Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HƯỚNG DẪN SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON MỘT SỐ NỘI DUNG AN TOÀN CHO TRẺ TRONG TRƯỜNG MẦM NON Th.s.  Lê Thị Thùy Linh  - Phòng Đào tạo

 

  1. Mở đầu

Trẻ em là hạt giống của Đất nước là vận mệnh của toàn dân tộc. Dạy trẻ nhỏ cũng như trồng cây non, trồng cây non có tốt thì sau này cây lớn tốt, dạy trẻ tốt thì sau này các cháu trở thành người tốt. Những năm đầu đời của trẻ là thời kì của sự tăng trưởng cơ thể phát triển về các mặt trí tuệ, tình cảm rất nhanh nhưng trẻ còn nhiều ngây thơ. Trẻ cần được gia đình, nhà trường giáo dục những kiến thức kĩ năng về dinh dưỡng, sức khỏe, an toàn… để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt và thích ứng với môi trường sống.

Trong những năm gần đây, vấn đề đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ em rất nhiều. Tình trạng trẻ em bị bắt cóc, trẻ bị xâm hại ngày càng gia tăng, phát triển với diễn biến phức tạp, tinh vi, khó kiểm soát gây bức xúc trong xã hội. Vì thế, giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ ở trường mầm non là vấn đề mang tính cấp thiết đối với sức khỏe, sự an toàn – một trong những kỹ năng sống mà trẻ cần được trang bị.

2.     Nội dung

    2.1. Mục tiêu

Sinh viên ngành giáo dục mầm non cần có được kiến thức về những vấn đề cơ bản của việc giáo dục  kỹ năng an toàn cho trẻ mầm non như: mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục kĩ năng an toàn cho trẻ; đặc điểm phát triển kĩ năng an toàn của trẻ; các yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ; yêu cầu về môi trường giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ …

Sinh viên ngành giáo dục mầm non vận dụng kiến thức được trang bị để đánh giá thực trạng giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ tại cơ sở giáo dục, từ đó tổ chức, chỉ đạo, xây dựng, thực hiện kế hoạch phù hợp để nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ.

    2.2. Yêu cầu về hình thức tiến hành giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ

Việc giáo dục đảm bảo an toàn diễn ra thuận lợi nhất là ở giai đoạn mẫu giáo vì trẻ đã có sự phát triển nhất định về thể chất, trí tuệ, ngôn ngữ và các mối quan hệ xã hội. Giúp trẻ hình thành và củng cố kỹ năng nhận biết và phòng tránh những nguy cơ không an toàn đối với bản thân để cho cơ thể phát triển khỏe mạnh, phòng tránh tối đa những mối nguy hiểm có thể xảy ra giúp trẻ đảm bảo an toàn của bản thân.

Việc giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ ở trường mầm non có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau như: lồng ghép trong các hoạt động học tập, thông qua chế độ sinh hoạt hàng ngày, hoạt động vui chơi… Những tác phẩm nghệ thuật như tác phẩm văn học, âm nhạc… có tác dụng tích cực trong việc giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ. Nó giúp trẻ có những kiến thức cơ bản, những kỹ năng phù hợp để đảm bảo an toàn  bằng những hình tượng nghệ thuật sinh động, phong phú và đa dạng, giúp cho hoạt động giáo dục trẻ diễn ra tinh tế, nhẹ nhàng, hấp dẫn mà hiệu quả. Đảm bảo an toàn cho trẻ là việc giữ gìn sự yên ổn cho trẻ, tránh những tai nạn, rủi ro, những sự cố, những tác động bên ngoài mang tính nguy hiểm lên thân thể và có hại về mặt tinh thần cho trẻ ở trường mầm non.

2.3. Nội dung hướng dẫn cho sinh viên ngành giáo dục mầm non giáo dục an toàn cho trẻ

Giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ là quá trình hình thành và phát triển ở trẻ những hiểu biết, kỹ năng và thái độ đúng đắn đối với việc nhận biết và tránh những người gây nguy hiểm, đồ vật nguy hiểm, nơi không an toàn, hành động nguy hiểm, tình huống nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh. Đồng thời, nó tác động đến tình cảm của trẻ, giúp cho việc đảm bảo an toàn trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của trẻ khi trẻ tham gia vào các hoạt động khác nhau như: vui chơi, học tập, lao động… giúp trẻ có cơ hội phát triển toàn diện.
Việc giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ về người có thể gây nguy hiểm cho trẻ được cụ thể bằng những nội dung sau:

Giáo dục trẻ biết được những người có thể gây nguy hiểm cho trẻ như: người bị bệnh tâm thần, người say rượu, người lạ, người nghiện ma túy, người phóng nhanh vượt ẩu, người vượt đèn đỏ, người lừa đảo, người quen/người thân nhưng có biểu hiện gây nguy hiểm (ôm hôn, đụng chạm vào vùng nhạy cảm…).
Cho trẻ xem một số video (hình ảnh được camera ghi lại, hoạt cảnh dựng lại, phim hoạt hình…) về nạn bắt cóc trẻ em, xâm hại trẻ em để trẻ nhận biết những dấu hiệu của người gây nguy hiểm, hành động nguy hiểm, tình huống nguy hiểm và cách phòng tránh.

Giáo dục trẻ biết được những hành động nguy hiểm cần tránhTự ý đến gần, trêu chọc; đi theo; làm theo những yêu cầu của người lạ; tự mở cửa cho người lạ vào nhà; nhận quà hoặc đồ chơi, tiền, bánh kẹo, sách truyện… của họ.

Giáo dục trẻ biết được những tình huống nguy hiểm: 

Trẻ cần được trợ giúp khi tiếp xúc với người lại: Bị người lạ kéo đi; bị đánh; bị bế lên xe của người lạ; bị người lạ cho ăn hoặc uống đồ vật lạ; bị bịt miệng; ấp khăn vào mặt, bị đụng chạm vào “vùng đồ bơi” trên cơ thể…; đang ở nhà một mình thì phát hiện có người đột nhập vào nhà; người lạ dò hỏi tên, số điện thoại của bố mẹ…

Trẻ nói được mối nguy hiểm khi tiếp xúc với những người đó. Ví dụ: Người say rượu có thể làm bé đau, chảy máu…; người phóng nhanh vượt ẩu có thể làm bé bị tai nạn giao thông; người lạ có thể bắt cóc bé để tống tiền bố mẹ hoặc bán bé đi nơi khác, ấu dâm, sát hại bé…

 Giáo dục trẻ tránh xa, không làm theo những yêu cầu nguy hiểm: Dạy trẻ biết từ chối những người có thể gây nguy hiểm để tự vệ như: Không mở cửa cho người lạ, không ăn hay uống bất cứ vật gì từ người lạ, không đi theo người lạ, không đưa thứ gì của mình theo yêu cầu của họ, không nói tên, số điện thoại của bố mẹ hoặc cô giáo cho người lạ…

Giáo dục trẻ bày tỏ thái độ không đồng tình với những người có thể gây nguy hiểm:

Giúp trẻ biết tác hại của những hành động nguy hiểm để tỏ rõ thái độ phản đối, phê phán, lên án những người có thể gây nguy hiểm, trừ người bệnh tâm thần. Giúp trẻ biết, đây là những người bệnh, họ không muốn làm việc xấu nhưng do họ không làm chủ được hành vi của mình nên có thể gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh, vậy nên chỉ tránh họ chứ không nên ghét họ.
Các tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng, phức tạp, kẻ xấu có thể gây tai nạn thương tích, bắt cóc trẻ ở mọi lúc, mọi nơi. Giáo viên mầm non cần tích cực lựa chọn các nội dung, hình thức phù hợp để giáo dục trẻ biết đảm bảo an toàn cho bản thân, tuyên truyền cho phụ huynh các các tổ chức xã hội liên quan để cộng đồng cùng chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ như:

Có hành động tự vệ phù hợp với mỗi tình huống: Khóc thật to, kêu cứu, vùng vẫy, chống trả, cắn vào tay họ, đá vào chỗ nguy hiểm của họ, hét thật to để mọi người chú ý đến mình và giúp đỡ mình, giả vờ gọi bố mẹ hoặc công an, nói lời dọa nạt…

Có cách giúp đỡ người bị nạn: Nên giáo dục trẻ quan tâm, tích cực tìm cách giúp đỡ những người bị nạn nhưng phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình. Có thể giúp bạn cùng chống trả người gây nguy hiểm, đánh lạc hướng người gây nguy hiểm, dọa nạt người gây nguy hiểm, cùng kêu cứu, gọi cho cô giáo, công an, bộ đội…

Bày tỏ thái độ đồng cảm với người bị nạn, cảm phục người giúp đỡ, có mong muốn giúp đỡ người bị nạn. Đây là những biểu hiện nhân văn của con người có giáo dục, biết đồng cảm, yêu thương, quan tâm đến mọi người xung quanh, biết yêu thương đồng loại.

Từ những câu chuyện, tình huống cụ thể, giáo viên cần khơi gợi ở trẻ cảm xúc tích cực đó là sự xót thương, lo lắng, quan tâm, thông cảm,… với người bị nạn; sự yêu quý, tôn trọng, biết ơn người giúp đỡ. Từ đó, hình thành mong muốn sẵn sàng, nhiệt tình giúp đỡ người gặp nạn, để tất cả mọi người xung quanh mình có thể sống bình an, vui vẻ hơn.

             Báo cho cô giáo, người thân: Trẻ biết bố mẹ, cô giáo là những người thân, người đáng tin cậy nhất. Những người lạ có thể tin cậy là công an, bộ đội. Khi gặp tình huống nguy hiểm, trẻ phải: cố gắng gọi to nếu biết cô giáo hoặc ngưởi thân đang ở gần đó; nhớ số điện thoại của bố mẹ, cô giáo, của công an để gọi điện khi gặp nguy hiểm; tùy từng trường hợp cụ thể để gọi điện công khai hoặc bí mật. Ví dụ, khi chủ định gọi điện thoại để dọa, xua đuổi, cố ý cho người lạ nghe thấy thì nói to, rõ ràng; khi đang ẩn nấp tránh kẻ trộm đột nhập hoặc người nguy hiểm mà mình nghi ngờ thì gọi khẽ, chỉ đủ cho người lớn nghe thấy.

Nhắc nhở bạn bè biết và phòng tránh người nguy hiểm: Dạy trẻ nhận biết biểu hiện của người có thể gây nguy hiểm rồi tuyên truyền cho các bạn cùng quan tâm, nhận biết để phòng tránh họ. Trẻ có thể nhắc nhở bạn bè bằng lời nói, bằng thơ, truyện, bài hát, bằng các trò chơi… ở mọi lúc mọi nơi để bạn bè và người lớn cùng đề cao cảnh giác.

Trẻ biết và nói được ý nghĩa của việc nhận biết và phòng tránh những người có thể gây nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và mọi người xung quanh, giảm bớt những người gây nguy hiểm cho xã hội.

   3. Kết luận

Trên đây là một số nội dung hướng dẫn sinh viên ngành giáo dục mầm non một số biện pháp giáo dục trẻ nhận biết người nguy hiểm, hành động nguy hiểm, tình huống nguy hiểm và các kỹ năng, thái độ tích cực giúp trẻ đảm bảo an toàn với người có thể gây nguy hiểm và một số gợi ý về cách giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non. Khi giáo viên xác định được rõ tầm quan trọng của nội dung giáo dục an toàn cho trẻ; chú trọng công tác chuyên môn, nâng cao năng lực sư phạm cập nhật lí thuyết và kiến thức mới sẽ luôn đảm bảo nội dung và phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ mầm non theo hướng hiện đại, tích cực hóa./.

 

 

Tài liệu tham khảo:

[1]. Nguyễn Thị Dư (2016), Phòng bệnh và đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non – Tài liệu học tập một só học phần đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non – Trường CĐSP Bắc Ninh – NXB GD.

 [2]. Lê Thị Mai Hoa (2017), Giáo trình Bệnh học trẻ em, NXB ĐHSP.

[3]. Lê Thị Mai Hoa (2017), Giáo trình Dinh dưỡng trẻ em tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, NXB ĐHSP.

[4]. Trần Hồng Minh (2016), Vệ sinh - Dinh dưỡng – Tài liệu học tập một số

 học phần đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non – Trường CĐSP Bắc Ninh – NXB GD.

- Tuyển tập trò chơi, bài hát, thơ truyện, câu đố các lứa tuổi.

- Các đồ dùng học tập khác.

[5]. Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/4/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Chương trình Giáo dục mầm non.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội