Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CẤU TRÚC HOẠT ĐỘNG CỦA DẠNG BÀI “ÔN TẬP, ÔN TẬP CHUNG” TRONG MÔN TOÁN LỚP 1 THEO CHƯƠNG TRÌNH GDPT MỚI 2018 - Th.s. Nguyễn Thị Thúy Vân - Khoa GD Tiểu học – Mầm non

                             

1. Đặt vấn đề

Ngày 26/12/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kí Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán. Năm học 2020 – 2021, các trường tiểu học trong cả nước đã thực hiện sử dụng một trong năm bộ sách giáo khoa mới: Bộ sách “Cánh Diều”, bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”, bộ sách “Chân trời sáng tạo”. Để nâng cao chất lượng giảng dạy cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học, trường CĐSP Bắc Ninh, nhằm giúp các em tiếp cận tốt hơn với những điểm mới đó, tôi xin đưa ra và phân tích cấu trúc hoạt động của dạng bài “Ôn tập; Ôn tập chung” trong sách giáo khoa “Cùng học để phát triển năng lực” môn Toán 1 nhằm giúp các em sinh viên – các giáo viên tương lai hiểu và vận dụng tốt vào thiết kế kế hoạch dạy học cho các bài học cụ thể.

2. Nội dung

2.1. Cấu trúc bài học trong sách giáo khoa Toán 1 mới

Chúng ta đã biết, cấu trúc các bài học trong sách giáo khoa cũ được bố trí theo chương. Mỗi chương là các bài học đan xen với các mạch kiến thức, cụ thể với sách giáo khoa Toán 1 cũ được bố trí thành 4 chương (4 phần):

Một là, Các số đến 10. Hình vuông, hình tròn, hình tam giác.

Hai là, phép cộng, phép trừ trong phạm vi 10.

Ba là, Các số trong phạm vi 100. Đo độ dài. Giải bài toán.

Bốn là, Phép cộng, phép trừ trong phạm vi 100. Đo thời gian.

Trong sách giáo khoa Toán 1 bộ sách “Cùng học để phát năng lực”, cấu trúc được chia thành 6 phần (3 phần cho mỗi học kì). Mỗi phần gồm 2 chủ đề. Cuối mỗi phần có bài ôn tập chung. Các chủ đề được đánh số bằng số tự nhiên nối tiếp từ 1 đến 12 như sau:

Tập một

Tập hai

Tiết học đầu tiên (1 tiết).

1. Các số đến 10 (8 tiết).

2. So sánh các số trong phạm vi 10 (5 tiết).

Ôn tập chung (2 tiết).

7. Hình phẳng (4 tiết).

8. Hình khối (3 tiết).

Ôn tập chung (1 tiết).

3. Cộng trong phạm vi 10 (11 tiết).

4. Trừ trong phạm vi 10 (8 tiết).

Ôn tập chung (2 tiết).

 

9. Các số đến 100 (9 tiết).

10. Cộng, trừ các số trong phạm vi 100

(12 tiết).

Ôn tập chung (2 tiết).

5. Các số đến 20 (4 tiết).

6. Cộng, trừ các số trong phạm vi 20 (4 tiết).

Ôn tập chung (2 tiết).

11. Độ dài (5 tiết).

12. Thời gian (4 tiết).

Ôn tập chung (2 tiết).

Ôn tập, kiểm tra đánh giá học kì 1 (5 tiết).

Hoạt động trải nghiệm (2 tiết).

Ôn tập, kiểm tra đánh giá cuối năm học

(6 tiết).

Hoạt động trải nghiệm (3 tiết).

 

Mỗi chủ đề gồm:

Trang mở đầu chủ đề nêu số thứ tự của chủ đề, tên chủ đề và một bức tranh sinh động thu hút HS tìm hiểu nội dung chủ đề đó.

Các bài học.

Bài ôn tập chủ đề được đánh số theo số thứ tự của chủ đề, nhằm cho HS nhớ và vận dụng hệ thống kiến thức, kĩ năng đã học trong chủ đề.

Trang cuối chủ đề thường là hoạt động trải nghiệm như Cùng chơi, Đố, Bạn có biết,… HS được vận dụng, tìm hiểu thêm những kiến thức liên quan đến nội dung, kĩ năng có được khi học chủ đề đó.

Như vậy, chúng ta thấy trong sách giáo khoa Toán 1 mới, các phần và các chủ đề được cấu trúc theo từng mạch kiến thức. Và với chương trình lớp 1 chỉ có 2 mạch kiến thức là: thứ nhất là mạch Số và các phép tính, thứ hai là mạch Hình học và đo lường.

Về cấu trúc một bài học: Nói chung, Toán 1 chủ yếu có hai dạng bài: Bài hình thành kiến thức mới (chiếm đa số); và dạng Bài ôn tập, ôn tập chung. Cấu trúc mỗi bài đều là cấu trúc hoạt động.

2.2. Cấu trúc hoạt động dạng bài “Ôn tập; Ôn tập chung” trong sách giáo khoa Toán 1 mới

Trong sách giáo khoa Toán 1 cũ, dạng bài luyện tập, luyện tập chung được bố trí đan xen trong tất cả các chương, các bài. Thông thường sau mỗi một bài học hình thành kiến thức mới là một bài luyện tập, có thể có cả luyện tập chung. Mục tiêu của bài luyện tập thường là củng cố kiến thức của bài học ngay trước đó.

Chẳng hạn, sau bài Bảng các số từ 1 đến 100, sách giáo khoa Toán 1 cũ, trang 145, ngay bài sau sẽ có 1 bài Luyện tập (trang 146) và một bài Luyện tập chung (trang 147).

Còn trong sách giáo khoa Toán 1 mới, bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, sau mỗi chủ đề có một bài “Ôn tập”, và sau mỗi một phần (gồm 2 chủ đề) sẽ có một bài “Ôn tập chung” cho cả phần học đó.

Bài Ôn tập của chủ đề sẽ có mục tiêu là ôn tập, củng cố lại toàn bộ các kiến thức đã học của chủ đề đó.

Ví dụ 1. Bài Ôn tập 9 của Chủ đề 9, sách Toán 1 bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”.

Mục tiêu và yêu cầu cần đạt của bài là:

+ Đếm, đọc viết các số trong phạm vi 100.

+ Xác định được số lượng của nhóm đồ vật bằng cahs xác định được nhóm đồ vật đó gồm bao nhiêu chục và bao nhiêu đồ vật.

+ Hiểu cấu tạo các số có hai chữ số. Xác định được giá trị của mỗi chữ số trong một số.

+  Thành thạo việc so sánh và sắp thứ tự các số trong phạm vi 100.

Với hoạt động một học sinh được thể hiện mức độ thành thạo về kĩ năng đếm (đếm theo chục rồi đếp tiếp đơn vị lẻ), viết số, đọc số, vận dụng so sánh để tìm số lớn nhất.  Hoạt động hai nhằm giúp học sinh thể hiện việc nhớ và hiểu về cấu tạo số có hai chữ số, các số có cách đọc đặc biệt. Hoạt động ba, bốn nhằm giúp học sinh thể hiện kĩ năng tìm số lớn nhất, số bé nhất và sắp thứ tự các số từ lớn đến bé hoặc từ bé đến lớn.

 

 

Còn bài Ôn tập chung của một phần sẽ có mục tiêu là ôn tập, củng cố lại toàn bộ các kiến thức đã học của cả hai chủ đề của phần học đó. Bài Ôn tập chung sẽ có phần nhắc lại các kiến thức trọng tâm đã học của cả hai chủ đề.

Ví dụ 2. Bài Ôn tập chung (Ôn tập phần E, Chủ đề 9 và Chủ đề 10) trong sách giáo khoa Toán 1 mới, bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”:

Các hoạt động nhằm cho học sinh ôn luyện về việc:

+ Đọc viết các số đến 100.

+ Xác định cấu tạo số: số chục, số đơn vị.

+ So sánh, sắp thứ tự các số trong phạm vi 100.

+ Cộng trừ không nhớ trong phạm vi 100.

+ Vận dụng phép tính cộng, trừ giải bài toán thực tế trong những tình huống đơn giản.

Cấu trúc của bài Ôn tập, Ôn tập chung:

Mỗi bài Ôn tập, Ôn tập chung gồm một số hoạt động luyện tập và vận dụng. Các hoạt động này thường được tích hợp những kiến thức, kĩ năng đã biết để giải quyết một vài vấn đề của bộ môn hoặc vấn đề thực tế liên quan đến chủ đề ôn, luyện. Đó là để học sinh vừa được ôn luyện hệ thống kiến thức, kĩ năng đã học vừa được thể hiện mức độ nhuần nhuyễn về các kiến thức kĩ năng đó.

Trên đây, tôi đã đưa ra và phân tích cấu trúc sách giáo khoa Toán 1 mới cũng như cấu trúc của dạng bài Ôn tập và Ôn tập chung. Qua đó, tôi mông góp một phần giúp các bạn sinh viên – những giáo viên tương lai tiếp cận tốt hơn với Chương trình GDPT mới 2018 nói chung và sách giáo khoa Toán 1 mới nói riêng.

Tài liệu tham khảo

[1] Bộ GD-ĐT (H.2006). Chương trình Giáo dục phổ thông cấp Tiểu học (Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

[2] Bộ GD-ĐT (H.2017). Chương trình Giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể.

[3] Bộ GD-ĐT (H.2018). Chương trình Giáo dục môn Toán (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

[4] Đinh Thế Lục (Tổng chủ biên) – Phan Doãn Thoại (Chủ biên) – Nguyễn Phương Anh – Nguyễn Thị My – Nguyễn Thị Bích Thuận (H.2020). Toán 1, tập 1, 2. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

[5] Đinh Thế Lục (Tổng chủ biên) – Phan Doãn Thoại (Chủ biên) – Nguyễn Phương Anh (H.2020). Toán 1, Sách giáo viên. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

 


Nguồn:cdspbacninh.edu.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội