Tạp chí giáo dục số đặc biệt tháng 7/2016, tr 184 – 189.

3. Trần Thị Ngần (2019), “Sưu tầm, thiết kế và sử dụng tư liệu dạy học chương Thần kinh và giác quan – sinh học 8 nhằm phát triển năng lực tự học cho học sinh”,Luận văn thạc sĩ khoa học Giáo dục, ĐHSPHN.

4. Cao Xuân Phan (2018), Tổ chức dạy tự học Sinh học Tế bào cho học sinh chuyên sinh học THPT, Luận án tiến sĩ khoa học Giáo dục, ĐHSPHN.

5. Lê Đình Trung, Phan Thị Thanh Hội (2016), Dạy học theo định hướng hình thành và phát triển năng lực người học ở trường phổ thông, NXB Đại học sư phạm.

           

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội