Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn sinh viên mầm non rèn kĩ năng tổ chức Gây hứng thú trong hoạt động cho trẻ làm quen với văn học bằng hình thức quay video và nhóm zalo học tập - Th.s Nguyễn Thị Nguyệt Tổ Văn- Khoa GD Tiểu học- Mầm non

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

            Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển toàn diện, hình thành cho trẻ những cơ sở ban đầu của nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho trẻ có nhiều cơ hội lĩnh hội kiến thức để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống của trẻ. Làm quen với văn học là một hoạt động rất quan trọng đối với trẻ em lứa tuổi mầm non, là phương tiện phát triển ngôn ngữ giúp trẻ có đủ vốn từ để trẻ có khả năng diễn đạt lưu loát, biết sử dụng từ ngữ đúng lúc, đúng chỗ. Đồng thời, hoạt động này giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, óc quan sát, khả năng tư duy độc lập. Nội dung các tác phẩm văn học giáo dục trẻ biết thương yêu, kính trọng ông bà, bố mẹ, anh chị, yêu quý bạn bè, yêu thiên nhiên và môi trường xung quanh, yêu quê hương, đất nước.

            Phương pháp tổ chức cho trẻ làm quen với văn học là học phần rèn nghề cho sinh viên (SV) năm thứ 3 hệ Cao đẳng ngành giáo viên mầm non. Học xong học phần, SVsử dụng, phát triển được những kiến thức cơ bản và nâng cao về các phương pháp, các hình thức tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với văn học ở trường mầm non. SV được rèn luyện năng lực phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học; có kĩ năng đọc, kể tác phẩm thơ, truyện trong trường mầm non; biết cách tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen với thơ, truyện. Học phần này khơi dậy ở SV sư phạm mầm non lòng yêu nghề, mến trẻ và ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp tương lai của mình. Tuy nhiên, học phần này có thời lượng dành cho thực hành tập giảng trên lớp không nhiều. Để rèn luyện kĩ năng tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với thơ, truyện, SV cần tự học ngoài giờ trên lớp dưới sự hướng dẫn của giảng viên (GV).

            Trong quá trình tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với truyện, Gây hứng thú chiếm khoảng thời gian rất nhỏ so với thời lượng của cả hoạt động, nhưng đây lại là hoạt động có vị trí quan trọng. Về phía giáo viên, hoạt động Gây hứng thú là điểm xuất phát, là nút nhấn quan trọng để kích hoạt dòng năng lượng bên trong nhằm thu hút trẻ yêu thích hoạt động. Nó còn thúc đẩy hoạt động diễn ra trôi chảy từ đầu đến cuối góp phần làm nên thành công của giáo viên. Về phía trẻ, đây là bước khởi đầu, khơi dậy hứng thú để trẻ tích cực tham gia vào hoạt động học.

            Quay video clip là một trong số các hình thức có ưu thế nhất để rèn kĩ năng tổ chức hoạt động cho trẻlàm quen với văn học cho SV trong thời gian ngoài giờ lên lớp chính khóa. Việc quay video clip được SV thực hiện dễ dàng bởi SV nào cũng có điện thoại thông minh, có kết nối mạng, SV biết sử dụng zalo, biết sử dụng các phần mềm quay video và là công việc được SV yêu thích. Thời lượng của hoạt động Gây hứng thú tối đa chỉ 2 hoặc 3 phút tùy đối tượng trẻ nên rất thuận lợi cho việc quay và gửi video.

            Từ những lí do trên, chúng tôi lựa chọn biện pháp “Hướng dẫn sinh viên mầm non rèn kĩ năng tổ chức Gây hứng thú trong hoạt động cho trẻ làm quen với văn học bằng hình thức quay video và nhóm zalo học tập” để nâng cao chất lượng dạy học học phần Phương pháp tổ chức cho trẻ làm quen với văn học.

2. NỘI DUNG

2.1. Đặc trưng của học phần Phương pháp tổ chức cho trẻ làm quen với văn học

Học phần Phương pháp tổ chức cho trẻ làm quen với văn học là loại học phần lí thuyết và thực hành. Học phần này bên cạnh việc trang bị cho SV có những hiểu biết về phương pháp tổ chức cho trẻ làm quen với thơ, truyện, SV phải có được các kĩ năng cần thiết như: có kĩ năng tìm hiểu đặc điểm tâm lí, đặc điểm ngôn ngữ của trẻ mầm non; kĩ năng phân tích mục tiêu, tìm hiểu chương trình và các tài liệu tham khảo về thơ, truyện viết cho trẻ mầm non; kĩ năng thiết kế, tổ chức các hoạt động có chủ đích, kĩ năng đánh giá kết quả của trẻ mầm non; kĩ năng phân tích, đánh giá thực tế ở trường mầm non; phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu về phương pháp cho trẻ làm quen với văn học cho sinh viên ngành mầm non.SV phải biết vận dụng những kiến thức và kĩ năng đã được trang bị vào thiết kế và tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với thơ, truyện cho trẻ mầm non các độ tuổi. Cụ thể SV biết chuẩn bị, sử dụng đồ dùng, đảm bảo tính sư phạm, thuận tiện, an toàn hiệu quả khi sử dụng. Nội dung bài dạy đảm bảo tính chính xác các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng. Bài dạy có tính hệ thống, rõ ràng, đúng trình tự, quy trình. Đủ nội dung cơ bản, nhấn mạnh đúng trọng tâm. Kết hợp đa dạng các phương pháp trực quan, đàm thoại, giảng giải, đọc kể diễn cảm, phương pháp trò chơi. Hình thức tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với nội dung bài học: lớp/tổ, nhóm/cá nhân. Tiến trình tiết dạy học, các hoạt động diễn ra tự nhiên, hiệu quả và phù hợp với đối tượng trẻ ở từng độ tuổi. Lời giảng mạch lạc, truyền cảm, chuẩn mực về sử dụng ngôn ngữ, tác phong.Quá trình tổ chức cho trẻ làm quen với truyện gồm 3 hoạt động: 1- Gây hứng thú; 2- Nội dung; 3- Kết thúc.

Vị trí của hoạt động Gây hứng thú và các bước thực hiện

            Mặc dù hoạt động Gây hứng thú chiếm khoảng thời gian rất nhỏ (từ 2- 3 phút) so với thời lượng của toàn bộ hoạt động, nhưng đây lại là hoạt động có vị trí quan trọng. Về phía giáo viên, hoạt động Gây hứng thú là điểm xuất phát, là nút nhấn quan trọng để kích hoạt dòng năng lượng bên trong của giáo viên nhằm thu hút trẻ yêu thích hoạt động. Nó còn thúc đẩy hoạt động diễn ra trôi chảy từ đầu đến cuối góp phần làm nên thành công của giáo viêntrong quá trình tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với truyện.

            Hoạt động  Gây hứng thú được thực hiện qua 4 bước sau:

            Bước 1: Tổ chức cho trẻ hát, vận động, chơi trò chơi

            Bước 2: Đàm thoại về bài hát, trò chơi vừa thực hiện

            Bước 3: Giáo dục trẻ (ngắn gọn) qua bài hát, trò chơi vừa thực hiện

            Bước 4: Giới thiệu bài mới

Hoạt động Gây hứng thú có thể tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức cho trẻ hát và vận động theo bài hát phù hợp với chủ đề, đề tài; trò chuyện về kinh nghiệm của trẻ liên quan đến chủ đề và đề tài; đóng kịch tình huống, sử dụng câu đố, trò chuyện về bức tranh có liên quan đến chủ đề và đề tài,…

 2.2. Video clip và nhóm Zalo học tập

            Videoclip là sản phẩm được tạo ra từ ứng dụng camera/video trên điện thoại thông minh hoặc máy chuyên dụng dùng để ghi lại âm thanh, hình ảnh phục vụ như cầu lưu giữ lại những sự kiện, bài giảng, bài hát, những khoảnh khắc của cuộc sống,... Trên điện thoại thông minh có thể sử dụng những phần mềm quay video clip đẹp như: Filmic Pro, ProCam, Hyperlapse, MuseMage,Camera FV-5 Lite,Viva Video,...

Nhóm zalo học tập là nhóm những người sử dụng ứng dụng zalo trên điện thoại hoặc máy tính dùng vào việc trao đổi, thảo luận, giao việc đặt lịch hẹn, nộp bài có thể thực hiện bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào ngoài giờ lên lớp. Bài giảng và học liệu sẽ được lưu trong kho Media đảm bảo mọi SV đều tiếp cận được.

            Tác dụng của nhóm zalo học tập:  Nhóm zalo học tập giúp tăng cường liên lạc, trao đổi giữa các thành viên giảng dạy và học tập, mở rộng giao lưu, nâng cao trình độ. Việc trao đổi, thảo luận, đặt lịch hẹn, nộp bài có thể thực hiện bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.  Nhóm zalo học tập ngoài mục đích sử dụng như một kênh truyền đạt kiến thức tiện lợi và hiệu quả còn là phương tiện để thực hiện việc rèn kĩ năng cho người học thông qua việc gửi kế hoạch bài giảng để GV nhận xét, đánh giá, gửi video clip để các thành viên trong nhóm xem, góp ý, rút kinh nghiệm về kĩ năng tổ chức hoạt động của người dạy.

2.3. Hướng dẫn sinh viên mầm non rèn kĩ năng tổ chức Gây hứng thú trong hoạt động cho trẻ làm quen với văn học bằng hình thức quay video và nhóm zalo học tập

2.3.1. Lập nhóm zalo học tập

Để phục vụ mục đích hướng dẫn học tập, trao đổi thông tin, giao việc, thực hành tổ chức hoạt động, gửi Video Clip sản phẩm, nhận xét, đánh giá, giảng viên lập nhóm zalo học tập với lớp giảng dạy: vào ứng dụng Zalo trên điện thoại hoặc máy tính/ nhấn mục tạo nhóm/ đặt tên nhóm, ví dụ: Nhóm học tập PPTCLQVH38A, Nhóm học tập PPTCCTLQVH 38B. GV mời lớp trưởng vào nhóm. Sau đó, lớp trưởng mời tất cả các bạn trong lớp vào nhóm học tập. Trong nhóm này, GV là người quản lí nhóm, có thể trao đổi, giao nhiệm vụ, nhận xét từng nhóm hoặc từng cá nhân và ngược lại, cá nhân SV gửi sản phẩm, trao đổi, đề xuất, thảo luận với SV trong lớp về các nội dung liên quan đến học phần.

2.3.2. Hướng dẫn sinh viên quay Video Clip và gửi vào nhóm zalo học tập

Sau khi lựa chọn chủ đề, đề tài, độ tuổi của trẻ, SV xây dựng kế hoạch giảng dạy. GV duyệt kế hoạch giảng dạy cho SV. Trước khi hướng dẫn SV quay video clip, GV gửi lên nhóm học tập 1 video clip chuẩn để các em tham khảo. Sau đó, GV hướng dẫn SV quay Video Clip như sau:

 Thời lượng : tối đa 3 phút (tùy đối tượng trẻ)

 a) Chuẩn bị trước khi quay Video

Thiết bị: điện thoại thông minh hoặc máy quay sạc đầy pin, lau sạch bụi bẩn, chuyển chế độ máy bay để không bị gián đoạn, kiểm tra dung lượng, thẻ nhớ, nên để trống ít nhất 3GB trở lên

Có thể sử dụng các ứng dụng quay Video đẹp trên điện thoại: Filmic Pro, ProCam, Viva Video, ...

 Trang phục của giáo viên và trẻ giả định/ trẻ ở cơ sở mầm non gọn gàng, phù hợp với thời tiết.

Các đồ dùng, đạo cụ cần thiết: xắc xô, mũ (nếu cần)

Cử người quay Video

b) Thực hiện quay video

 Cầm ngang điện thoại khi quay, chuyển chế độ máy bay để không bị gián đoạn, khi quay không trò chuyện, không rung tay, có thể sử dụng giá đỡ điện thoại khi quay để hạn chế điện thoại bị rung,  không thở mạnh vào điện thoại khi đang quay video.

c) Kiểm tra chất lượng video:

Sau khi quay xong, xem trước video có đạt yêu cầu hay không

Yêu cầu của Video sản phẩm:

Thời gian: từ 2-3 phút

Hình ảnh: đẹp, sáng rõ cả cô, cả trẻ, sắc nét, phù hợp với nội dung

Hiệu ứng hình ảnh: đẹp, mức độ chạy hình ảnh vừa phải (không chậm quá, không nhanh quá), âm thanh rõ nét, không bị pha tạp tiếng ồn.

Nếu video không đạt chất lượng, SV tiến hành quay lại

d) Xử lí video: có thể sử dụng ứng dụng chỉnh sửa Imovie từ Apple

e) Gửi Video vào nhóm zalo học tập

Yêu cầu ghi rõ họ tên, lớp, tên bài dạy, độ tuổi của trẻ.

2.3.3. Hướng dẫn nhận xét

            Tiêu chí đánh giá hoạt động Gây hứng thú

Nội dung

Tiêu chí

Điểm

tối đa

Điểm

đạt được

Chuẩn bị

(0,5 điểm)

- Có đủ phương tiện, đồ dùng đẹp mắt, phù hợp với yêu cầu của đề tài, sắp xếp hợp lí

0,5

 

Nội dung

(4,0 điểm)

- Xác định đúng yêu cầu trọng tâm của hoạt động

1,0

 

- Nội dung hấp dẫn, phù hợp với chủ đề, mục tiêu của đề tài, độ tuổi

1,0

 

- Kiến thức đảm bảo chính xác, hệ thống, khoa học

1,0

 

- Nội dung tích hợp hợp lí, hấp dẫn, sáng tạo

1,0

 

Phương pháp

(5,0 điểm)

- Sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp

1,0

 

- Phát huy tính tích cực hoạt động của trẻ.

0,5

 

- Có tác phong chững chạc, tự tin, có khả năng bao quát lớp

1,0

 

- Lời nói mạch lạc, truyền cảm, không nói ngọng, nói lắp

1,0

 

- Đảm bảo đúng thời gian quy định

0,5

 

- Hoạt động được tổ chức nhanh, vui, hấp dẫn, lôi cuốn trẻ

1,0

 

Phối hợp của các thành viên trong nhóm

(0,5 điểm)

- Có ý thức luyện tập, chuẩn bị tham gia hoạt động nhóm

- Hào hứng, tích cực, chủ động  tham gia hoạt  động

 

0,5

 

TỔNG

10,0

 

Tổng điểm:...........................  Xếp loại: ..........................

[Xếp loại: Xuất sắc (9-10 điểm) ; Giỏi (8,0- 8,9 điểm) Khá (7,0- 7,9 điểm); Trung bình ( 5,0-6,9 điểm, Yếu (3,5- 4,9 điểm), Kém (0-3,4 điểm))]

Ưu điểm :  …………………………………………………………………………………            …………………………………………………………………………………………….

Nhược điểm:……………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………

Phần nhận xét đánh giá, rút kinh nghiệm được thực hiện trong các giờ thực hành và trên nhóm zalo. SV dựa vào tiêu chí đánh giá hoạt động để chỉ rõ ưu điểm, nhược điểm trong phần tổ chức hoạt động của bạn: chuẩn bị, nội dung, phương pháp bằng cách viết trực tiếp trên nhóm, viết ra giấy chụp lại, nhận xét công khai hoặc nhận xét riêng cho bạn. GV đánh giá, chia sẻ về sản phẩm của SV. Tuy nhiên, phần đánh giá ưu, nhược điểm sẽ trên góc độ đối với sinh viên, những người đang học việc.

2.4. Hiệu quả của biện pháp

            Biện pháp Hướng dẫn sinh viên mầm non rèn kĩ năng tổ chức Gây hứng thú trong hoạt động cho trẻ làm quen với văn học bằng hình thức quay video và nhóm zalo học tập” được tôi áp dụng ở lớp CĐMN38Avà lớp CĐMN 38B, năm học 2020-2021. Đối chứng với lớp CĐMN K37D tôi giảng dạy năm 2019 không áp dụng biện pháp này, tôi nhận thấy hiệu quả của biện pháp trong việc rèn kĩ năng tổ chức Gây hứng thú trong hoạt động cho trẻ làm quen với truyện của SV ngành mầm non được gia tăng đáng kể:

            100% sinh viên có kĩ năng chuẩn bị đồ dùng, phương tiện phục vụ việc tổ chức hoạt động: lựa chọn bài hát, trò chơi phù hợp với chủ đề, đề tài

            100% sinh viên có kĩ năng tổ chức Gây hứng thú đạt hiệu quả. Cụ thể, các em thực hiện đúng quy trình 4 bước. SV có kĩ năng tổ chức cho trẻ hát, vận động, chơi trò chơi đảm bảo yêu cầu ngắn gọn, vui tươi, hấp dẫn, đúng chủ đề. SV được rèn kĩ năng đàm thoại với trẻ về trò chơi, bài hát,.. vừa vận động. SV có kĩ năng giáo dục trẻ thông qua trò chơi, bài hát vừa tổ chức. SV có kĩ năng gợi mở, đặt vấn đề để dẫn dắt vào bài mới một cách tự nhiên.

            SV được rèn luyện kĩ năng trò chuyện, giao tiếp với trẻ với tác phong chững chạc, tự tin. Ngôn ngữ giảng của SV mạch lạc, truyền cảm.

            Thông qua rèn kĩ năng tổ chức hoạt động, ý thức tự học, tích cực chủ động của SV thể hiện rõ rệt. Các em có ý thức cao trong việc thực hiện nhiệm vụ cá nhân và phối hợp làm việc trong nhóm để hoạt động diễn ra trôi chảy.

            Đặc biệt kĩ năng nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm của SV được phát triển. Kĩ năng này được cải thiện là do GV hướng dẫn cho SV gửi video clip công khai trên nhóm học tập, tính tương tác giữa GV và SV, giữa SV và SV được gia tăng.

             Sản phẩm của SV được lưu trữ trên Zalo thuận tiện trong việc SV xem lại, phân tích và rút kinh nghiệm cho bản thân. Đồng thời, SV được tham khảo các biện pháp, các hình thức tổ chức hoạt động phù hợp với mình. Nhiều video đạt chất lượng, được đánh giá cao, các bạn SV yêu thích.

Sản phẩm video thực hành rèn kĩ năng tổ chức hoạt động của SV giúp bản thân tôi tìm hiểu được năng lực, sở trường, những ưu điểm, hạn chế của các em trong quá trình tổ chức hoạt động. Từ đó, chúng tôi có những thay đổi về phương pháp giảng dạy, hướng dẫn cho phù hợp ở khóa SV hiện tại và có kế hoạch giảng dạy, hướng dẫn thực hành tốt hơn, chất lượng hơn cho SV các khóa sau.

            Như vậy, kết quả trên đây là minh chứng cho hiệu quả và tính khả thi của biện pháp, khẳng định sự cần thiết đổi mới phương pháp dạy học của người GV theo hướng phát triển năng lực, tăng cường hứng thú học tập, ý thức tự học, bồi dưỡng kĩ năng  nghề cho SV.

            Với hiệu quả của biện pháp nêu trên, tôi tin tưởng có thể sử dụng biện pháp Hướng dẫn sinh viên mầm non rèn kĩ năng tổ chức Gây hứng thú trong hoạt động cho trẻ làm quen với văn học bằng hình thức quay video và nhóm zalo học tập” trong các năm học tiếp theo. Đây là cơ sở để thực hiện biện pháp rèn kĩ năng cho những nội dung khác của học phần: kể chuyện, đọc thơ diễn cảm, đàm thoại về nội dung tác phầm thơ, truyện,

3. KẾT LUẬN

            Người GV cần thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực.Tăng cường thảo luận nhóm, tăng tương tác giữa GV và SV để thúc đẩy sự phát triển năng lực cho SV là ưu điểm của việc sử dụng zalo học tập. Biện pháp rèn kĩ năng tổ chức Gây hứng thú trong hoạt động cho trẻ làm quen với văn học qua hình thức quay Video clip kết hợp nhóm zalo học tập là biện pháp có hiệu quả trong việc rèn kĩ năng tổ chức hoạt động cho sinh viên mầm non. Biện pháp này có thể được vận dụng ở các khóa tiếp theo nhằm mục đích rèn kĩ năng nghề, tăng cường hứng thú học tập, ý thức tự học, kiểm tra hiệu quả tự học của SV.

           

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  [1]. Bộ GD&ĐT, Chương trình giáo dục mầm non, NXBGD, 2001.

  [2]. Lê Thu Hương (chủ biên), Hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục trong trường mầm non theo chủ đề (cho trẻ các độ tuổi),  NXBGD, 2013.

  [3]. Lê Thu Hương (chủ biên),  Tuyển chọn trò chơi, bài hát, thơ ca, truyện, câu đố theo chủ đề (các độ tuổi), NXBGD 2011

  [4].  Lã Thị Bắc Lý, Lê Thị Ánh Tuyết, Giáo trình Phương pháp cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học, NXBGD, 2009

  [5]. Đào Hoàng Mai- Trương Hồng Nga (chủ biên), Thiết kế các hoạt động có chủ đích, hoạt động góc và hoạt động ngoài trời, NXBGDVN, 2010

                                               

 


Nguồn:cdspbacninh.edu.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội