Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn sinh viên tự học thực hành tập giảng ngoài giờ lên lớp nội dung hướng dẫn trẻ làm quen với chữ cái nhằm nâng cao kết quả học tập học phần Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non Ths. Nguyễn Thị Thiêm

 

I. Đặt vấn đề

Tự học có vị trí quan trọng trong bối cảnh xã hội ngày nay. Tự học là mục tiêu cơ bản của quá trình dạy học. Tự học giúp cho mọi người có thể chủ động học tập suốt đời, học tập để khẳng định năng lực phẩm chất và để cống hiến. Tự học là kĩ năng học tập bắt buộc đối với mọi đối tượng học sinh, sinh viên. Để giúp sinh viên có kĩ năng tập giảng tốt, việc hướng dẫn sinh viên tự học thực hành ngoài giờ lên lớp là rất cần thiết. Chính vì vậy mà tác giả lựa chọn vấn đề “Hướng dẫn sinh viên tự học thực hành tập giảng ngoài giờ lên lớp nội dung hướng dẫn trẻ làm quen với chữ cái nhằm nâng cao kết quả học tập học phần Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non”.

II. Nội dung

1. Một số vấn đề lí luận về tự học

1.1 Khái niệm tự học

Tự học là một khái niệm được nhiều nhà giáo dục nghiên cứu. Theo PGS.TS. Đặng Xuân Hải được đưa ra trong cuốn Kĩ thuật dạy học trong đào tạo theo học chế tín chỉ: “Tự học là quá trình tự giác, độc lập, tích cực sử dụng các năng lực, trí tuệ, phẩm chất của bản thân người học để người học chiếm lĩnh được tri thức của nhân loại và những kinh nghiệm lịch sử xã hội, biến những tri thức đó thành sở hữu của mình, hình thành kĩ năng, thái độ và ngày càng hoàn thiện nhân cách của bản thân”. [1; 133, 134]

1.2 Vị trí, vai trò của tự học

Tự học là mục tiêu cơ bản của quá trình dạy học. Từ lâu các nhà sư phạm đã nhận thức rõ ý nghĩa của phương pháp dạy tự học. Trong quá trình hoạt động dạy học giảng viên cần phải định hướng, tổ chức cho sinh viên tự mình khám phá ra những quy luật, thuộc tính mới của các vấn đề khoa học; giúp sinh viên không chỉ nắm bắt được tri thức mà còn biết cách tìm đến những tri thức ấy. Thực tiễn cũng như phương pháp dạy học hiện đại còn xác định rõ: càng học lên cao thì tự học càng cần được coi trọng, nói tới phương pháp dạy học thì cốt lõi chính là dạy tự học.

Tự học giúp cho mọi người có thể chủ động học tập suốt đời, học tập để khẳng định năng lực phẩm chất và để cống hiến. Bằng con đường tự học mỗi cá nhân sẽ không cảm thấy bị lạc hậu so với thời cuộc, thích ứng và bắt nhịp nhanh với những tình huống mới lạ mà cuộc sống hiện đại mang đến, kể cả những thách thức to lớn từ môi trường nghề nghiệp. Nếu rèn luyện cho người học có được phương pháp, kĩ năng tự học, biết linh hoạt vận dụng những điều đã học vào thực tiễn thì sẽ tạo cho họ lòng ham học, nhờ đó kết quả học tập sẽ ngày càng được nâng cao.

1.3 Các hình thức tự học

Tự học hoàn toàn: là hình thức mà người học hoàn toàn độc lập hoàn thành các nhiệm vụ học tập của mình, vai trò của người học là nhân tố trọng yếu nhất trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Hình thức tự học này còn gọi là tự nghiên cứu của các nhà khoa học.

Tự học có sự điều khiển, chỉ đạo của thầy nhưng không giáp mặt: Hình thức tự học này đòi hỏi người học phải có tính tự giác và tính tự lực cao, phải tuân thủ theo chỉ dẫn của thầy. Hiệu quả của hình thức tự học này phụ thuộc vào vai trò của người hướng dẫn, và vai trò tích cực, chủ động hoàn thành các nhiệm vụ học tập của người học.

Tự học dưới sự tổ chức, chỉ đạo, điều khiển trực tiếp của thầy: Thông qua biện pháp tổ chức, định hướng, thiết kế chỉ đạo của người thầy nhằm giúp cho người học tự tổ chức, tự thiết kế, tự thi công hoạt động học tập của mình bằng hoạt động tự nghiên cứu, tự thể hiện, tự kiểm tra, tự điều chỉnh nhằm hoàn thành nhiệm vụ học tập.

2. Nội dung hướng dẫn trẻ làm quen với chữ cái và hướng dẫn sinh viên tự học thực hành tập giảng ngoài giờ lên lớp

2.1 Nội dung hướng dẫn trẻ làm quen với chữ cái

Đây là một nội dung trọng tâm của chương Chuẩn bị cho trẻ học tiếng việt ở trường tiểu học. Chương này có vị trí quan trọng trong học phần chiếm 12/40 tiết. Đặc trưng của chương nói riêng của học phần nói chung là học lí thuyết để phục vụ cho thực hành. Tuy nhiên số lượng tiết thực hành trên lớp của sinh viên không có nhiều. Với thời lượng 7 tiết thực hành, sinh viên xuống trường mầm non dự giờ thực tế phổ thông 2 tiết; 1 tiết giảng viên sửa kế hoạch bài dạy cho sinh viên; còn lại 4 tiết thực hành trên lớp sinh viên phải thực hành tập giảng hướng dẫn trẻ làm quen với chữ cái mới và hướng dẫn trẻ ôn tập chữ cái. Thời gian 4 tiết không đủ để nhiều sinh viên được thực hành tập giảng rút kinh nghiệm trên lớp.

2.2. Hướng dẫn sinh viên tự học thực hành tập giảng ngoài giờ lên lớp

Để sinh viên có kiến thức, kĩ năng sư phạm tổ chức tốt hoạt động hướng dẫn trẻ làm quen với chữ cái, tôi hướng dẫn sinh viên quá trình tự học ngoài giờ lên lớp như sau:

2.2.1. Trước khi tự thực hành tập giảng

Trước khi thực hành tập giảng, giảng viên yêu cầu sinh viên đọc và nghiên cứu kĩ nội dung lí thuyết đã được giảng viên dạy trên lớp về các phương pháp, quy trình, hướng dẫn lập kế hoạch bài dạy hướng dẫn trẻ làm quen với chữ cái.

Để tất cả sinh viên trong lớp đều được thực hành tập giảng, tôi chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 5 đến 6 sinh viên và yêu cầu mỗi nhóm sẽ lập một nhóm zalo học tập có đề cử một bạn làm trưởng nhóm và có thêm giảng viên vào trong nhóm để hỗ trợ, giải đáp thắc mắc, giúp đỡ sinh viên khi các em gặp khó khăn.

Các nhóm hoạt động thực hiện yêu cầu thực hành do giảng viên giao cho từng nhóm. Mỗi nhóm lập kế hoạch bài giảng một nhóm chữ thuộc một chủ đề đã cho trước. Thành viên của các nhóm phải vào youtobe xem các vi deo các bài giảng mẫu của các giáo viên tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen chữ cái. Khi xem vi deo yêu cầu các nhóm báo cáo số lượng vi deo đã xem, tên vi deo lên nhóm và ghi chép những nội dung lĩnh hội được vào sổ tay học tập của mình, chỉ ra các ý tưởng hay được giáo viên sử dung trong các vi deo.

Tiếp theo thành viên trong mỗi nhóm tự tìm hiểu, sưu tầm các trò chơi, bài hát, bài nhạc phù hợp chủ đề chủ điểm của mỗi nhóm chữ cái sẽ thực hành giảng. Cả nhóm sẽ trao đổi, họp nhóm, lên ý tưởng cho từng phần, từng nội dung trong kế hoạch bài dạy. Nhóm thiết kế chung một kế hoạch bài dạy và gửi kế hoạch bài dạy cho giảng viên xin tư vấn. Giảng viên sửa kế hoạch bài dạy cho từng nhóm và điều chỉnh những nội dung cần thiết.

Cuối cùng mỗi thành viên trong nhóm tự xây dựng kế hoạch bài dạy của cá nhân; mỗi cá nhân tự chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, phương tiện phục vụ cho hoạt động dạy. Trưởng nhóm cho các thành viên trong nhóm bốc thăm hoạt động thực hành giảng đảm bảo các vòng giảng sẽ luân phiên nhau để một sinh viên có thể được giảng nhiều hoạt động hoặc trọn vẹn cả bài dạy. Các hoạt động các thành viên trong nhóm tự thực hành tập giảng đều phải quay lại vi deo gửi lên zalo của nhóm để giảng viên kiểm tra đánh giá mức độ tích cực của mỗi thành viên trong nhóm.

2.2.2. Trong quá trình tự thực hành tập giảng

a. Hướng dẫn sinh viên thực hành

Khi các nhóm thực hành tập giảng sẽ có sinh viên thực hành giảng và sinh viên dự giảng để nhận xét rút kinh nghiệm cho phần giảng của bạn vì vậy tôi đã hướng dẫn và đưa ra yêu cầu cụ thể đối với sinh viên thực hành giảng và dự giảng trong mỗi nhóm như sau:

Với sinh viên thực hành tập giảng:

Cần chuẩn bị đầy đủ kế hoạch bài dạy; có thêm kế hoạch bài dạy chi tiết tự viết tay dự kiến nói gì, chuyển tiếp ý ra sao thể hiện đầy đủ trong kế hoạch bài dạy và tự tập nói nhiều lần trước gương; tự dùng điện thoại quay lại hoạt động giảng của mình sau đó xem lại và tiếp tục tự điều chỉnh nhiều lần đến khi nào tự mình thấy đã giảng tốt thì gửi đoạn vi deo lên nhóm để các thành viên trong nhóm nhận xét góp ý cho hoạt động hoàn thiện hơn. Trong quá trình thực hành giảng cần chuẩn bị đầy đủ phương tiện, đồ dùng đẹp mắt, phục vụ cho hoạt động. Đồ dùng, phương tiện phù hợp với yêu cầu của đề tài và sắp xếp hợp lí.

Khi thực hành tập giảng cần xác định đúng yêu cầu trọng tâm của hoạt động. Hoạt động nào trọng tâm thì cần dành nhiều thời gian. Chẳng hạn, khi tổ chức hoạt động hướng dẫn trẻ làm quen với chữ cái mới thì hoạt động gây hứng thú cần phải thực hiện nhanh, gọn, hấp dẫn đúng chủ đề chủ điểm của bài và chỉ nên thực hiện trong thời gian từ 2 đến 3 phút. Hoạt động trọng tâm phải tập trung vào hướng dẫn trẻ nhận diện chữ cái mới thực hiện trong khoảng 10 đến 12 phút và tổ chức cho trẻ chơi trò chơi với chữ cái nhằm củng cố cách nhận biết và phát âm cho trẻ thực hiện trong khoảng 7 đến 10 phút. Khi tổ chức hoạt động thì nội dung cần phù hợp với mục tiêu của đề tài. Kiến thức đảm bảo chính xác, hệ thống, khoa học. Nội dung tích hợp hợp lí, hấp dẫn, sáng tạo với các hoạt động có chủ đích khác như hoạt động: âm nhạc, tạo hình, phát triển thể chất, làm quen với toán…

Trong quá trình tập giảng, giáo viên cần phối hợp linh hoạt các phương pháp, vận dụng các phương pháp cho phù hợp; phát huy tính tích cực hoạt động của trẻ. Chẳng hạn khi tổ chức hoạt động hướng dẫn trẻ chơi trò chơi với chữ cái cô phát huy tính tích cực hoạt động của trẻ bằng cách tổ chức cho trẻ chơi cả trò chơi tĩnh và trò chơi động. Trò chơi tĩnh rèn cho trẻ sự tập trung chú ý. Trẻ được tìm chữ, ghép chữ, gọi tên chữ theo yêu cầu của cô. Trò chơi động trẻ được tích cực vận động, tổ chức hoạt động phải tích hợp với hoạt động thể chất (bật nhảy qua vòng) tích hợp với hoạt động âm nhạc (cho trẻ hát hoặc chơi trò chơi trong thời gian một bản nhạc) tích hợp với toán học (khen trẻ bằng số tiếng vỗ tay…).

Khi thực hành tập giảng cần chú ý tới việc rèn luyện tác phong sư phạm cần chững chạc, tự tin khi giảng. Để có thể tự tin khi thực hành giảng mỗi sinh viên cần làm chủ kế hoạch bài dạy; không phụ thuộc vào kế hoạch bài dạy. Sinh viên cần đọc và học kế hoạch bài dạy nhiều lần đạt đến sự nhuần nhuyễn. Trong quá trình giảng cần phải có khả năng bao quát lớp, dự kiến  đưa ra một số tình huống có thể xảy ra và giải quyết các tình huống đó. Chẳng hạn khi hướng dẫn trẻ tập tô chữ cái có thể giả định các tình huống như trẻ cầm bút không đúng (trẻ không cầm bút bằng ba đầu ngón tay mà trẻ nắm bút bằng cả bàn tay) hoặc trẻ tô chữ không đúng theo thứ tự các nét, trẻ tô chữ không đúng theo chiều mũi tên…

Để có kĩ năng sư phạm tốt thì mỗi sinh viên cần tự rèn luyện bản thân để có ngôn ngữ chuẩn mực; cần rèn luyện lời nói mạch lạc, truyền cảm, nói to, rõ ràng, tốc độ vừa phải, chú ý ngữ điệu lời nói có lúc trầm, lúc bổng để tạo sự chú ý ở trẻ. Khi giảng tuyệt đối không nói ngọng, nói lắp. Chẳng hạn khi dạy trẻ làm quen chữ cái nhóm chữ l, n, m nếu ngữ âm của cô không chuẩn thì l (lờ) n (nờ) cô có thể phát âm cả hai âm này thành “lờ” hoặc “nờ” sẽ khiến trẻ khó nhận diện chữ cái hoặc nhận diện sai chữ cái.

Sinh viên thực hành tập giảng cần lắng nghe, ghi chép, tiếp thu ý kiến nhận xét của các bạn trong cùng nhóm để xem lại và điều chỉnh cho phù hợp. Các nhóm cần có sự phối hợp giữa các thành viên và có ý thức luyện tập, chuẩn bị tham gia hoạt động nhóm; hào hứng, tích cực, chủ động  tham gia hoạt  động.

Với sinh viên dự giảng:

Sau khi các bạn trong cùng nhóm đưa vi deo lên nhóm; các sinh viên trong nhóm cần xem vi deo và ghi chép cẩn thận quá trình tổ chức hoạt động của bạn; góp ý cho bài giảng của bạn chỉ ra những ưu điểm, hạn chế về từng tiêu chí chuẩn bị, nội dung, phương pháp, phối hợp giữa cô và trẻ… Thành viên dự giảng phải đưa ra các phương án giải quyết khi được yêu cầu.

b. Sinh viên thực hành

Mỗi một vòng thực hành giảng nhóm trưởng sẽ giao nhiệm vụ thực hành cho các bạn trong nhóm theo trình tự: một sinh viên trình bày kế hoạch bài học chi tiết từng hoạt động. Các sinh viên trong nhóm lần lượt tổ chức từng hoạt động. Chẳng hạn khi hướng dẫn sinh viên thực hành tập giảng hướng dẫn trẻ làm quen với chữ cái mới: Sinh viên thứ nhất trình bày kế hoạch bài dạy; sinh viên thứ 2 tổ chức Gây hứng thú, giới thiệu bài; sinh viên thứ 3 tổ chức dạy trẻ làm quen chữ cái mới ; sinh viên thứ 4 tổ chức trò chơi củng cố chữ cái và sinh viên thứ 5 giảng hoạt động kết thúc.

Mỗi sinh viên tự giảng hoạt động của mình và quay lại vi deo đưa lên nhóm. Khi thực hành giảng trang phục của giáo viên phải gọn gàng, phù hợp với thời tiết. Các đồ dùng, đạo cụ sử dụng cần đảm bảo tính thẩm mĩ. Sau khi quay xong vi deo cần kiểm tra chất lượng video: Hình ảnh: đẹp, sáng rõ cả cô, cả trẻ, sắc nét, phù hợp với nội dung. Hiệu ứng hình ảnh: đẹp, mức độ chạy hình ảnh vừa phải.

2.2.3. Sau khi tự thực hành tập giảng

Với mỗi vòng giảng, từng thành viên trong nhóm sẽ rút kinh nghiệm sau bài dạy về nội dung, phương pháp, phương tiện; thời gian.

Các nhóm tổ chức nhận xét hoạt động thực hành giảng theo các tiêu chí:

Nội dung

Tiêu chí

Điểm

tối đa

Điểm

đạt

Chuẩn bị

(1,0 điểm)

- Có đủ phương tiện, đồ dùng đẹp mắt, phục vụ cho hoạt động

0,5

 

- Đồ dùng, phương tiện phù hợp với đề tài, sắp xếp hợp lí

0,5

 

Nội dung

(4,0 điểm)

- Xác định đúng yêu cầu trọng tâm của hoạt động

1,0

 

- Nội dung phù hợp với mục tiêu của đề tài, độ tuổi

1,0

 

- Kiến thức đảm bảo chính xác, hệ thống, khoa học

1,0

 

- Nội dung tích hợp hợp lí, hấp dẫn, sáng tạo

1,0

 

Phương pháp

(4,0 điểm)

- Sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp

1,0

 

- Phát huy tính tích cực hoạt động của trẻ.

1,0

 

- Có tác phong chững chạc, tự tin, có khả năng bao quát lớp

1,0

 

- Lời nói mạch lạc, truyền cảm, không nói ngọng, nói lắp

1,0

 

Phối hợp nhóm (1,0 điểm)

- Có ý thức luyện tập, chuẩn bị tham gia hoạt động nhóm

0,5

 

- Hào hứng, tích cực, chủ động  tham gia hoạt  động

0,5

 

TỔNG

10,0

 

Tổng điểm:         

Xếp loại: Xuất sắc (9-10 điểm); Giỏi (8,0- 8,9 điểm) Khá (7,0- 7,9 điểm); Trung bình (5,0-6,9 điểm)]

Phần nhận xét đánh giá, rút kinh nghiệm được thực hiện trong trên nhóm zalo. Sinh viên dựa vào tiêu chí đánh giá hoạt động để chỉ rõ ưu điểm, nhược điểm trong phần tổ chức hoạt động của bạn: chuẩn bị, nội dung, phương pháp bằng cách viết trực tiếp trên nhóm, viết ra giấy chụp lại, nhận xét công khai hoặc nhận xét riêng cho bạn. Giảng viên đánh giá, chia sẻ về sản phẩm của sinh viên.

Giảng viên tổ chức cho sinh viên thảo luận, bình chọn bằng hình thức cho điểm vào phiếu nhận xét và nhấn biểu tượng yêu thích trên nhóm zalo học tập dựa trên tiêu chí kể trên. Những sản phẩm thực hành tổ chức hoạt động hướng dẫn trẻ làm quen với chữ cái có chất lượng tốt được đưa vào kho dữ liệu để sinh viên tham khảo lựa chọn biện pháp hay, phù hợp với bản thân có thể áp dụng khi đi thực tập tại các cơ sở mầm non.

III. KẾT LUẬN

Trên đây là nội dung hướng dẫn sinh viên tự học thực hành tập giảng ngoài giờ lên lớp. Nội dung này đã được tác giả áp dụng vào quá trình dạy học các học phần phương pháp nói chung hoc phần Phương pháp phát triển ngôn ngữ nói riêng đã nâng cao kết quả học tập thực hành tập giảng của sinh viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đặng Xuân Hải, 2015, Kĩ thuật dạy học trong đào tạo theo học chế tín chỉ.

[2]. Nguyễn Thị Huê, Ngô Thị Lanh, Nguyễn Thị Thắng, Nguyễn Thị Thiêm, 2016,  Một số học phần đào tạo giáo viên trình độ Cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, Tiếng Việt, Văn học, Phương pháp phát triển ngôn ngữ, Phương pháp làm quen với văn học, NXB Giáo dục Việt Nam.

[3]. Thanh Hương, 2020, Tập đánh vần Tiếng Việt theo sơ đồ tư duy, NXB  Hà Nội.

[4]. Tổng cục dạy nghề, 2015, Tài liệu bồi dưỡng về biên soạn giáo án và tổ chức dạy học tích hợp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội