Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PHÁT TRIỂN TƯ DUY TOÁN HỌC CHO TRẺ CƠ SỞ MẦM NON HOA PHƯỢNG, TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM BẮC NINH - Th.s Nguyễn Thị Thúy Vân Khoa GD Tiểu học – Mầm non

 

Toán học là một môn học tự nhiên, có vai trò quan trọng trong sự phát triển tư duy của con người. Nó là chìa khóa giúp con người khám phá các lĩnh vực khác như: tin học, y học, vật lý, hóa học, ...  Là một giảng viên giảng dạy bộ môn Toán, cũng là một người mẹ có con trong độ tuổi mầm non, tiểu học, tôi nhận thấy rằng việc phát triển tư duy toán học cho trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non có vai trò rất quan trọng. Như chúng ta đã biết, trí thông minh, khả năng tư duy nhanh nhẹn của trẻ là yếu tố bẩm sinh. Tuy nhiên, chúng lại ở dạng tiềm ẩn. Để trẻ thực sự thông minh, học giỏi rất cần sự giáo dục và rèn luyện đúng cách. Do đó, việc giúp trẻ có cơ hội làm quen sớm với việc vận động trí não chính là “đánh thức” trí thông minh bẩm sinh của trẻ. Một trong các cách “đánh thức” trí thông minh bẩm sinh của trẻ chính là phát triển tư duy toán học cho trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non với mức độ phù hợp. Khi đó, nó không chỉ tạo cho trẻ sự yêu thích môn Toán ngay từ đầu, mà còn giúp trẻ tự tin và nhanh chóng học hỏi được những ưu điểm, kỹ năng của môn học này.

Với quan điểm tạo những điều kiện tốt nhất cho trẻ, Đảng ủy, Lãnh đạo trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện phát triển toàn diện cho mọi trẻ học ở Cơ sở Mầm non Hoa Phượng của nhà trường. Bắt đầu từ năm học 2020 – 2021, nhà trường đã xây dựng các chương trình môn năng khiếu và cử các giảng viên có tâm huyết, có chuyên môn trực tiếp giảng dạy miễn phí cho trẻ ở Cơ sở Mầm non Hoa Phượng. Trong các môn năng khiếu, môn Toán tư duy được giảng dạy với mục đích phát triển tư duy toán học và tạo sự yêu thích học toán cho trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non. Bản thân cũng tôi là người trực tiếp giảng dạy bộ môn đó với trẻ.

Để phát triển tư duy toán học cho trẻ lứa tuổi mầm non, chúng ta có rất nhiều cách. Qua thực tế giảng dạy, tôi xin trình bày hai nội dung liên quan đến việc phát triển tư duy toán học cho trẻ được vận dụng ngay trên lớp học đối với trẻ. Đó là, thứ nhất cho trẻ làm quen với các bài tập toán phát triển tư duy trong hoạt động học có chủ đích Làm quen với toán ở trường Mầm non; thứ hai, cho trẻ học các chương trình toán tư duy như Toán Finger Math, Toán Soroban,...

1. Về nội dung cho trẻ làm quen với các bài tập toán phát triển tư duy cho trẻ trong hoạt động học có chủ đích Làm quen với toán ở trường Mầm non

          Làm quen với toán là một hoạt động học thuộc lĩnh vực phát triển nhận thức cho trẻ được quy định trong chương trình Giáo dục mầm non. Trong đó, trẻ được làm quen với các biểu tượng toán học ban đầu gồm năm biểu tượng toán, cụ thể: biểu tượng về tập hợp, số lượng, số và phép đếm; biểu tượng về kích thước, biểu tượng về hình dạng; biểu tượng về định hướng không gian và thời gian. Như vậy, trong các giờ hoạt động học có chủ đích người giáo viên hoàn toàn có thể lồng ghép các bài tập toán phát triển tư duy toán học cho trẻ gắn với các biểu tượng toán học được hình thành trong hoạt động đó. Dưới đây, tôi xin đưa ra một vài bài tập toán mà giáo viên có thể vận dụng vào các hoạt động học, giúp trẻ cảm thấy hứng thú, yêu thích toán học nhiều hơn.

Thứ nhất, với nội dung hình thành biểu tượng về tập hợp, số lượng, số và phép đếm, giáo viên có thể thiết kế một số dạng bài tập như sau:

* Bài toán về đếm và nhận biết số đúng.

Bài toán 1. Tìm chậu hoa thích hợp (theo mẫu). (Đối tượng trẻ 4 -5 tuổi)

Để làm bài toán này, giáo viên cần cho trẻ quan sát chậu họa được nối mẫu với hình ảnh bông hoa có điểm gì đặc biệt? (Chậu mang số 3 nối với hình ảnh có 3 bông hoa). Từ đó gợi ý giúp trẻ tự phát hiện ra cách làm.

Bài toán 2. Nối hình với số tương ứng. (Đối tượng trẻ 4 -5 tuổi)

* Bài toán về quy luật.

Bài toán 3. Điền số thích hợp. (Đối tượng trẻ 5- 6 tuổi).

Thứ hai, với nội dung hình thành biểu tượng về kích thước, giáo viên có thể thiết kế một số dạng bài tập như sau:

* Bài toán về quy luật.

Bài toán 4. Quan sát, so sánh và nối hình theo thứ tự từ bé bé nhất đến lớn nhất tương ứng với các số 1, 2, 3. Sau đó, tô màu các hình theo quy tắc đổ màu của các số. (Đối tượng trẻ 4 – 5 tuổi).

 Với bài toán này, trẻ vừa được rèn tư duy so sánh và sắp thứ tự theo quy luật từ bé nhất đến lớn nhất.

Thứ ba, với nội dung hình thành biểu tượng về hình dạng, giáo viên có thể thiết kế một số dạng bài tập như sau:

* Bài toán về nhận biết, phân biệt hình hình học.

Bài toán 5. Trong hình bên cạnh: Có bao nhiêu khối lập phương? Có bao nhiêu khối chữ nhật?

* Bài toán về quy luật.

Bài toán 6. Chọn hình còn thiếu?

2. Về nội dung cho trẻ học một số chương trình toán tư duy: Toán Finger Math, Toán Soroban

2.1. Toán Finger Math

Finger Math là chương trình toán học với đôi bàn tay, trẻ sẽ được học cách tính nhẩm cộng trừ trong phạm vi từ 0 tới 99.

Phương pháp học toán Finger Math đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc… Chương trình này áp dụng cho trẻ mẫu giáo và tiểu học khá thành công.

Tác dụng của phương pháp Finger Math: Thao tác tính toán của Finger Math dựa vào các ngón tay nên cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa hoạt động cơ thể với tư duy. Điều này sẽ giúp cho 2 bán cầu não hoạt động cân bằng, giúp trẻ yêu thích môn toán, không còn sợ tính toán.

Một số hình ảnh về Toán Finger Math:

+ Quy ước số và cách tính trên bàn tay phải (đại diện cho hàng đơn vị):

 

+ Quy ước số và cách tính trên bàn tay trái (đại diện cho hàng chục):

2.2. Toán Soroban

Toán Soroban là một phương pháp học tính nhẩm nhanh dựa trên bàn tính Soroban bắt nguồn từ Nhật Bản. Thông qua phương pháp này, trẻ không chỉ phát huy khả năng tính nhẩm mà còn có cơ hội rèn luyện não bộ. Ở Nhật Bản, Soroban không chỉ là phương pháp học mà còn trở thành giải đấu dành cho các em nhỏ. Nhiều kỷ lục đã được thiết lập khi mà có những em nhỏ có thể giải được các phép tính có kết quả lên đến 15 chữ số chỉ trong vòng vài giây nhờ vào cách học toán Soroban.

Tác dụng của việc học toán Soroban: Ngoài việc giúp bé yêu thích môn toán và nâng cao khả năng tính nhẩm, toán Soroban còn mang lại rất nhiều lợi ích đối với sự phát triển thể chất và tinh thần của bé như: 

+ Nâng cao khả năng chịu đựng áp lực và stress cho bé.

+ Thúc đẩy sự tự tin và lòng tự trọng của bé.

+ Phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.

+ Tạo tiền đề vững chắc cho việc học toán của bé sau này.

+ Phát triển khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh của bé.

+ Cải thiện trí thông minh của trẻ nhỏ.

 

Một số hình ảnh về giảng viên và trẻ ở Cơ sở Mầm non Hoa Phượng, trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh học Toán Soroban:

 

   

Trên đây, tôi đã trình bày một số nội dung xoay quanh vấn đề phát triển tư duy toán học cho trẻ lứa tuổi mầm non nói chung, và đặc biệt là phát triển tư duy toán học của trẻ ở Cơ sở mầm non Hoa Phượng, trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh nói riêng. Hy vọng, với bài viết này giúp các giáo viên mầm non, các em sinh viên ngành sư phạm Giáo dục Mầm non, và quý phụ huynh hiểu hơn về tầm quan trọng trong việc phát triển tư duy toán học cho trẻ ở lứa tuổi mầm non.

 

Tài liệu tham khảo

[1]. Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2021). Chương trình Giáo dục mầm non (Ban hành kèm theo Thông tư ban hành Chương trình Giáo dục mầm non), số 01/VBHN-BGDĐT, ngày 13 tháng 4 năm 2021.

[2]. Lê Thu Hương – Lê Thị Ánh Tuyết.(2020). Hướng dẫn thực hiện chương trình Giáo dục Mầm non. Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[3]. Thanh Hương. (2021). Toán tư duy dành cho trẻ em 4 – 6 tuổi. Nhà xuất bản Hà Nội.

[4]. Phương pháp dạy bé học toán Finger Math dễ hiểu. (17/11/2017 0:00). Ngày 28 tháng 7 năm 2021, từ http://www.marrybaby.vn.

[5]. Tài liệu học Toán Finger Math đầy đủ và chi tiết nhất. (10 October, 2020). Ngày 28 tháng 7 năm 2021, từ http://www.nuoicondung.com.

[6]. Hiệp hội bàn tính Soroban Việt Nam. (2020) Tự học Soroban từ A - Z. Nhà xuất bản Đồng Nai.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội