Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MỘT SỐ BIỆN PHÁP HƯỚNG DẪN SINH VIÊN NGÀNH GDMN RÈN KĨ NĂNG LẬP KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG HỌC CÓ CHỦ ĐÍCH HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG VỀ HÌNH DẠNG CHO TRẺ 5-6 TUỔI  - Th.s Nguyễn Thị Thúy Vân -  Phòng Đào tạo

 

 

 

1. Đặt vấn đề

Toán học là môn học được áp dụng rộng rãi trong thực tế của cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành khoa học. Cùng với toán học nói chung thì việc hình thành các biểu tượng toán cho trẻ mầm non đóng vai trò quan trọng, có một vị trí đặc biệt trong việc giáo dục trí tuệ cho trẻ, đặt nền móng cho sự phát triển tư duy, năng lực nhận biết của trẻ, góp phần vào sự phát triển toàn diện nhân cách và chuẩn bị cho trẻ đến trường tiểu học với những biểu tượng toán sơ đẳng, những kĩ năng như phân biệt, so sánh, phân loại, tổng hợp…

Trong chương trình Giáo dục Mầm non, việc hình thành biểu tượng toán cho trẻ là rất cần thiết. Bởi lẽ thông qua biểu tượng toán sơ đẳng đã được hình thành ở trẻ từ rất sớm đặc biệt là những biểu tượng về hình dạng sẽ giúp trẻ có cái nhìn phong phú hơn về thế giới xung quanh trẻ. Các hình hình học đóng một vai trò rất to lớn trong việc nhận biết hình dạng vật thể. Vì vậy việc cho trẻ làm quen với các hình hình học, dạy cho trẻ phân biệt, nhận biết nắm được một số dấu hiệu đặc trưng của các hình là rất quan trọng. Mặt khác, việc cho trẻ nhận biết hình dạng của các vật thể còn giúp trẻ thấy được sự phong phú, đa dạng và vẻ đẹp của thế giới đồ vật xung quanh trẻ. Hơn nữa, những kiến thức về hình dạng vật thể là phương tiện giúp trẻ định hướng dễ dàng hơn trong môi trường xung quanh trẻ nhưng để trẻ có được những kĩ năng này cần có sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên để trẻ lĩnh hội những tri thức này một cách hệ thống và hiệu quả.

Trên thực tế hiện nay, việc hình thành biểu tượng về hình dạng cho trẻ mầm non vẫn còn một số hạn chế như: Giáo viên chưa linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp, biện pháp để dạy học; việc dạy trẻ chỉ dừng lại ở sự bắt chước, dập khuân, máy móc; Môi trường hoạt động chưa thu hút và hướng trẻ vào mục đích học tập; Vẫn còn giáo viên cung cấp chưa chính xác kiến thức cho trẻ. Chính vì vậy mà kết quả nhận thức, kĩ năng nhận biết các biểu tượng về hình dạng của trẻ mầm non còn hạn chế.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc hình thành biểu tượng hình dạng đối với trẻ mầm non, với vai trò là một giảng viên trường cao đẳng sư phạm, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non tương lai, tôi đã chọn đề tài: “ Một số biện pháp hướng dẫn sinh viên ngành Giáo dục Mầm non rèn kĩ năng lập kế hoạch hoạt động học có chủ đích hình thành biểu tượng về hình dạng cho trẻ 5 - 6 tuổi.

2. Một số biện pháp hướng dẫn sinh viên ngành Giáo dục Mầm non rèn kĩ năng lập kế hoạch hoạt động học có chủ đích hình thành biểu tượng về hình dạng cho trẻ 5 – 6 tuổi

2.1. Biện pháp 1. Hướng dẫn sinh viên xác định được nội dung và kết quả mong đợi khi hình thành biểu tượng về hình dạng cho trẻ 5 – 6 tuổi

Để tổ chức các hoạt động học có chủ đích hình thành biểu tượng về hình dạng cho trẻ mẫu giáo được hiệu quả, người giáo viên mầm non cần hiểu và phân tích được vị trí, mối quan hệ giữa các biểu tượng toán trong toàn bộ Chương trình hình thành biểu tượng toán nói chung và biểu tượng về hình dạng nói riêng. Giáo viên phải hiểu rõ vị trí nội dung biểu tượng đang dạy và mối quan hệ mật thiết của biểu tượng đang dạy với các biểu tượng trước và sau nó. Từ đó, giáo viên mới có thể thiết kế các hoạt động phù hợp với lôgic kiến thức, phù hợp với khả năng và hiểu biết của trẻ.

Nội dung và kết quả mong đợi khi hình thành biểu tượng về hình dạng cho trẻ mẫu giáo trong Chương trình Giáo dục Mầm non được quy định cụ thể như sau:

a) Nội dung

Nội dung

3 - 4 tuổi

4 - 5 tuổi

5 - 6 tuổi

1. Tập hợp, số lượng, số thứ tự và đếm

 

- Đếm trên đối tượng trong phạm vi 5 và đếm theo khả năng.

- Đếm trên đối tượng trong phạm vi 10 và đếm theo khả năng.

- Đếm trong phạm vi 10 và đếm theo khả năng.

- 1 và nhiều.

-  Chữ số, số lượng và số thứ tự trong phạm vi 5

- Các chữ số, số lượng và số thứ tự trong phạm vi 10.

- Gộp hai nhóm đối tượng và đếm.

- Gộp/tách các nhóm đối tượng bằng các cách khác nhau và đếm.

- Tách một nhóm đối tượng thành các nhóm nhỏ hơn.

 

 

- Nhận biết ý nghĩa các con số được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày (số nhà, biển số xe,..).

2. Xếp tương ứng

 Xếp tương ứng 1 - 1, ghép đôi.

Ghép thành cặp những đối tượng có mối liên quan.

3. So sánh, sắp xếp theo quy tắc

- So sánh 2 đối tượng về kích thước.

- Xếp xen kẽ.

- So sánh, phát hiện quy tắc sắp xếp và sắp xếp theo quy tắc.

-

- Tạo ra quy tắc sắp xếp.

4. Đo lường

 

- Đo độ dài một vật bằng một đơn vị đo.

- Đo độ dài một vật bằng các đơn vị đo khác nhau.

- Đo độ dài các vật, so sánh và diễn đạt kết quả đo.

 

 

- Đo dung tích bằng một đơn vị đo.

- Đo dung tích các vật, so sánh và diễn đạt kết quả đo.

5. Hình dạng

- Nhận biết, gọi tên các hình: hình vuông, hình tam giác, hình tròn, hình chữ nhật và nhận dạng các hình đó trong thực tế.

- So sánh sự khác nhau và giống nhau của các hình: hình vuông, hình tam giác, hình tròn, hình chữ nhật.

- Nhận biết, gọi tên khối cầu, khối vuông, khối chữ nhật, khối trụ và nhận dạng các khối hình đó trong thực tế.

- Sử dụng các hình hình học để chắp ghép.

- Chắp ghép các hình hình học để tạo thành các hình mới theo ý thích và theo yêu cầu.

 

 

 

- Tạo ra một số hình hình học bằng các cách khác nhau.

6. Định hướng trong không gian và định hướng thời gian

Nhận biết phía trên - phía dưới, phía trước - phía sau, tay phải - tay trái của bản thân.

- Xác định vị trí của đồ vật so với bản thân trẻ và so với bạn khác (phía trước - phía sau; phía trên - phía dưới; phía phải - phía trái).

- Xác định vị trí của đồ vật (phía trước - phía sau; phía trên - phía dưới; phía phải - phía trái) so với bản thân trẻ, với bạn khác, với một vật nào đó làm chuẩn.

 

- Nhận biết các buổi: sáng, trưa, chiều, tối.

- Nhận biết hôm qua, hôm nay, ngày mai.

- Gọi tên các thứ trong tuần.

 

b) Kết quả mong đợi

Kết quả mong đợi

3 - 4 tuổi

4 - 5 tuổi

5 - 6 tuổi

1. Nhận biết số đếm, số lượng

1.1. Quan tâm đến số lượng và đếm như hay hỏi về số lượng, đếm vẹt, biết sử dụng ngón tay để biểu thị số lượng.

1.1. Quan tâm đến chữ số, số lượng như thích đếm các vật ở xung quanh, hỏi: bao nhiêu? là số mấy?...

1.1. Quan tâm đến các con số như thích nói về số lượng và đếm, hỏi: bao nhiêu? đây là mấy?...

1.2. Đếm trên các đối tượng giống nhau và đếm đến 5.

1.2. Đếm trên đối tượng trong phạm vi 10.

1.2. Đếm trên đối tượng trong phạm vi 10 và đếm theo khả năng.

 

1.3. So sánh số lượng hai nhóm đối tượng trong phạm vi 5 bằng các cách khác nhau và nói được các từ: bằng nhau, nhiều hơn, ít hơn.

1.3. So sánh số lượng của hai nhóm đối tượng trong phạm vi 10 bằng các cách khác nhau và nói được các từ: bằng nhau, nhiều hơn, ít hơn.

1.3. So sánh số lượng của ba nhóm đối tượng trong phạm vi 10 bằng các cách khác nhau và nói được kết quả: bằng nhau, nhiều nhất, ít hơn, ít nhất.

1.4. Biết gộp và đếm hai nhóm đối tượng cùng loại có tổng trong phạm vi 5.

1.4. Gộp hai nhóm đối tượng có số lượng trong phạm vi 5, đếm và nói kết quả.

1.4. Gộp các nhóm đối tượng trong phạm vi 10 và đếm.

1.5. Tách một nhóm đối tượng có số lượng trong phạm vi 5 thành hai nhóm.

 1.5. Tách một nhóm đối tượng thành hai nhóm nhỏ hơn.

1.5. Tách một nhóm đối tượng trong phạm vi 10 thành hai nhóm bằng các cách khác nhau.

 

1.6. Sử dụng các số từ 1 - 5 để chỉ số lượng, số thứ tự.

1.6. Nhận biết các số từ 5 - 10 và sử dụng các số đó để chỉ số lượng, số thứ tự.

 

1.7. Nhận biết ý nghĩa các con số được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

1.7. Nhận biết các con số được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

2. Sắp xếp theo quy tắc

Nhận ra quy tắc sắp xếp đơn giản (mẫu) và sao chép lại.

 

Nhận ra quy tắc sắp xếp của ít nhất ba đối tượng và sao chép lại.

2.1. Biết sắp xếp các đối tượng theo trình tự nhất định theo yêu cầu.

2.2. Nhận ra quy tắc sắp xếp (mẫu) và sao chép lại.

2.3. Sáng tạo ra mẫu sắp xếp và tiếp tục sắp xếp.

3. So sánh hai đối tượng

So sánh hai đối tượng về kích thước và nói được các từ: to hơn/ nhỏ hơn; dài hơn/ ngắn hơn; cao hơn/ thấp hơn; bằng nhau.

Sử dụng đượcdụng cụ để đo độ dài, dung tích của 2 đối tượng, nói kết quả đo và so sánh.

Sử dụng được một số dụng cụ để đo, đong và so sánh, nói kết quả.

4. Nhận biết hình dạng

Nhận dạng và gọi tên các hình: tròn, vuông, tam giác, chữ nhật.

4.1. Chỉ ra các điểm giống, khác nhau giữa hai hình (tròn và tam giác, vuông và chữ nhật,....).

Gọi tên và chỉ ra các điểm giống, khác nhau giữa hai khối cầu và khối trụ, khối vuông và khối chữ nhật.

4.2. Sử dụng các vật liệu khác nhau để tạo ra các hình đơn giản.

5. Nhận biết vị trí trong không gian và định hướng thời gian

Sử dụng lời nói và hành động để chỉ vị trí của đối tượng trong không gian so với bản thân.

5.1. Sử dụng lời nói và hành động để chỉ vị trí của đồ vật so với người khác.

5.1. Sử dụng lời nói và hành động để chỉ vị trí của đồ vật so với vật làm chuẩn.

5.2. Mô tả các sự kiện xảy ra theo trình tự thời gian trong ngày.

 5.2. Gọi đúng tên các thứ trong tuần, các mùa trong năm.

 

2.2. Biện pháp 2. Hướng dẫn sinh viên hiểu rõ đặc điểm của từng hình hình học trong chương trình hình thành biểu tượng về hình dạng cho trẻ 5 – 6 tuổi

Để hình thành biểu tượng về hình dạng cho trẻ 5 – 6 tuổi, người giáo viên mầm non cần hiểu rõ đặc điểm của từng hình khối trong chương trình Giáo dục Mầm non. Từ đó, giáo viên mới thiết kế các hoạt động để cho trẻ nhận biết, khám phá, phân biết các hình khối theo đặc điểm hình, và biết nhận dạng đúng các hình dạng của các đồ vật trong môi trường xung quanh. Tuy nhiên trên thực tế, một số giáo viên mầm non, sinh viên ngành giáo dục mầm non không nắm được chính xác các đặc điểm của hình khối. Chính vì vậy, trong giờ học trên lớp, tôi cho sinh viên tìm hiểu và nêu được đúng các đặc điểm của từng hình khối, mà những đặc điểm này phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ mẫu giáo.

Đặc điểm của một số hình khối trong chương trình Giáo dục Mầm non:

Hình khối

Đặc điểm

Khối cầu

Tất cả các mặt bao đều cong. Lăn được. Không chồng được.

Khối trụ

Mặt bao xung quanh cong, mặt bao 2 đầu phẳng. Lăn được khi đặt nằm. Chồng được lên nhau khi đặt đứng.

Khối vuông

Có 6 mặt, tất cả các mặt đều là hình vuông.

Khối chữ nhật

Có 6 mặt, trong đó có mặt là hình chữ nhật.

Có hai loại khối: Khối có 4 mặt là hình chữ nhật, hai mặt là hình vuông; Và khối có 6 mặt đều là hình chữ nhật.

 

 2.3. Biện pháp 3. Hướng dẫn sinh viên lập được cấu trúc của một hoạt động học có chủ đích Làm quen với toán cho một số đề tài

Dựa vào nội dung hình thành biểu tượng về hình dạng cho trẻ 5 – 6 tuổi, tôi đã hướng dẫn sinh viên xác định một số dạng đề tài và cấu trúc của một hoạt động học có chủ đích của các dạng đề tài đó như sau:

2.3.1. Dạy trẻ nhận biết và gọi tên các khối: khối vuông, khối cầu, khối trụ và khối chữ nhật; nhận biết được các khối trong thực tế.

Phần 1. Ôn tập về hình phẳng.

Phần 2. Hình thành biểu tượng mới

- Giáo viên dạy trẻ nhận biết và gọi tên các khối hình bằng phương pháp trình bày vật mẫu kết hợp lời nói:

+ Giáo viên trình bày trực quan từng hình khối và giới thiệu tên gọi các hình khối đó.

+ Cho trẻ chọn hình khối giống hình khối mẫu

+ Nói tên các hình khối đó (theo kinh nghiệm, kiến thức vốn có). 

+ Cô khẳng định kết quả, giới thiệu tên gọi chuẩn của từng khối. Cho trẻ nhắc lại tên khối nhiều lần.

- Giáo viên giơ hình, trẻ nói tên hoặc giáo viên nói tên trẻ giơ hình.

Phần 3. Luyện tập, củng cố biểu tượng vừa học

- Cho trẻ thực hiện các thao tác thực tiễn với các khối hình để nhận biết rõ hơn những dấu hiệu đặc trưng và một số tính chất của các khối hình.

- Cho trẻ tìm những vật ở xung quanh có dạng giống các hình khối đã học.

2.3.2. Dạy trẻ phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa khối cầu và khối trụ, khối vuông và khối chữ nhật

Dạy trẻ phân biệt các khối trên cơ sở so sánh điểm giống và khác nhau theo từng cặp như: So sánh khối trụ với khối cầu; so sánh khối vuông với khối chữ nhật.

* Phân biệt khối cầu và khối trụ:

Phần 1. Ôn nhận biết các hình khối theo mẫu và tên gọi

Phần 2. Hình thành biểu tượng mới (Dạy trẻ gọi tên và chỉ ra được điểm giống, khác nhau giữa hai khối khối cầu và khối trụ.)

Giáo viên phát cho trẻ ít nhất mỗi loại 1 khối và dạy trẻ khảo sát khối.

Hoạt động 1. Giáo viên hướng dẫn trẻ sờ mặt bao các khối và nhận xét.

+ Khối cầu: Tất cả mặt bao đều cong  

+ Khối trụ: Mặt bao xung quanh cong, mặt bao 2 đầu phẳng 

Hoạt động 2. Giáo viên hướng dẫn trẻ lăn khối, nhận xét và giải thích kết quả.

+ Khối cầu: lăn được mọi phía vì tất cả mặt bao đều cong.

+ Khối trụ: Đặt nằm lăn được vì mặt bao xung quanh cong ; Đặt đứng không lăn được vì mặt bao 2 đầu phẳng

Hoạt động 3. Giáo viên cho 2 trẻ quay mặt vào nhau và hướng dẫn trẻ chồng 2 khối cùng loại lên nhau. Nhận xét và giải thích kết quả.

+ Khối cầu: Không chồng được vì tất cả mặt bao đều cong

+ Khối trụ: Nằm  không chồng được vì mặt bao xung quanh cong ; Đứng chồng được vì 2 mặt bao phẳng

Hoạt động 4. So sánh sự giống nhau và khác nhau của 2 khối

  • Cho trẻ nêu sự giống và khác nhau của 2 khối
  • Cô chính xác hóa kết quả và nêu:

+ Đặc điểm của từng khối:

Khối cầu: tất cả các mặt bao đều cong, không thể chồng được.

Khối trụ: mặt bao xung cong, mặt bao 2 đầu phẳng

+ Sự giống nhau và khác nhau:

Giống: Cả 2 khối đều lăn được

Khác: Khối cầu: Tất cả các mặt đều cong

           Khối trụ: Có 2 mặt phẳng có thể chồng được

Phần 3. Luyện tập, củng cố biểu tượng vừa hình thành

- Cho trẻ nhận biết các khối theo đặc điểm mặt bao từng khối bằng cả thị giác và xúc giác

- Liên hệ thực thế xung quanh

- Tổ chức một số trò chơi củng cố khả năng phân biệt các khối...

* Phân biệt khối vuông và khối chữ nhật:

Phần 1. Ôn nhận biết các hình khối theo mẫu và tên gọi

Phần 2. Hình thành biểu tượng mới (Dạy trẻ gọi tên và chỉ ra được điểm giống, khác nhau giữa hai khối  khối vuông và khối chữ nhật)

Giáo viên phát cho trẻ ít nhất mỗi loại một khối.

Giáo viên cho trẻ khảo sát các khối:

Hoạt động 1. Giáo viên hướng dẫn trẻ sờ mặt bao từng khối và nhận xét.

Hoạt động 2. Cho trẻ đếm số mặt bao của mỗi khối.

Hoạt động 3. Cho trẻ nhận biết hình dạng các mặt bao từng khối.

- Khối vuông: Tất cả các mặt bao đều là hình vuông

- Khối chữ nhật: cho trẻ nhận biết cả 2 loại khối :

+ Khối có 6 mặt là hình chữ nhật ;

+ Khối có 4 mặt là hình chữ nhật, 2 mặt là hình vuông.

Hoạt động 4. Cho trẻ so sánh sự giống nhau và khác nhau của 2 khối.

- Trẻ nêu sự giống và khác nhau của 2 khối

- Cô chính xác kết quả của trẻ và kết luận:

+ Đặc điểm của từng khối:

Khối vuông: Có 6 mặt, tất cả các mặt đều là hình vuông.

Khối chữ nhật: Có 6 mặt, trong đó có mặt là hình chữ nhật.

+ Sự giống nhau và khác nhau:

Giống: Cả 2 khối đều có 6 mặt.

Khác: Khối vuông: Tất cả các mặt là hình vuông.

           Khối chữ nhật: Có mặt là hình chữ nhật.

Phần 3. Luyện tập, củng cố biểu tượng vừa hình thành

- Tìm các đồ vật có hình dạng các khối.

- Dùng các khối xếp thành các đồ vật.

- Dán hình vào mặt bao từng khối.

- Tổ chức các trò chơi có luật củng cố khả năng nhận biết, phân biệt các khối.

 

3. Kết luận

Trên đây, tôi đã trình bày một số biện pháp nhằm giúp sinh viên ngành Giáo dục Mầm non – những cô giáo tương lai rèn kĩ năng lập kế hoạch hoạt động học có chủ đích Làm quen với biểu tượng về hình dạng cho trẻ 5 – 6 tuổi. Tôi hi vọng bài viết sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các bạn sinh viên ngành Giáo dục Mầm non, cũng như các cô giáo mầm non để dạy tốt nội dung hình thành biểu tượng về hình dạng cho trẻ 5 -6 tuổi.

Tài liệu tham khảo

[1]. Đề cương bài giảng học phần Phương pháp hình thành biểu tượng toán cho trẻ mầm non (Lưu hành nội bộ)

[2]. Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2021), Chương trình Giáo dục Mầm non (Ban hành kèm theo Thông tư ban hành Chương trình Giáo dục Mầm non), số 01/VBHN-BGDĐT, ngày 13 tháng 4 năm 2021.

[3]. Lê Thu Hương – Lê Thị Ánh Tuyết.(2020), Hướng dẫn thực hiện chương trình Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội