Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sử dụng âm nhạc trong dạy thực hành nội dung chuẩn bị cho trẻ học Tiếng Việt cho sinh viên ngành GDMN - Ths: Nguyễn Thị Thiêm - Khoa: GD THMN

        I. Đặt vấn đề

Đối với mỗi con người, âm nhạc là món ăn tinh thần, là hơi thở của cuộc sống. Đại văn hào M.go-rơ ki nói: “Âm nhạc tác động một cách kì diệu đến đáy lòng. Nó khám phá ra cái phẩm chất cao quý nhất của con người”. Âm nhạc là phương tiện giúp con người nhận thức thế giới xung quanh, phát triển lời nói, quan hệ giao tiếp, trao đổi tình cảm. Âm nhạc là thế giới kì diệu đầy cảm xúc. Thế giới âm thanh muôn màu không ngừng chuyển động tạo điều kiện cho con người phát triển các chức năng tâm lí, năng lực hoạt động và mở rộng sự hiểu biết.

II. Nội dung

1. Vai trò của âm nhạc đối với con người

Âm nhạc là phương tiện giáo dục thẩm mĩ. Giáo dục thẩm mĩ là giáo dục cái đẹp. Âm nhạc là một trong những bộ môn nghệ thuật giáo dục cái đẹp. Lời ca, giai điệu của các bài hát, bản nhạc có thể giúp con người tưởng tượng và nói lên cảm xúc của mình, bên cạnh đó trẻ có thể diễn tả những ý nghĩ, những ước mơ, những cảm xúc mạnh mẽ. Đó chính là ý nghĩa của giáo dục thẩm mĩ. Tiếp xúc với âm nhạc có quá trình sẽ tạo cho con người ham thích, xuất hiện dần quan hệ lựa chọn, nghĩa là những sự ham thích khác nhau. Đó chính là cơ sở hình thành thị hiếu âm nhạc. Các bài hát giản dị, có tính nghệ thuật, phù hợp với lứa tuổi sẽ hình thành ở trẻ thị hiếu âm nhạc trong sáng, lành mạnh, là cơ sở của tình cảm thẩm mỹ, đạo đức tốt đẹp.

Âm nhạc là phương tiện giáo dục đạo đức. Nội dung lời ca phong phú trong các bài hát giúp con người phát hiện vẻ đẹp trong thiên nhiên, sự ngộ nghĩnh đáng yêu của các con vật quen thuộc, về tình cảm gia đình, bạn bè, lòng yêu nước... từ đó gợi mở cho trẻ về cách ứng xử, hay nói cách khác là giáo dục nhân cách cho con người.

Múa, hát, chơi trò chơi âm nhạc giúp cho trẻ vui tươi hồn nhiên, thoải mái tự tin. Các hoạt động âm nhạc có ảnh hưởng tốt đến hành vi văn hoá của con người. Khi tham gia các hoạt động âm nhạc, người tham gia đều phải chấp hành tính tổ chức, sự chú ý, phản ứng nhanh, biết kiềm chế, điều khiển vận động phù hợp với âm nhạc, biết nhường nhịn, biết giúp đỡ nhau. Qua đó giáo dục văn hoá giao tiếp, văn hóa hành vi và tính tập thể.

Âm nhạc góp phần phát triển trí tuệ. Khi tiếp xúc với âm nhạc, con người có khả năng tổng hợp cùng với tư duy lôgic. Âm nhạc giúp con người phát triển trí nhớ. Trí nhớ âm nhạc là khả năng thu nhận và ghi nhớ lại. Tích cực và sự tập trung chú ý trong giờ học hát giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố và phát triển trí nhớ.

Âm nhạc tác động đến sự phát triển sinh lí, thể chất của con người. Nghe và vận động theo nhạc giúp con người phối hợp các động tác đi, chạy, nhảy chính xác, tác phong nhanh nhẹn. Vận động toàn thân khi có nhạc kèm theo tạo cho con người mềm dẻo, nhịp nhàng, có ảnh hưởng tốt đến tim mạch và phát triển cơ. Nếu nghe nhạc đúng và phù hợp sẽ làm thư giãn thần kinh, kích thích óc sáng tạo. Hát cũng liên quan trực tiếp đến sự phát thể lực: củng cố cơ quan phát âm, thở sâu, tránh nói lắp, đẩy mạnh chức năng hoạt động của cơ quan phát thanh… Tai nghe nhạc phát triển cùng với sự nhạy cảm sẽ giúp trẻ hưởng ứng những hành vi tốt đẹp, hoàn thiện mọi vận động thể chất ở trẻ. Như vậy, phản ứng của cơ thể đối với âm nhạc chịu sự chi phối của tác động cảm xúc tâm lí của âm nhạc ở mức cao hơn nhiều so với tác động sinh lí.

2. Sử dụng âm nhạc trong dạy học thực hành nội dung Chuẩn bị cho trẻ học Tiếng Việt ở tiểu họcnhằm tăng cường hứng thú học tập cho sinh viên

Hứng thú là một thuộc tính tâm lý phức hợp của con người được rất nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Theo nhà tâm lý học người Nga A.G. Côvaliốp quan niệm: “Hứng thú là thái độ đặc thù của cá nhân đối với đối tượng nào đó, do ý nghĩa của nó trong đời sống và do sự hấp dẫn về tình cảm của nó”.[4; 228]. Hứng thú học tập chính là loại hứng thú gắn với những môn học, những hoạt động học tập trong nhà trường. Hứng thú học tập là thái độ yêu thích, say mê, quan tâm đặc biệt của người học với môn học, nội dung học tập mà người học cảm thấy có ý nghĩa và mang lại niềm vui, sự hứng khởi trong quá trình học tập. Hứng thú học tập chính là động lực để người học tích cực, tự giác học tập và đạt kết quả cao. Nhờ hứng thú mà trong quá trình học tập, sinh viên tăng sự chú ý, thúc đẩy sự tìm tòi sáng tạo. Hứng thú học tập tạo nên ở sinh viên sự tích cực học tập, khao khát tiếp cận và đi sâu tìm hiểu, khám phá tri thức.

Tổ chức hoạt động âm nhạc cũng là một trong những hoạt động giáo dục quan trọng được vào chương trình giảng dạy cho sinh viên ngành Giáo dục mầm non. Hiện nay dạy học các hoạt động có chủ đích ở trường mầm non không tách biệt riêng từng hoạt động mà luôn có sự tích hợp nhiều hoạt động giáo dục khác vào trong một hoạt động. Việc tích hợp hoạt động âm nhạc vào dạy học thực hành vừa là cơ hội để sinh viên tự học, tự trang bị vốn kiến thức âm nhạc, thuộc nhiều bài hát, biết vận động và tổ chức vận động theo lời bài vừa tạo hứng thú thoải mái, vui vẻ sảng khoái cho sinh viên trong mỗi buổi học để sinh viên tiếp thu bài hiệu quả hơn. Có vốn âm nhạc tốt giúp sinh viên thực hiện tốt việc tổ chức hoạt động giáo dục ở trường mầm non sau này.

Để lồng ghép âm nhạc khi dạy học thực hành nội dung Chuẩn bị cho trẻ học Tiếng Việt ở tiểu học bước đầu tôi tiến hành khảo sát nội dung từng bài học thực hành cụ thể để phân tích được khả năng sử dụng âm nhạc.

Tiếp đó, tôi sẽ tìm hiểu các bài hát, bài vận động được các trường mầm non thường sử dụng; lựa chọn các bài hát, bài vận động có sử dụng âm nhạc phù hợp với nội dung và mục tiêu của từng bài học và tổ chức cho sinh viên  hát, vận động trong từng giờ học cụ thể.

Hướng dẫn sinh viên sử dụng âm nhạc trong dạy học thực hành nội dung Chuẩn bị cho trẻ học tiếng Việt ở trường tiểu học:Do đặc thù của học phần đây là học phần phương pháp dạy học, mục tiêu chính cần hướng đến sau mỗi bài học là sinh viên thực hành lập được kế hoạch bài dạy và thực hành tổ chức được hoạt động cho trẻ làm quen với chữ cái. Vì vậy, tôi thường sử dụng tích hợp âm nhạc ở hoạt động Khởi động và hoạt động Kết thúc giờ học. Mục đích của sử dụng âm nhạc để tăng cường hứng thú học tập cho sinh viên hoặc củng cố nội dung kiến thức cho sinh viên; tạo cho sinh viên sự hưng phấn khi tham gia hoạt động thực hành, tránh mệt mỏi, uể oải.

Nội dung Chuẩn bị cho trẻ học tiếng Việt ở tiểu học, sinh viên được giảng viên hướng dẫn thực hành lập kế hoạch bài dạy và thực hành tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen chữ cái. Kiểu dạng bài này chỉ được dạy cho đối tượng trẻ 5- 6 tuổi. Khi lập kế hoạch hoạt động, với mỗi đề tài cần bám sát vào một chủ đề cho trước. Cụ thể: 29 chữ cái tiếng Việt được chia thành 12 nhóm chữ tương ứng với 12 đề tài cần dạy cho trẻ. Đó là các nhóm chữ: o, ô, ơ; a, ă, â; e, ê; u, ư; i, t, c; b, d, đ; l, n, m; h, k; p, q; g, y; s, x; v, r; 10 chủ đề: Trường mầm non; Bản thân; Gia đình của bé; Nghề nghiệp; Thế giới động vật; Thế giới thực vật; Phương tiện giao thông; Nước và các hiện tượng tự nhiên; Bác Hồ- Quê hương đất nước và chủ đề Trường tiểu học.

Chẳng hạn trước khi hướng dẫn sinh viên thực hành tập giảng Tổ chức hoạt động làm quen chữ cái mới “b, d, đ” thuộc chủ đề Thế giới động vật tôi cho sinh viên hát và vận động một số bài hát, bài tập trong khoảng thời gian 2 đến 3 phút thuộc chủ đề này trong phần khởi động và kết thúc giờ học như: Baby Shark; Gà trống mèo con và cún con của tác giả Thế Vinh; chú Ếch con của Phan Nhân; chị Ong Nâu và em bé của Tân Huyền; Chim chích bông của Văn Dung; Chim vành khuyên của Hoàng Vân; con chuồn chuồn của Vũ Đình Lê; Cá vàng bơi của Hà Hải…

Mục đích của việc lồng ghép âm nhạc vào hoạt động khởi động và hoạt động kết thúc vừa giúp sinh viên hứng thú với nội dung bài học, vừa tăng thêm vốn hiểu biết về âm nhạc cho sinh viên; phát triển cho sinh viên năng lực tự tin, mạnh dạn, bình tĩnh đứng trước đám đông để có thể thực hiện tốt hoạt động thực hành. Hát, múa được coi là một năng khiếu mỗi giáo viên mầm non cần phải có, cần phải làm tốt làm để tổ chức tốt các hoạt động có chủ đích ở trường mầm non sau này.

Tích hợp âm nhạc vào hoạt động khởi động và hoạt động kết thúc, tôi tổ chức cho sinh viên thực hiện hát, vận động theo hình thức cả lớp. Trong quá trình tổ chức cho sinh viên hát, vận động tôi cho sinh viên được nhìn trực quan hình ảnh trực quan có trên máy chiếu, ti vi thông minh để kết hợp được cử chỉ điệu bộ phù hợp lứa tuổi mầm non và sinh viên có thể làm mẫu cho trẻ khi tổ chức các hoạt động học có chủ đích ở trường mầm non.

Việc lồng ghép hoạt động âm nhạc vào hoạt động khởi động và hoạt động kết thúc bài học không chỉ nhằm mục đích tạo hứng thú cho sinh viên mà mục tiêu quan trọng hơn tôi muốn hướng tới đó là hướng dẫn sinh viên sử dụng âm nhạc vào tổ chức hoạt động thực hành. Quy trình Tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với chữ cái mới gồm hoạt động Gây hứng thú, Nội dung và Kết thúc. Sinh viên có thể sử dụng hoạt động âm nhạc tích hợp lồng ghép trong toàn bài học từ hoạt động gây hứng thú đến hoạt động kết thúc. Cụ thể, tùy theo từng chủ đề sinh viên có thể sử dụng nhạc để gây hứng thú cho trẻ, sử dụng nhạc khi cho trẻ chơi trò chơi với chữ cái và sử dụng nhạc ở hoạt động kết thúc. Chẳng hạn sinh viên lập kế hoạch bài dạy cho trẻ làm quen chữ cái mới u, ư chủ đề Thế giới thực vật; hoạt động gây hứng thú tôi hướng dẫn sinh viên có thể cho trẻ hát và vận động theo lời bài hát Quả của nhạc sĩ Xanh Xanh. Khi tổ chức cho trẻ chơi trò chơi động với chữ cái sinh viên sử dụng bản nhạc không lời  Em yêu cây xanh để trẻ hứng thú hơn khi tham gia chơi trò chơi.

Để sinh viên có thể tích hợp hoạt động âm nhạc vào tổ chức hoạt động thực hành, tôi hướng dẫn sinh viên trước tiên xác định đề tài, chủ đề tổ chức hoạt động cho trẻ. Sau đó lập kế hoạch bài dạy có sử dụng âm nhạc theo chủ đề; trong kế hoạch cần xác định rõ thời điểm sử dụng âm nhạc; loại âm nhạc sử dụng. Cuối cùng sinh viên sưu tập các bài hát, bài vận động có nhạc trên mạng internet  phù hợp với chủ đề bài dạy để tổ chức hoạt động dạy học.

Bên cạnh đó, tôi hướng dẫn sinh viên chọn âm thanh: Sinh viên có thể chọn âm thanh có sẵn trong đàn keyboard hoặc lựa chọn thêm âm thanh thực thu được bằng các phần mềm semples sound để lồng ghép, như tiếng kêu các loài động vật (chó, mèo, lợn, chim hót, vó ngựa, gà gáy, ếch, ve …); tiếng phương tiện giao thông (chuông xe, tàu hoả, xe cảnh sát, xe cứu thương…); tiếng đồ vật (chuông đồng hồ, gõ cửa…); âm thanh của các hiện tượng tự nhiên (gió, mưa, sấm sét, suối chảy…

Tôi hướng dẫn sinh viên chọn âm nhạc: Sinh viên có thể sử dụng bài hát trong và ngoài chương trình, sử dụng cả bài hoặc đoạn nhạc có nội dung, tính chất phù hợp để minh họa cho hình ảnh trong bài: Rửa mặt như mèo; Nào! chúng ta cùng tập thể dục; ông cháu, cả nhà thương nhau, chú bộ đội, bác đưa thư vui tính, em yêu cây xanh, đếm sao, cho tôi đi làm mưa với, quê tươi đẹp, tìm bạn thân… hoặc những tác phẩm nhạc không lời - thể loại nhạc mới mẻ nhưng theo các kết quả nghiên cứu, lại có tác động rất lớn tới việc hình thành, phát triển tư duy của trẻ cũng như khả năng gợi mở sáng tạo lớn.

III. Kết luận

Sử dụng âm nhạc vào giờ dạy thực hành Chuẩn bị cho trẻ học tiếng Việt ở trường tiểu học giúp giảng viên lựa chọn nội dung, phương pháp nhằm rèn luyện các kĩ năng, năng lực hành động, vận dụng kiến thức, tăng cường thực hành và gắn nội dung bài học với thực tiễn cuộc sống. Biện pháp giúp sinh viên hứng thú bài học, phát triển ở sinh viên năng lực tự học, sáng tạo, giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ... , sinh viên có sự tích cực, hào hứng hơn với môn học. Đa số sinh viên sôi nổi, chủ động tiếp cận tri thức, hăng hái phát biểu, trao đổi, thể hiện quan điểm, ý kiến của bản thân. Tính sáng tạo, sự tự tin của sinh viên được phát huy mạnh mẽ.

Tài liệu tham khảo

[1]. Lường Thị Định, Thực trạng hứng thú học tập với các học phần âm nhạc – mĩ thuật của sinh viên ngành Giáo dục Mầm non, trường Đại học Tây Bắc, Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 177-182

[2]. Lê Thị Huệ, Trần Thị Hương, Phạm Thị Tâm (đồng chủ biên) (2010, 2013), Thiết kế hoạt động có chủ đích, hoạt động góc và hoạt động ngoài trời trong trường mầm non,trẻ 3-4 tuổi, 4-5 tuổi, 5-6 tuổi (theo chủ đề), Nhà xuất bảnGiáo dục Việt Nam.

[3]. Nhiều tác giả , Tài liệu học tập một số học phần đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng ngành Mầm non: Tiếng Việt, Văn học, Phương pháp làm quen với văn học, Phương pháp phát triển ngôn ngữ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2016 .

[4]. A. G. Côvaliốp, Tâm lý học cá nhân, Tập 1, NXB GDHN, 1971.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội