Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đọc, kể tác phẩm văn học trong hoạt động GDMN - Thạc sỹ: Vương Hồng Nhung - Khoa GDMN

 

  1. MỞ ĐẦU

Đọc, kể tác phẩm văn học là một loại hình nghệ thuật có từ xa xưa, khi loài người còn chưa có chữ viết, những sáng tác dân gian được thể hiện qua truyền miệng từ những người kể chuyện nổi tiếng trong dân gian. Nhiều thế hệ tiếp nhận được trong tuổi thơ ấu của mình những ấn tượng không bao giờ mờ phai từ những tác phẩm nghệ thuật dân gian để lại qua cách trình bày của những người kể chuyện có tài. Nhiều nhà văn qua kinh nghiệm bản thân đều nhận thấy sức tác động của ngôn ngữ được đọc lên theo lối nghệ thuật.

  1. NỘI DUNG

Trong thời đại chúng ta, nghệ thuật đọc tác phẩm văn học đã bám rễ chắc chắn trong cuộc sống nhờ có những phương tiện hòa nhạc, phát thanh, truyền hình, mạng internet.

 

Nghệ thuật đọc và kể chuyện văn học được sử dụng rộng rãi trong công tác giáo dục trẻ em. Người lớn và các nhà giáo dục phải nhìn thấy tác động to lớn của ngôn ngữ nghệ thuật đối với sự phát triển toàn diện của em nhỏ và phải chú ý tới những đặc trưng trong cách thụ cảm của các em trước tuổi đến trường.


Do trẻ mầm non chưa biết đọc nên tác phẩm văn học đến với các em qua giọng đọc, lời kể của người lớn. Trong chương trình giáo dục mầm non, phương pháp cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học chiếm một vị trí quan trọng. Việc cô giáo đọc, kể tác phẩm văn học không đơn giản chỉ là việc kể chuyện, đọc thơ cho trẻ nghe theo cách thông thường mà người lớn vẫn thường làm với con trẻ. Để trẻ có thể hiểu và rung cảm được với cái đẹp của tác phẩm văn học, nghệ thuật đọc, kể của giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhờ có cách trình bày tác phẩm một cách nghệ thuật, cô giáo giúp các em dễ dàng hiểu được nội dung, dễ đi vào tưởng tượng nghệ thuật, giúp các em nhìn thấy được các hình tượng, các khung cảnh, các tình tiết và biết đánh giá chúng đúng đắn. Bằng cách đó, các em cảm được nhạc tính trong ngôn ngữ thơ ca mạnh hơn, thụ cảm được tính diễn cảm của ngôn ngữ tinh tường hơn.

 

Giáo sư Phan Trọng Luận và Nguyễn Thanh Hùng quan niệm đọc, kể diễn cảm là: “Biết phối hợp lao động đọc của mình, biết phát huy ưu thế về chất giọng, biết khắc phục những nhược điểm về phát âm, độ cao thấp và sức vang ngân của ngôn ngữ và ngừng nghỉ trong ngắt nhịp để làm chủ giọng đọc và kĩ thuật đọc phù hợp với giọng điệu cảm xúc của nhà văn và nghĩa của văn bản... Bản thân người đọc phải thể hiện được mối quan hệ xúc cảm và sự hiểu biết của mình đối với tác phẩm. Đó chính là đọc sáng tạo”. Tác giả Hà Nguyễn Kim Giang thì cho rằng: “Đọc, kể diễn cảm là cách sử dụng giọng đọc có kèm theo cử chỉ, nét mặt để truyền đạt những ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm của tác giả gửi gắm trong tác phẩm và cả ý nghĩ, tâm trạng, thái độ, cảm xúc của người đọc đến với người nghe”. ngôn ngữ sống động có hình ảnh, tức là ngôn ngữ có âm thanh chứa đầy tư tưởng và tình cảm

 

Đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học là đọc, kể có nghệ thuật; là khi người đọc, kể sử dụng mọi sắc thái giọng đọc, kể của mình để trình bày văn bản nghệ thuật giúp người nghe có thể cảm nhận được những điều tác giả gửi gắm, khơi gợi những rung động, cảm xúc ở họ. Thông qua việc đọc, kể diễn cảm, người đọc, kể bộc lộ năng lực cảm thụ văn học của mình. Như vậy, đọc, kể diễn cảm cũng chính là một phương tiệngiáo dục đạo đức, thẩm mĩ, phát huy năng lực sáng tạocho cả người dạy và người học trong quá trình dạy học văn. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa đọc và kể: đọc là truyền đạt nguyên văn văn bản được in trong sách; kể là truyền đạt văn bản một cách tự do hơn, không nhất thiết phải đúng từng từ, từng chữ. Khi kể, người kể chỉ cần nắm chắc nội dung cơ bản, thậm chí có thể đơn giản hóa câu chuyện, rút gọn các tình tiết, thay đổi từ ngữcho phùhợp, hoặc vừa kể vừa kết hợp giải thích. So với đọc thì kể có sự giao lưu và tương tác với người nghe lớn hơn.

Năng lực đọc, kể nói chung được tạo nên bởi 4 kĩ năng bộ phận và là4 yêu cầu về chất lượng của “đọc, kể” gồm: đọc, kể đúng; đọc, kể lưu loát; đọc, kể có ý thức; đọc, kể diễn cảm. Như vậy, đọc, kể tác phẩm văn học là đọc, kể ở mức độ bình thường. Đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học là đọc, kể ở mức độ cao hơn (nghệ thuật) và bao hàm cả 4 kĩ năng, 4 yêu cầu của việc đọc, kể tác phẩm văn học. Rèn luyện kĩ năng đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học cho sinh viên là không thể bỏ qua bất cứ một yêu cầu nào mà bắt buộc giảng viên  phải thực hiện từng bước từ việc đọc, kể đúng; đến đọc, kể lưu loát; đọc kể có ý thức và đọc, kể diễn cảm. Đọc, kể diễn cảm thực chất là một hoạt động nghệ thuật, đòi hỏi người đọc phải nắm được các nguyên tắc cơ bản.Khi đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học, người đọc, kể cần chú ý đến các nguyên tắc cơ bản sau:

+ Hiểu rõ những vấn đề mình cần truyền đạt đến người nghe; Có sự đánh giá chính xác và sinh động đối với những vấn đề được nói đến trong tác phẩm văn học.

+ Đọc, kể tác phẩm với ý thức truyền đạt nội dung, tư tưởng sao cho người nghe cũng hiểu và đánh giá chúng một cách đúng đắn.

+ Cần thấy mình là một “nghệ sĩ sáng tạo”- một người trình bày nghệ thuật đọc, kể.

Như vậy, để có được năng lực đọc, kể diễn cảm, giảng viên cần nắm vững các nguyên tắc cơ bản trên để có những biện pháp rèn luyện nghệ thuật đọc, kể diễn cảm cho các đối tượng sinh viên của mình.

Trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Giáo dục Mầm non  của các trường sư phạm, nghệ thuật đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học rất được coi trọng. Rèn luyện kĩ năng đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học cho sinh viên Sư phạm mầm non là một quá trình lâu dài, liên tục và khoa học đòi hỏi các nhà sư phạm phải vững vàng về chuyên môn và có những biện pháp, phương pháp cụ thể, phù hợp với từng đối tượng

Ở tất cả các loại văn bản, kĩ năng đọc, kể diễn cảm phải đảm bảo được các yêu cầu: đọc ngắt, nghỉ đúng chỗ; đọc đúng kiểu câu; đọc đúng tốc độ; đọc đúng cường độ; đọc đúng cao độ. Để việc rèn luyện kĩ năng đọc, kể đạt hiệu quả cao, chúng tôi đề xuất một số yêu cầu cụ thể sau:

-Đối với giảng viên:

+ Chuẩn bị ngữ liệu: Giangr viên nghiên cứu Chương trình Giáo dục Mầm non hiện hành nói chung và môn Phương pháp cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học nói riêng, chuẩn bị nguồn ngữ liệu phong phú, gắn với thực tế dạy học ở trường mầm non.

+ Phân loại sinh viên: Giangr viên tiến hành khảo sát và phân loại sinh viên theo các nhóm, để tăng hiệu quả luyện tập, giảng viên có thể phân nhóm dựa theo năng lực đọc: đọc diễn cảm tốt; đọc lưu loát, bước đầu có diễn cảm; đọc đúng, chưa diễn cảm; đọc chậm, sai, ngọng.

+ Xây dựng kế hoạch dạy học: Trên cơ sở nắm vững chương trình tổng thể và mục tiêu, nội dung, phương pháp của bộ môn Phương pháp cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học, giảng viên xây dựng kế hoạch dạy học với mục tiêu rõ ràng, nội dung cụ thể

-Đối với sinh viên:

+ Lựa chọn tác phẩm: Trẻ ở độ tuổi mầm non có sự chuyển biến mạnh mẽ, phong phúvàsâu sắc về mặt thể chất cũng như tinh thần, quan hệcủa trẻvới những người xung quanh được mởrộng và phát triển ở nhiều phía. Trẻ khát khao sự trìu mến, thương yêu và biết quan tâm nhiều hơn đến những người thân xung quanh. Những tình cảm này có thể dễ dàng được trẻ gửi gắm vào vào những nhân vật trong các tác phẩm văn học. Nghệ thuật đọc, kể diễn cảm sẽ được bắt đầu ngay từ việc lựa chọn tác phẩm. Tác phẩm chính là một yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại trong việc thu hút trẻ vào hoạt động đọc, kể diễn cảm để cho trẻ bước đầu làm quen với tác phẩm. Trẻ mầm non có đặc điểm tâm lí rất riêng nên những tác phẩm thơ, truyện được chọn cũng cần có những tiêu chí riêng, như: nội dung đơn giản, ngắn gọn; thông điệp rõ ràng; ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu,nhiều màu sắc, âm thanh gần với thế giới trẻ thơ.

+ Tìm hiểu tác phẩm: Đọc, kể diễn cảm một tác phẩm phải được chuẩn bị kĩ.Việc chuẩn bị trước khi tổ chức một hoạt động dạy học không chỉ là thể hiện“cái tâm, cái tài” của người giáo viên mà còn là một công việc mang tính sáng tạo. Khi chuẩn bị đọc, kể diễn cảm, sinh viên cần phải nghiên cứu kĩ tác phẩm để có được những thông tin cơ bản như: tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời, cảm hứng, chủ đề, nội dung, nghệ thuật, tính cách nhân vật, phong cách ngôn ngữ, thể loại văn học và điều quan trong không thể thiếu được đó là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm... Đây chính là những cơ sở khoa học để sinh viên có thể lựa chọn và điều chỉnh giọng đọc của mình cho phù hợp giọng điệu của tác phẩm.

+ Nắm vững nội dung và nghệ thuật của tác phẩm: Khi đọc, kể diễn cảm, sinh viên phải nhớ từng từ, từng chi tiết trong văn bản, nghĩa là phải thuộc văn bản. Nếu lúc kể, đọc vẫn còn cố phải nhớ nội dung tác phẩm thì sự truyền cảm sẽ không thể có được, các thông điệp muốn gửi gắm đến người nghe sẽ mờ nhạt, lộn xộn. Người nghe sẽ khó lĩnh hội thông tin cơ bản chứ chưa nói đến việc cảm nhận hay rung động.Những tác phẩm viết cho trẻ em thường dễ nhớ nên sẽ không khó khăn nếu giảng viên lưu ý sinh viên chú trọng nhiệm vụ này. Khi người đọc, kể diễn cảm nắm vững nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, việc truyền đạt đúng từng chi tiết sẽ giữ được phong cách và tính trọn vẹn của toàn văn bản. Hoạt động này rất quan trọng, qua đó, sinh viên xác định đúng được những phương tiện diễn cảm phù hợp, tương ứng để trình bày có nghệ thuật tác phẩm văn học.

+ Các phương tiện hỗ trợ cho việc đọc, kể diễn cảm: băng đài, video, tranh ảnh “động”sẽ là những phương tiện hỗ trợ tốt cho sinh viên khi thực hiện đọc, kể diễn cảm.

III. KẾT LUẬN

Đọc, kể diễn cảm chỉ thành công khi người đọc hiểu, đồng cảm và rung động với những gì văn bản nghệ thuật đề cập. Để có thể thực hiện tốt hoạt động nghệ thuật này, người đọc, kể diễn cảm phải tập luyện nhiều để có được kĩ năng, kĩ xảo nhằm ngày một nâng cao hiệu quả của nghệ thuật đọc, kể diễn cảm trong giáo dục mầm non.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Thúy Hằng, Vương Hồng Nhung, Nguyễn Thị Thắng, Nguyễn Thị Thương, 2016, Tài liệu học tập một số học phần đào tạo giáo viên trình độ Cao đẳng, ngành Giáo dục Tiểu học, Văn học, Tiếng Việt thực hành, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

 2. Lã Thị Bắc Lý, 2013, Giáo trình Văn học trẻ em, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội.

  3. Nguyễn Bá Minh (chủ biên), Nguyễn Thị Hiếu, Nguyễn Thị Cẩm Bích, Vũ Thị Ngọc Minh, Nguyễn Thị Hào, 2020, Tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non – Hướng dẫn sử dụng bài hát, thơ, truyện trong các cơ sở giáo dục mầm non (Dành cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, (Tái bản lần thứ hai).

4. Thúy Quỳnh, Phương Thảo, 2015, Tuyển tập thơ ca, truyện kể, câu đố cho trẻ mầm non, theo chủ đề, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

5. Bộ GD&ĐT, 2021, Chương trình mầm non, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội