Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HÌNH THÀNH ĐỘNG CƠ TỰ HỌC TRONG DẠY HỌC CÁC HỌC PHẦN TÂM LÝ – GIÁO DỤC NHẰM PHÁT HUY NĂNG LỰC TỰ HỌC CHO SINH VIÊN  TRƯỜNG CĐSP BẮC NINH TS. Đào Lan Hương - Khoa LLCT

 

 

I. Đặt vấn đề

Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011- 2020 ban hành kèm theo Quyết định 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học”.  Và tại nghị quyết Trung ương V khóa 8 cũng nêu rõ: “Tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, tạo ra năng lực tự học, tự sáng tạo của học sinh, bảo đảm mọi điều kiện và thời gian tự học cho học sinh, phát triển mạnh mẽ phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân”. Như vậy, trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng được xu thế phát triển và yêu cầu nhân lực của xã hội thì việc đổi mới phương pháp dạy học phải song song với việc  làm thế nào để phát huy năng lực tự học (NLTH), tự sáng tạo ở người học.

Việc hình thành NLTH không phải chỉ ở giai đoạn cao đẳng, đại học mà là phải được hình thành trong suốt quá trình dạy học ở phổ thông cũng như dạy học đại học. Tuy nhiên, thực trạng giảng dạy tại trường trong những năm qua tôi nhận thấy: Sinh viên (SV) còn khá “thụ động’’ trong việc lĩnh hội kiến thức, còn có ý ỷ lại nhờ vào sự “may mắn” trong học tập, chưa có ý thức và phương pháp tự học, tự nghiên cứu hiệu quả. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này có thể là do:

Động cơ học tập của SV chưa rõ ràng

Các em còn quen với cách học cũ ở trường phổ thông;

Trong quá trình học giáo viên mới chỉ chú trọng đến dạy kiến thức mà chưa chú trọng nhiều đến vấn đề rèn luyện kỹ năng cho SV.

Do môi trường sống tự lập, không có gia đình ở bên cạnh nên các em dễ bị cuốn hút bởi những thứ mới lạ xung quanh mình (ví dụ chơi game, vui chơi cùng bạn bè, tình yêu nam nữ…) mà xao nhãng việc học tập

Từ thực trạng trên có thể thấy việc phát huy năng lực tự học ở sinh viên thông qua quá trình dạy học là một việc làm cấp bách và cần thiết.

II. Hình thành động cơ tự học nhằm phát huy năng lực tự học ở sinh viên

“Năng lực tự học được hiểu là một thuộc tính KN rất phức hợp. Nó bao gồm KN và kĩ xảo cần gắn bó với động cơ và thói quen tương ứng, làm cho người học có thể đáp ứng được những yêu cầu mà công việc đặt ra” [4] Năng lực TH là sự bao hàm cả cách học, KN học và nội dung học: “Năng lực tự học là sự tích hợp tổng thể cách học và KN tác động đến nội dung trong hàng loạt tình huống – vấn đề khác nhau” [5]. Như vậy có thể hiểu NLTH là những thuộc tính tâm lí mà nhờ đó chúng ta giải quyết được các vấn đề đặt ra một cách hiệu quả nhất, nhằm biến kiến thức của nhân loại thành sở hữu của riêng mình.

Hoạt động tự học cũng tương đồng như các hoạt động khác, được thúc đẩy bởi hệ thống động cơ học tập nói chung và động cơ tự học nói riêng. Động cơ được hiểu là động lực kích thích trực tiếp, là nguyên nhân trực tiếp của hành vi. Mọi hoạt động của con người đều là hoạt động có mục đích, được thúc đẩy bởi động cơ của hoạt động đó. Chính vì vậy, có thể hiểu động cơ tự học chính là động lực trực tiếp thúc đẩy người học tiến hành quá trình hoạt động để biến tri thức của nhân loại thành sở hữu của riêng mình.

Động cơ tự học cũng có nhiều cấp độ khác nhau, bắt đầu từ sự thỏa mãn nhu cầu phải hoàn thành nhiệm vụ tự học, tự khẳng định mình, mong muốn thành công trong nghề nghiệp tương lai… cho đến cấp độ cao hơn là thỏa mãn nhu cầu hiểu biết, khát vọng vươn tới chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức.

Động cơ TH không phải là cái có sẵn, không thể áp đặt từ bên ngoài mà phải dần được hình thành trong quá trình học tập và đi sâu chiếm lĩnh đối tượng học tập dưới sự tổ chức điều khiển của người thầy.

Các học phần tâm lý – giáo dục là những môn học được đưa vào giảng dạy cho sinh viên năm thứ 1 chuyên ngành giáo dục mầm non. Đây là những môn học mới so với những môn học mà các em được học tại trường phổ thông. Chính vì vậy, để giúp SV yêu thích môn học và có được năng lực tự học hiệu quả thì ngay từ lúc đầu trong quá trình giảng dạy bản thân GV phải giúp SV hình thành được động cơ tự học. Để làm được điều đó trong quá trình giảng dạy người GV phải hướng dẫn SV xác định mục đích tự học, tạo hứng thú tự học và hình thành ý chí tự học cho SV.

Hướng dẫn sinh viên xác định mục đích tự học

Để giúp SV xác định mục đích TH một cách rõ ràng và phù hợp với mong muốn của bản thân, chúng tôi hướng dẫn học sinh xác định quy trình TH gồm các bước sau:

Bước 1: Xác định mục đích và nhu cầu học tập. Trong nhiều mục đích học tập của HS, chúng ta có thể chia thành hai nhóm cơ bản đó là: mục đích xuất phát từ hứng thú nhận thức và mục đích xuất phát từ trách nhiệm trong học tập. Mục đích xuất phát hứng thú nhận thức được hình thành và đến với người học một cách rất tự nhiên khi bài học có nội dung hấp dẫn, mới lạ và thú vị, trong bài học chứa đựng nhiều yếu tố kích thích, gợi trí tò mò. Mục đích này sẽ xuất hiện thường xuyên khi GV tích cực tổ chức các hoạt động nhận thức hay, kích thích tính tự giác, tích cực từ người học.

Bước 2:  Lập kế hoạch học tập. Việc học và tự học chỉ thực sự có hiệu quả khi mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch học tập được xây dựng cụ thể, rõ ràng và có tính định hướng cao sao cho phù hợp với điều kiện cá nhân. Trong những buổi học thông qua bài giảng của mình GV có thể hướng dẫn SV cách lập kế hoạch học tập bằng cách vạch ra mục tiêu, nội dung, thời gian thực hiện các nội dung học tập một cách cụ thể.

Bước 3: Thực hiện kế hoạch học tập. Việc thực hiện kế hoạch học tập thường bao gồm các giai đoạn như sau:

+ Tiếp nhận và thu thập thông tin: giai đoạn này chính là nhằm tập hợp, thu thập những thông tin liên quan đến vấn đề mà SV cần tìm hiểu.

+ Xử lý thông tin: việc xử lý thông tin thu thập được trong quá trình tự học không bao giờ diễn ra trong vô thức mà cần có sự gia công xử lý thì những thông tin tìm kiếm được mới trở nên có giá trị và có thể sử dụng được.

+Trao đổi, chia sẻ thông tin: Hoạt động này giúp SV phát triển được các kĩ năng như: trình bày, giao tiếp, hợp tác nhóm… hơn thế đây chính là quá trình chính xác hóa kết quả tự học.

Để có thể thực hiện được bước này thì trong quá trình dạy học GV cũng cần hướng dẫn SV cách đọc sách và ghi chép có hiệu quả. Một trong những yếu điểm của SV hiện nay đó là không biết cách đọc sách và ghi chép tài liệu cho hiệu quả. Chính vì vậy, trong mỗi giờ giảng GV đều hướng dẫn SV làm thế nào để đọc sách và ghi chép tài liệu một cách hiệu quả bằng cách giao nhiệm vụ và kiểm tra nhiệm vụ thực hiện của SV:

Ví dụ: Yêu cầu SV đọc Chương 3: Quy luật phát triển tâm lý của trẻ em (Giáo trình sự phát triển tâm lý trẻ em lứa tuổi mầm non- Nguyễn Thị Ánh Tuyết 2008) từ đó trả lời yêu cầu sau:

Thế nào là sự phát triển

Những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý trẻ em?

Tìm những từ khóa thể hiện mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đó

Thông qua việc yêu cầu SV đọc sách và thực hiện nhiệm vụ, GV sẽ kiểm tra được năng lực đọc và tìm tài liệu của SV thông qua đó hướng dẫn SV thực hiện như thế nào cho hiệu quả nhất.

Bước 4:  Kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Tự kiểm tra đánh giá giúp cho chủ thể kịp thời phát hiện ưu điểm hay thiếu sót, hạn chế và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với mục tiêu đề ra. Việc tự đánh giá, điều chỉnh kết quả học tập được thực hiện bằng nhiều hình thức như: dùng các thang đo mức độ đáp ứng yêu cầu mà GV đề xuất, các bảng kiểm tự đánh giá, điều chỉnh, sự đánh giá nhận xét của tập thể, thông qua thảo luận, so sánh với mục tiêu đặt ra ban đầu.

Việc hướng dẫn SV hiểu về quy trình TH và xác định được mục đích TH được thực hiện ngay ở tiết học đầu tiên của môn học. GV cần giới thiệu cho SV hiểu rõ vị trí, ý nghĩa của môn học, tầm quan trọng của nó, nội dung cơ bản sẽ được nghiên cứu, yêu cầu phương pháp học tập môn học. Trong phương pháp học tập bộ môn GV cần nhấn mạnh vấn đề phát triển NLTH đối với người học. Từ đó giúp các em xác định được mục đích học tập nói chung, TH nói riêng. Từ đó GV hướng dẫn các em hiểu và lập quy trình tự học cho bản thân trong đó nêu rõ mục đích hay mục tiêu học tập, lập kế hoạch TH, thực hiện kế hoạch TH đã lập ra và sau đó tự kiểm tra đánh giá xem quá trình học tập của mình có đạt được so với mục đích ban đầu đặt ra hay không. Việc thực hiện quy trình TH này có thể thực hiện trong cả quá trình học tập, cũng có thể lập ra và thực hiện ngay trong một bài học.

Ví dụ khi học Chương 1: Những vấn đề chung của tâm lý học GV có thể hướng dẫn HS xác định quy trình  TH như sau:

Xác định mục đích và nhu cầu học tập

Lập kế hoạch TH

Thực hiện kế hoạch học tập

Tự kiểm tra đánh giá

- Xác định được TLH là một khoa học

- Phân tích được bản chất, chức năng, phân loại các hiện tượng tâm lí.

- Trình bày được hệ thống các phương pháp nghiên cứu tâm lí người

Đọc và tìm hiểu tài liệu học tập trang 1 đến trang 17,

Đọc các nguồn tài liệu tham khảo có liên quan

Khai thác thông tin, hình ảnh trên internet

- Tham khảo thầy cô, bạn bè

-Trình bày những nội dung mình đã tìm hiểu

- Trả lời các câu hỏi mà bạn bè, GV đưa ra

- Ghi chép nội dung cần lưu ý

 

Căn cứ vào tiêu chí đã xây dựng ban đầu

Căn cứ vào nhận xét của thầy cô, bạn bè

Tự điều chỉnh nội dung cho phù hợp

Tạo hứng thú tự học môn học cho SV:

Hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với một đối tượng nào đó vừa có ý nghĩa trong đời sống vừa có khả năng đem lại cho nó những khoái cảm[1]  Theo I.F.Kharalamop “hứng thú là nhu cầu nhuốm màu sắc xúc cảm đi trước giai đoạn gây động cơ và làm cho hoạt động của con người có tính hấp dẫn” [3]. Như vậy, hứng thú có vai trò to lớn trong hoạt động nhận thức. Nó làm tăng hiệu quả của quá trình nhận thức. Hứng thú làm nảy sinh khát vọng, lòng đam mê hoạt động và làm cho hoạt động mang tính chất sang tạo. Trong hoạt động học tập hứng thú có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập, từ đó thúc đẩy nhu cầu tự học để chiếm lĩnh tri thức ở người học. Theo đó trong suốt quá trình giảng dạy GV gây hứng thú học tập cho SV thông qua các biện pháp sau:

+ Sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học và kỹ thuật dạy học

+ Tạo nên những yếu tố hấp dẫn cho bài giảng bằng cách lồng ghép những mẩu truyện, đoạn thơ, tình huống ngoài thực tế. Điều này giúp cho việc học không căng thẳng, HS vừa được học vừa được chơi và được thưởng thức.

Ví dụ trong Chương 1, thay vì cho SV nghiên cứu thế nào là đối tượng, phương pháp, nhiệm vụ, giáo viên có thể kể cho SV nghe những câu chuyện tâm lý học thú vị (Chẳng hạn GV kể cho SV nghe câu chuyện về 2 em bé người sói Kamala và Amala), hoặc cùng sinh viên thảo luận về ý nghĩa của ngành tâm lý học đối với cuộc sống.

+ Phát huy sức mạnh lời nói của GV  thông qua những lời động viên, khích lệ người học kịp thời. Muốn khích lệ động viên, GV phải biết nhu cầu thực của SV, xem các em cần gì, muốn gì để kịp thời có tác động phù hợp giúp đỡ SV. Khi nhu cầu được thỏa mãn chắc hẳn các em sẽ tìm thấy sự say mê và có hứng thú trong việc học. Bên cạnh những lời động viên khích lệ thì thái độ đúng mực của GV với SV khi đánh giá, công bằng khi các em phát biểu và giải quyết vấn đề cũng làm cho hứng thú của SV phát triển bền vững và liên tục.

+ Ra các bài tập kích thích SV tìm tòi nghiên cứu. Những bài tập hay, có yếu tố thực tiễn và gần gũi sẽ là những tình huống có vấn đề thúc đẩy SV tìm tòi, hứng thú. Quá trình giải quyết vấn đề vừa có tác dụng thúc đẩy nhu cầu cần tìm hiểu của người học vừa khuyến khích SV mở rộng thêm kiến thức ngoài SGK, đây là một biện pháp rất hiệu quả trong việc phát triển NLTH cho SV.

Ví dụ: GV yêu cầu SV viết 1 bài báo để bàn về vấn đề: “Có nên cho trẻ học trước chương trình lớp 1”. Thông qua bài tập này, không những SV vừa phải tổng hợp kiến thức đã học vừa có cơ hội để đưa ra quan điểm chính kiến của mình.

 Hoặc GV có thể cho SV thảo luận trên lớp về vấn đề này bằng cách chia lớp thành 2 nhóm: nhóm 1: Đưa ra những luận điểm đồng ý việc dạy trước cho trẻ vào lớp 1; nhóm 2: đưa ra những luận điểm về việc không đồng ý dạy trẻ trước khi vào lớp 1. Việc tạo ra những tình huống có vấn đề ở trên lớp sẽ kích thích SV nêu ra quan điểm và chính kiến của mình. Tạo không khí học tập sôi nổi và hiệu quả. Từ đó tăng thêm lòng yêu thích môn học ở các em.

3. Hình thành ý chí tự học cho sinh viên:

Ý chí là mặt năng động của ý thức, biểu hiện ở năng lực thực hiện những hành động có mục đích, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, khắc phục khó khăn [6]. Ý chí được xem là mặt năng động của ý thức, mặt biểu hiện cụ thể của ý thức trong thực tiễn bởi vì ở đó con người tự giác được mục đích của hành động, đấu tranh động cơ, lựa chọn được các biện pháp vượt qua mọi trở ngại, khó khăn để thực hiện đến cùng mục đích đề ra.

Các phẩm chất cơ bản của ý chí đó là: Tính mục đích giúp SV có thể điều chỉnh hành vi hướng vào mục đích tự giác. Tính độc lập cho phép SV có khả năng quyết định và thực hiện hành động theo những quan điểm và niềm tin của mình, không bị chi phối bởi những tác động bên ngoài. Tính quyết đoán giúp người học có khả năng đưa ra những quyết định kịp thời, dứt khoát trên cơ sở tính toán, cân nhắc kĩ càng, chắc chắn. Tính bền bỉ thể hiện ở sự khắc phục những khó khăn trở ngại, khách quan và chủ quan để đạt được mục đích đã đề ra. Tính tự chủ là khả năng và thói quen kiểm tra hành vi để làm chủ bản thân, kìm hãm những hoạt động cho là không cần thiết hoặc có hại trong những trường hợp cụ thể.

Như vậy, những phẩm chất của ý chí đã nêu trên là rất quan trọng đối với việc phát triển NLTH cho SV cho nên việc hình thành ý chí TH cho SV là một trong những biện pháp cần thiết để tạo động cơ TH trong dạy học. GV cần hình thành cho SV niềm tin vào sức mạnh học tập của mình, rèn luyện cho SV tính kiên trì vượt khó khi thực hiện các nhiệm vụ học tập.

Ví dụ: Sau khi dạy học bài “Đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ 2-3 tuổi”” GV có thể yêu cầu SV: Tham quan thực tế tại một số trường mầm non trong khu vực hoặc quan sát trong khu vực sinh sống có những em nhỏ đang ở độ tuổi 2-3 tuổi. Quan sát, tiếp xúc với phụ huynh và trẻ để nắm được đặc điểm tâm lý của trẻ giai đoạn này. Tư vấn với phụ huynh các em nhỏ những phương pháp giáo dục nhằm giúp trẻ vượt qua giai đoạn ‘khủng hoảng tuổi lên ba’. Ghi chép lại quá trình quan sát và báo cáo kết quả tư vấn thực hành trong vòng 2 đến 3 tuần.

Như vậy, khi gặp một câu hỏi đòi hỏi cần vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống như vậy người học sẽ đứng trước một nhiệm vụ khó khăn. Để giải quyết nhiệm vụ này SV không những cần huy động kiến thức đã học để giải quyết bài học thực tế mà còn phải có được cho mình một số kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng quan sát. Thông qua hoạt động này GV sẽ rèn luyện được cho SV niềm tin vào những kiến thức mình đã tìm hiểu, rèn luyện được tính kiên trì bền bỉ vượt qua khó khăn. Kết quả đạt được sau 2-3 tuần thực hành sẽ giúp SV có được niềm tin vào nghề nghiệp và kiến thức mà mình có.

Tóm lại, hình thành năng lực tự học cho sinh viên là một vấn đề hết sức cấp thiết ở trường cao đẳng để làm nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Để hình thành được năng lực này ở người học đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố cốt lõi để hình thành được năng lực tự học cho sinh viên đó chính là hình thành ở các em động cơ tự học. Điều này đòi hỏi sự cố gắng đổi mới phương pháp và nghệ thuật dạy học của người thầy giáo và sự nỗ lực của người học sinh. Nếu làm được điều này chúng tôi tin rằng bản thân mỗi SV sẽ trang bị được cho mình năng lực tự học làm hành trang để chiếm lĩnh tri thức nhân loại.

Tài liệu tham khảo

1.Bùi Văn Huệ (1996) Tâm lý học, NXB đại học quốc gia Hà Nội

 2. Nguyễn Hiến Lê (1993), Tự học một nhu cầu của thời đại, NXB Mũi Cà mau.

3. I.F. Kharlanop (1978), Phát huy tính tích cực học tập của học sinh như thế nào, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội

4. Nguyễn Cảnh Toàn (CB) (2009), Tự học như thế nào cho tốt, NXB TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh

5. Nguyễn Cảnh Toàn (2002), Học và dạy cách học, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

6. Nguyễn Quang Uẩn (CB) (2008), Giáo trình tâm lý học đại cương, NXB Giáo dục

 

 

     


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội