Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo dục thể chất cho trẻ mầm non thông qua trò chơi dân gian - Giảng viên: Bùi Thị Thu Thủy - Đơn vị: Khoa Giáo dục Tiểu học – Mầm non

 

                                                                                       

1. Đặt vấn đề

Giáo dục thể chất là một trong các nhiệm vụ giáo dục toàn diện cho trẻ ở trường mầm non. Trong quá trình giáo dục thể chất cho trẻ, giáo viên sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như: phương pháp quan sát, phương pháp dùng lời, phương pháp thực hành. Các phương pháp thực hành mang những quy luật điều khiển chung hoặc riêng, thể hiện bằng sự thực hiện động tác dưới hình thức trò chơi, sử dụng các yếu tố thi đua. Xét về phương diện chức năng, trò chơi dân gian (TCDG) là một cách rèn luyện thân thể để trẻ mạnh khỏe hoạt bát vì bao giờ nó cũng đòi hỏi trẻ phải vận dụng tối đa thể lực từ đó giúp trẻ phát triển thể chất. Vậy giáo dục thể chất cho trẻ thông qua trò chơi dân gian như thế nào và yêu cầu khi lựa chọn các trò chơi dân gian để giáo dục thể chất cho trẻ ra sao?

 

2. Nội dung

2.1. Khái niệm, nội dung giáo dục thể chất

Khái niệm giáo dục thể chất

Xét từ góc độ giáo dục học, giáo dục thể chất là một quá trình sư phạm nhằm truyền thụ và lĩnh hội nhữn tri thức văn hóa thể chất của thế hệ trước cho thế hệ sau để giải quyết các nhiệm vụ giáo dục thể chất.[3]

Dưới tác động của quá trình giáo dục thể chất, cơ thể con người phát triển cân đối khỏe mạnh, được rèn luyện, có khả năng chống lại những ảnh hưởng xấu của môi trường.[3]

Nội dung giáo dục thể chất

          Nội dung giáo dục thể chất cho trẻ mầm non bao gồm:

- Trang bị cho trẻ những kiến thức sơ đẳng về vệ sinh, dinh dưỡng, phòng bệnh và rèn luyện thể dục như: vệ sinh cơ thể, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh; Những kiến thức về thể dục (các bài tập đội hình đội ngũ, bài tập phát triển chung, bài tập vận động cơ bản và trò chơi vận động); Lợi ích của việc ăn uống, giữ gìn vệ sinh và luyện tập thể dục.

- Giáo dục kĩ năng, kĩ xảo vận động và thói quen vệ sinh.

- Giáo dục thái độ đúng với việc rèn luyện thể chất và bảo vệ sức khỏe.

2.2. Khái niệm, đặc điểm của trò chơi dân gian Việt Nam

Khái niệm

Trò chơi dân gian (TCDG) trẻ em là một hoạt động văn hóa dân gian dành cho trẻ em được lưu truyền từ vùng này sang vùng khác, từ đời này sang đời khác nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí và giáo dục trẻ em một cách tinh tế, nhẹ nhàng. [4]

 Đặc điểm của trò chơi dân gian Việt Nam

- Trò chơi dân gian Việt Nam thường đơn giản, dễ chơi, dễ hòa nhập. Ở bất cứ nơi đâu, trong gia đình, trong lớp học hay ở thôn xóm đều có thể tổ chức được TCDG.

- Vật liệu để chơi TCDG đơn giản, dễ kiếm, dễ tìm như gỗ, sỏi, đất sét, rơm…

- Hầu hết TCDG đều gắn liền với những bài đồng dao, đó là những câu vè ngắn gọn, có nhịp điệu, âm thanh dễ thuộc, dễ nhớ giúp trẻ thực hiện trò chơi một cách tinh tế, nhẹ nhàng, thoải mái.

- TCDG là trò chơi được sáng tác dựa trên hiện thực cuộc sống lao động và sinh hoạt của con người song khó tìm ra được ai là tác giả của những trò chơi này.

2.3. Vai trò của trò chơi dân gian trong việc giáo dục thể chất cho trẻ mầm non

Trẻ em những năm đầu của cuộc sống còn rất non nớt, rất cần sự chăm sóc của mọi người, đó là sự chăm sóc không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần. Từ khi sinh ra đến 6 tuổi trẻ luôn thích hoạt động, vận động tích cực. Vận động là sự chuyển động của cơ thể con người, trong đó có sự tham gia của hệ xương, hệ cơ và sự điều khiển của hệ thần kinh. Khi trẻ vận động, gân, cơ, khớp cùng phối hợp vận động và phát triển. Vì vậy vận động có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển thể chất của trẻ. Trò chơi dân gian là phương tiện giáo dục thể chất cho trẻ một cách hiệu quả. Khi tham gia vào các trò chơi dân gian, trẻ được vận động thoải mái, thúc đẩy sự trao đổi chất, tăng cường hô hấp và tuần hoàn máu…góp phần tăng sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, khi chơi các trò chơi dân gian trẻ được rèn luyện sự khéo léo, nhịp nhàng, rèn luyện trí tuệ, sự nhanh trí, óc phán đoán, gợi xúc cảm thẩm mỹ, khả năng hoạt động nhóm, tập thể, sự gắn kết của tình bạn... và đặc biệt nó góp phần xây dựng nhân cách mang đậm văn hóa dân tộc Việt Nam cho trẻ ngay từ khi chúng còn nhỏ.

2.4. Hướng dẫn trò chơi dân gian cho trẻ mầm non

Yêu cầu khi hướng dẫn trò chơi dân gian

Lựa chọn TCDG: Kho tàng TCDG Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng nhưng không phải trò chơi nào cũng phù hợp với trẻ nhỏ. Vì thế giáo viên nên có sự cân nhắc lựa chọn cho trẻ các trò chơi có luật chơi và cách chơi đơn giản. Bên cạnh đó, trong trường mầm non lại có sự phân chia trẻ theo nhiều độ tuổi. Mỗi độ tuổi lại có mức độ nhận thức và khả năng ghi nhớ có chủ định khác nhau. Chính vì thế, các trò chơi cũng cần phải được lựa chọn cho phù hợp với từng độ tuổi. Với trẻ lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo bé (từ 2 đến 4 tuổi): khả năng ghi nhớ có chủ định còn thấp, nhận thức còn đơn giản. Vì vậy trẻ chỉ có thể chơi được các trò chơi đơn giản như: “Lộn cầu vồng”, “Chi chi chành chành”, “Tập tầm vông”, “Nu na nu nống”, ”Dung dăng dung dẻ”…Với trẻ mẫu giáo nhỡ và lớn ( từ 4 đến 6 tuổi ): khả năng ghi nhớ có chủ định và nhận thức của trẻ đã cao hơn rất nhiều so với lứa tuổi trước. Vì thế, trẻ có thể chơi được các trò chơi dài hơn và khó hơn như: “Thả đỉa ba ba”, “Ô ăn quan”, “Chuyền thẻ”, “Hát chuyền sỏi”, “Trốn tìm”, “Đếm sao”, “Kéo co”, “Rồng rắn lên mây”, “Chồng đống chồng đe”, “Trồng nụ trồng hoa”, “Ném còn”, “Cướp cờ” …

Lập kế hoạch tổ chức trò chơi dân gian để giáo dục thể chất cho trẻ mầm non

- Ghi tên trò chơi, lứa tuổi, số lượng trẻ.

- Xác định mục tiêu cần đạt

+ Kiến thức: Trẻ biết tên trò chơi, cách chơi, luật chơi. Trẻ hiểu nội dung của trò chơi và biết được bài học giáo dục thông qua trò chơi.

+ Kĩ năng: Phát triển, hoàn thiện các vận động cơ bản: đi, chạy, nhảy, leo, trèo, nắm, bắt và rèn luyện các tố chất thể lực: sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sự khéo léo. Phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

+Thái độ: Giáo dục trẻ biết tuân thủ luật chơi, chơi đoàn kết với bạn và biết hợp tác với bạn trong khi chơi.

- Chuẩn bị:

+ Mỗi trò chơi dân gian có một cách chơi và luật chơi khác nhau. Có những trò chơi vận động mang tính tập thể rất cao, thường có số lượng người tham gia chơi lớn và đòi hỏi địa điểm chơi phải có diện tích rộng như: “Kéo co”, “Rồng rắn lên mây”, “Thả đỉa ba ba”, “Trồng nụ trồng hoa”…Nhưng lại cũng có những trò chơi tĩnh, trẻ hay chơi theo các nhóm nhỏ như: “Chi chi chành chành”, “Tập tầm vông”, “Rải ranh”, “Chuyền thẻ”, “Ô ăn quan”… Chính vì vậy, giáo viên cần phải nắm vững cách chơi, luật chơi, đặc điểm của từng trò chơi để từ đó lựa chọn địa điểm cho phù hợp trước khi tổ chức cho trẻ chơi.

+ Khi chơi các trò chơi dân gian, trẻ không bao giờ chỉ thực hiện các vận động mà thường vừa chơi vừa hát hoặc đọc lời đồng dao nào đó. Các bài đồng dao đó khiến cho không khí chơi vui vẻ, nhộn nhịp hơn. Mặc dù không phải bài đồng dao nào cũng có ý nghĩa, song bài nào cũng phù hợp với tư duy hồn nhiên của trẻ. Ví dụ như: chơi ” Chi chi chành chành”, trẻ hát: “Chi chi chành chành – Cái đanh thổi lửa – Con ngựa chết trương – Tam vương ngũ đế…”. Câu hát dường như chẳng có mạch ý nào rõ ràng, nhưng thiếu nó thì trò chơi không thể tiến hành. Trò chơi chỉ có thể được tổ chức khi trẻ đã thuộc lời đồng dao. Chính vì vậy,giáo viên thường cho trẻ làm quen với lời đồng dao của các trò chơi dân gian trước khi hướng dẫn trẻ chơi vào các thời điểm trong ngày của trẻ như: hoạt động chiều, hoạt động ngoài trời…Khi trẻ đã thuộc lời đồng dao, giáo viên tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi tương ứng với lời đồng dao đó. Vì thế, trẻ chơi rất hứng thú và tích cực tham gia chơi.

+ Chuẩn bị đồ dùng đồ chơi của các trò chơi dân gian cũng vô cùng đa dạng và phong phú, mang tính đặc trưng và được thiết kế dựa vào cách chơi và luật chơi của từng trò chơi. Mỗi trò chơi dân gian có một hoặc nhiều loại đồ dùng đồ chơi tương ứng mà thiếu nó thì trò chơi không thể tiến hành được. Ví dụ như trò: “Chơi chuyền” đòi hỏi phải có 10 que chuyền và một đồ vật có dạng khối cầu như quả bóng, quả bưởi non…Trò chơi “Ném còn” không thể diễn ra nếu thiếu quả còn - đồ chơi truyền thống của trò chơi đó. Hay đơn giản như trò chơi “Bịt mắt bắt dê” cũng không thể được tổ chức nếu không có dải vải hoặc dải khăn bịt mắt…Chính vì vậy, trước khi tổ chức cho trẻ chơi một trò chơi dân gian nào đó, giáo viên cần tìm hiểu kỹ lưỡng về luật chơi, cách chơi cũng như việc có hay không có đồ dùng đồ chơi phục vụ cho trò chơi để từ đó có thể chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cần thiết cho trò chơi.

- Tiến trình thực hiện trò chơi: gồm 3 phần

Ổn định tổ chức, gây hứng thú:

+ Tập trung trẻ, gây hứng thú bằng các thủ thuật khác nhau.

+ Giới thiệu tên trò chơi, cách chơi, luật chơi.

Tiến hành chơi:

+ Phân vai (với những trò chơi có các vai) hoặc chia nhóm (nếu cần).

+ Với những trò chơi mới hoặc trò chơi khó giáo viên có thể chơi cùng với trẻ hoặc làm mẫu để trẻ biết cách chơi.

+ Tổ chức cho trẻ chơi, số lần phụ thuộc vào hứng thú của trẻ và số lượng trẻ.

+ Trong khi chơi giáo viên khuyến khích động viên, khen ngợi trẻ.

Kết thúc

+ Giáo viên nhận xét, đánh giá.

+ Giáo viên cùng trẻ thu dọn đồ dùng đồ chơi, rửa mặt, tay, chân sạch sẽ.

2.5. Một số trò chơi dân gian giúp phát triển thể chất cho trẻ mầm non

Trò chơi 1: “Ù à ù ập”  Độ tuổi: 3-10 tuổi

a. Mục tiêu: Rèn luyện thể lực cho trẻ, rèn luyện sự trung thực và giáo dục văn hóa

truyền thống cho trẻ thông qua việc học và thuộc lời bài đồng dao.

b. Chuẩn bị: Sân chơi bằng phẳng. Vẽ trên sân một vòng tròn có đường kính 0.5m và ở giữa có cắm một lá cờ làm chuẩn, gọi là cột đùng. Bài đồng dao:

 

              “Ù à ù ập

                Bắt chập lá tre

                Bắt đè lá muống

                Bắt cuống lên hoa

                Bắt gà mổ thóc

                Đi học cho thông

 

Cày đồng cho sớm

Nuôi lợn cho chăm

Nuôi tằm cho rỗi

Dệt cửi cho mau

Nuôi trâu cho mập

Ù à ù ập”

c. Cách tiến hành

- Cô giới thiệu tên trò chơi “Ù à ù ập”

- Cô hướng dẫn cách chơi: Cô giáo chọn một bạn làm “cái”, ngửa bàn tay ra cho các trẻ đặt ngón tay trỏ vào. Tất cả cùng đọc bài đồng dao. Đọc vừa hết bài thì “cái” nhanh tay nắm chặt lại. Nếu ai không nhanh, không rút tay ra kịp thì sẽ phải bịt mắt để mọi người đi trốn. Sau khi các bạn trốn xong thì trẻ này mới được mở mắt ra đi tìm. Lúc đó các bạn kia phải nhanh chóng chạy về phía cột chuẩn và đưa tay chạm vào cờ, đồng thời hô “ Xong”, thì người bắt sẽ không bắt được nữa. Ai bị bắt trước khi chạm vào cột chuẩn thì phải nhắm mắt thay bạn.

- Cô phổ biên luật chơi: Người đi tìm phải nhắm mắt thật kĩ, nếu không bắt được ai thì phải tiếp tục nhắm mắt để chơi lại.

- Tổ chức cho trẻ chơi: Cô giáo tổ chức cho trẻ chơi, số lần theo hứng thú của trẻ Trong khi trẻ chơi cô quan sát, khuyến khích động viên trẻ.

- Kết thúc: Cô giáo nhận xét, đánh giá, khen ngợi trẻ.

Trò chơi 2: “Kéo cưa lừa xẻ”  Độ tuổi: 3-6 tuổi

a. Mục tiêu: Giúp trẻ hiểu biết nghề nghiệp của người lớn: hoạt động cưa xẻ của các bác các chú thợ cưa. Rèn luyện sức mạnh của tứ chi và khả năng phối hợp vận động của trẻ.

b. Chuẩn bị: Địa điểm chơi bằng phẳng rộng rãi, đảm bảo vệ sinh. Bài đồng dao Kéo cưa lừa xẻ

Kéo cưa lừa xẻ

Ông thợ nào khỏe           Hoặc

Thì về cơm vua

Ông thợ nào thua

Về bú tí mẹ

Kéo cưa lừa xẻ

Làm ít ăn nhiều

Nằm đâu ngủ đấy

Nó lấy mất cưa

Lấy gì mà kéo

c. Cách tiến hành

- Cô giới thiệu tên trò chơi “Kéo cưa lừa xẻ”

- Cô hướng dẫn cách chơi: Cô giáo cho trẻ chơi theo nhóm 2 người. 2 trẻ ngồi đối diện nhau, bốn bàn tay đan vào nhau, bốn bàn chân dựng đứng, tì sát lòng bàn chân vào nhau và cùng đọc bài đồng dao. Vừa đọc bài đồng dao vừa đẩy qua đẩy lại trông như đang cưa một khúc gỗ. Mỗi lần hát một từ thì lại đẩy hoặc kéo về một lần. Hết bài hát thì nghỉ một chút rồi lại tiếp tục.

- Cô phổ biên luật chơi: Tay trẻ phải nắm vào nhau, chân tì sát không rời ra suốt cuộc chơi.

- Tổ chức cho trẻ chơi: Cô giáo tổ chức cho trẻ chơi, số lần theo hứng thú của trẻ Trong khi trẻ chơi cô quan sát, khuyến khích động viên trẻ.

- Kết thúc: Cô giáo nhận xét, đánh giá, khen ngợi trẻ.

Trò chơi 3:  “Đi tàu hỏa”. Độ tuổi: 3-6 tuổi

a. Mục tiêu: Tăng cường chức năng vận động của tay và chân. Giáo dục tinh thần đòn kết và giúp trẻ biết tuân thủ kỉ luật.

b. Chuẩn bị: Địa điểm rộng rãi, nhạc bài hát” Đi tàu lửa” hoặc bài đồng dao :Đi cầu đi quán”.

c. Cách tiến hành

- Cô nói tên trò chơi: “Đi tàu hỏa”.

- Cô hướng dẫn cách chơi: Một bạn dẫn đầu, những bạn chơi xếp thành hàng dọc phía sau người dẫn đầu. Cứ thế nối tiếp nhau, người sau để tay lên vai người trước làm tàu hỏa. Người dân đầu vừa chạy vừa hô lệnh “tàu lên dốc”, tất cả chạy chậm, bàn chân nhón lên, chạy bằng mũi bàn chân; “tàu xuống dốc”, tất cả chạy chậm  bằng gót bàn chân.

- Cô phổ biến luật chơi: Yêu càu các trẻ biết tuân thủ hiệu lệnh của người dẫn đầu.

- Cô tổ chức cho trẻ chơi: Cô cho trẻ chơi theo hứng thú của trẻ. Trong quá trình trẻ chơi cô quan sát, bao quát trẻ.

- Kết thúc: Cô cho trẻ tự nhận xét sau đó cô giáo nhận xét, tuyên dương khen ngợi trẻ.

Trò chơi 4: “ Xỉa cá mè”    Độ tuổi: 5-6 tuổi

a. Mục tiêu: Rèn luyện phản xạ nhanh nhạy của cơ thể

b. Chuẩn bị: Địa điểm chơi rộng rãi, sạch sẽ.

Bài đồng dao: “Xỉa cá mè”

“Xỉa cá mè

Đè cá chép

Chân nào đẹp

Thì đi rao men

Chân nào đen

Ở nhà làm chó, làm mèo”.

c. Cách tiến hành

- Cô giới thiệu tên trò chơi: “Xỉa cá mè”

- Cô hướng dẫn cách chơi: Trẻ ngồi thành mộ hàng ngang, chân duỗi thẳng. Chọn 1  trẻ làm “cái” (người điểu khiển trò chơi). Tất cả cùng đọc bài đồng dao “Xỉa cá mè”. Trong khi đọc bài đồng dao, “cái” lấy tay chỉ vào chân các trẻ. Nếu tiếng “đẹp” rơi vào ai người đó phải đứng lên và đi rao “Ai mua men thì ra mua!”. Tiếng “mèo” và tiếng “chó” rơi vào chân ai thì người đó phải vừa đi kiểu 4 chân vừa bắt chước tiếng kêu của mèo và tiếng kêu của chó.

- Cô phổ biến luật chơi: Các trẻ phải thuộc lời bài đồng dao. Trẻ làm “cái” phải chú ý dùng tay đập vào chân của từng người chơi trùng với mỗi tiếng của bài đồng dao, không được bỏ sót chân nào.

- Tổ chức chơi: Cô giáo tổ chức cho trẻ chơi theo hứng thú của trẻ. Trong khi trẻ chơi cô quan sát.

- Kết thúc: Cô giáo nhận xét, đánh giá.

Trò chơi 5: “Chồng đống chồng đe”        Độ tuổi: 5-6 tuổi

a. Mục tiêu: Phát triển vận động của tứ chi. Rèn phản ứng nhanh, sự khéo léo, bền bỉ. Phát triển kĩ năng đếm số thứ tự theo nhịp bài đồng dao.

b. Chuẩn bị: Địa điểm chơi ngoài trời rộng rãi bằng phẳng.

Bài đồng dao” Chồng đống chồng đe”

  “Chồng đống chồng đe

   Con chim lè lưỡi

   Nó chỉ người nào?

  Nó chỉ người này”.

c. Cách tiến hành

- Cô giới giới thiệu tên trò chơi: “Chồng đống chồng đe”

- Cô giáo hướng dẫn cách chơi: Mỗi nhóm chơi gồm 4-6 trẻ đứng thành vòng tròn, tay năm lại chồng lên nhau. Một trẻ đứng trong vòng tròn. Tất cả cùng đọc bài đồng dao. Tiếng cuối cùng “này” rơi vào tay ai thì người đó chạy đuổi bắt, những người khác nhanh chóng chạy tản ra xung quanh để trốn.

- Cô giáo phổ biến luật chơi: Phải thuộc lời bài đồng dao. Ai bị bắt thì phải chạy một vòng xung quanh sân.

- Tổ chức chơi: Cô giáo tổ chức cho trẻ chơi theo hứng thú của trẻ. Trong khi trẻ chơi cô quan sát.

- Kết thúc: Cô giáo nhận xét, đánh giá.

Trò chơi 6: “Con cóc là cậu ông trời”       Độ tuổi: 3-6 tuổi

a. Mục tiêu: Rèn luyện sự dẻo dai và sức mạnh của đôi chân. Giáo dục trẻ có ý thức bảo vệ những loài vật có ích.

b. Chuẩn bị: Dùng phấn kẻ ngang giới hạn trên sân, mỗi vạch cách nhau từ 10-14m. Địa điểm chơi ngoài trời rộng rãi, bằng phẳng.

Bài thơ: “Con cóc là cậu ông trời”

“Con cóc là cậu ông trời

Nếu ai đánh nó thì trời đánh cho

Hàng ngày để được ăn no

Cóc đi bắt bọ giúp cho con người

Vậy nên xin nhớ ai ơi

Bảo vệ con cóc thì đời ấm no”.

c. Cách tiến hành

- Cô giáo giới thiệu tên trò chơi: “Con cóc là cậu ông trời”

- Cô hướng dẫn cách chơi: Trẻ đứng thành hàng ngang sát vạch, cùng đồng thanh đọc bài thơ trên. Sau khi bài thơ kết thúc, tất cả trẻ sẽ cùng ngồi xổm xuống tay chống hông và bật nhảy bằng hai chân về phái vạch giới hạn bên kia. Ai nhảy đến vạch bên kia trước sẽ thắng.

- Cô phổ biến luật chơi:Chỉ được bắt đầu nhảy khi bài thơ kết thúc. Phải nhảy đúng tư thế:ngồi xổm, 2 tay chống hông, bật nhảy bằng 2 chân.

- Tổ chức chơi: Cô giáo tổ chức cho trẻ chơi theo hứng thú của trẻ. Trong khi trẻ chơi cô quan sát.

- Kết thúc: Cô giáo nhận xét, đánh giá.

3. Kết thúc

          Giáo dục thể chất cho trẻ thông qua hoạt động vui chơi không chỉ giúp trẻ thư giãn mà còn giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tâm hồn. Những trò chơi dân gian phù hợp với sự phát triển của lứa tuổi sẽ góp phần phát triển, hoàn thiện các vận động cơ bản: đi, chạy, nhảy, leo, trèo, nắm, bắt và rèn luyện các tố chất thể lực: sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sự khéo léo.

Tài liệu tham khảo

 [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Chương trình giáo dục mầm non, NXB Giáo dục, Hà Nội.

 [2] Nguyễn Thị Ngọc Bích (1981), Hướng dẫn tổ chức hoạt động vui chơi, NXB Giáo dục, Hà Nội.

[3] Đặng Hồng Phương (2014), Giáo trình Lí luận và phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB ĐHSP, Hà Nội.

[4] Nguyễn Ánh Tuyết (2005), Giáo dục học mầm non -  những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội