Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Giao tiếp tích cực với trẻ và cha mẹ của trẻ" - Vấn đề sinh viên ngành GDMN cần quan tâm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường Sư phạm - Th.s. Nguyễn Thị Dư - Khoa GDTHMN-

 

I. Đặt vấn đề

        Đối với giáo dục mầm non việc hợp tác với cha mẹ trong chăm sóc và giáo dục trẻ có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Tạo sự liên kết và thống nhất giữa trường mầm non và gia đình về nội dung, hình thức, phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ. Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của trẻ về các mặt thể chất, nhận thức, tình cảm, thẩm mỹ, góp phần thực hiện tốt Chương trình Giáo dục Mầm non. Đồng thời làm cho cha mẹ của trẻ, cộng đồng hiểu biết về Giáo dục Mầm non, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

II.Nội dung

2.1. Một số khái niệm liên quan

Giao tiếp: Giao tiếp là quá trình tiếp xúc giữa con người với con người, thông qua đó con người trao đổi với nhau về thông tin, cảm xúc, ảnh hưởng qua lại với nhau… bằng các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ nhằm thực hiện những mục đích nhất định.

Tính tích cực giao tiếp: là một phẩm chất tâm lí cá nhân thể hiện ở nhu cầu giao tiếp, tính chủ động giao tiếp và sự hòa nhập vào các quan hệ của con người trong giao tiếp.

- Tính tích cực giao tiếp được đánh giá qua hai mặt:

+ Mặt bên trong: nhu cầu giao tiếp .

+ Mặt bên ngoài: sự chủ động giao tiếp và thích ứng, hòa nhập của chủ thể vào trong các quan hệ con người

Giao tiếp tích cực của GVMN: là quá trình chủ động tiếp xúc tâm lý, thông qua phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ cô và trẻ trao đổi với nhau về thông tin, cảm xúc, ảnh hưởng qua lại với nhau nhằm thỏa mãn nhu cầu giao tiếp và hướng tới sự đồng thuận mà cô và trẻ mong muốn để thực hiện những mục đích nhất định.

2.2. Những nội dung sinh viên cần quan tâm

          Với nôi dung này thông qua bài học “ Đánh giá Nghề giáo viên mầm non” tôi đã cho sinh viên chuẩn bị trước bài tâp ở nhà:

“ Qua tìm hiểu thực tế và kiến thức đã được nghiên cứu em hãy cho biết nội dung, hình thức và phương tiện giao tiếp với trẻ trong ngày ở trường mầm non? Em đã làm gì để  điều chỉnh giao tiếp giữa bản thân với trẻ và cha, mẹ của theo hướng tích cực hơn ”.

          Với hoạt động trên tôi đã tổng hợp được những nội dung mà các em sinh viên đã quan tâm để thực hiện tốt nhiệm vụ “ Giao tiếp tích cực với trẻ và cha, mẹ của trẻ” ở các thời điểm sau:

- Hoạt động đón trẻ và trả trẻ

- Hoạt động chơi – tập/ hoạt động học

- Hoạt động chơi ở các góc, chơi ngoài trời, chơi theo ý thích

- Hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân của trẻ

2.2.1. Giao tiếp trong hoạt động đón trẻ

  •  Nội dung giao tiếp với trẻ nhà trẻ:

 Dạy trẻ chào hỏi lễ phép, trò chuyện với trẻ về bản thân, về bạn, về gia đình của bé, dạy trẻ cách rửa tay, rửa mặt và vệ sinh cá nhân

Ví dụ: Hỏi trẻ về tên của mình, tên bố mẹ, về nhu cầu, sở thích, về các hoạt động, hành động trẻ thực hiện, tình cảm của trẻ với các bạn, với cô.

  • Nội dung giao tiếp với trẻ MG

           Giao tiếp theo chủ đề trong kế hoạch tuần/ tháng: dạy trẻ chào hỏi lễ phép, thể hiện cảm xúc phù hợp, trò chuyện về bản thân trẻ, sở thích, nhu cầu, khả năng của trẻ, cảm xúc, trò chuyện về gia đình trẻ, bạn của trẻ và những sự kiện diễn ra hàng ngày xung quanh trẻ, cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, tập luyện tăng cường sức khỏe, cách phòng bệnh, cách đảm bảo an toàn.

Ví dụ: Trò chuyện với trẻ về họ tên, đặc điểm bên ngoài, công việc hàng ngày, nghề nghiệp của các thành viên trong gia đình; sở thích, tình cảm của trẻ và của các thành viên trong gia đình…

  • Hình thức giao tiếpTrực tiếp
  • Phương tiện giao tiếp:

Sử dụng ngôn ngữ nói:  đón trẻ vào lớp, dạy trẻ khoanh tay và nói chào mẹ, chào cô và chào các bạn trong lớp, gợi ý để trẻ trò chuyện với nhau, nói với trẻ vào lớp chơi cùng cô và bạn, kết hợp sử dụng các tín hiệu phi ngôn ngữ tạo cho cơ thể và nét mặt luôn có được vẻ thân thiện, gần gũi, cở mở với trẻ, duy trì quá trình giao tiếp bằng mắt, cử chỉ điệu bộ cởi mở, vui tươi thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm, ôm ấp vỗ về khi trẻ khóc, trẻ buồn, sợ hãi.

Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ: Cử chỉ, gần gũi nhẹ nhàng tiếp xúc, làm quen với trẻ khi có bố, mẹ, sau đó dẫn trẻ vào lớp hoặc đưa tay đón và bế trẻ thể hiện sự âu yếm, vỗ về.

2.2.3.Giao tiếp trong hoạt động chơi - tập/ hoạt động học

Nội dung giao tiếp

Giúp trẻ giải quyết các khó khăn như trẻ chưa tập trung chú ý, chưa biết cách thực hiện nhiệm vụ học tập

Giúp trẻ thể hiện tự tin trong hoạt động học tập: Giúp trẻ lĩnh hội, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết, nhu cầu, tình cảm bằng lời nói, thái độ, hành động của mình với bạn, với cô.

Hướng dẫn trẻ thực hiện các hoạt động học, quan sát và điều chỉnh hoạt động của trẻ cho phù hợp, khơi gợi, kích thích tạo điều kiện để trẻ tham gia hoạt động học tích cực, chủ động hơn bằng hệ thống câu hởi, ngôn ngữ, hiệu lệnh, chỉ dẫn, hướng dẫn.

Nhận xét, đánh giá, cổ vũ, khuyến khích trẻ hoạt động

  • Hình thức giao tiếp: Trực tiếp
  • Phương tiện giao tiếp

Sử dụng ngôn ngữ nói: Giáo viên hướng dẫn trẻthực hiện hoạt động học thông qua việc sử dụng từ ngữ trong sáng, gần gũi, đặt các câu hỏi gợi mở, dễ hiểu lôi cuốn sự chú ý của trẻ vào nội dung học, khi trẻ trả lời đúng cô dùng lời nói tán thành, đồng ý để tỏ sự hài lòng, tôn trọng trẻ và ngược lại.

           Ví dụ:    Con nói rất đúng! Cô cảm ơn con;

                              Con còn hơi nhầm một chút, lần sau con cố gắng hơn nhé!.

 Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ: Khi trẻ nói hoặc trả lời câu hỏi của cô, cô nghiêng người về phía trẻ, gật đầu tán đồng ý kiến, nét mặt cởi mở, gần gũi, mỉm cười thân thiện, thể hiện sự kiên nhẫn lắng nghe trẻ nói, chú ý và hiểu được thông điệp không lời từ phía trẻ, ánh mắt nhìn về phía trẻ một cách thân thiện, biết phát ra tín hiệu tỏ rõ sự quan tâm đến điều trẻ nói, chờ đợi và tôn trọng trẻ, đón ánh mắt của trẻ một cách chủ động, làm chủ được bản thân khi giao tiếp.

2.2.4.Giao tiếp trong hoạt động ăn, ngủ của trẻ

  • Nội dung giao tiếp với trẻ nhà trẻ

Trong giờ ăn: nội dung giao tiếp chủ yếu của GVMN với trẻ là tạo bầu không khí vui vẻ, thoái mái, ấm cúng như ở gia đình hướng dẫn và đưa trẻ đi vệ sinh, rửa tay trước khi ăn. Trong khi ăn cô tạo không khí vui vẻ cô bón cho trẻ bé, trẻ lớn hơn cô tập cho trẻ tự xúc cơm ăn, dỗ dành, động viên trẻ ăn hết suất,  ăn xong cô lau miệng và vệ sinh cá nhân.

Trong giờ ngủ: GVMN ôm ấp vỗ về, âu yếm, vuốt ve trẻ hoặc có thể hát ru cho trẻ ngủ

  • Nội dung giao tiếp với trẻ mẫu giáo

Trong giờ ăn: nội dung giao tiếp chủ yếu của GVMN với trẻ là trước khi ăn hướng dẫn trẻ rửa tay, hỗ trợ cô kê bàn ghế, chuẩn bị khăn lau, bát, đĩa, thìa trước khi ăn. Cô dạy trẻ cách mời cô, mời bạn ăn cơm, động viên trẻ ăn hết xuất giới thiệuhoặc hỏi trẻ về món ăn, nói với trẻ về lợi ích của việc ăn rau xanh, động viên trẻ ăn hết xuất và khuyến khích trẻ ăn ngon miệng.

Trong giờ ngủ: GV tạo không khí ấm áp, yên tĩnh, an toàn cho trẻ, không quát mắng, dọa nạt…

  • Hình thức giao tiếp: Trực tiếp
  • Phương tiện giao tiếp: ngôn ngữ nói và phi ngôn ngữ

Cụ thể:

Khi trẻ ăn: Trong bữa ăn GV động viên trẻ ăn hết xuất, chỉ dẫn bằng lời nói cho trẻ hành động đúng tạo thói quen gọn gang, sạch sẽ; Trong bữa ăn không nói chuyện, không đùa cợt, không ném hay vứt thức ăn xuống nền nhà; Hướng dẫn trẻ cách cầm bát, cầm thìa xúc cơm ăn, dùng lời nói nhẹ nhàng động viên trẻ ăn hết xuất, không bỏ thừa đồ ăn.

Khi trẻ ngủ: Trẻ nhà trẻ cô dỗ dành, âu yếm, vuốt ve hát ru cho trẻ ngủ;Trẻ MG: Cô yêu cầu trẻ lớn nhẹ nhàng đi về chỗ ngủ, không dọa nạt, quát mắng trẻ. Khi trẻ ngủ dậy GV hướng dẫn trẻ đi vệ sinh, rửa mặt cho tỉnh táo, GV trò chuyện vui vẻ để trẻ tỉnh ngủ chuyển sang hoạt động khác.

2.2.5.Giao tiếp trong hoạt động chơi

Nội dung giao tiếp

 Giáo viên lựa chọn và hướng dẫn cho trẻ chơi trò chơi học tập, trò chơi vận động, trò chơi đóng vai theo chủ đề, nghe cô kể chuyện, cùng cô đọc thơ, hát các bài hát, tham gia các hoạt động tạo hình mà trẻ thích hoặc cho trẻ xem ti vi, xem máy chiếu, video, clip về KN sống…

Tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi ngoài trời khi đi dạo chơi: cho trẻ chơi tự do, chơi trò chơi dân gian, trò chơi vận động, chơi theo ý thích hoặc cho trẻ quan sát thiên nhiên.

Trò chuyện với trẻ về nhu cầu, sở thích, cảm xúc, hành vi, hành động chơi, mối quan hệ của trẻ trong khi chơi với cô, với bạn.

  • Hình thức giao tiếp:  trực tiếp
  • Phương tiện giao tiếp

Sử dụng ngôn ngữ nói:  Giúp trẻ giải quyết các khó khăn, xung đột trong quá trình chơi và giúp trẻ thực hiện đúng các hành vi xã hội trong quá trình chơi.

Ví dụ: Khi trẻ mách cô bị bạn tranh giành đồ chơi và trẻ tỏ thái độ tức giận thì cô cần lắng nghe và chấp nhận cảm xúc đó của trẻ đồng thời giải tỏa cơn tức giận cho trẻ. 

 Cô trò chuyện với trẻ để trẻ chia sẻ những gì trẻ quan sát và trải nghiệm được khi dạo chơi, hoạt động ngoài trời nhằm giúp trẻ phát triển tính chủ động, mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp.

 Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ: GVMN thể hiện gương mặt biểu cảm khi cùng chơi với trẻ, thái độ ân cần, chấp nhận cảm xúc của trẻ, giúp trẻ tháo bỏ tâm lý e ngại nhút nhát, sợ sệt, thể hiện sự quan tâm, đồng cảm

2.2.6.Giao tiếp trong hoạt động trả trẻ

Nội dung giao tiếp:

Trò chuyện về những gì trẻ đã trải qua trong 1 ngày ở lớp, nêu gương, nhắc nhở trẻ. Hướng dẫn trẻ làm vệ sinh cá nhân

Nhắc nhở trẻ cất đồ chơi, đi giầy, dép, chào cha, mẹ, tạm biệt cô giáo, các bạn trước khi ra về.

  • Hình thức: Trực tiếp
  • Phương tiện giao tiếp

 Sử dụng ngôn ngữ nói:  trò chuyện cùng với trẻ, khuyến khích nêu các gương tốt trong ngày tạo cho trẻ tâm trạng hào hứng, vui vẻ, có ấn tượng tốt với lớp, với cô giáo, với bạn bè để hôm sau trẻ thích đến trường, đến lớp học.

Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ: Khi cha, mẹ của trẻ đến đón trẻ, giáo viên sử dụng cử chỉ ân cần, nét mặt vui tươi giao tiếp với trẻ dạy trẻ đi giầy, dép, chào tạm biệt cô giáo, các bạn trước khi ra về.

III. Kết luận

     Ý nghĩa sâu sắc của việc phối hợp các lực lượng giáo dục đã được Bác Hồ chỉ ra từ lâu: " Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn ” ( Trích bài nói tại Hội nghị cán bộ Đảng trong ngành giáo dục tháng 6/ 1957). Với những nội dung nêu trên cũng không nằm ngoài mục đích đó, nhằm mong muốn các em sinh viên ngành GDMN cần hiểu rõ mục đích và tìm hiểu, quan tâm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Sư phạm để hình thành kỹ năng giao tiếp tích cực với trẻ và cha, mẹ của trẻ,thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc – giáo dục trẻ ở trường mầm non.

Tài liệu tham khảo:

  1. Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/4/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Chương trình Giáo dục mầm non.
  2. Th.s Nguyễn Thị Dư – Kỹ năng phối hợp của giáo viên mầm non với phụ huynh trong chăm sóc – giáo dục trẻ - Tạp chí giáo dục/ NXBGD 2017
  3. Chu Mạnh Nguyên - Giáo trình bồi dưỡng hiệu trưởng MN, NXB Hà Nội năm  2015
  4. Th.S Trần Thị Ái Liên – Bộ khóa học dành cho cha mẹ trẻ/ Học cùng chuyên gia
  5. Tài liệu Bồi dưỡng thường xuyên bậc học GDMN,2021

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội