Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ HỌC CHO SINH VIÊN NGÀNH GDTH TRONG DẠY HỌC PHẦN ‘SINH LÝ TRẺ EM LTTH’ - Thsy   Nguyễn Thị Thu Hằng - Khoa GD TH-MN

 

                                        

1. Mở đầu

Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã chỉ rõ “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” [1]. Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã chỉ rõ mục tiêu của giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay là hướng tới hình thành các phẩm chất và các năng lực (kiến thức, kĩ năng, thái độ) bao gồm cả năng lực cốt lõi, năng lực chuyên môn. Để phát triển được năng lực cho người học, đòi hỏi người dạy (đội ngũ giáo viên) phải có được các năng lực đó ở mức độ cao. Vì vậy, việc phát triển cho sinh viên (SV) sư phạm những năng lực đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của giảng viên (GV) các trường sư phạm. Trong các năng lực cần có của SV sư phạm, năng lực tự học (NLTH) có vai trò rất quan trọng, giúp SV vừa có thể chủ động tự học suốt đời, đồng thời có năng lực trong việc bồi dưỡng NLTH cho học sinh (HS) ở trường phổ thông. 

Thực tế hiện nay cho thấy, NLTH của SV ngành Sư phạm Tiểu học còn hạn chế. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tự học của SV trong đó có ảnh hưởng của GV trong việc giao nhiệm vụ, hướng dẫn và quản lí HĐTH của SV trong quá trình dạy học. Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông, đòi hỏi GV các trường sư phạm thấy được trách nhiệm của mình trong dạy môn học cần thực hiện được 2 mục tiêu là vừa trang bị kiến thức, vừa phát triển năng lực nói chung cho SV trong đó có NLTH.

2. Nội dung nghiên cứu

 2.1. Tự học và năng lực tự học

- Tự học là tự mình động não, suy nghĩ sử dụng các năng lực trí tuệ (quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp...) và có khi cả cơ bắp (khi phải sử dụng công cụ) cùng các phẩm chất, động cơ, cả nhân sinh quan, thế giới quan để chiếm lĩnh một lĩnh vực hiểu biết nào đó thành sở hữu của mình [2].

- Năng lực là khả năng thực hiện thành công và có trách nhiệm các nhiệm vụ, giải quyết vấn đề trong các tình huống xác định cũng như các tình huống thay đổi trên cơ sở huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính tâm lí khác như động cơ, ý chí, quan niệm, giá trị..., suy nghĩ thấu đáo và sự sẵn sàng hành động” [3]. Như vậy, năng lực là khả năng của mỗi cá nhân được thể hiện ở sự huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính tâm như hứng thú, niềm tin, ý chí,... để thực hiện thành công một loại công việc trong một bối cảnh nhất định.      

- Từ các định nghĩa trên, “NLTH” có thể được hiểu là khả huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính tâm lí cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,... để thực hiện thành công việc chiếm lĩnh tri thức khoa học cũng như thực hiện thành công việc vận dụng tri thức đã học đã giải quyết được các vấn đề thực tiễn có liên quan trong một bối cảnh nhất định.

Biểu hiện NLTH của người học nói chung đó là sự hứng thú, mức độ tích cực, chủ động tham gia HĐTH và khả năng thực hiện hiệu quả các hoạt động học tập đó. Trong đó, dạy học không những chú ý tích cực hóa hoạt động HS về hoạt động trí tuệ mà còn chú ý rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống thực tiễn của cuộc sống, nghề nghiệp. Do vậy, việc dạy học môn học theo hướng phát triển năng lực nói chung và NLTH nói riêng chính là cần tích cực hóa cả về hoạt động trí tuệ lẫn chú ý rèn luyện năng lực thực hiện HĐTH gắn với giải quyết vấn đề của thực tiễn nghề nghiệp. Trên nguyên tắc, năng lực chỉ hình thành và phát triển thông qua hoạt động, vì vậy việc phát triển NLTH cho SV thực chất là giao nhiệm vụ, tổ chức và quản lí việc thực hiện nhiệm vụ tự học của SV ở nhà cũng như trên lớp. Thông qua việc sẵn sàng nhận nhiệm vụ và thực hiện các nhiệm vụ tự học, SV tự chiếm lĩnh tri thức ngành nghề cũng như hình thành các phẩm chất và phát triển được NLTH của bản thân.

2.2. Phát triển năng lực tự học cho sinh viên Sư phạm ngành GDTH trong dạy học học phần “Sinh lý trẻ em LTTH”

Học phần gồm có 7 chủ đề, giới thiệu với người học một cách cơ bản những đặc điểm phát triển sinh lý trẻ em lứa tuổi tiểu học: Hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ bài tiết, hệ vận động, hệ sinh dục, hệ thần kinh  và các kiến thức về vệ sinh, bảo vệ các hệ cơ quan đó. Trên cơ sở phân tích đặc điểm sinh lý của trẻ qua từng thời kì, chỉ ra những yêu cầu sư phạm cần thiết trong công tác nuôi dạy trẻ lứa tuổi tiểu học.

Để phát triển được NLTH cho SV trong dạy học học phần, GV có thể tổ chức các hoạt động của SV theo nhiều cách khác nhau. Trong bài viết, tôi đề cập việc thiết kế tài liệu tự học (TLTH) có hướng dẫn theo module, việc giao nhiệm vụ, quản lí HĐTH của SV và đổi mới PPDH học phần theo hướng tăng cường HĐTH - tự chủ của SV.

2.2.1. Thiết kế tài liệu tự học có hướng dẫn theo module trong dạy học học phần “Sinh lý trẻ em LTTH”

Việc dạy học theo module có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao và rèn luyện tính tự học và tự chủ của người học. Module dạy học là TLTH có hướng dẫn, mỗi module tương ứng với một chủ đề dạy học xác định, tương đối độc lập, là một tài liệu tích hợp định hướng HĐTH của SV. Thông qua từng bước làm việc độc lập, khám phá và tự kiểm tra, đánh giá khả năng của bản thân, SV tự khai thác được nội dung bài học và đạt được mục tiêu đề ra. Việc thiết kế TLTH có hướng dẫn theo module dựa trên các nguyên tắc: Đảm bảo tính khoa học, phù hợp với nội dung truyền đạt; đảm bảo tính khả thi; đảm bảo tính sư phạm; đảm bảo tính thẩm mĩ. TLTH có hướng dẫn theo module có vai trò định hướng SV tự học cho từng thành phần kiến thức.

Do vậy, trong tài liệu có nhiều module, mỗi module là một phần kiến thức của học phần, được thiết kế gồm các vai trò chính sau: 1) Giới thiệu mục tiêu cần đạt được của module: Giúp SV xác định được những kiến thức, kĩ năng và năng lực cần đạt được của module; 2) Nguồn tài liệu học tập và tài liệu tham khảo; 3) Hệ thống bài tập tự học (nhiệm vụ tự học và những sản phẩm phải hoàn thành và nộp): Đây là phần quan trọng nhất của mỗi module, định hướng SV cần phải làm gì, làm như thế nào, sản phẩm cũng như thời gian và cách thức nộp sản phẩm cho GV; 4) Tri thức bổ trợ có tác dụng hỗ trợ SV trong việc thực hiện nhiệm vụ; 5) Bài tập tự kiểm tra kiến thức sau khi đã nghiên cứu module; 6) Tổ chức kiểm tra, đánh giá HS.

2.2.2. Quản lí hoạt động tự học của sinh viên

Để việc giao nhiệm vụ và quản lí, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ tự học của SV một cách hiệu quả cần có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Đơn giản nhất là sử dụng Gmail hoặc lập nhóm trên Facebook để gửi, nhận TLTH và các tệp đính kèm cũng như gửi nhận xét và đánh giá HĐTH của SV. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc quản lí HĐTH của SV cũng như tạo hứng thú tham gia HĐTH cho SV, nên sử dụng tính năng của Google classroom - đây là một công cụ tích hợp Google Docs, Google Drive và Gmail nhằm mục đích giúp GV đơn giản hóa công việc giảng dạy. Một trong những lợi ích nổi trội của Google classroom là giúp GV tổ chức và quản lí lớp học dễ dàng, thuận tiện trong đó có cả quản lí thời hạn nộp bài tập của SV. Tất cả tài liệu, bài tập và điểm đều ở cùng một nơi, GV có thể lưu trữ toàn bộ tài liệu giảng dạy, video tham khảo, hình ảnh lớp học... ngay trên Drive của lớp học này và chia sẻ cho SV. Đặc biệt sử dụng Google classroom giúp GV và SV có thể theo dõi, cập nhật tình hình lớp học ở bất kì nơi đâu (chỉ cần có laptop, tablet hay điện thoại có kết nối internet), các thông báo và các trao đổi trên diễn đàn được thực hiện dễ dàng và thuận lợi.

2.2.3. Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá sinh viên trong dạy học

            Bên  cạnh sử dụng PPDH truyền thống, GV cần sử dụng PPDH tích cực trong quá trình dạy học theo hướng tăng cường các HĐTH, tự nghiên cứu của SV như dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo dự án, dạy học theo tình huống thực tiễn, dạy học theo phương pháp nhập vai. Dù sử dụng PPDH nào đều thực hiện theo nguyên tắc là phải tạo cho SV cơ hội được tự lực, chủ động và sáng tạo tham gia vào các hoạt động tự khám phá tri thức. Thông qua việc tự mình tham gia vào các hoạt động, SV có thể tự học được PPDH từ chính cách thức tổ chức của GV cũng như tự học thông qua tự nghiên cứu của bản thân và qua các báo cáo, thảo luận các sản phẩm học tập của SV trong lớp. Để phát triển NLTH cho SV, việc tổ chức các hoạt động học tập cần tiến hành đồng bộ, hài hòa giữa việc thực hiện HĐTH ở nhà với hoạt động học tập trên lớp. Có thể tiến hành các hoạt động của GV và SV theo bảng sau:

Thời điểm thực hiện

Hoạt động của GV

Hoạt động của SV

Ở nhà

- Giao nhiệm vụ tự học bằng cách cung cấp TLTH có hướng dẫn theo module và hướng dẫn SV tự học theo từng tuần qua Google Classsroom (hoặc Gmail của lớp). - Xử lí kết quả việc thực hiện nhiệm vụ tự học của SV (quản lí và đánh giá)

- Tổng hợp, đánh giá xác định những điểm SV còn yếu để có kế hoạch bổ sung trên lớp.

- Nhận nhiệm vụ và thực hiện các HĐTH theo hướng dẫn của GV (hoạt động cá nhân hoặc hoạt động theo nhóm nhỏ).

 - Nộp sản phẩm theo đúng quy định của GV.

Trên lớp

 - Tổ chức SV báo cáo và thảo luận sản phẩm tự học.

 - Giải đáp thắc mắc của SV.

- Đánh giá công khai các sản phẩm của SV.

- Trình bày những nội dung trọng tâm, cốt lõi. - Sử dụng câu hỏi/bài tập để kiểm tra mức độ lĩnh hội kiến thức, kĩ năng của SV sau mỗi module.

- Hướng dẫn kế hoạch cho việc thực hiện nhiệm vụ tự học cho module tiếp theo.

- SV báo cáo sản phẩm, SV phản biện (đặt và trả lời câu hỏi) và đưa ra những vấn đề thắc mắc.

 - Ghi chép nội dung qua thảo luận, nghe giảng và rút ra bài học.

- SV làm bài kiểm tra.

Như vậy, để hoàn thành được các nhiệm vụ tự học thì SV cần phải nghiên cứu vấn đề theo cách của bản thân để thu thập thông tin, xử lí thông tin, làm báo cáo và thực hiện báo cáo một cách khoa học. SV có thể nghiên cứu tri thức bổ trợ do GV cung cấp, đọc sách tham khảo, nghiên cứu tài liệu trên Internet; Tham gia thảo luận, chia sẻ ý kiến trên Google classroom và trên lớp; tham gia vào hoạt động như dự giờ, phân tích bài học.

Thông qua thực hiện nhiệm vụ học tập, SV vừa chiếm lĩnh được tri thức khoa học đồng thời phát triển được các năng lực cho bản thân như: NLTH, tự nghiên cứu; năng lực khai thác và sử dụng công nghệ thông tin; năng lực hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề... Ngoài ra, để phát triển NLTH cho SV cần đổi mới cả hoạt động kiểm tra, đánh giá theo hướng đánh giá NLTH. Nội dung đánh giá toàn diện cả về kiến thức, kĩ năng, thái độ và đặc biệt là NLTH - tự chủ của SV thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ tự học đã được giao. Việc thiết kế, sử dụng bài tập đánh giá năng lực - bài tập giải quyết tình huống thực tiễn giáo dục phổ thông và việc thiết kế, sử dụng các tiêu chí đánh giá quá trình có ý nghĩa quan trọng, vừa tạo hứng thú, động lực vừa đánh giá được năng lực SV. Có thể kể đến một số tiêu chí đánh giá như: Đánh giá HĐTH ở nhà (thời gian nộp bài,số bài tập được giao, mức độ thực hiện nhiệm vụ được giao) và đánh giá hoạt động trên lớp (thuyết trình sản phẩm, sự hợp tác, mức độ tích cực đặt và trả lời các câu hỏi của SV...) và đánh giá qua bài kiểm tra sau khi học xong mỗi module.

 3. Kết luận

 Như vậy, thực chất của đổi mới dạy học học phần học “Sinh lý trẻ em LTTH” theo hướng phát triển NLTH cho SV chính là đổi mới cả nội dung dạy học theo hướng gắn giữa lí luận với thực tiễn của đổi mới giáo dục ở trường phổ thông, đổi mới cả PPDH theo hướng tăng cường tổ chức, quản lí và đánh giá hoạt động tích cực, tự học của SV trong và ngoài lớp học. Tuy nhiên, để thực hiện được đồng bộ đổi mới nội dung, PPDH môn học theo hướng tích cực hóa HĐTH, tự nghiên cứu của SV đòi hỏi cần có sự đầu tư cả về thời gian, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và sự kiên trì của GV cũng như sự hợp tác của SV.

Tài liệu tham khảo

[1] Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

[2] Nguyễn Cảnh Toàn (chủ biên, 2002). Học và dạy cách học. NXB Đại học Sư phạm.

 [3] Nguyễn Văn Cường (2016). Lí luận dạy học hiện đại, cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học. NXB Đại học Sư phạm.   

[4] Lê Đình Trung (chủ biên) - Phan Thị Thanh Hội (2016). Dạy học theo định hướng hình thành và phát triển năng lực người học ở trường phổ thông. NXB Đại học Sư p hạm.


Nguồn:cdspbacninh.edu.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội