Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM HÌNH THÀNH ĐỘNG CƠ HỌC TẬP CHO SINH VIÊN TRƯỜNG CĐSP BẮC NINH TS ĐÀO LAN HƯƠNG Phòng QLKH, VLVH - QHQT

 

 

  1. Đặt vấn đề:

Kết quả của quá trình giáo dục đào tạo Đại học không chỉ được đánh giá ở trình độ kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của sinh viên mà còn được đánh giá ở mức độ phát triển động cơ học tập của người học. Động cơ học tập là một phạm trù rất cơ bản trong Tâm lý hoc, Giáo dục học, đặc trưng cho hoạt động học tập ở sinh viên. Là một trong những thành tố chủ yếu của hoạt động học tập, động cơ học tập của sinh viên thường xuyên thúc đẩy, kích thích tích cực hoạt động, niềm say mê học tập đối với những tri thức cũng như những phương pháp khám phá ra chúng hoặc vì muốn có một vị thế, uy tín trong tập thể xã hội, có một nghề nghiệp tốt khi ra trường…Do vậy, động cơ học tập luôn góp phần trực tiếp quyết dịnh đến chất lượng học tập ở mỗi sinh viên. Trường Cao đẳng sư phạm Bắc Ninh là trường sư phạm duy nhất trong tỉnh Bắc Ninh đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non cho tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh lân cận… Chất lượng trong quá trình đào tạo ở trường CĐSP Bắc Ninh không chỉ phụ thuộc vào người thầy mà phụ thuộc chủ yếu vào người học chính vì vậy việc hình thành động cơ học tập cho sinh viên là vấn đề hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

  1. Thế nào là động cơ học tập

Động cơ là một hiện tượng tâm lý đặc biệt và hết sức phức tạp. Động cơ theo nghĩa rộng nhất được hiểu là cái thúc đẩy con người hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu, là cái làm nảy sinh tính tích cực và quy định xu hướng của tính tích cực đó.Động cơ là động lực kích thích trực tiếp, là nguyên nhân trực tiếp của hành vi. Như vậy, động cơ chính là lực thúc đẩy hoạt động và một hoạt động bao giờ cũng có nhiều động cơ trong đó động cơ thực sự của hoạt động chính là đối tượng của hoạt động. Chính vì vậy, động cơ học tập là những cái trở thành yếu tố tinh thần thôi thúc người học tích cực học tập, lĩnh hội tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, phát triển trí tuệ, hình thành, phát triển nhân cách.

Động cơ học tập của sinh viên (SV) được hiện thân ở những tri thức, kỹ năng, thái độ… mà giáo dục nhà trường sẽ đưa lại cho các em.

Trong thực tiễn giáo dục, động cơ học tập được chia thành hai loại: động cơ hoàn thiện tri thức và động cơ quan hệ xã hội.  Động cơ hoàn thiện tri thức ở đây là lòng ham mê, khát khao mở rộng tri thức, say mê với những môn học…Hoạt động học tập được thúc đẩy bởi động cơ này nó không chứa những mâu thuẫn bên trong và nó đòi hỏi phải có những  nỗ lực ý chí để đạt được nguyện vọng chứ không phải hướng vào đấu tranh với chính bản thân mình. Động cơ quan hệ xã hội đó là sự thưởng phạt hoặc đe họa, những áp lực gia đình, nhà trường, công việc, sự hiếu danh hoặc mong đợi sự hạnh phúc…ở mức độ nào đó động cơ này mang tính cưỡng bách và có lúc xuất hiện như một vật cản cần khắc phục để vượt qua đạt được mục đích của mình. Thường cả hai hình thức này của động cơ học tập đều được hình thành ở SV. Chúng làm thành một hệ thống được sắp xếp theo thứ bậc. Vấn đề chỉ là chỗ, trong những hoàn cảnh, điều kiện xác định nào đó của dạy và học thì hình thức nào của động cơ học tập được hình thành mạnh mẽ hơn, chúng nổi lên hàng đầu, chiếm vị trí ưu thế trong sự sắp xếp thứ bậc ấy. Chính vì vậy, quá trình giáo dục trong trường học có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành động cơ hoàn thiện tri thức ở người học.

  1. Hình thành động cơ học tập tích cực cho sinh viên trường CĐSP Bắc Ninh

Động cơ học tập không có sẵn, cũng không thể áp đặt từ ngoài, mà phải được hình thành dần dần chính trong quá trình SV ngày càng đi sâu vào chiếm lĩnh đối tượng học tập dưới sự hướng dẫn, tổ chức của thầy. Để hình thành động cơ học tập cho SV, người giảng viên (GV) cần giúp SV thấy được đâu là mục đích học tập, hình thành hứng thú học tập và kích thích hành động học tập ở SV.

a. Nâng cao nhận thức của SV đối với môn học

Trước mỗi một tiết học, giáo viên cần giới thiệu cho SV thấy được mục đích của bài học là gì, sau mỗi tiết học, SV phải nắm được những kiến thức nào. Chính vì vậy, việc định hướng giới thiệu của người GV trong trường hợp này là rất quan trọng.

Ví dụ: Đối với môn Rèn luyện NVSP thường xuyên. Ngay từ tiết đầu tiên GV cần giới thiệu đề cương môn học, tài liệu học tập và đặc biệt mục tiêu của môn học. Từ đó cho SV thấy được mục tiêu và ý nghĩa của môn học thông qua từng chương học. Đó là

Chương I: Rèn luyện kỹ năng chung: Cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học, giao tiếp sư phạm trường cao đẳng sư phạm. Qua đó sinh viên hình thành cho mình động cơ, thái độ học tập phù hợp cũng như rèn cho mình một số kỹ năng giao tiếp và nghiên cứu khoa học giáo dục.

Chương II: Rèn luyện kỹ năng trong công tác dạy học và giáo dục: Giúp cho sinh viên hiểu được vai trò vị trí của trường PT trong công tác dạy học và giáo dục học sinh. Cung cấp cho sinh viên các kiến thức về phương pháp hòa nhập môi trường sư phạm ở phổ thông, các  tri thức và kỹ năng cơ bản về công tác giáo dục và dạy học ở trường phổ thông.

 Chương III:Thực hành tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (HĐGDNGLL) ở trường phổ thông: Sinh viên cần phải nắm được vai trò vị trí, nhiệm vụ của HĐGDNGLL trong các trường phổ thông. Những nội dung cơ bản và các hình thức tổ chức HĐGDNGLL cho học sinh ở trường phổ thông.Giúp cho sinh viên biết thiết kế, tổ chức một số hoạt động cụ thể của GDNGLL ở trường phổ thông.

Thông qua việc cung cấp các thông tin cơ bản về ý nghĩa của từng chương trong môn học, người GV đã bước đầu hình thành được ở người học nhận thức ban đầu về môn học.

b. Hình thành mục đích học tập:

Có những SV khi được hỏi vì sao em lại lựa chọn ngành sư phạm thì được trả lời là “em không biết”; “do bố mẹ em bắt đi học”; “do em thi trượt trường kinh tế”…chính vì muôn vàn những lý do như vậy cho nên lúc đầu khi bước chân vào giảng đường cao đẳng, các em còn khá mông lung trong việc học tập của mình, chưa có ý chí phấn đấu, xao nhãng việc học tập…Bên cạnh đó, mỗi giờ lên lớp nếu GV không định hình được cho SV mục đích học tập của từng môn học cụ thể, nội dung cốt lõi của từng phần, từng chương…sẽ khiến cho các em cảm thấy khó hiểu, chán nản…Từ đó, các em sẽ dần thiếu kỹ năng học tập, phương pháp học tập đúng đắn. SV chỉ chăm chăm làm sao trong mỗi kỳ thì có thể quay được bài, qua được môn thi.

Chính vì vậy, phương pháp giảng dạy của GV rất quan trọng trong việc định hình cho SV mục đích học tập đúng đắn. Sau khi SV đã nhận thức được vị trí, ý nghĩa của môn học. GV thông qua từng giờ dạy giúp SV định hình mục đích học tập và lập kế hoạch học tập cho từng nội dung học. Việc hướng dẫn SV nghiên cứu tài liệu, hướng dẫn SV cách đọc tài liệu, nắm vững nội dung cốt lõi của bài học, cách thức lưu giữ và tái hiện tài liệu ra sao sẽ giúp SV dần dần định hình cho mình mục đích học tập cho từng môn học cụ thể.

c. Hình thành hứng thú học tập cho SV

Để hình thành hứng thú học tập cho SV thì phương pháp dạy học của thầy rất quan trọng. Người thầy phải là người có nghệ thuật dạy học làm thế nào thu hút SV vào giờ giảng của mình. Để làm được điều này bản thân mỗi người GV phải luôn không ngừng tự bồi dưỡng năng lực chuyên môn và có niềm đam mê dạy học. Bên cạnh đó, người GV cần phải biết kết hợp linh hoạt các hình thức dạy học, sử dụng linh hoạt kỹ thuật dạy học vào trong từng tiết dạy của mình.

Ví dụ: Trong một tiết dạy, GV ngoài sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, diễn giảng, vấn đáp…cần sử dụng thêm các kỹ thuật dạy học như kỹ thuật khăn trải bàn, semina, trò chơi…để làm cho nội dung giờ học thêm phong phú tránh gây cảm giác nhàm chán, mệt mỏi.

Các hình thức dạy và học ở trường Sư phạm có quan hệ chặt chẽ với mục đích học tập, nội dung học tập của sinh viên. Động cơ học tập chính là thúc đẩy sinh viên chiếm lĩnh đối tượng hoạt động học tập qua các hình thức học tập. Những hình thức học tập  tạo nên sự hứng thú học tập mạnh mẽ đối với sinh viên đó là thực hành kỹ năng thực tập tại cơ sở, thảo luận, semina…Thường SV đón chờ những giờ học này một cách hào hứng và nó gây hứng thú mạnh mẽ cho các em. Chính vì vậy nhà trường nên tạo điều kiện cho các em được thực tập thực tế nhiều hơn nữa để các em có điều kiện thực hành những kiến thức đã học vào thực tế. Giáo viên cũng nên kết hợp những buổi giảng dạy với thảo luận.

Chẳng hạn như trong học phần Tâm lý lứa tuổi và sư phạm, khi học đến chương Tâm lý học người giáo viên, GV có thể cho SV thảo luận về nghề giáo: vị trí, đặc điểm và những phẩm chất nhân cách mà người giáo viên cần phải có. Thông qua đó, sinh viên sẽ  hiểu biết sâu sắc hơn nghề nghiệp của mình cũng như hứng thú hơn trong mỗi tiết học.

Dù là sử dụng phương pháp dạy học nào thì nếu trong từng tiết học, thầy luôn luôn thành công trong việc tổ chức cho người học tự phát hiện ra những điều mới lạ (ở cả nội dung tri thức và phương pháp giành tri thức đó) giải quyết thành công nhiệm vụ học tập, gây được những ấn tượng tốt đẹp đối với việc học thì dần dần mối quan hệ thiết thân giữa các em với tri thức khoa học sẽ hình thành. Học tập dần trở thành nhu cầu không thể thiếu. Nó tạo nên sức mạnh tinh thần thường xuyên thúc đẩy các em vượt mọi khó khăn để giành lấy tri thức. Học tập do đó mang tính chất tự nguyện cao cả, say mê, hào hứng. Như vậy động cơ học tập đã được hình thành và phát triển trong từng tiết học qua những việc làm với tinh thần trách nhiệm cao của cả thầy và trò.

Tóm lại để hình thành động cơ học tập tích cực cho SV nhằm góp phần nâng cao chất lượng học tập trong nhà trường thì phải có sự nỗ lực cả về phía người học và người dạy. Về phía người học, với tư cách là chủ thể của hoạt động học tập, SV phải nâng cao ý thức về đối tượng, động cơ, mục đích học tập…có động cơ học tập đúng đắn nhằm mục đích chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng kỹ xảo của ngành học đồng thời không ngừng tích cực tìm kiếm các phương thức học tập khác nhau để trau dồi thêm kiến thức và phục vụ cho nghề nghiệp tương lai của mình sau này. Về phía người dạy thì cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với nhu cầu, hứng thú của sinh viên để kích thích sinh viên chiếm lĩnh tri thức. Người thầy trong quá trình dạy học của mình phải biết phát huy cao độ tính tích cực độc lập sáng tạo của người học.

Tài liệu tham khảo

1.      Lê Văn Hồng và cộng sự (2012), Tâm lí học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm,  NXB ĐH Quốc gia

2.      Phạm Minh Hạc (1989), Tuyển tập tâm lý học, NXB GD

3.    Phạm Trung Thanh – Nguyễn Thị Lý (2003), Rèn luyện NVSPTX- NXB ĐHSPHN 2003


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội